Thánh Ngôn Hợp Tuyển I II Hợp Nhứt và Chú Thích
ID025478 - Thánh Ngôn : Thánh Ngôn Hợp Tuyển I II Hợp Nhứt và Chú Thích 🖶 Print this Thánh Ngôn
Tác Giả : Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (1940-2005) Bút hiệu Đức Nguyên

  • Lời Tường Trình

    Lời Tường Trình

    Quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I & II Hợp Nhứt & Chú Thích do Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng dày công sưu khảo và biên soạn, có thể nói đây là quyển sách đầu tiên đã hệ thống hóa và dẫn giải toàn bộ hai quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển q.1 & 2 của Hội Thánh đã ban hành trước năm 1975.

    Vì Hội Thánh do theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền của Ðức Chí Tôn thành lập đã bị quyền đời bức hiếp phải giải thể cho nên quyển Thánh Ngôn Hiệp Tuyển I & II Hợp Nhứt & Chú Thích và nhiều quyển sách khác của Ông vẫn chưa được Hội Thánh kiểm duyệt và phê chuẩn, để có một giá trị phổ quát cho toàn đạo lưu dùng. Dầu vậy, nhưng hầu hết đã được lưu hành rộng rải cả trong và ngoài nước để chư tín đồ góp ý và tham khảo.

  • 1. Ngọc Hoàng Thuợng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát

    1. Ngọc Hoàng Thuợng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát

    1. Noel 1925
    Ðêm 24-12-1925 (âl 9-11-Ất Sửu)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Muôn kiếp có ta nắm chủ quyền,
    Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
    Ðạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
    Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

    Ðêm nay, 24 Décembre, phải vui mầng vì là ngày của Ta xuống trần dạy Ðạo bên Thái Tây (Europe).

    Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy.

    Nhà nầy sẽ đầy ơn Ta. (Nhà của M. C...)

    Giờ ngày gần đến, đợi lịnh nơi Ta. Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.

    CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
    BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
    HẬU ÐỨC TẮC CƯ Thiên Ðịa cảnh,
    HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh.

    (Mười hai chữ lớn trong ba câu trên là tên của 12 người môn đệ trước hết của của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Còn ba chữ xiên lớn trong câu chót là tên của 3 vị hầu đàn).

    CHÚ THÍCH:

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương: Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế gọi là Ðấng Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát, dạy đạo tại nước Việt Nam.

    * Theo Ðạo Sử, Ðức Chí Tôn đến với nhóm xây bàn (gồm ba Ông: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang) vào hạ tuần tháng 7 năm Ất Sửu (1925) với danh xưng là A Ă Â. Khi dạy đạo cho ba ông thì Ðức Chí Tôn xưng là Thầy và gọi các ông là môn đệ. Vì lời cam kết nên ba ông không dám tìm hiểu Ðấng A Ă Â là ai, chỉ biết đó là một Ðấng có quyền uy rất lớn nơi cõi vô hình.

    Mãi đến đêm Noel, 24 rạng 25 tháng 12 năm 1925, Ðấng A Ă Â mới giáng cơ cho bài Thánh Ngôn trên, cho biết Ngài là Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế, nay gọi là Ðấng Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma Hát, giáng cơ dạy đạo ở nước Việt Nam.

    Décembre (tiếng Pháp): Tháng 12 dương lịch.

    Europe (tiếng Pháp): Châu Âu.

    Thái Tây: Thái là thịnh vượng. Thái Tây là các nước cường thịnh ở phương Tây, tức là các nước ở Châu Âu gồm: Anh, Pháp, Ý, Ðức, Hòa Lan, Bồ Ðào Nha, vv. . .

    M. C...: viết tắt Monsieur Cư: Ông Cư (Cao Quỳnh Cư). Nhà của Ông Cư lúc đó ở 134 đường Bourdais Sài Gòn.

    Ðêm 24 tháng 12 là đêm giáng sinh của Ðức Chúa Jésus Christ ở nước Do Thái. Ngài là con yêu quí của Ðấng Thượng Ðế, thay mặt Thượng Ðế giáng trần mở đạo Thiên Chúa ở nước Do Thái và truyền bá qua các nước Âu Châu.

    * Bài thi bốn câu có tên 12 môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn, theo ÐS.I.50 thì Ðức Chí Tôn giáng vào đêm mùng 8 rạng mùng 9 tháng Giêng năm Bính Dần (dl 21-2-1926) tại đàn cơ thiết lập nơi nhà Ông Vương Quan Kỳ, số 80 đường Lagrandière, Sài Gòn, nhân Lễ Vía Ðức Chí Tôn, Ngài Ngô Văn Chiêu chứng đàn, Ðức Chí Tôn cho bài thi "Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa". . . . . . Khi ấy Ngài Ngô Văn Chiêu xin Ðức Chí Tôn cho bài thi có tên các môn đệ đầu tiên làm kỷ niệm.

    12 môn đệ có tên trong bài thi kể ra sau đây:

    CHIÊU: Ngô Văn Chiêu.

    KỲ: Vương Quan Kỳ, đắc phong Thượng Giáo Sư.

    TRUNG: Lê Văn Trung, đắc phong Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt, sau thăng Quyền Giáo Tông.

    HOÀI: Nguyễn Văn Hoài, tức là ông Phán Hoài.

    BẢN: Ðoàn Văn Bản, đắc phong Thượng Giáo Sư.

    SANG: Cao Hoài Sang, đắc phong Thượng Sanh.

    QUÍ: Lý Trọng Quí.

    GIẢNG: Lê Văn Giảng, đắc phong Thượng Giáo Hữu.

    HẬU: Nguyễn Trung Hậu, đắc phong Bảo Pháp.

    ÐỨC: Trương Hữu Ðức, đắc phong Hiến Pháp.

    TẮC: Phạm Công Tắc, đắc phong Hộ Pháp.

    CƯ: Cao Quỳnh Cư, đắc phong Thượng Phẩm.

    Ngài Ngô Văn Chiêu tách khỏi nhóm Phổ độ của quí Ngài Lê Văn Trung và Phạm Công Tắc để chuyên bề tu đơn, sau đó Ngài Ngô về Cần Thơ lập Chi phái Chiếu Minh.

    Hai Ông Nguyễn Văn Hoài và Lý Trọng Quí theo Ngài Ngô Văn Chiêu tu trong phái Chiếu Minh, sau Ông Lý Trọng Quí (cũng có tên là Hồ Vinh Quí) lại tách riêng lập Chiếu Minh Ðàn Cần Thơ, có ra cuốn Kinh Tam Nguơn Giác Thế vào năm Tân Mùi (1931).

    Ông Vương Quan Kỳ tách khỏi Tòa Thánh Tây Ninh vào năm 1930, lập Chi phái Cầu Kho ở Sài Gòn.

    Bài thi bốn câu Hán văn có tên 12 môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn viết ra chữ Hán như sau:

    招旗忠度引懷生

    本道開創貴講成

    厚德則居天地境

    還明旻到守臺名

    GIẢI THÍCH:

    Câu 1: CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh:

    Bốn vị: Chiêu, Kỳ, Trung, Hoài có phận sự độ dẫn nhơn sanh, độ cả thai nhi còn trong bụng mẹ.

    Câu 2: BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành:

    Nền Ðạo do Ta (Ðức Chí Tôn) mở ra nhờ bốn vị: Bản, Sang, Quí, Giảng mà đặng thành tựu.

    Câu 3: HẬU ÐỨC TẮC CƯ Thiên Ðịa cảnh:

    Bốn vị: Hậu, Ðức, Tắc, Cư cùng ở nơi cõi gọi là Thiên Ðịa cảnh.

    Câu 4: HUỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh:

    Ba vị: Huờn, Minh, Mân đến giữ cái đài của Ta.

  • 2. Thủ cơ - Chấp bút

    2. Thủ cơ - Chấp bút

    2. Ngày 3-1-1926 (âl 19-11-Ất Sửu)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Thủ cơ - Chấp bút

    Thủ cơ hay là Chấp bút phải để cho thần, tâm tịnh mới xuất Chơn thần ra khỏi phách đặng hầu Thầy nghe dạy.

    Khi chấp thủ thì tay tuân theo Chơn thần nói lại mà viết ra, mường tượng như con đặt để, con hiểu đặng vậy.

    Chơn thần là gì ?

    Là nhị xác thân (périsprit), là xác thân thiêng liêng. Khi còn ở nơi xác phàm thì rất khó xuất riêng ra đặng, bị xác phàm kéo níu.

    Cái Chơn thần ấy của các Thánh, Tiên, Phật là huyền diệu vô cùng, bất tiêu bất diệt. Bậc chơn tu khi còn xác phàm nơi mình, như đắc đạo, có thể xuất ra trước buổi chết mà vân du Thiên ngoại. Cái Chơn thần ấy mới đặng phép đến trước mặt Thầy.

    Như chấp cơ mà mê thì Chơn thần ra trọn vẹn khỏi xác. Thầy mới dạy nó viết chữ chi đó, nó đồ theo, Thầy nói tên chữ, xác nó cầm cơ viết ra, người đọc trật chữ, nó nghe đặng, không chịu, Thầy buộc viết lại và rầy kẻ đọc trật ấy.

    Còn chấp bút, khi Thầy đến thì làm cho thần con bất định một lát, cho thần xuất ra nghe Thầy dạy, còn tay con tuân theo mà viết. Ấy là một phần của con, một phần của Thầy hiệp nhứt, mới thấu đáo Càn khôn, tinh thông vạn vật đặng.

    Trước khi thủ cơ hay là chấp bút, thì phải thay y phục cho sạch sẽ, trang hoàng, tắm gội cho tinh khiết, rồi mới đặng đến trước bửu điện mà hành sự, chớ nên thiếu sót mà thất lễ. Nếu chấp cơ thì phải để ý thanh bạch, không đặng tưởng đến việc phàm. Tay chấp cơ cũng phải xông hương khử trược, tịnh tâm một lát, rồi phải để tinh thần tinh tấn mà xuất ngoại xác, đến hầu dạy việc.

    Phải có một Chơn linh tinh tấn mới mầu nhiệm, huyền diệu, phải trường trai mới đặng linh hồn tinh tấn, phải tập tành chí Thánh, Tiên, Phật, mới phò cơ dạy đạo cả chúng sanh. Kẻ phò cơ, chấp bút cũng như tướng soái của Thầy để truyền đạo cho thiên hạ.

    Các con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường. Còn việc truyền thần lấy điển quang thì ai ai cũng có điển trong mình, nó tiếp điển ngoài rồi thần của nó viết ra, có khi trúng, có khi trật.

    Vậy khi nào chấp cơ thì phải đợi lịnh Thầy rồi sẽ thi hành.

    CHÚ THÍCH:

    Thủ: Tay, cầm bằng tay.

    Chấp: Cầm giữ.

    Thủ cơ đồng nghĩa với Chấp cơ, Phò cơ, Phò loan.

    Phách: Trong trường hợp nầy, Phách là thể xác.

    Thủ cơ cần hai vị đồng tử ngồi hai bên ngọc cơ, mỗi vị dùng hai bàn tay nâng ngọc cơ lên. Khi có một Ðấng giáng thì tay của đồng tử đẩy ngọc cơ chuyển động, đầu cơ viết ra chữ.

    Chấp bút thì chỉ cần một đồng tử, tay cầm viết đặt trên một tờ giấy trắng. Khi có một Ðấng thiêng liêng giáng thì tay cầm bút chuyển động và viết ra chữ trên giấy.

    Chấp thủ: Thủ cơ và Chấp bút.

    Nhị xác thân: Xác thân thứ nhì. Con người có Tam thể: Thể thứ nhứt là Xác thân phàm do cha mẹ phàm trần sanh ra và được nuôi dưỡng bằng vật chất phàm trần; Thể thứ nhì gọi là Nhị xác thân, là xác thân thiêng liêng hay Chơn thần, do Ðức Phật Mẫu dùng nguyên khí nơi Diêu Trì Cung tạo nên; Thể thứ ba là Chơn linh hay linh hồn, là điểm Linh quang do Ðức Chí Tôn ban cho. Chơn linh điều khiển Chơn thần, Chơn thần điều khiển xác phàm.

    Vân du Thiên ngoại: Vân du là đi chơi thong thả như đám mây bay. Thiên ngoại là ngoài bầu Trời, tức là những thế giới khác ở ngoài Ðịa cầu.

    Thần: Chơn thần. Tinh thông: Hiểu biết tường tận.

    Xông hương khử trược: Ðốt chất thơm như trầm hay nhang thơm để khói thơm bay lên tỏa ra xung quanh làm cho mất hết các mùi ô trược.

    Tịnh tâm: Giữ tâm cho trong sạch, tức là giữ tư tưởng cho trong sạch, không nghĩ việc quấy.

    Tinh tấn: Trong sạch và tiến hóa.

  • 3. Phải chung lo cho danh đạo Thầy

    3. Phải chung lo cho danh đạo Thầy

    3. Ðêm 20-2-1926 (âl 8-1-Bính Dần): Vía Ðức Chí Tôn.

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Nam phương

    Bửu tòa thơ thới trổ thêm hoa,
    Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà.
    Chung hiệp rán vun nền đạo đức,
    Bền lòng son sắt đến cùng Ta.
    Nguồn Tiên tầm Ðạo dễ gì đâu?
    Quyền phép Càn khôn một túi thâu.
    Thoát xác xưa tầng tu vạn kiếp,
    Ðộ hồn nay gội khắp năm châu.
    Tìm hiền lắm lúc gieo nguồn đạo,
    Cải dữ đòi phen cổi mạch sầu.
    Trần khổ dầu ai chơn muốn lánh,
    Ngày thành Chánh quả có bao lâu?

    Cái nhánh các con là nhánh chính mình Thầy làm chủ, sau các con sẽ hiểu.

    Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài, ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh đạo Thầy.

    Ðạo Thầy tức là các con, các con tức là Thầy. Phải làm cho nhau đặng thế lực, đừng ganh gổ nghe! Các con giữ phận làm tùy ý Thầy muốn, ngày kia sẽ rõ thấu ý muốn của Thầy.

    Vào vòng huynh đệ khá thương nhau,
    Một đức trổi hơn một phẩm cao.
    Quyết chí Thiên đường men bước tới,
    Phải nhiều máu thịt mới đồng bào.

    Các con phải hiểu rằng: Thầy là huyền diệu thế nào! Cách dạy, Thầy buộc tùy thông minh của mỗi đứa mà dạy. Dầu cho thầy phàm tục cũng phải vậy, nếu đứa dở mà dạy cao kỳ, nó biết đâu mà hiểu đặng.

    Thầy cấm không cho dị nghị việc người, nhứt là đạo hữu của các con thì đừng phạm đến kẻo tội nghiệp. Chi chi cũng phải nhớ quyết rằng có Thầy trong đó.

    Chẳng quản đồng tông mới một nhà,
    Cùng nhau một Ðạo tức một Cha.
    Nghĩa nhân đành gởi thân trăm tuổi,
    Dạy lẫn nhau cho đặng chữ hòa.

    Thầy dặn các con một điều, nhứt nhứt đều đợi lịnh Thầy, chẳng nên lấy tứ riêng mà phán đoán chi hết. Phận sự và trách nhiệm các con, Thầy đã định trước, song giờ ngày chưa đến, phải tuân lời Thầy nghe!

    Từ đây, Thầy khởi sự dạy Ðạo cho... .

    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

    Trên Bạch Ngọc Kinh có đủ Nam và Nữ, các con chớ lầm tưởng là phân biệt. Có các Ðấng Nữ Tiên, Nữ Phật còn lớn quyền hơn Nam nhiều.

    Tr. . . đã thọ mạng nơi Thầy, con đi đâu Thầy theo đó. Lời đạo đức trong miệng con nói ra, ấy là lời Thầy bố hóa tâm trí con đặng đi truyền đạo, tùy cơ mà dạy kẻ, một mình con đâu đủ sức phục người. Chẳng luận là Nam hay Nữ, bất kỳ là nước nào, nó muốn biết đạo lý, con phải độ, biểu chúng nó đến nghe Thầy dạy mới có thế nó tu hành đặng, trước con không nên buộc chúng nó lắm.

    Thầy nói một lần từ đây nhớ lấy: Dầu cho sắt đá cỏ cây, mà nghe đến Thánh Ngôn nơi Thầy do con nói ra cũng hoan nghinh, huống lựa là người. Con nhớ và an lòng.

    Ðã thấy ven mây lố mặt dương,
    Cùng nhau xúm xít dẫn lên đường.
    Ðạo cao phó có tay cao độ,
    Gần gũi sau ra vạn dặm trường.

    Thầy đã hằng ngày nói với con rằng: Muôn việc chi Thầy đã bố hóa vào lòng con, như con tính điều chi, tức Thầy đã định rồi. Con không cần nặng lòng lo lắng. Ðạo cốt để cho kẻ hữu duyên. Những kẻ nào đã làm môn đệ của Tà Thần Tinh Quái thì không thế gì làm môn đệ Thầy đặng.

    Lẽ Chánh tự nhiên có lẽ Tà.
    Chánh Tà hai lẽ đoán sao ra.
    Sao ra Tiên Phật người trần tục,
    Trần tục muốn thành phải đến Ta.

    Những kẻ đã hưởng hết phúc hậu từ mấy đời trước, nay lại còn phạm Thiên điều, thì tội tình ấy thế chi giải nổi. Mấy con biết luật hình thế gian còn chưa tư vị thay, huống là Thiên điều thì tránh sao cho lọt? Dầu các con như vậy thì Thầy cũng lấy oai linh ấy mà trừng trị chớ không tư vị bao giờ. Phải lo sợ tội tình cho lắm. Phải có sợ mới có giữ mình, biết sợ phải biết giữ mình. Phải hiểu rõ rằng: Thiên Ðịa vô tư, đừng ỷ là có Ðại Từ Phụ mà lờn oai, nghe các con!

    CHÚ THÍCH:

    Mấy nhánh: Ý nói Tam giáo, gồm Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo; hay tổng quát hơn, đó là Ngũ Chi Ðại đạo: Phật đạo, Tiên đạo, Thánh đạo, Thần đạo, Nhơn đạo.

    Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà: Ðây là tôn chỉ của Ðạo Cao Ðài: Tam giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt.

    Câu thơ: Cùng nhau một đạo tức một Cha:

    Các quyển TNHT in vào các năm: 1928, 1931, 1950, 1955, 1957, tức là trước năm 1962, đều in là một Cha.

    Các quyển TNHT in sau năm 1962 như: 1964, 1969, 1972, đều in là cùng Cha. Sửa chữ một thành chữ cùng để cho đúng niêm luật của bài thơ.

    Ðối với bực thi sĩ bình thường thì cần giữ niêm luật thơ, nhưng đối với bực thi bá, và trên nữa là Thi Tiên, Thi Phật, thì niêm luật thơ không còn là vấn đề quan trọng số một nữa, mà ý nghĩa của câu thơ mới là hàng đầu. Dùng chữ một Cha, tuy có thất niêm, nhưng mới thể hiện một cách rõ nét Triết lý Duy Nhứt: chỉ có một Ông Trời, một Thượng Ðế, một Cha Trời, không thể có hai Ông Trời, hai Thượng Ðế, hai Cha Trời.

    Tr. . .: Viết tắt của chữ Trung, tên của Ðức Quyền Giáo Tông (Lê Văn Trung).

    Bố hóa: Ban bố và giáo hóa.

    Thiên điều: Luật Trời. Thiên điều do chư Phật chư Tiên họp tại Ngọc Hư Cung lập thành để cai trị toàn thể Càn khôn Vũ trụ. Phạm Thiên điều là một trọng tội.

    Thiên Ðịa vô tư: Trời Ðất không có lòng riêng, tức là không tư vị ai hết, xử sự rất công bằng. Sách Nho cũng có viết rằng: "Thiên Ðịa vô tư, Thần minh thời sát, bất vị tế hưởng nhi giáng phúc, bất vị thất lễ nhi giáng họa." Nghĩa là: Trời Ðất không riêng, Thần minh thường xét, không vì hưởng cúng tế mà ban phước, không vì sự thất lễ mà giáng cho tai họa.

    Ðại Từ Phụ: Mỗi người nơi cõi phàm trần đều có xác thân phàm trần do cha mẹ phàm trần sanh ra và được nuôi dưỡng bằng các vật chất phàm trần; ngoài ra con người còn có Chơn thần do Ðức Phật Mẫu tạo ra, và linh hồn do Ðức Chí Tôn ban cho. Do đó, Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu là hai Ðấng Cha Mẹ chung thiêng liêng của toàn nhơn loại, nên gọi Ðức Chí Tôn là Ðại Từ Phụ và Ðức Phật Mẫu là Ðại Từ Mẫu.

  • 4. Một điểm quang minh là một hồn người

    4. Một điểm quang minh là một hồn người

    4. Ngày 23-2-1926 (âl 11-1-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Dạy trẻ con toan trước dạy mình,
    Cái công giáo hóa cũng đồng sinh.
    Ðạo đời tua biết rằng đời trọng,
    Một điểm quang minh một điểm linh.
    Thi hứa giáo tập.

    Nghĩa là: Sắp nhỏ của con dạy, sau cũng nên người ở đời. Ấy là đời. Nếu biết trọng đời thì gắng dạy nó nên hiền.

    Một điểm quang minh là một hồn người, là vật tối linh của Thầy trân trọng. Nếu con muốn làm lành thì gắng dạy mấy hồn ấy đặng hiền. (Lời giải 2 câu thi sau)

    CHÚ THÍCH:

    Tua: Phải, ý buộc. (Từ ngữ xưa, ngày nay ít dùng).

    Một điểm quang minh một điểm linh: Ðó là điểm Linh quang mà Ðức Chí Tôn chiết ra từ khối Ðại Linh quang của Ngài ban cho mỗi người làm linh hồn, để gìn giữ sự sống và để điều khiển chơn thần và thể xác.

    Thi hứa giáo tập: Ðức Chí Tôn ban thơ văn để dạy học. Thi là thơ văn, hứa là thuận cho, giáo tập là dạy cho học tập.

  • 5. Lạy là gì?

    5. Lạy là gì?

    5. Ngày 25-2-1926 (âl 13-1-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    I. Trung! Vô giữa bái lễ cho Thầy coi.

    Con làm lễ trúng, song mỗi gật con nhớ niệm Câu Chú của Thầy: NAM MÔ CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.

    Ðại Lễ là làm lễ ba lần:

    - Lần đầu dâng hương và hoa,
    - Lần giữa dâng rượu,
    - Lần chót dâng trà.

    Phải chính mình con dâng các lễ ấy.

    Khi bái lễ, hai tay con chấp lại, song phải để tay trái ấn Tý, tay mặt ngửa ra nằm dưới, tay trái chụp lên trên.

    Từ đây (25-2-1926, 13 tháng Giêng năm Bính Dần), con phải may riêng bộ áo lễ tay rộng, cổ trịch như áo đạo, nhưng dải gài chín mối, màu xanh da trời. Con nhớ mang giày gai đặng hầu Thầy, còn nhứt nhứt đều để chơn không hết.

    II. Lạy là gì? Là tỏ ra bề ngoài lễ kỉnh trong lòng.

    Chấp hai tay lạy là tại sao? Tả là nhựt, hữu là nguyệt, vị chi âm dương. Âm dương hiệp nhứt phát khởi Càn khôn, sanh sanh hóa hóa, tức là Ðạo.

    Lạy kẻ sống 2 lạy là tại sao? Là nguồn cội của nhơn sanh lưỡng hiệp âm dương mà ra. Ấy là Ðạo.

    Vong phàm lạy 4 lạy là tại sao? Là vì hai lạy của phần người, còn một lạy Thiên, một lạy Ðịa.

    Lạy Thần, lạy Thánh 3 lạy là tại sao? Là lạy Ðấng vào hàng thứ ba của Trời và cũng chỉ rằng lạy Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt. Ấy là Ðạo.

    Lạy Tiên, lạy Phật 9 lạy là tại sao? Là tại chín Ðấng Cửu Thiên Khai Hóa.

    Còn lạy Thầy 12 lạy là tại sao?

    Các con không hiểu đâu.

    Thập nhị Khai Thiên là Thầy, chúa cả Càn khôn Thế giới, nắm trọn Thập nhị Thời Thần vào tay. Số 12 là số riêng của Thầy.

    III. Chưa phải hồi các con biết đặng tại sao vẽ Thánh Tượng Con Mắt mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh:

    Nhãn thị chủ tâm,
    Lưỡng quang chủ tể,
    Quang thị Thần,
    Thần thị Thiên,
    Thiên giả Ngã dã.

    THẦN là khiếm khuyết của cơ mầu nhiệm từ ngày Ðạo bị bế. Lập Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy, duy Thầy cho THẦN hiệp TINH, KHÍ đặng hiệp đủ Tam Bửu là cơ mầu nhiệm siêu phàm nhập Thánh.

    Các con nhớ nói vì cớ nào thờ Con Mắt Thầy cho chư Ðạo hữu nghe.

    Phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, từ ngày Ðạo bị bế, thì luật lệ hỡi còn nguyên, luyện pháp chẳng đổi, song Thiên đình mỗi phen đánh tản THẦN không cho hiệp cùng TINH, KHÍ.

    Thầy đến đặng huờn nguyên Chơn thần cho các con đắc đạo. Con hiểu "Thần cư tại Nhãn". Bố trí cho chư Ðạo hữu con hiểu rõ. Nguồn cội Tiên Phật do yếu nhiệm là tại đó.

    Thầy khuyên con mỗi phen nói Ðạo, hằng nhớ đến danh Thầy.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có ba phần rõ rệt:

    Phần I: Ðức Chí Tôn dạy Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt bái lễ và dạy may Ðạo phục Thượng Ðầu Sư.

    Phần II: Ðức Chí Tôn dạy về năm cách lạy.

    Phần III: Ðức Chí Tôn dạy về ý nghĩa thờ Thiên Nhãn.

    I. Phần I có chép trong ÐS.I.104, đề ngày Thứ sáu, 25-2-1926, tại nhà của Ðức Cao Thượng Phẩm số 134 đường Bourdais, Phò loan: Hộ Pháp - Thượng Phẩm.

    Câu Chú: là câu niệm huyền bí của một Ðấng thiêng liêng đặt ra để hộ trì các môn đệ trên bước đường tu hành.

    Câu Chú của Thầy có 12 chữ bao gồm Tam giáo:

    - Cao Ðài: tượng trưng Nho giáo.
    - Tiên Ông: tượng trưng Lão giáo hay Tiên giáo.
    - Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát: tượng trưng Phật giáo.

    Ngày nay Ðức Chí Tôn dùng Câu Chú nầy có mục đích Qui nguyên Tam giáo, tức là đem Tam giáo (Nho, Phật, Lão) về một gốc, gốc đó là Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

    Ðức Chí Tôn dặn Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt: "Còn đồ sắc phục của con duy để làm lễ Thầy mà thôi. Nếu con bận nó đến nơi nào thì chư Thần Thánh Tiên Phật đều phải tránh hết."

    II. Ðức Chí Tôn dạy năm cách lạy:

    1) Lạy người sống: 2 lạy đứng, tức là một lạy Dương, một lạy Âm. Lạy đứng là đứng lên rồi lạy xuống, rồi đứng lên và lạy xuống, hai lần là hai lạy.

    2) Lạy vong phàm: Vong phàm là người thường chết. Lạy vong phàm 4 lạy gồm hai lạy quì và hai lạy đứng. Hai lạy quì là một lạy kỉnh Thiên, một lạy kỉnh Ðịa. Hai lạy đứng là về phần người: một lạy Dương, một lạy Âm.

    3) Lạy Thần, lạy Thánh: 3 lạy quì.

    4) Lạy Tiên, lạy Phật: 9 lạy quì. Cách lạy: Quì lạy ba lạy, mỗi lạy gật đầu ba gật, tổng cộng chín gật thế cho chín lạy. Mỗi gật niệm danh hiệu của vị Tiên hay vị Phật đó.

    5) Lạy Ðức Chí Tôn: 12 lạy quì. Cách lạy: Quì lạy ba lạy, mỗi lạy bốn gật, tổng cộng là mưới hai gật thế cho mười hai lạy, mỗi gật niệm Câu Chú của Thầy.

    Trong năm cách lạy nầy, hai bàn tay đều bắt Ấn Tý.

    Ấn Tý là ấn đặc biệt của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

    * Thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ mở Ðạo Tiên, dạy cách lạy hai bàn tay chấp nắm co lại, nhìn vào giống như cái hoa còn búp.

    * Thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Phật Thích Ca mở Ðạo Phật, dạy cách lạy hai bàn tay xòe thẳng ra rồi úp lại, khi lạy xuống, hai bàn tay mở ra để ngửa, như cái hoa nở.

    * Nay đến thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài, dạy chấp hai tay bắt Ấn Tý, giống như trái cây có cái hột bên trong, tức là kết quả, khi lạy xuống thì hai bàn tay xòe ra và úp xuống, hai ngón cái gác tréo nhau, tượng trưng việc gieo hột giống xuống đất.

    Như vậy, Tam Kỳ Phổ Ðộ là thời kỳ chót trong một chu trình: Trổ hoa và hoa còn búp, kế đó là hoa nở, rồi hoa kết thành trái và lấy hột gieo xuống đất, để sau đó cây mọc lên và tạo một chu trình kế tiếp tiến hóa hơn.

    Chín Ðấng Cửu Thiên Khai Hóa: Chín Ðấng Tiên Phật mở ra chín từng Trời và giúp sự tiến hóa trong chín từng Trời ấy. Cửu Thiên hay Cửu Trùng Thiên là chín từng Trời.

    Thập nhị Khai Thiên: Mười hai Ðấng Tiên Phật mở ra 12 từng Trời. Các Ðấng nầy do Ðức Chí Tôn hóa thân ra.

    Mười hai từng Trời nầy chia ra hai phần:

    - Bên dưới là 9 từng Trời gọi là Cửu Trùng Thiên.
    - Bên trên là 3 từng Trời gồm: Hư Vô Thiên, Hội Nguơn Thiên, Hỗn Nguơn Thiên.

    Thập nhị Thời Thần: 12 vị Thần cai quản 12 khoảng thời gian. Ðức Chí Tôn chia chu trình sáng tạo và tiến hóa của CKVT và vạn vật làm 12 khoảng thời gian, đặt tên theo Thập nhị Ðịa Chi (12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mẹo,...). Cho nên nói: Thiên khai ư Tý, Ðịa tịch ư Sửu, Nhân sanh ư Dần. Khoảng thời gian đầu là Tý, Ðức Chí Tôn mở các cõi Trời.

    Khoảng thời gian tiếp theo gọi là Sửu, Ðức Chí Tôn mở các cõi Ðất. Thời gian tiếp theo nữa gọi là Dần, Ðức Chí Tôn sanh ra vạn vật và loài người....

    Thánh Tượng Con Mắt: là Thánh Tượng Thiên Nhãn, là hình vẽ con mắt tượng trưng Ông Trời để thờ.

    1. Nhãn thị chủ Tâm, 眼是主心
    2. Lưỡng quang chủ tể, 兩光主宰
    3. Quang thị Thần, 光是神
    4. Thần thị Thiên, 神是天
    5. Thiên giả Ngã dã. 天者我也

    GIẢI NGHĨA:

    1. Con mắt là chủ của cái Tâm. Ở đây, Thiên Nhãn là chủ của cái Thiên Tâm, Thiên Nhãn là chỉ Ông Trời, Thiên Tâm là cái Tâm của ông Trời tức là Thái Cực, Ðại Linh quang, Ðại hồn. Vậy: Ông Trời là chủ của Thái Cực.

    2. Hai ánh sáng là chúa tể. Lưỡng quang ấy là Lưỡng Nghi: Dương quang và Âm quang. Ðức Chí Tôn chưởng quản Dương quang, Ðức Phật Mẫu chưởng quản Âm quang.

    Âm quang và Dương quang là chúa tể, bởi vì Lưỡng quang Âm Dương phối hợp tạo ra CKVT và hóa sanh vạn vật.

    3. Ánh sáng là Thần. (Thần là chơn thần của Ông Trời)

    4. Thần là Trời.

    5. Trời ấy là TA vậy.

    Cho nên, thờ Thiên Nhãn là thờ Trời, thờ Ðức Chí Tôn.

    Thần cư tại nhãn: Chơn thần hiện ra nơi con mắt. Nhìn vào đôi mắt, ta đoán biết Thần của người đó mạnh hay yếu.

    Huờn nguyên hay Hoàn nguyên là trở về nguồn cội.

    Phép luyện đạo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là luyện Tam Bửu (Tinh, Khí, Thần) hiệp nhứt, tức là luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hiệp Thần, luyện Thần huờn Hư, tạo được Chơn thần huyền diệu, đắc đạo tại thế.

  • 6. Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp

    6. Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp

    6. Ngày 13-3-1926 (âl 29-1-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Thầy cho các con biết trước đặng sau đừng trách rằng quyền hành Thầy không đủ mà kềm thúc trọn cả môn đệ.

    Các con đủ hiểu rằng, phàm muôn việc chi cũng có thiệt và cũng có dối. Nếu không có thiệt thì làm sao biết đặng dối; còn không có dối, làm sao phân biệt cho có thiệt. Cười...

    Thầy nói cho các con hiểu rằng, muốn xứng đáng làm môn đệ Thầy là khổ hạnh lắm. Hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy lại càng hành bấy nhiêu. Như đáng làm môn đệ Thầy thì là Bạch Ngọc Kinh mới chịu rước; còn ngã thì cửa Ðịa Ngục lại mời. Thương thương, ghét ghét, ai thấu đáo vậy ôi!

    Bởi vậy cho nên, Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ; cũng chẳng vì thương mà không sai quỉ dỗ dành.

    Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình. Chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con.

    Ấy vậy, rán gìn giữ bộ thiết giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy.

    Nghe và ráng tuân theo.

    CHÚ THÍCH:

    Càng hành bấy nhiêu: Hành là làm cho cực khổ vất vả. Càng hành bấy nhiêu là ý Ðức Chí Tôn muốn con cái của Ngài chịu nhiều nỗi khó khăn vất vả để trau giồi tâm đức và lập được nhiều công quả hầu sớm trở về cùng Ðức Chí Tôn.

    Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ, cũng chẳng vì thương mà không sai quỉ dỗ dành: Trước là Ðức Chí Tôn dạy dỗ tất cả con cái của Ngài, đứa tốt cũng như đứa xấu, đối đãi đồng đều như nhau. Sau đó, Ðức Chí Tôn mới cho Quỉ vương thử thách để xem ai đậu ai rớt. Sự thử thách nầy rất khó khăn, Quỉ vương biết ai yếu về mặt nào thì nó thử ngay mặt đó. Nó biết ai ham tiền thì đem tiền đến thử, ai ham sắc thì lấy sắc thử, ai ham danh quyền thì đưa danh quyền đến thử. Cho nên, người nào đậu mới xứng đáng làm môn đệ của Chí Tôn.

    Hổ lang: Cọp và chó sói. Ở đây ý nói đám quỉ nhơn độc ác luôn luôn tìm cách phá khuấy hay hãm hại người tu.

    Thiết giáp: Bộ áo mặc bên ngoài làm bằng sắt, để che không cho các thứ vũ khí xâm phạm thân thể. Ðức Chí Tôn cho biết, đạo đức của mỗi môn đệ là bộ thiết giáp vô hình bảo vệ an toàn trước đám hổ lang là bọn Tà ma quỉ mị. Chính nhờ bộ thiết giáp đạo đức nầy, nó giúp chúng ta được trở về cùng Ðức Chí Tôn.

  • 7. Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã

    7. Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã

    7. Vĩnh Nguyên Tự, 7-4-1926 (âl 25-2-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã,

    Thích Ca Mâu Ni thị Ngã,

    Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã,

    Kim viết Cao Ðài.

    CHÚ THÍCH:

    Vĩnh Nguyên Tự: Ở xã Tân An, quận Cần Giuộc, do Thái Lão Sư Lê Văn Tiểng, pháp danh Lê Ðạo Long tu theo Minh Ðường (trong Ngũ Chi Minh Ðạo) lập nên. Trước khi Ngài Lê Ðạo Long đăng Tiên, Ngài có tiên tri: " Nơi đây là Thập nhị Khai Thiên, cơ quan của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hoằng khai chánh giáo chơn truyền."

    Ngài dạy các môn đệ phải tùng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ông Lê Văn Lịch là con ruột của Ngài, được Ðức Chí Tôn phong Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt; Thái Lão Sư Trần Văn Thụ, pháp danh Trần Ðạo Minh, là môn đệ lớn nhất của Ngài, nhập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, được Ðức Chí Tôn ân phong là Ngọc Chưởng Pháp.

    Vĩnh Nguyên Tự trở thành một trong những Thánh Thất đầu tiên của Ðạo Cao Ðài.

    Nhiên Ðăng Cổ Phật: Giáo chủ Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ.

    Thích Ca Mâu Ni: Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ Phật giáo thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ.

    Thái Thượng Nguơn Thỉ: Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ và Ðức Nguơn Thỉ Thiên Tôn là Giáo chủ Tiên giáo vào hai thời kỳ: Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Ðộ.

    Thị Ngã: Ấy là TA. Kim viết: Nay gọi rằng.

    Cao Ðài: Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

    Trong tập PHỔ CÁO CHÚNG SANH, đề ngày 13-10-1926, nơi trang 4, bài Thánh Ngôn trên có thêm một câu là: "Gia Tô Giáo Chủ thị Ngã", chép ra như sau:

    Nhiên Ðăng Cổ Phật thị Ngã,
    Thích Ca Mâu Ni Phật thị Ngã,
    Thái Thượng Nguơn Thỉ thị Ngã,
    Gia Tô Giáo Chủ thị Ngã,
    Kim viết Cao Ðài Bồ Tát Ma Ha Tát.
  • 8. Tam Kỳ Phổ Ðộ là gì?

    8. Tam Kỳ Phổ Ðộ là gì?

    8. Ngày 8-4-1926 (âl 26-2-Bính Dần)

    THÍCH CA MÂU NI PHẬT giáng cơ:

    Thích Ca Mâu Ni Phật
    Chuyển Phật Ðạo,
    Chuyển Phật Pháp,
    Chuyển Phật Tăng,
    Qui nguyên Ðại Ðạo,
    Tri hồ chư chúng sanh?

    Khánh hỷ! Khánh hỷ! Hội đắc Tam Kỳ Phổ Ðộ, chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, đại hỷ phát đại tiếu!

    Ngã vô lự Tam đồ chi khổ.

    Khả tùng giáo Ngọc Ðế viết Cao Ðài Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát.

    CAO ÐÀI

    Lịch! Con nghe Phật Như Lai nói chưa?

    Tam Kỳ Phổ Ðộ là gì? Là Phổ Ðộ lần thứ ba.

    Sao gọi là Phổ Ðộ? Phổ Ðộ nghĩa là gì?

    Phổ là bày ra. Ðộ là gì? Là cứu chúng sanh.

    Muốn trọn hai chữ Phổ Ðộ, phải làm thế nào?

    Chúng sanh là gì?

    Chúng sanh là toàn cả nhơn loại chớ không phải lựa chọn một phần người, như ý phàm tục các con tính rỗi.

    Muốn trọn hai chữ Phổ Ðộ, phải làm thế nào? Thầy hỏi? Phải bày Bửu pháp chớ không đặng giấu nữa. Con phải luyện lại cho thành, nội trong tháng 5 nầy về theo Trung đặng đi truyền đạo.

    Nghe và tuân theo.

    Phải mặc y phục như Trung mà màu hồng.

    CHÚ THÍCH:

    Phần đầu của bài Thánh Ngôn nầy là Ðức Phật Thích Ca giáng cơ, bằng Hán văn.

    Phần tiếp theo là Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy Ngài Lê Văn Lịch, và câu chót thì Ðức Chí Tôn định phong Ngài Lê Văn Lịch vào phẩm Ðầu Sư cùng với Ngài Lê Văn Trung, nhưng phái Ngọc, mặc áo màu đỏ.

    Ngài Thượng Ðầu Sư Lê Văn Trung, Thánh danh là Thượng Trung Nhựt.

    Ngài Ngọc Ðầu Sư Lê Văn Lịch, Thánh danh là Ngọc Lịch Nguyệt. (Ðầu Sư phái Thái, Ðức Chí Tôn chưa phong).

    Phật, Pháp, Tăng: Ở đây là Tam Bảo của nhà Phật: Phật là Ðức Phật, Pháp là Giáo lý và Tăng là Giáo hội.

    Chuyển Phật Ðạo, Chuyển Phật Pháp, Chuyển Phật Tăng, qui nguyên Ðại Ðạo là chuyển toàn cả Phật giáo trở về gốc là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Tri hồ chư chúng sanh? là Chúng sanh biết chăng?

    Khánh hỷ! Nghĩa là: Vui mừng.

    Hội đắc Tam Kỳ Phổ Ðộ: Gặp được Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Ðại hỷ: Mừng lớn. Phát đại tiếu: Phát cười lớn.

    Ngã vô lự Tam đồ chi khổ: Ta không lo cái khổ của ba đường. Ba đường nầy là ba đường luân hồi khổ sở (nằm trong Lục đạo Luân hồi), gồm: Ðịa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh.

    Khả tùng giáo Ngọc Ðế: Khá theo lời dạy của Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế (nói tắt là Ðấng Ngọc Ðế).

    Chúng sanh, theo nghĩa rộng, là toàn cả các vật hữu sanh nơi cõi trần, gồm: Kim thạch, Thảo mộc, Thú cầm và Nhơn loại. Chúng sanh có được do Ðức Phật Mẫu vận chuyển Bát hồn đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh. Trong nghĩa hẹp, chúng sanh là chỉ nhơn loại.

    Bát hồn gồm: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn, Phật hồn. Trong bài Phật Mẫu Chơn Kinh có câu: "Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh".

    Bửu pháp: Pháp quí báu, ở đây, bửu pháp có nghĩa là các pháp môn tu Thiền, Tịnh luyện. Các bửu pháp nầy Ngài Lê Văn Lịch học được nơi thân phụ của Ngài là Thái Lão Sư Lê Văn Tiểng truyền lại. (Thái Lão Sư Lê Văn Tiểng giáng cơ cho biết đã tu đắc quả Như Ý Ðạo Thoàn Chơn Nhơn).

  • 9. Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn

    9. Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn

    9. Ðêm 22 rạng 23-4-1926 (âl 11/ 12-3-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    I. Ba con nghe dạy cuộc sắp Thiên phong.

    Các con vui không?

    Ðạo phát trễ một ngày là một ngày hại nhơn sanh. Thầy nôn nóng nhưng mà Thiên cơ chẳng nghịch đặng, nên phổ thông trắc trở.

    Vậy thì ba con (Trung, Cư, Tắc) cứ sắp đặt thế nầy:

    Trung nghe! Con dời bài vị của Lý Bạch để dưới tượng Thầy, con dọn dẹp trong hết, để một cái ghế kế một bên tran thờ, rồi để lên một cái ghế lớn đặng làm ngôi Giáo Tông, ba cái nữa để sắp hàng theo ở dưới đặng làm ngôi cho ba vị Ðầu Sư. Con phải bao bốn cái ghế ấy cho tinh khiết. Con đem Thiên phục Giáo Tông để nơi ghế ở trên, còn bộ Thượng Thanh thì để giữa, bộ Ngọc Thanh bên hữu, còn ghế bên tả, con phải viết một miếng giấy để chữ "Thái" cho lớn mà dán lên chỗ dựa.

    Ngay chỗ bàn ngự của Thầy, phải để một cái ghế trước ngôi ba vị Ðầu Sư, vọng một bài vị, biểu Lịch viết như vầy:

    "CỬU THIÊN CẢM ỨNG LÔI THINH PHỔ HÓA THIÊN TÔN", lại vẽ thêm một lá bùa "KIM QUANG TIÊN" để thòng ngay giữa, ai ai ngó vào cũng đều thấy đặng.

    Bàn Thầy giáng cơ thì để trước bàn vọng Ngũ Lôi, khi giáng cơ rồi thì dời đi cho trống chỗ, đặng nhị Ðầu Sư quì mà thề.

    Con lại để thêm một cái bàn giữa bên cửa sổ, đằng trước ngó vô.

    II. Cư! Nghe dặn. Con biểu Tắc tắm rửa sạch sẽ (xông hương cho nó), biểu nó lựa một bộ quần áo tây cho sạch sẽ, ăn mặc như thường, đội nón. Cười . . .

    Ðáng lẽ nó phải sắm khôi giáp như hát bội, mà mắc nó nghèo, Thầy không biểu. Bắt nó lên đứng trên, ngó mặt ngay vô ngôi Giáo Tông, lấy chín tấc vải điều đắp mặt nó lại.

    Lịch! Con viết một lá phù "GIÁNG MA XỬ" đưa nó cầm.

    Các con phải thanh tịnh, kể từ ngày nay diệt tận phàm tâm, chớ nhơ một điểm thì ngày ấy thề mới đặng.

    Cư! Khi đem ba bộ Thiên phục đến vọng trên ba cái ngai thì con phải chấp bút bằng nhang như mọi lần, đặng Thầy trấn Thần trong ba bộ Thiên phục và ba ngai ấy, rồi mới kêu hai vị Ðầu Sư đến quì trước bửu ngai của nó, đặng Thầy vẽ phù vào mình.

    Khi hai vị Ðầu Sư vái rồi, phải đến trước Bửu điện Thầy mà làm lễ (12 lạy) và trước ngôi Giáo Tông (9 lạy), rồi biểu Giảng xướng lên: "Phục vị", thì hai người leo lên ngồi.

    Cả thảy môn đệ phân làm ba ban, đều quì xuống.

    Biểu Tắc leo lên bàn, con chấp bút bằng nhang, đến bàn Ngũ Lôi đặng Thầy triệu nó đến, rồi mới tới trước mặt Tắc đặng Thầy trục xuất Chơn thần của nó ra, nhớ biểu Hậu, Ðức, xông hương tay của chúng nó, như em có giựt mình té thì đỡ.

    Rồi biểu hai vị Ðầu Sư xuống ngai, đến quì trước mặt Ngũ Lôi, hai tay chấp trên đầu, quì ngay bùa Kim Quang Tiên mà thề như vầy:

    "Tôi là Lê Văn Trung tự Thiên ân là Thượng Trung Nhựt, và Lê Văn Lịch tự Thiên ân là Ngọc Lịch Nguyệt, Thề Hoàng Thiên Hậu Thổ trước bửu pháp Ngũ Lôi rằng làm trọn Thiên đạo mà dìu dắt cả mấy em chúng tôi đều là môn đệ của Cao Ðài Ngọc Ðế, nhứt nhứt do lịnh Thầy phân định, chẳng dám chuyên quyền mà lập thành tả đạo, như ngày sau hữu tội thì thề có Ngũ Lôi tru diệt."

    Ðến bàn Vi Hộ Pháp cũng quì xuống, vái y vậy, điều câu sau thì như vầy:

    "như ngày sau phạm Thiên điều, thề có Hộ Pháp đọa tam đồ bất năng thoát tục."

    Rồi mới biểu Giảng xướng lại nữa: "Phục vị", thì nhị Ðầu Sư trở lại ngồi trên ngai. Chư môn đệ đều đến lạy mỗi người hai lạy.

    Tới phiên các môn đệ, từ người đến bàn Ngũ Lôi mà thề rằng:

    "Tên gì? . . . Họ gì? . . . Thề rằng: Từ đây biết một Ðạo Cao Ðài Ngọc Ðế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Ðài, như sau có lòng hai thì Thiên tru Ðịa lục."

    Tới trước bàn Hộ Pháp cũng thề như vậy, rồi mới đến lạy nhị Ðầu Sư.

    CHÚ THÍCH:

    Những vị có tên trong bài Thánh Ngôn nầy là:

    Trung: Lê Văn Trung. Cư: Cao Quỳnh Cư.
    Tắc: Phạm Công Tắc. Lịch: Lê Văn Lịch.
    Hậu: Nguyễn Trung Hậu. Ðức: Trương Hữu Ðức.
    Giảng: Lê Văn Giảng, giữ nhiệm vụ Xướng Lễ, có tên trong mười hai vị môn đệ đầu tiên của Ðức Chí Tôn, sau đắc phong Thượng Giáo Hữu.

    Bài Thánh Ngôn trên được chia làm hai phần: I và II.

    Phần I có trong ÐS.I.108 và Phần II có trong ÐS.I.112.

    * Phần I: Ðức Chí Tôn giáng cơ tại nhà Ngài Cao Quỳnh Cư, vào đêm 22 rạng 23-4-1926, Phò loan: Cư - Tắc, hầu đàn có mặt hai Ngài Trung và Lịch. Ðức Chí Tôn dạy hai Ngài Trung và Lịch sắp đặt cuộc Thiên phong nơi nhà Ngài Trung ở đường "Quai Testard", Chợ Lớn.

    * Phần II: Ðức Chí Tôn giáng cơ tại nhà Ngài Trung và thực hiện cuộc Thiên phong tại đây, vào ngày Chúa nhựt 25-4-1926 (âl 14-3-Bính Dần), Phò loan: Cư - Tắc.

    Trong ngày nầy, Ðức Chí Tôn trục xuất Chơn thần của Ngài Phạm Công Tắc để Chơn thần của Vi Hộ Pháp nơi cõi thiêng liêng nhập vào, mượn xác Phạm Công Tắc chứng thệ cho nhị vị Ðầu Sư, và các môn đệ của Ðức Chí Tôn.

    Xong rồi, Ðức Chí Tôn lập Minh Thệ cho hai vị Ðầu Sư: Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt.

    Sau cùng Ðức Chí Tôn lập Minh Thệ cho các môn đệ.

    Ðức Chí Tôn nói: "Bộ Ngọc Thanh bên hữu, còn ghế bên tả để chữ Thái." Nếu tả hữu nầy là bên hữu và bên tả của Ðức Chí Tôn thì vị trí 3 ngai Ðầu Sư đối với Thiên Bàn như sau:

      Thiên Nhãn  
    (Hữu) Ngai Giáo Tông (Tả)
    Ngai Ngọc Ðầu Sư Ngai Thượng Ðầu Sư Ngai Thái Ðầu Sư

    Cửu Thiên Cảm Ứng Lôi Thinh Phổ Hóa Thiên Tôn: Ðây là phẩm tước của vị đứng đầu Bộ Lôi Công hay Lôi Bộ (Ngũ Lôi), là Thái Sư Văn Trọng vào thời Phong Thần.

    Bùa Kim Quang Tiên: là lá bùa trấn không cho Tà quái (Kim Quang Sứ và đệ tử) xâm nhập phá khuấy.

    Giáng Ma Xử: Cái chày để hàng phục quỉ ma. Ðây là bửu pháp của Vi Hộ thời Phong Thần. Sau Vi Hộ trở về núi tu luyện đắc quả Phật Hộ Pháp, nên gọi là Vi Hộ Pháp. Bửu pháp nầy được Ðức Hộ Pháp đem trấn nơi CLTG cõi thiêng liêng.

    Phục vị: Trở lại ngôi vị của mình, tức là trở lại ngồi trên ngai của mình.

    Ba ban: Ban giữa, Ban tả, Ban hữu.

    - Lời Minh thệ của nhị vị Ðầu Sư: Từ chữ Thề Hoàng Thiên . . . . . . . đến chữ tru diệt, tổng cộng là 60 chữ, một bội số của 12: 60 = 12 x 5

    - Lời Minh thệ của chư Môn đệ: Từ chữ Thề rằng từ đây. . . . . . . . . . đến chữ Ðịa lục, tổng cộng là 36 chữ, một bội số của 12: 36 = 12 x 3

    Hoàng Thiên: Vua Trời. Hậu Thổ: Vua Ðất, tức là vị Thần cai quản các Thổ Thần trong một nước. Hậu là vua.

    Bửu pháp Ngũ Lôi: Những bửu bối của các Thần trong Lôi Bộ, như Búa Thần, Roi Thần.

    Tả đạo: Ðạo bất chánh, trái lẽ, đối nghịch Chánh đạo.

    Ðọa Tam đồ bất năng thoát tục: Ðọa đày ba vòng luân hồi không thể thoát khỏi cõi trần, tức là bị luân hồi từ phẩm kim thạch cho đến phẩm nhơn loại, rồi trở lại kim thạch, luân hồi ba vòng như vậy thì mới xong hình phạt.

    Thiên tru địa lục: Trời giết, Ðất giết, tức là phải bị giết chết, không thể chạy trốn đâu cho khỏi.

  • 10. Ngũ Chi Ðại Ðạo

    10. Ngũ Chi Ðại Ðạo

    10. Ngày 24-4-1926 (âl 13-3-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Vốn từ trước Thầy lập Ngũ Chi Ðại Ðạo là:

    Nhơn đạo,
    Thần đạo,
    Thánh đạo,
    Tiên đạo,
    Phật đạo.

    Tùy theo phong hóa của nhơn loại mà gầy Chánh giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán, Khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại duy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi.

    Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định qui nguyên phục nhứt.

    Lại nữa, trước Thầy lại giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày lại càng xa Thánh giáo mà làm ra Phàm giáo.

    Thầy lấy làm đau đớn hằng thấy gần trót mười ngàn năm, nhơn loại phải sa vào nơi tội lỗi, mạt kiếp chốn A Tỳ.

    Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng đảo.

    Vì vậy, Thầy mới lập ra có một phẩm Giáo Tông, nghĩa là anh cả, ba phẩm Ðầu Sư, nghĩa là giáo hữu. Chẳng một ai dưới thế nầy còn đặng phép nói rằng thế quyền cho Thầy mà trị phần hồn của nhơn loại. Còn cả môn đệ, ai cũng như ai, không đặng gây phe lập đảng, nhược kẻ nào phạm tội thì Thầy trục xuất ra ngoài cho khỏi điều rối loạn.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy do Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan.

    Phong hóa: Nói chung những phong tục tập quán có từ lâu đời của một dân tộc làm cho đời sống xã hội trật tự tốt đẹp.

    Càn vô đắc khán: Không thấy hết được Trời.

    Khôn vô đắc duyệt: Không xem hết được Ðất.

    Tư phương: Ðịa phương riêng, vùng đất riêng.

    Càn Khôn dĩ tận thức: Ðã biết rõ Trời Ðất.

    Qui nguyên: Trở về nguồn cội.

    Phục nhứt: Trở lại thành một.

    A Tỳ: Chỉ cõi Ðịa ngục.

    Mạt kiếp: Thời kỳ cuối cùng của kiếp sống nhơn loại.

    Chánh thể: Hình thức tổ chức các cơ quan điều hành việc đạo.

    Bồng đảo: Ðảo Bồng Lai, chỉ cõi Tiên.

  • 11. Phong vi

    11. Phong vi

    11. Ðêm 25 rạng 26-4-1926 (âl 14/15-3-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Kim triêu dĩ đáo Thiên Trung Quang,
    Ám hiểu thế tình tánh đức nan.
    Chỉ đãi thời lai quang minh tụ,
    Tả ban thiểu đức, hữu ban mang.

    Ðức, Hậu, phong vi Tiên Ðạo Phò Cơ Ðạo Sĩ.

    Cư, phong vi Tá Cơ Tiên Hạc Ðạo Sĩ.

    Tắc, phong vi Hộ Giá Tiên Ðồng Tá Cơ Ðạo Sĩ.

    Trung, Lịch, đã thọ sắc, cứ tước vị mà theo sắc mạng Ta.

    Kỳ, phong vi Tiên Sắc Lang Quân Nhậm Thuyết Ðạo Giáo Sư.

    Bản, phong vi Tiên Ðạo Công Thần Thuyết Ðạo Sư.

    Cư, tuân theo lời Thầy truyền mà thi hành.

    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.I.114.

    Bài thi tứ tuyệt viết ra chữ Hán sau đây:

    Kim triêu dĩ đáo Thiên Trung Quang, 今朝已到天中光
    Ám hiểu thế tình tánh đức nan. 暗曉世情性德難
    Chỉ đãi thời lai quang minh tụ, 只待時來光明聚
    Tả ban thiểu đức, hữu ban mang. 左班少德右班芒

    GIẢI NGHĨA:

    Sáng nay Ta đến từ cõi Thiên Trung Quang,
    Ngầm hiểu tình đời và tánh đức thì rất khó.
    Chỉ đợi cái thời tới thì nhiều người sáng suốt tài giỏi tụ về.
    Ban tả thì thiếu đức, ban hữu thì mờ tối.

    Nếu ban tả và ban hữu nầy ở hai bên tả và hữu của Ðức Chí Tôn thì đó là hai phái: phái Thái và phái Ngọc, (phái Thượng thì ở chính giữa). Hai phái nầy, một phái thì thiếu đức, một phái thì còn ám muội mờ hồ.

    Phong vi: Phong chức làm.

    Thọ sắc: Nhận lãnh mệnh lệnh của Ðức Chí Tôn.

    Tước vị: Phẩm tước và ngôi vị.

    Sắc mạng: Mệnh lệnh của Ðức Chí Tôn.

    Ta: Tiếng tự xưng của Ðức Chí Tôn.

  • 12. Ngọc Hoàng Tự

    12. Ngọc Hoàng Tự

    12. Trường Sanh Tự (Cần Giuộc)
    Chúa nhựt, 30-5-1926 (âl 19-4-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Thầy chẳng hiểu thế nào chư môn đệ ám muội dường ấy?

    "Chiêu kỳ trung độ dẫn hoài sanh" nghĩa là gì? Dầu cho trẻ con trong bụng cũng phải độ, sao các con lại đuổi thiện nam tín nữ?

    Hứa nhập - Khai môn.

    Chư chúng sanh nghe:

    Từ trước, Ta giáng sanh lập Phật giáo gần sáu ngàn năm thì Phật đạo chánh truyền gần thay đổi. Ta hằng nghe chúng sanh nói "Phật giả vô ngôn"! Nay nhứt định lấy huyền diệu mà giáo đạo, chớ không giáng sanh nữa, đặng chuyển Phật giáo lại cho hoàn toàn.

    Dường nầy, từ đây chư chúng sanh chẳng tu bị đọa A Tỳ thì hết lời nói rằng: "Phật tông vô giáo" mà chối tội nữa.

    Ta nói cho chúng sanh biết rằng: Gặp Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi.

    Tại đây là một nơi Ta khởi chế sự "Tế lễ thờ phượng" lại.

    Bổn hội nghe:

    Giữa chùa, gần 2 tran thờ Quan Âm Bồ Tát và Quan Thánh Ðế Quân, phải lập ra một điện để Thánh Tượng Ta ở giữa. Bên mặt Ta để tượng Quan Âm, bên trái thì tượng Quan Ðế, còn chư Tiên, chư Thánh, chư Phật, để hàng dưới.

    Xưng hiệu chùa là "Ngọc Hoàng Tự".

    CHÚ THÍCH:

    Hứa nhập: Cho vào. Hứa là thuận cho, nhập là vào.

    Hứa nhập Khai môn: Mở cửa ra, cho vào.

    Chánh truyền: Giáo lý được truyền lại một cách đúng đắn và chơn thật.

    Phật giả vô ngôn: Phật không có nói.

    Phật tông vô giáo: Ðạo Phật không có dạy.

    Siêu rỗi: Cứu vớt linh hồn cho siêu thăng.

    Khởi chế: Bắt đầu tạo ra.

    Bổn hội: Những người ở trong hội của chùa nầy.

    Lưu ý: Phần chót của bài Thánh Ngôn nầy, từ chữ " Tại đây là một nơi . . . . cho đến chùa là Ngọc Hoàng Tự " không có in trong các bản TNHT năm 1931, 1950, 1957.

  • 13. Con chỉ có tu mà đắc đạo

    13. Con chỉ có tu mà đắc đạo

    13. Thứ hai, 31-5-1926 (âl 20-4-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Trung! Con phải lên nhà G. . . bây giờ mà xem sóc, sắp đặt sự thờ phượng theo bây giờ cho tới ngày tác thành Tân Luật.

    G. . .! Thầy khen con đó.

    Thánh tâm dầu phải chịu khổn trần đi nữa thì chất nó cũng vẫn còn. Các con khác hơn kẻ phàm là duy tại bấy nhiêu đó mà thôi.

    Kẻ phàm dầu ly hương thuở ấu xuân đi nữa, lòng hằng hoài vọng. Chí Thánh dầu bị đọa trần, lòng hỡi còn nhớ hoài nơi Tiên cảnh. Nếu chẳng vậy, ai còn dám ưng thuận hạ thế cứu đời?

    Con chỉ có tu mà đắc đạo. Phải ngó đến hằng ức thiên vạn kẻ nhơn sanh chưa đặng khỏi luân hồi, để lòng từ bi độ rỗi, kẻo tội nghiệp.

    CHÚ THÍCH:

    Trung: Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.

    G: (?)

    Khổn trần: Bị khốn đốn nơi cõi trần.

    Chí Thánh: Bực Thánh cao hơn hết, đó là bực Thiên Thánh.

    Hạ thế: Giáng sanh xuống trần.

    Ức = 100 000.

    Thiên = 1000.

    Vạn = 10000.

  • 14. Thích Ca Như Lai thị Ngã

    14. Thích Ca Như Lai thị Ngã

    14. Hội Phước Tự (Cần Giuộc)
    Thứ bảy, 5-6-1926 (âl 25-4-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Cư, đọc Thánh Ngôn.

    Tắc, tụng Nhơn Quả.

    Thích Ca Như Lai thị Ngã, dục cứu chúng sanh, tá danh Cao Ðài Ðại Bồ Tát. Nhữ tri hồ?

    Hữu Ngã đồ Thái Ðầu Sư tại thử, nhĩ vô thức luyện đạo, Ngã phái Ngọc Ðầu Sư chỉ giáo thọ bửu pháp.

    Tam thập tứ vị chúng sơn bất tri chơn lý luyện thành.

    Ngã vi Chủ khảo giáo hóa. Khả tuân Ngã mạng.

    Nhữ đẳng tu thọ pháp, tu thọ pháp. Khâm tai!

    THÍCH CA NHƯ LAI kim viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT

    Chư sơn nghe dạy:

    Vốn từ Lục Tổ thì Phật giáo đã bị bế lại, cho nên tu hữu công mà thành thì bất thành. Chánh pháp bị nơi Thần Tú làm cho ra mất Chánh giáo, lập riêng pháp luật buộc mối đạo Thiền.

    Ta vì luật lịnh Thiên mạng đã ra cho nên cam để vậy, làm cho Phật tông thất chánh có trên ba ngàn năm nay. Vì Tam Kỳ Phổ Ðộ, Thiên Ðịa hoằng khai, nơi Tây Phương Cực Lạc và Ngọc Hư Cung mật chiếu đã truyền siêu rỗi chúng sanh.

    Trong Phật Tông Nguyên Lý đã cho hiểu trước đến buổi hôm nay rồi, tại tăng đồ không kiếm chơn lý mà hiểu.

    Lắm kẻ đã chịu khổ hạnh hành đạo. Ôi! Thương thay! Công có công mà thưởng chưa hề có thưởng, vì vậy mà Ta rất đau lòng.

    Ta đến chẳng phải cứu một mình chư tăng mà thôi, vì trong thế hiếm bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật phải đọa hồng trần, Ta đương lo cứu vớt.

    Chư tăng, chư chúng sanh hữu căn hữu kiếp, đặng gặp kỳ Phổ Ðộ nầy là lần chót, phải rán sức tu hành, đừng mơ mộng hoài trông giả luật.

    Chư sơn đắc đạo cùng chăng là do nơi mình hành đạo. Phép hành đạo Phật giáo dường như ra sái hết, tương tợ như gần biến Tả Ðạo Bàng Môn. Kỳ truyền đã thất, chư sơn chưa hề biết cái sai ấy do tại nơi nào, cứ ôm theo luật Thần Tú, thì đương mong mỏi về Tây phương mà cửa Tây phương vẫn cứ bị đóng, thì cơ thành Chánh quả do nơi nào mà biết chắc vậy.

    Ta đã đến với huyền diệu nầy thì từ đây, Ta cũng cho chư tăng dùng huyền diệu nầy mà học hỏi, ngày sau đừng đổ tội rằng vì thất học mà chịu thất kỳ truyền. Chư tăng từ đây chẳng đặng nói Phật giả vô ngôn nữa.

    CHÚ THÍCH:

    Hội Phước Tự: Một ngôi chùa ở Cần Giuộc mà vị sư trụ trì là Yết Ma Luật (Nguyễn văn Luật). Tháng 4 năm Bính Dần (1926), Hội Phước Tự tổ chức trường hương, Hòa Thượng Thích Thiện Minh làm Thiền chủ. Chư vị lập đàn cầu cơ, tiếp được bài Thánh Ngôn nầy. Hòa Thượng Thiện Minh được Ðức Chí Tôn phong làm Ðầu Sư phái Thái, Thánh danh Thái Minh Tinh. Sau, Yết Ma Luật được Ðức Chí Tôn phong Giáo Sư phái Thái là Thái Luật Thanh. (Tài liệu của Huệ Nhẫn)

    Cư: Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.

    Tắc: Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

    Tắc tụng Nhơn Quả: Ðức Chí Tôn bảo Ngài Phạm Công Tắc tụng Kinh Nhơn Quả. Kinh Nhơn Quả là Kinh Sám Hối, thỉnh bên Minh Lý (Tam Tông Miếu).

    Chúng sơn: Các tu sĩ Phật giáo, đồng nghĩa chư tăng.

    Chủ khảo: Người chủ trì việc thi tuyển học viên.

    Diễn nôm đoạn Thánh Ngôn chữ Hán:

    Thích Ca Như Lai là Ta, muốn cứu chúng sanh, mượn tên là Cao Ðài Ðại Bồ Tát. Ngươi biết chăng?

    Có môn đệ của Ta là Thái Ðầu Sư (Thái Minh Tinh) tại đây, nó không biết luyện đạo, Ta phái Ngọc Ðầu Sư (Ngọc Lịch Nguyệt) chỉ vẽ cho để nhận lãnh bửu pháp.

    Ba mươi bốn vị tăng không biết chơn lý luyện thành.

    Ta làm Chủ khảo giáo hóa. Khá tuân lệnh Ta.

    Các ngươi nên thọ pháp, nên thọ pháp. Kính vậy thay!

    Ðạo bị bế lại: Chánh pháp tu đắc đạo bị đóng lại, làm người tu không thể thành Chánh quả được; giống như trường thi đóng cửa, không tổ chức thi tuyển thì đâu có ai thi đậu.

    Huệ Năng - Thần Tú: Hai vị nầy đều là học trò của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn của Phật giáo Trung Hoa. Thần Tú học với Hoằng Nhẫn nhiều năm nhưng chưa tỏ ngộ được Chơn tánh. Huệ năng mới học với Ngũ Tổ có 8 tháng nhưng lại ngộ đạo, thấy được Chơn tánh, đạt được trí huệ. Do đó, Ngũ Tổ truyền Y Bát cho Huệ Năng làm Lục Tổ Phật giáo, dạy xuống miền Nam hoằng pháp, truyền bá phép tu Ðốn ngộ.

    Sư Thần Tú có phần buồn nên đi lên phía Bắc hành đạo, truyền bá phép tu Tiệm ngộ. Lúc bấy giờ, Phật giáo Trung hoa chia ra: Nam Tông của Lục Tổ Huệ Năng và Bắc Tông của Ðại sư Thần Tú. Nhưng Nam Tông mới là chánh truyền vì Lục Tổ Huệ Năng có Y Bát.

    Mật chiếu: Mệnh lệnh bí mật của Ðức Chí Tôn.

    Phật Tông Nguyên Lý: là quyển Kinh Phật viết vào thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, trong đó có nêu 6 chữ Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, và viết rằng: "Sau Ðức Thích Ca, sẽ có một Ðức Phật rất lớn giáng trần mở đạo." Ðó là Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài ngày nay đó vậy. (theo Huệ Lương)

    Hiếm: Có 2 nghĩa tùy theo trường hợp: Ít có - Nhiều. Trong bài Thánh Ngôn nầy, Hiếm là nhiều (từ ngữ xưa) (theo Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của).

    Giả luật: Ý nói luật tu không đưa đến sự đắc đạo. Trái với Giả luật là Chơn luật. Giả là không thật. Chơn là thật.

    Tả Ðạo: Ðạo không đúng đắn. Tả là sai trái.

    Bàng Môn: Cửa bên hông chớ không phải cửa chánh. Ý nói không phải Ðạo Chánh.

    Tả đạo Bàng môn: Chỉ các tôn giáo không chơn chánh, đưa người tu đến chỗ lầm lạc, không thành Chánh quả, không giải thoát khỏi luân hồi.

    Kỳ truyền đã thất: Cái Chơn truyền ấy đã mất. Chơn truyền là giáo lý chơn thật đúng đắn được Ðấng Giáo chủ truyền lại cho các môn đồ.

  • 15. Hai người Lang sa hầu đàn

    15. Hai người Lang sa hầu đàn

    15. Thứ ba, 8-6-1926 (âl 28-4-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    CAO ÐÀI

    (Hai người Lang sa hầu đàn)

    Ce n"est pas ainsi qu"on se présente devant Dieu. THĂNG.

    Tái cầu:

    CAO ÐÀI, LE TRÈS-HAUT

    Oh! Race bénite, Je vais satisfaire ta curiosité. Humains, savez-vous d"où vous veniez?

    Parmi toutes les créatures existant sur ce globe terrestre, vous êtes les plus bénis; Je vous élève jusqu"à Moi en esprit et en sagesse. Vous avez toutes preuves pour vous reconnaitre par promotion céleste.

    Le Christ est venu parmi vous. Il versait son Saint sang pour la Rédemption.

    Quel profit avez-vous pendant presque deux mille ans de son absence? Vous préchez son Évangile sans même le comprendre. Vous dénaturez la signification de sa Sainte Doctrine. L"humanité souffre des vicissitudes de tous ses Apôtres. Ils n"ont pas su suivre le même chemin du calvaire de leur Maitre.

    Le trône le plus précieux du monde est celui du premier de ses disciples.

    Cette doctrine, au lieu d"apporter à l"humanité la paix et la concorde, lui apporte la dissension et la guerre.

    Voilà, pourquoi Je viens vous apporter moi-même la paix tant promise.

    Le Christ ne revient qu"ensuite.

    Au revoir. . . Vous apprendriez encore beaucoup de choses auprès de mes disciples.

    Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    CAO ÐÀI

    (Hai người Lang sa hầu đàn)

    Không phải cách chầu Trời như thế. THĂNG.

    Tái cầu:

    CAO ÐÀI, ÐẤNG CAO CẢ

    Hỡi nầy dân tộc có diễm phước, Thầy sẽ làm thỏa mãn tánh hiếu kỳ của con. Là loài người, các con có biết tự đâu các con đến chăng?

    Trong vạn vật hiện hữu trên quả địa cầu nầy, các con là kẻ được ban ân huệ nhiều hơn cả; Thầy đem các con đến tận Thầy bằng cả tinh thần lẫn trí huệ. Các con có đủ bằng chứng để tự biết mình do sự thăng phẩm vị thiêng liêng.

    Chúa Cứu Thế đã đến với các con. Người đã phải chịu đổ máu Thánh để chuộc tội cho loài người.

    Trong 2000 năm vắng mặt Người, các con đã làm gì hữu ích? Các con truyền bá đạo Người, nhưng chính các con cũng không hiểu chi cả. Các con lại làm sai lạc bản chất, tôn chỉ của nền Thánh giáo. Nhân loại phải chịu đau khổ vì sự biến thể của các Thánh Tông đồ.

    Chiếc ngai quí báu nhứt trên thế gian nầy hiện là chiếc ngai của vị đệ nhứt cao đồ của Người.

    Giáo lý ấy đáng lẽ phải đem lại hòa bình và tương ái cho loài người, nhưng trái lại nó gây mầm chia rẽ và chiến tranh.

    Bởi thế nên nay chính Thầy phải đến để đem lại cho các con nền hòa bình đã từng hứa hẹn.

    Rồi đây, Chúa Cứu Thế sẽ trở xuống sau.

    Thầy giã từ các con. . . Các con sẽ còn học hỏi nhiều việc khác nữa với mấy vị môn đồ của Thầy.

    CHÚ THÍCH:

    Chúa Cứu Thế: Ðức Jésus Christ, Gia Tô Giáo chủ.

    12 Thánh Tông đồ của Ðức Chúa Jésus là:

    1) Thánh Pierre [Phêrô].
    2) Anrê [em của Phêrô]).
    3) Yacôbê [con của Zêbêđê].
    4) Yoan [em của Yacôbê].
    5) Philip.
    6) Barthôlômêô.
    7) Thôma.
    8) Mathêô.
    9) Yacôbê [con của Alphê].
    10) Thađê.
    11) Simôn nhiệt thành.
    12) Yuđa Iscariôt.

    Yuđa phản Chúa nên bị chết thảm. 11 Tông đồ còn lại cử Ông Matthya vào thay Yuđa cho đủ số 12 như buổi đầu.

  • 16. Tập nhạc đủ lại hết

    16. Tập nhạc đủ lại hết

    16. Ngày 27-6-1926 (âl 18-5-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Nhơn, con phải khởi sự kể từ ngày nay cho tới bữa Ngọc Ðàn Vĩnh Nguyên Tự, tập nhạc đủ lại hết. Như nhập lễ thì đừng đánh trống Bát Nhã, mà đánh Ngọc Hoàng Sấm, nghĩa là mỗi hồi 12 tiếng, đổ xuống đủ 12 hồi, 3 lần như vậy.

    Bạch Ngọc Chung cũng dộng ấy.

    Khi nhập lễ, xướng "Khởi Nhạc" thì phải đánh trống và đờn bảy bài cho đủ.

    Chừng hiến lễ, phải đờn Nam Xuân ba bài, vì lễ sanh phải hiến lễ bảy lái, đi chữ Tâm. Tới khi thài, thì đờn Ðảo Ngũ Cung, rồi con lại bắt đầu đờn lại, cho môn đệ tụng kinh.

    Lịch, Tân Luật con lập có Thầy giáng đủ lễ hết. Vậy con truyền cho chư môn đệ đặng chúng nó y theo mà hành lễ.

    Nghĩa, con phải học xướng cho thuộc làu.

    Biểu Ðức cũng vậy. Ba con phải nhớ lời Thầy dặn cho kỹ nghe!

    Mấy đứa con là: Nghĩa, Hậu, Ðức, Tràng, Cư, Tắc, Sang, đều mặc đồ trắng, hầu theo thứ lớp như vầy:

    Nghĩa, Ðức, đứng xướng ngoài, là tại bàn thờ Hộ Pháp; rồi Hậu, Tràng, đứng cặp kế đó; kế ba con sau rốt hết: Tắc giữa, Cư mặt, Sang trái.

    Còn ba bàn thờ trong thì biểu Lịch lập như vầy:

    Giữa: Thượng Ðàn,
    Hữu: Ngọc Ðàn,
    Tả: Thái Ðàn.

    Còn Thánh vị của chư môn đệ đã dĩ vãng thì tùy theo phái nó mà sắp kế theo bàn thờ Thầy.

    Kỳ, Kim, hầu xướng nội, là bàn thờ trong, biểu chúng nó đứng như vầy: Kỳ bên mặt, Kim bên trái.

    Còn Bản, Giỏi, một cặp lễ sanh đầu, đi giữa với một cặp nữa là Tỷ với Tiếp.

    Tả thì Nhơn với Tương, hữu thì Giảng với Kinh.

    Lập ngoài cho đủ ba bàn vọng, đều để chư lễ sanh hầu.

    Chừng nào nội xướng thì để cho lễ sanh điện lễ, cúng vật thì để sẵn ngoài ba bàn, chừng lễ sanh xướng thì đem vô cho mấy vị Chức sắc hiến lễ.

    Trung, con phải cậy hai vị Lão thành Minh Ðường hầu trong đặng tiếp lễ Thượng Ðàn, Ngọc Ðàn thì Kinh và Chương, còn Thái Ðàn ngày ấy Thầy lựa.

    Cười . . .

    Minh, Thầy sẽ dạy nó đến.

    Cười . . .

    Ba bàn ngoài thì mỗi bàn phải có hai viên Chức sắc hiến lễ.

    Tương và Tươi tại giữa Thượng Ðàn.

    Muồi và Vân bên Ngọc Ðàn.

    Còn Thái Ðàn ngày ấy Thầy định.

    Cười . . .

    Bản, đứng dậy. Thầy vẽ đi chữ Tâm là sao, rồi Thầy mới dạy tiếp đặng.

    [Phết trước mấy dấu ngón chơn mặt, giơ lên, phết qua một cái đặng làm cái chấm . . . Ðứng hai chơn cho ngang nhau. Con phết đi, đứng thụt lại.]

    Cư, con đi cho nó coi.

    Các con coi Thầy đi đây nè!

    Hiểu lấy nước con.

    Con đi thế nào thành hai chữ Tâm lộn ngược như vậy.

    Cư đi trúng, đi lại nữa con.

    Cư, giỏi con, phải vậy, như con muốn cho ra bộ lịch sự thì khi chấm gót, con nhún bộ xuống một chút.

    Cười . . .

    Giỏi, Bản, . . . Thầy tiếp.

    Ðọc lại Nghĩa.

    Như ngoại xướng: "Ðiện Trà", "Quì", Chức sắc đồng quì dưng Trà lên khỏi đầu.

    Một cặp lễ sanh đầu, ở giữa hầu, đặng cầm song đăng bước lên. Khi xướng "Quì" thì cũng phết chơn trái, đá chơn mặt, quì xuống cho đều với ba cặp lễ sanh kia, chừng trống nhạc đổ thì lần lần đứng dậy cho đều, day mặt vào Bửu điện.

    . . . Phải vậy con. . . Hễ đứng dậy rồi, xây mặt vào Chánh điện, để song đăng và cúng vật xuống ngay ngực, chừng trống đổ lần thứ nhì, cung lên. Nhạc lại khởi thì xem nhịp mà đi bảy lái, chừng ấy Thầy dặn Nhơn nó nhịp lại cho các con đi. Cười . . .

    Con Trung, con phải giữ y như Tân Luật mà hành lễ.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn dạy cách sắp đặt nghi thức cúng Ðại Ðàn, đặc biệt, Ðức Chí Tôn nhập vào Ngài Cao Quỳnh Cư để dạy cách hiến lễ đi theo hình chữ Tâm . () Ðây là cách hiến lễ đặc biệt của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

    Nhơn: Giáo Sư Thượng Nhơn Thanh (Nguyễn Văn Nhơn).

    Ngọc Hoàng Sấm: Ý nói trống Lôi Âm (Lôi Âm Cổ).

    Bạch Ngọc Chung: Chuông Bạch Ngọc.

    Ðờn bảy bài: Ðại Ðàn cúng Vía Ðức Chí Tôn và ba rằm lớn: Thượng nguơn, Trung nguơn, Hạ nguơn, khi Nhạc Tấu Quân Thiên, nhạc đờn bảy bài, kể ra sau đây:

    Xàng xê: là đưa qua trộn lại không ở một chỗ, ấy là thời Hỗn Ðộn sơ khai.
    Ngũ Ðối Thượng: là từng trên, có Ngũ Khí thanh nổi lên làm Trời.
    Ngũ Ðối Hạ: là từng dưới, có khí Ngũ Hành nặng trược hạ xuống làm Ðất.
    Long Ðăng: là rồng lên, ấy là Dương.
    Long Ngâm: là rồng xuống, ấy là Âm.
    Vạn Giá: là muôn việc đã định rồi, ấy là muôn loài đều có tên.
    Tiểu Khúc: là sự nhỏ ngắn, ấy là các vật nhỏ ngắn đều có định luật.

    Ðờn hiến lễ bảy bài vì Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu phối hợp Dương quang và Âm quang sanh hóa CKVT vạn vật.

    Lịch: Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (Lê Văn Lịch).

    Nghĩa: Khai Pháp Trần Duy Nghĩa.

    Ðức: Hiến Pháp Trương Hữu Ðức.

    Hậu: Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu.

    Tràng: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng.

    Cư: Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.

    Tắc: Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

    Sang: Ðức Thượng Sanh Cao Hoài Sang.

    Hiểu: (? )

    Kỳ:Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh (Vương Quan Kỳ).

    Kim: Giáo Sư Thượng Kim Thanh (Ngô Văn Kim).

    Hầu xướng nội: Ðứng hầu Nội Nghi, phận sự xướng lễ.

    Bản: Giáo Hữu Thượng Bản Thanh (Ðoàn Văn Bản).

    Giỏi: Giáo Hữu Thượng Giỏi Thanh (Huỳnh Văn Giỏi).

    Tỷ: Giáo Hữu phái Thượng (Cần Giuộc).

    Tiếp: Giáo Hữu phái Thượng (Cần Giuộc).

    Lễ sanh: Người giữ phận sự điện lễ. Ðiện lễ là hai tay cung lên, bưng phẩm vật đem từ Ngoại nghi vào Nội nghi, bước đi theo hình chữ Tâm () trao cho Chức sắc quì tại Nội nghi hiến lễ lên Ðức Chí Tôn. Danh từ "Lễ sanh ở đây chỉ người hiến lễ" trùng với "Lễ Sanh là phẩm vị Chức sắc", nên Ðức Lý Giáo Tông sau nầy đặt ra danh từ Lễ sĩ cho phân biệt:

    . Lễ sĩ là người hiến lễ, học trò lễ.
    . Lễ Sanh là phẩm vị Chức sắc dưới Giáo Hữu.

    Tương: Phối Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương)

    Giảng: Giáo Hữu Thượng Giảng Thanh (Lê Văn Giảng).

    Kinh: Giáo Sư Ngọc Kinh Thanh (Nguyễn Văn Kinh).

    Trung: Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung).

    Minh Ðường: Phái tu nơi chùa Vĩnh Nguyên Tự ở Cần Giuộc của Thái Lão Sư Lê Ðạo Long.

    Chương: Bảo Ðạo Ca Minh Chương.

    Minh: Hòa Thượng Thiện Minh, học trò của Hòa Thượng Như Nhãn. Ðức Chí Tôn phong Ngài Thiện Minh là Ðầu Sư Thái Minh Tinh, phái Thái.

    Tươi: Hiến Ðạo Phạm Văn Tươi.

    Muồi: Giáo Sư Ngọc Muồi Thanh (Nguyễn Văn Muồi)

    Vân: Giáo Sư Ngọc Vân Thanh (Ngô Tường Vân).

    Hai câu: "Cư, con đi cho nó coi. Các con coi Thầy đi đây nè." Ðức Chí Tôn nhập xác vào Ngài Cao Quỳnh Cư để dạy cách đi hiến lễ bước theo hình chữ Tâm.

    Ngoại xướng: Cặp lễ sĩ ở Ngoại nghi xướng lễ.

    Ðiện Trà: Lễ sĩ đi hình chữ Tâm, cung tay cầm cái đài có đặt tách Trà, đem dâng từ Ngoại nghi vào Nội nghi.

    Song đăng: Cặp lễ sĩ đi trước cầm hai cây đèn, gọi là Cặp đăng hay Song đăng. (Cặp lễ sĩ đi sau bưng cúng phẩm gọi là Cặp đài).

  • 17. Muốn cho đắc đạo phải có công quả

    17. Muốn cho đắc đạo phải có công quả

    17. Ngày 5-7-1926 (âl 26-5-Bính Dần)

    CAO ÐÀI

    K. . . nghe Thầy dạy con.

    Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật, muốn cho đắc đạo phải có công quả.

    Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo. Vậy đắc đạo cùng chăng, tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn.

    Thầy nói cho con nghe, K . . . ôi! Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ.

    K . . . con ôi! Cửa Bạch Ngọc Kinh ít kẻ, chớ chốn A Tỳ vốn nhiều người. Con liệu mà hành đạo. Thầy thương con chừng nào, ngày sau con càng ăn năn tiếc chừng nấy.

    Thầy đã hiểu lòng con ăn năn sám hối, nên Thầy đã tha tội trước cho con rồi.

    Phận sự con rất lớn, tại Ngọc Ðàn con sẽ thọ lịnh.

    CHÚ THÍCH:

    K . . .: Giáo Sư Ngọc Kinh Thanh (Nguyễn Văn Kinh). Ông Kinh, sanh năm 1890 ở Bình Lý Thôn, Gia Ðịnh, tu theo Minh Sư, học trò của Thái Lão Sư Trần Ðạo Quang. Ông Kinh có cất một cái am nhỏ ở làng Hữu Ðạo thuộc Cai Lậy để tu học với Ngài Nguyễn Văn Tương (sau thọ phong Thượng Chưởng Pháp. Khi Ngài Thượng Chưởng Pháp Tương qui Tiên thì Ngài Trần Ðạo Quang được phong Quyền Thượng Chưởng Pháp. Về sau nữa, khi Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ đăng Tiên thì Ngài Trần Ðạo Quang được ân phong chánh vị là Ngọc Chưởng Pháp).

    Ông Kinh thọ Thiên ân Giáo Sư phái Ngọc vào ngày mùng 8-6-Bính Dần, có viết hai quyển sách về Giáo Lý Ðạo Cao Ðài là: Giảng Ðạo Yếu Ngôn và Hội Lý Xiển Chơn Luận. Giáo Sư Kinh có học thức uyên thâm, nên được Ðức Chí Tôn bổ đi thuyết đạo phổ độ nhơn sanh ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

    Năm 1945, do máy bay Ðồng Minh oanh tạc đánh Nhựt Bổn, Ông bị thương nặng lúc đi trên sông Vàm Cỏ, được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn thì qui liễu, hưởng 56 tuổi. (Tài liệu của Huệ Nhẫn)

    Bạch Ngọc Kinh: Tòa nhà bằng ngọc trắng tại Trung Tâm của Càn khôn Vũ trụ, là nơi thường ngự của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế. Trong Bạch Ngọc Kinh có đủ ngôi vị của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, đủ cả Nam và Nữ.

    A Tỳ: chỉ cõi Ðịa ngục, là nơi giam giữ và trừng trị các tội hồn, tức là những linh hồn mà trong kiếp sống nơi cõi trần đã làm nhiều điều ác độc, tội lỗi.

  • 18. Cờ vải

    18. Cờ vải

    18. Ngày 15-7-1926 (âl 6-6-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Cư, Tắc, con phải đem bốn đứa nhỏ theo, rồi kiếm thêm tám đứa nữa, chia ra mỗi hướng là ba đứa, con để:

    An . . . . . . . . . . . . Ðông
    Bích . . . . . . . . . . . Tây
    Tri . . . . . . . . . . .. Nam
    Hoằng . . . . . . . . . . .Bắc.

    Biểu chúng nó cầm mỗi đứa một cây cờ nhỏ. Phải làm cờ thế nầy: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen, mỗi hướng ba cây. Trung ương là ba đứa bây cầm. Như làm cờ vải chẳng kịp thì mua giấy màu. Bề dài cờ là 9 tấc tây, bề ngang 3 tấc tây, cắt xéo xuống. Nghe và tuân theo.

    Khi sắp đặt rồi, Cư, con chấp bút bằng nhang cho Thầy trấn. Con biểu Vân, khi trấn rồi, nó ở trong cho tới mãn lễ, nếu bước ra ngoài, về nhà điên đi mà chớ.

    Biểu sắp nhỏ đại tịnh. Tắc nghe, con ngó chừng chúng nó luôn luôn.

    Biểu Lịch phát cờ cho sắp nhỏ vì nó phải đọc chú.

  • 19. Thầy giao Nữ phái cho con

    19. Thầy giao Nữ phái cho con

    19. Thứ bảy, 17-7-1926 (âl 8-6-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Ðường thị! Thầy giao phe Nữ cho con lập thành. Chẳng phải vì đàn bà mà sớm nồi cơm, chiều trả cháo hoài.

    Phần các con truyền đạo kỳ Phổ Ðộ nầy cũng lắm nặng nề, bao nhiêu Nam tức bao nhiêu Nữ. Nam biết thành Tiên, Phật, chớ Nữ lại không sao?

    Thầy đã nói Bạch Ngọc Kinh có cả Nam và Nữ, mà phần nhiều Nữ lấn quyền thế hơn Nam nhiều.

    Vậy, con phải tuân lịnh Thầy mà lập thành Nữ phái. Nghe và tuân, Thầy hằng ở bên con, lo chung cùng con. Con chớ ngại.

    H . . . Thầy giao Nữ phái cho con rộng quyền dạy dỗ, làm chủ, chờ Thầy thâu đến mà giao cho con. Trách nhậm con, Thầy chia bớt với.

    CHÚ THÍCH:

    Ðường thị: Ðức Chí Tôn gọi Bà Ðãi thị Huệ. Bà là bạn đời của Ngài Lê Văn Trung (Quyền Giáo Tông). Bà là người Việt gốc Hoa. Chữ Ðường là chỉ người Trung Hoa.

    H . .: Huệ, Bà Ðãi thị Huệ (họ Ðãi cũng nói là Ðái).

    Phụ ghi:

    Nguyên bản chánh in là: ... Bà là phu nhân của Ngài Lê Văn Trung ...

    Chúng tôi xin đề nghị: ... Bà là bạn đời của Ngài Lê Văn Trung ... (được sự đồng thuận của tác giả).

  • 20. Chư môn đệ phải trai giới

    20. Chư môn đệ phải trai giới

    20. Ngọc Ðàn (Cần Giuộc) [Vĩnh Nguyên Tự]
    Thứ bảy, 17-7-1926 (âl 8-6-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.

    Ðại hỉ! Ðại hỉ!

    Ngọc Ðầu Sư khả tu truyền pháp, thuyết đạo.

    Kẻ nào trai giới đặng 10 ngày đổ lên, thọ bửu pháp đặng.

    Chư môn đệ phải trai giới. Vì tại sao?

    Chẳng phải Thầy còn buộc theo Cựu luật, song luật ấy rất nên quí báu, không giữ chẳng hề thành Tiên Phật đặng.

    Thầy cắt nghĩa:

    Mỗi kẻ phàm dưới thế nầy đều có hai xác thân: Một phàm gọi là Corporel, còn một thiêng liêng gọi là Spirituel, mà cái thiêng liêng do nơi cái phàm mà ra nên gọi nó là bán hữu hình, vì có thể thấy đặng mà cũng có thể không thấy đặng.

    Cái xác vô hình huyền diệu thiêng liêng ấy do nơi Tinh, Khí, Thần mà luyện thành. Nó nhẹ nhàng hơn không khí. Khi nơi xác phàm xuất ra thì lấy hình ảnh xác phàm như khuôn in rập. Còn khi đắc đạo mà có Tinh, Khí, không có Thần thì không thế nhập mà hằng sống đặng. Còn có Thần không có Tinh, Khí thì khó huờn đặng Nhị xác thân.

    Vậy ba món báu ấy phải hiệp mới đặng.

    Nó vẫn là chất tức hiệp với không khí Tiên Thiên, mà trong khí Tiên Thiên thì hằng có điển quang. Cái Chơn thần buộc phải tinh tấn trong sạch mới nhẹ hơn không khí, ra khỏi ngoài Càn khôn đặng.

    Nó phải có bổn nguyên chí Thánh, chí Tiên, chí Phật, mới xuất Thánh, Tiên, Phật đặng.

    Phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất Chơn thần tinh khiết.

    Nếu như các con còn ăn mặn, luyện đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng.

    Như rủi bị huờn, thì đến khi đắc đạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điển (bon conducteur d"électricité) thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt.

    Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc Nhân Tiên thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn.

    Vì vậy, Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện đạo.

    CHÚ THÍCH:

    Ngọc Ðầu Sư: Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt.

    Trai giới: Giới luật về ăn chay.

    Bửu pháp: Phép luyện đạo quí báu.

    Cựu Luật: Luật pháp thời xưa, tức là Luật pháp thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ. Luật pháp thời Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ thì gọi là Tân Luật. Ðức Chí Tôn mở ra thời kỳ Ðại Ân Xá, nên ban ơn cho môn đệ ăn chay đủ 10 ngày trong mỗi tháng thì được thọ truyền bửu pháp luyện đạo, nhưng khi đã vào Tịnh Thất để luyện đạo thì buộc phải ăn chay trường (trường trai) để việc luyện đạo mới đạt được kết quả tốt đẹp. (Câu Thánh ngôn cuối).

    Nhị xác thân: Xác thân thứ nhì, thường được gọi là Chơn thần, hay Xác thân thiêng liêng.

    Ðiển quang: Ánh sáng truyền đi giống như làn sóng điện, nhưng làn sóng điện thì có tần số thấp, còn ánh sáng thì có tần số rất cao. Do đó, ánh sáng và sóng điện đều có cùng bản chất sóng, nên gọi là Ðiển quang, chỉ khác nhau nơi tần số cao thấp mà thôi.

    Trược khí: Chất khí ô trược. Ở đây, chất trược khí ấy được tạo ra bởi các loại thực phẩm thịt cá do ăn mặn.

    Bon conducteur d"électricité: (Tiếng Pháp) Chất dẫn điện tốt.

  • 21. Tu là chi?

    21. Tu là chi?

    21. Sài gòn (tại nhà Cao Thượng Phẩm)
    Ngày 21-7-1926 (âl 12-6-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Chư nhu, chư tín nữ khá nghe,

    Nếu cả thế gian nầy biết tu thì thế gian có lẽ cải lý Thiên đình mà làm cho tiêu tai tiêu nạn đặng, huống lựa mỗi cá nhân biết tu thì Thiên đình cầm bộ Nam Tào cũng chẳng ích chi.

    Tu là chi? Tu là trau giồi đức tính cho nên hiền, thuận theo ý Trời định trước.

    Nếu thế gian dữ thì thế nào đặng bảo toàn, còn mong mỏi gì đặng bền vững. Cá nhân dữ thì thế nào bảo toàn tánh mạng.

    Ðã bị tội cùng Thiên đình thì bị hành phạt. Nơi kiếp sống nầy, nếu không biết tu, buổi chung qui sẽ mắc tội nơi Thiên đình.

    Phẩm vị Tiên, Phật để thưởng cho kẻ lành mới đáng phẩm vị, chớ chẳng phải của để treo tham cho thế gian phòng toan đạt đặng.

    Tuy luật lệ siêu phàm nhập Thánh thì vậy mặc dầu, chớ cũng do cơ thưởng phạt của Thiên đình mới đạt phẩm vị ấy đặng.

    Của vô vi chưa chắc ai muốn lấy thì lấy tùy ý. Nếu làm Tiên, Phật đặng dễ dàng thì cả thế gian, miễn có học chút ít thì đã đặng làm Tiên, Phật rồi, vì luân hồi đâu có phòng sanh sanh tử tử.

    Kinh điển giúp đời siêu phàm nhập Thánh, chẳng khác chi đũa ăn cơm, chẳng có đũa, kẻ có cơm bốc tay ăn cũng đặng.

    Các con coi kinh điển lại, rồi thử nghĩ lại sự công bình thiêng liêng mà suy gẫm cho hay lẽ phải.

    Thầy khuyên các con theo sau Thầy mà đến phẩm vị mình thì hay hơn tuông bờ lướt bụi, đi quanh kiếm quất, nghe à. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.II.231. Phò loan: Hộ Pháp - Thượng Phẩm.

    Bộ Nam Tào: Ông Tiên Nam Tào, còn gọi là Nam Cực Tiên Ông, cầm Bộ Sanh của nhơn loại.

    Của để treo tham: Vật quí treo lên để khêu gợi lòng tham của con người muốn đoạt lấy.

    Của vô vi: Của cải thiêng liêng vô hình.

    Kinh điển: Kinh và sách ghi chép các phép tắc và sự việc thời xưa, dùng làm khuôn mẫu cho đời sau học tập.

  • 22. Các con là Thầy, Thầy là các con

    22. Các con là Thầy, Thầy là các con

    22. Thứ năm, 22-7-1926 (âl 13-6-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Sự chết, thường thế gian gọi chết là hết, là vì dốt không biết đạo nên tưởng lầm.

    Khắp trong nhân loại trên mặt địa cầu nầy, phần đông vì kính thờ Tà quái, mà Tà quái vốn chứa sự chết, thì tức nhiên chúng nó ở trong vòng sự chết là phải tiêu diệt, thì bao giờ biết đặng sự hằng sống là gì. Cười . . . Nếu Thầy không đến kịp thì các con cũng vẫn bị trong vòng sự chết.

    Tà mị cũng như một hột lúa bị hẩm mà thúi thì thế nào mọc đặng mà sanh bông trổ trái.

    Còn bực chơn tu, tỉ như một hột giống tốt, hễ gieo xuống thì cây lên, cây lên thì trổ bông, rồi sanh trái mà biến biến sanh sanh càng tăng số. Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần, mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa Chơn thần, Chơn thần lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài. Ấy là Ðạo.

    Bởi vậy, một Chơn thần Thầy mà sanh hóa thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, và toàn cả nhơn loại trong Càn khôn Thế giới. Nên chi, các con là Thầy, Thầy là các con.

    - Như kẻ bên Phật giáo hay tặng Nhiên Ðăng là Chưởng giáo, Nhiên Ðăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Ðế.

    - Người gọi Quan Âm là Nữ Phật tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Ðạo Nhân biến thân, Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương.

    - Người gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, Thích Ca vốn sanh ra đời nhà Châu.

    - Người gọi Lão Tử là Tiên Tổ giáo, thì Lão Tử cũng sanh ra đời nhà Châu.

    - Người gọi Jésus là Thánh đạo Chưởng giáo, thì Jésus lại sanh nhằm đời nhà Hớn.

    Thầy hỏi: Vậy chớ ai sanh ra các Ðấng ấy?

    Khí Hư Vô sanh có một Thầy. Còn mấy Ðấng Thầy kể đó ai sanh? Ấy là Ðạo. Các con nên biết.

    Nếu không có Thầy thì không có chi trong Càn khôn Thế giới nầy, mà nếu không có Hư Vô chi Khí thì không có Thầy.

    CHÚ THÍCH:

    Các con là Thầy, Thầy là các con: Thầy là Ðại Từ Phụ, Ðấng Cha Trời, cho nên toàn thể các con là Cha mà Cha cũng là toàn thể các con. Cả nhơn loại đều có một Ông Cha Chung Thiêng Liêng Duy Nhất là Ðức Chí Tôn. Ðây là một triết lý đặc sắc của Ðạo Cao Ðài mà các tôn giáo khác không có.

    Nhiên Ðăng: Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật, giáng trần vào thời vua Hiên Viên Huỳnh Ðế bên Tàu (2697 trước Chúa giáng sinh), mở Phật giáo thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, trước Ðức Phật Thích Ca 2074 năm.

    Quan Âm: Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngài là một chiết linh của Từ Hàng Bồ Tát giáng trần, tu hành tại Phổ Ðà Sơn, đắc đạo thành Bồ Tát lấy hiệu là Quan Thế Âm. Từ Hàng Bồ Tát lại giáng sanh vào thời Phong Thần Trung hoa.

    Thích Ca Mâu Ni: Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ vì Ngài là Phật, làm Tổ Sư Phật giáo ở Ấn Ðộ. Ðức Phật Thích Ca giáng sanh trước Chúa giáng sinh 623 năm.

    Lão Tử: Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ giáng trần thời nhà Châu bên Tàu, gọi là Lão Tử. Ðức Khổng Tử giáng sanh năm 551 trước Chúa giáng sinh, có đến hỏi Ðức Lão Tử về Lễ.

    Jésus: Năm giáng sanh của Ðức Chúa Jésus được dùng làm năm thứ nhứt Tây lịch. Ngài giáng sanh tại nước Do Thái, mở Thánh đạo là Thiên Chúa giáo, và làm Giáo chủ, gọi là Gia Tô Giáo Chủ, hay Thánh đạo Chưởng giáo.

    Hư Vô chi Khí: Khí Hư Vô, đó là chất khí nguyên thủy. Ðức Lão Tử gọi Khí Hư Vô là Ðạo. Khí Hư Vô sanh ra một đấng duy nhứt là Ðức Chí Tôn, ngôi của Ngài là Thái Cực. Thái Cực còn được gọi là Ðại Linh quang, Ðại Hồn của vũ trụ.

    Thái Cực biến hóa sanh ra Lưỡng Nghi: Dương quang và Âm quang. Ðức Chí Tôn chưởng quản Dương quang, còn Âm quang chưa có ai chưởng quản, nên Ðức Chí Tôn hóa thân ra làm Phật Mẫu để chưởng quản Âm quang.

    Ðức Phật Mẫu cho 2 khí Dương quang và Âm quang phối hiệp để tạo thành Càn Khôn Vũ Trụ và vạn vật. Cho nên, mọi người mọi vật, các Ðấng Thần Thánh Tiên Phật, đều do Ðức Chí Tôn sanh ra, và Ðức Chí Tôn làm Cha chưởng quản, nên gọi Ðức Chí Tôn là Ðại Từ Phụ.

  • 23. Đàn nội chẳng nghiêm, Thầy không giáng

    23. Đàn nội chẳng nghiêm, Thầy không giáng

    23. Chúa nhựt, 25-7-1926 (âl 16-6-Bính Dần)

    CAO ÐÀI

    Cười . . .

    T... con coi mặc Thiên phục có xấu gì đâu con?

    Một ngày kia, sắc phục ấy đời sẽ coi quí trọng lắm. Con ôi! Con có biết những điều ấy bao giờ!

    Cười . . . Mấy đứa lễ sanh cốt để sắp đặt sự nghiêm trang trong đàn cầu Thầy, chớ chẳng phải duy để đi lễ mà thôi. Mỗi đại đàn phải đủ mặt, chúng nó phải ăn mặc trang hoàng hai đứa trước, hai đứa sau, xem sắp đặt sự thanh tịnh.

    Thầy dặn các con, như đàn nội chẳng nghiêm, Thầy không giáng, ba con nhớ nghe!

    Tr. . . , L. . . , K. . . , T. . . nghe:

    Bốn con đã mang nơi mình mỗi đứa một trách nhậm chẳng phải nhỏ.

    Thử nghĩ, lập một nước còn dễ hơn dạy một người dữ đặng hiền, huống chi trong Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy, các con phải độ rỗi cả nhơn loại khắp cả Năm Châu, thì trách nhậm ấy lớn lao là bực nào.

    Cái hạnh và cái đức của các con, nó phải phù hạp với cái trách nhậm mới đặng. Các con là đèn và gương soi của nhơn loại, phải tập mình cho xứng đáng.

    Các con có đặng hạnh phúc ấy là do học đặng mảy mún nơi Thầy, mà Thầy dạy các con chẳng nghe, Thầy sai các con chẳng tuân.

    Tu thân còn chưa xong thì thế nào mong mỏi thành Tiên, Phật đặng?

    CHÚ THÍCH:

    T. . .: Tương, Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh.

    Thiên phục: Y phục do Ðức Chí Tôn ban cho.

    Ðàn nội chẳng nghiêm thì Thầy không giáng: Nếu trong đàn cầu cơ không nghiêm trang, tinh khiết và yên tịnh thì Ðức Chí Tôn không giáng. Như vậy, Quỉ ma thừa cơ lợi dụng, giáng vào mà mượn danh Tiên, Phật dối gạt nhơn sanh, rất nguy hiểm. Do đó, Ðức Chí Tôn báo cho môn đệ cảnh giác.

    Tr. . .: Trung, Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    L . . .: Lịch, Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt.

    K . . .: Giáo Sư Ngọc Kinh Thanh (Nguyễn văn Kinh)

    Trong Thánh Ngôn chép tay của Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu, trang 53, có chép bài Thánh Ngôn nầy, nhưng phần cuối có thêm một đọan, xin chép bổ sung ra sau đây:

    "Tu thân chưa xong thì thế nào mong mỏi trị quốc và bình thiên hạ đặng. Các con ôi! Dưới thế nầy, biết bao nhiêu là môn đệ của Thầy mà sao Thầy buộc mình lựa cho đặng: Trung, Lịch, Minh, Kinh, Tương. Các con chưa biết sự quí trọng ấy, mà đến ngày biết lại ăn năn đã muộn. Các con phải gẫm những Thánh ngôn của Thầy cho lắm và liệu lấy mà xét mình."

  • 24. Trường thi công quả

    24. Trường thi công quả

    24. Thứ tư, 4-8-1926 (âl 26-6-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư nhu.

    Nghe dạy:

    Sự chơn thật và sự giả dối, mắt phàm các con đâu có thế phân biệt đặng.

    Một trường thử Thánh, Tiên, Phật, vì vậy mà phải lập nơi thế gian nầy. Nếu buổi sanh tiền, dầu cho một kẻ phàm tục tội lỗi biết đặng cơ quan mầu nhiệm của Ðấng Chí Tôn là Trời đã sắp đặt, thì cũng chẳng dám gây ra tội lỗi mà thôi, lại có thể đắc đạo mà gấm ghé phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng nữa, huống lựa là các Ðấng ấy phải bị đọa trần mà biết mình hằng giữ, thì mầu nhiệm thử Thần, Thánh, Tiên, Phật, chẳng có nghĩa lý gì hết.

    Vì vậy mà Thầy hằng nói cùng các con rằng: Một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi.

    Thầy lại khuyên nhủ các con rằng: Thầy đã đến chung cùng với các con, các con duy có tu mà đắc đạo, phải đoái lại bá thiên vạn ức nhơn sanh còn phải trầm luân nơi khổ hải, chưa thoát khỏi luân hồi, để lòng từ bi mà độ rỗi.

    Nay tuy các con chẳng thấy đặng hành vi mầu nhiệm mà chính mình Thầy đã đến nói, các con cũng nên tin nơi Thầy mà cho rằng lời Thầy dạy là chơn thật.

    Nếu các con đợi đến buổi chung qui, hồn ra khỏi xác, mới thấy cơ mầu nhiệm đặng thì chừng ấy đã muộn rồi.

    Vậy các con khá tuân lịnh dạy.

    CHÚ THÍCH:

    Lần thứ nhứt, Ðức Chí Tôn đã nói nơi bài Thánh Ngôn 17: "Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo."

    Ðây là lần thứ nhì, Ðức Chí Tôn lại nói: "Một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi."

    Chúng ta lưu ý rằng, trong thời kỳ Ðại Ân Xá nầy, Ðức Chí Tôn miễn cho chúng ta môn Luyện Ðạo, chúng ta chỉ lập công quả cho nhiều thì đủ đắc đạo.

    Chư nhu: Các Nho sĩ, tức là các vị trí thức nho học.

    Sanh tiền: Buổi trước lúc người ấy còn sống.

    Trầm luân: Trầm là chìm, luân là chìm đắm. Trầm luân là chìm đắm.

    Khổ hải: Biển khổ. Cõi trần là biển khổ. Ðức Phật nói: Nước mắt của chúng sanh nhiều như nước bốn biển.

    Chung qui: Chung là hết, qui là trở về. Chung qui là chết và trở về cõi thiêng liêng.

  • 25. Hữu hình - Vô vi

    25. Hữu hình - Vô vi

    25. Ngày 5-8-1926 (âl 27-6-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ

    Hỉ chư môn đệ.

    Thầy muốn các con hội hiệp đặng nghe dạy.

    Th . . . nghe dạy:

    Thời kỳ mạt pháp nầy, khiến mới có Tam Kỳ Phổ Ðộ, các sự hữu hình phải hủy phá tiêu diệt.

    Thầy đến chuyển đạo, lập lại vô vi. Các con coi thử bên nào chánh lý: Hữu hình thì bị diệt đặng, chớ vô vi chẳng thế nào diệt đặng.

    Th . . . , Thầy đã khiến con đi Ðế Thiên Ðế Thích đặng xem cho tạng mặt hữu hình. Nội thế gian nầy ngày nay, ai cũng nhìn nhận cho là tối đại, mà con đã thấy nó còn bền vững đặng chăng? Lòng đạo đức con, Thầy thấy rõ, nhưng thời giả dối đã qua, thời kỳ chân thật đã đến. Thầy không muốn cho con hao tài tốn của mà gìn giữ sự giả dối.

    Chẳng cần chi con lập Thánh Thất của Thầy và sùng tu Phật tượng chi hết. Con hiểu bổn nguyên "Bảo Sanh" là bổn nguyên Thánh chất Thầy.

    Thầy khuyên con để dạ lo cho nhơn sanh mà thôi, phần hồn về Thầy.

    Con có biết sự chơn thật nơi nào mà phải khổ thân lo lắng. Con có phận sự rất lớn, Thánh danh con cũng lớn. Thầy dặn con, nhứt nhứt phải do mạng lịnh Thầy mà thôi.

    Con phải lập cho thành một nền tư bổn, chung lo cùng môn đệ Thầy, ngày ngày hằng góp nhóp, tùy sức mỗi đứa lo lập:

    Một sở trường học,
    Một sở dưỡng lão ấu,
    Và một nơi Tịnh Thất.

    Còn chùa chiền thì ngày sau e cho con không đủ sức cai quản cho hết. Ấy vậy, đừng lo lắng đến nữa. Nghe và tuân theo.

    Con phải đi công quả với Tr. . . mà độ rỗi nhơn sanh. Con có thể giúp phương tiện cho mấy đứa nhỏ đi truyền đạo, thì chung lo với nhau mà định liệu.

    Con khá nghe theo lời Thầy. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Th . .: Thơ, Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ), sau được thăng lên phẩm Thái Ðầu Sư.

    Tr . . .: Trung, Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung), sau được thăng lên Quyền Giáo Tông.

    Bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn dạy Ngài Thái Thơ Thanh.

    Mạt pháp: Thời kỳ cuối của một tôn giáo mà giáo lý bị sai lạc sắp mất hẳn.

    Theo Phật giáo, giáo lý của Ðức Phật Thích Ca sẽ trải qua 3 thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp.

    Chánh pháp là thời kỳ đầu, kể từ lúc Phật nhập diệt cho đến 500 năm sau. Giáo pháp của Phật được các đệ tử giữ gìn còn nguyên vẹn, nên số người tu đắc đạo rất nhiều.

    Tượng pháp là thời kỳ tiếp theo, kéo dài 1000 năm. Giáo pháp của Phật bị các đệ tử sửa đổi chút ít nhưng vẫn còn giống giáo pháp ban đầu, người tu đắc đạo khá nhiều, nhưng ít hơn thời Chánh pháp. Tượng là giống như, mường tượng.

    Mạt pháp là thời kỳ sau cùng, kéo dài khoảng 1000 năm. Giáo pháp của Phật bị các đệ tử lần lần sửa cải, sai lạc gần hết, người tu bị lầm lạc, tu nhiều mà đắc đạo rất ít. Mạt là hết, cuối.

    Ðế Thiên Ðế Thích: Hai khu đền đài vĩ đại Angkor Thom và Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap của nước Cao Miên, về phía Tây, gần biên giới Thái Lan. Ðây là những đền đài vô cùng vĩ đại, lớn vào bực nhứt thế giới, được xây dựng toàn bằng những tảng đá xanh rất kiên cố. Người Cao Miên rất hãnh diện đối với khu đền đài nầy, vì nó chứng tỏ dân tộc Miên có một thời văn minh rất rực rỡ. Ðế Thiên Ðế Thích được các vị vua Miên xây dựng cách nay khoảng 1000 năm, đến bây giờ thì bị hư hại rất nhiều, nhưng chưa được trùng tu.

    Sùng tu Phật tượng: Tôn kính sửa sang các tượng Phật.

    Bổn nguyên: Bổn là gốc, nguyên là cái nguồn. Bổn nguyên là cái nguồn gốc từ đó phát xuất ra. Bảo sanh là bảo vệ sự sống. Ðức Chí Tôn sanh ra vạn vật và bảo vệ sự sống của vạn vật, nên Ðức Chí Tôn là Cha sự sống. Bổn nguyên Bảo sanh là Thánh chất của Ðức Chí Tôn. Cho nên Giới cấm đầu tiên là Cấm Sát sanh (Cấm giết hại sanh vật).

    Tư bổn: Tư bản, là tiền bạc dùng làm vốn để kinh doanh sanh lợi.

  • 26. Ðạo khai tức Tà khởi

    26. Ðạo khai tức Tà khởi

    26. Thứ bảy, 7-8-1926 (âl 29-6-Bính Dần)

    CAO ÐÀI

    Mầng mấy con. Mấy con nghe:

    Những sự phàm tục đều là mưu kế của Tà mị Yêu quái, cốt để ngăn trở bước đường Thánh đạo của các con. Những mưu quỉ quyệt ấy do lịnh Thầy dùng để thử các con.

    Thầy đã nói: Thầy thả một lũ hổ lang ở lộn cùng các con, nó hằng thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con. Thầy lại khuyên các con gìn giữ bộ thiết giáp cho đến ngày hội hiệp cùng Thầy.

    Ấy vậy, Ðạo là vật rất hữu ích, như giáp hữu ích cho thân các con. Nếu các con bỏ giáp thì thân các con ra trần lỗ, còn bỏ Ðạo thì các con ở dưới phép tà thần. . . . . . . . . . . . . .

    Các con chớ ngại, ngày nay, Ðạo khai tức Tà khởi. Vậy thì các con phải hết lòng hết sức mà gìn giữ lấy mình, đã chẳng phải giữ mình các con mà thôi, lại còn gìn giữ cả môn đệ Thầy nữa. . . . . . . . .

    Thầy nói cho các con hiểu trước rằng: Cả môn đệ Thầy đã lựa chọn lọc lừa, còn lối nửa phần, vì Thầy cho yêu quái lấy danh Thầy mà cám dỗ.

    Cười . . . Ði bao nhiêu đều mất bấy nhiêu. Các con chớ buồn vì Thiên cơ phải vậy. Thi nhiều đậu ít là lẽ hằng.

    Các con liệu phương thế mà nâng đỡ đức tin của môn đệ cao lên hằng ngày, ấy là công quả đầu hết.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.II.233. Hai chỗ có nhiều chấm . . . . . . trong đoạn giữa, xin chép bổ sung:

    "Cư, Tắc, Sang, con ôi! Lập đạo thành chăng tại nơi ba con. Con đã nghe quyền hành của yêu quỉ, Thầy cho lớn đến bực nào. Chẳng phải là cơ thử Thánh, Tiên, Phật mà thôi, lại là công bình thiêng liêng của Tạo hóa.

    Nếu hai đầu cân chẳng song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý. Tự nơi các con làm thế nào cho bên Thánh đức nặng hơn Tà mưu thì làm mới ra công quả."

    "Nội Nam phương nầy, như có mặt cho Tà Thần Yêu quái sợ thì duy có ba con. Vậy rán giữ gìn cho thanh khiết."

    Trần lỗ: Trần truồng không quần áo mặc che thân.

    Ðạo khai Tà khởi: Ðạo thì giáo hóa, Tà thì làm giám khảo thử thách. Chánh Tà là hai thế lực cần thiết không thể thiếu được trong sự công bình thiêng liêng của Tạo hóa, 2 thế lực ấy tạo thành ngẫu lực thúc đẩy sự tiến hóa của Càn khôn.

    Thi nhiều đậu ít là lẽ hằng: Lẽ hằng là lẽ phải thường thấy. Cuộc thi tuyển nào mà thí sinh đều thi đậu 100% thì cuộc thi ấy không có giá trị gì cả. Thi nhiều mà đậu ít thì người thi đậu mới có giá trị cao.

  • 27. Quỉ Vương xin hành xác và thử thách các con

    27. Quỉ Vương xin hành xác và thử thách các con

    27. Ngày 8-8-1926 (âl 1-7-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    * Lần thứ nhứt (giờ Ngọ, 12 giờ trưa):

    Thầy mầng các con.

    Thơ, con dắt mấy em con đi Cần Giuộc, vì tà mị muốn nhiễu hại môn đệ Thầy ở dưới. Quan Thánh và Quan Âm đợi các con xuống. Ði lập tức.

    Còn Trung chẳng hề gì, để nó lo việc rất gấp của gia đình nó.

    (Thơ, Hậu, Nghĩa, Tràng, Cư, Tắc, Sang, xuống tới Cần Giuộc hồi 1 giờ rưỡi, vì không thấy sự chi động tịnh cần kíp nên trì huỡn cho tới 3 giờ chiều mới cầu Thầy mà nghe dạy).

    * Lần thứ nhì (3 giờ chiều), TÁI CẦU:

    Mấy đứa nhỏ chơi hoài há?

    Thầy biểu xuống đây có việc cần mà các con trì huỡn thì không biết có phải nghịch với Thánh ý Thầy không há?

    (Thơ lạy Thầy từ bi thứ tội . . .)

    Thơ, không phải lỗi nơi con đâu.

    Tương, con tức cấp cho đòi cả mấy em con là môn đệ Thầy hội cho đủ mặt.

    Thơ, con ngồi đại tịnh đặng tối nay nghe Thầy dạy việc.

    * Lần thứ ba, TÁI CẦU:

    Hỉ chư môn đệ. Các con nghe dạy:

    Tương, con không hiểu ngày nay là thế nào?

    Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật cả thảy đều náo động cũng vì các con.

    Quỉ Vương đến trước Bạch Ngọc Kinh xin hành xác và thử thách các con. Thầy chẳng chịu cho hành xác. Chúng nó hiệp Tam thập lục Ðộng toan hại các con, nên Thầy sai Quan Thánh và Quan Âm đến gìn giữ các con, nhưng phần đông chưa lập Minh Thệ, nên chư Thần,Thánh, Tiên, Phật không muốn nhìn nhận.

    Vì vậy Thầy sai mấy đứa nhỏ xuống đặng chung hiệp cùng con, mà tức cấp lập thành và luôn dịp phong Thiên ân cho Tương, Kim, và Thơ. Vậy, con phải kêu chúng nó hội cho đủ mặt nội đêm nay.

    * Lần thứ tư (12 giờ khuya), TÁI CẦU:

    Trong Tam Kỳ Phổ Ðộ và qui Tam giáo nầy,

    Phật thì có Quan Âm,

    Tiên thì có Lý Thái Bạch,

    Thánh thì có Quan Thánh Ðế Quân, khai đạo.

    Vậy con lập cho đủ Ba Trấn chứng đàn, con phải lập bàn Ngũ Lôi như Thầy dạy lúc trước, phải có bùa Kim Quang Tiên, còn con viết bùa Giáng Ma Xử để bàn vọng Hộ Pháp, rồi Cư chấp bút nhang cho Thầy triệu Ngũ Lôi đến, rồi nó xuống đứng gần bàn Hộ Pháp với Tắc và Sang, còn mấy đứa phò loan đứng vòng theo đó.

    Con biểu Tương, Kim, Thơ, thề y như buổi trước, chư môn đệ thề như buổi Thiên phong.

    Con phải nhớ dặn chúng nó tịnh tâm mới đặng, vì có cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật chứng đàn.

    Các con nghe Tịch Ðạo:

    THI:
    THANH đạo tam khai thất ức niên,
    Thọ như địa quyển thạnh hòa Thiên.
    Vô hư qui phục nhơn sanh khí,
    Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên.

    THANH là Tịch các con.

    Vậy thì, Tương là Thượng Tương Thanh,
    Kim là Thượng Kim Thanh,
    Thơ là Thái Thơ Thanh.
    Phải dùng tên ấy mà thề.

    * Lần thứ năm (1 giờ rưỡi sáng), TÁI CẦU:

    Tương, bốn đứa lễ sanh đâu con?

    Lập nghi, Thầy cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến chứng đàn.

    * Lần thứ sáu (3 giờ sáng), TÁI CẦU:

    Lịch, chư môn đệ thiếu mặt nhiều lắm con há?

    Vậy nội ngày mai, con phải lên thiết đàn tại Chợ Lớn, nhà Trung, cho cả môn đệ Thầy lập Minh Thệ đủ mặt hết nghe!

    LÝ THÁI BẠCH giáng cơ:

    Thái thượng vô ngôn hữu đạo thành,
    Bạch vân hữu nhãn kiến nhơn sanh.
    Kim quang đắc kiếp tu tâm thiện,
    Tinh đẩu nan tri ngã độ thành.

    QUAN ÂM giáng cơ:

    Quang minh Nam Hải trấn thiền môn,
    Âm cảnh năng tri độ dẫn hồn.
    Bồ đoàn mạc hám liên huê thất,
    Tác thế tâm ưu khởi đạo tông.

    QUAN THÁNH giáng cơ:

    Quan thành tái hiệp Hớn triều phong,
    Thánh đức mạc vong hám thế trần.
    Ðế thất nhứt tâm trung khí dõng,
    Thanh y xích diện hảo vinh phong.

    CHÚ THÍCH:

    Thơ: Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ).

    Tương: Phối Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương).

    Kim: Giáo Sư Thượng Kim Thanh (Ngô Văn Kim).

    Nhiễu hại: Quấy rối và làm hại.

    Quỉ Vương: Chúa Quỉ, tức là Kim Quang Sứ. Ðức Phạm Hộ Pháp giải rõ căn cội của Kim Quang Sứ là: "Ông là một vị Ðại Tiên có phận sự đem ánh sáng thiêng liêng của Ðức Chí Tôn chiếu diệu Càn Khôn Vũ Trụ. Vị Ðại Tiên ấy gấm ghé bước vào Phật vị. Nhưng ông tự cao tự đại, muốn đoạt quyền năng của Ðức Chí Tôn nên làm phản, bị Ngọc Hư Cung đọa vào Quỉ vị làm Chúa Quỉ. Ngày nay, toàn cả Quỉ vị hưởng Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn, và Ðức Chí Tôn ban cho Chúa Quỉ làm giám khảo để cho các môn đệ của Ðức Chí Tôn đoạt phẩm vị, đúng theo lẽ công bình thiêng liêng của Trời Ðất."

    Phần đông chưa lập Minh Thệ nên chư Thần Thánh Tiên Phật không muốn nhìn nhận: Việc môn đệ lập Minh Thệ rất quan trọng. Về mặt hữu hình, nó chứng tỏ người cầu đạo quyết tâm tu hành, tự nguyện giữ đúng giới luật của đạo; về mặt thiêng liêng, các Ðấng Thần Thánh Tiên Phật mới nhìn nhận người đó là môn đệ của Ðức Chí Tôn, nên mới hộ trì trên bước đường tu niệm.

    Ðây là thời kỳ Phổ Ðộ chót, Ðức Chí Tôn vì thương yêu nên buộc các môn đệ Minh Thệ mà không cho giải Thệ. Một Ông Cha đạo đức quá thương các con nên buộc con cái theo mình là lẽ thường, bởi vì Ðức Chí Tôn nhiều lần khẳng định rằng: Gặp ÐÐTKPÐ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi; các con muốn đến đặng CLTG thì phải đi tại cửa nầy mà thôi.

    Ðức Chí Tôn chỉ buộc con cái của Ngài tu hành để hưởng được ngôi vị cao trọng, chớ đâu có buộc con cái làm điều lợi ích cho Ngài. Ngài buộc cũng vì thấy sắp đến ngày Tận Thế, mở Hội Long Hoa. Nếu các môn đệ trì trệ trên đường tu tiến thì phải bị ở lại, không được vào chu trình tiến hóa mới của Càn Khôn Vũ Trụ.

    Tịch Ðạo: Sổ bộ ghi tên Chức sắc với Thánh danh có chữ đặc biệt biểu thị thời kỳ phổ độ của một đời Giáo Tông. Trong bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn ban cho Tịch Ðạo Chức sắc Nam phái Cửu Trùng Ðài. Ðời Giáo Tông thứ nhứt lấy chữ THANH, đời Giáo Tông thứ nhì lấy chữ ÐẠO.

    Bài thi Tịch Ðạo Nam phái viết ra chữ Hán sau đây:

    Thanh Ðạo tam khai thất ức niên, 清道三開七億年
    Thọ như địa quyển thạnh hòa Thiên. 壽如地圈盛和天
    Vô hư qui phục nhơn sanh khí, 無虛歸服人生氣
    Tạo vạn cổ đàn chiếu Phật duyên. 造萬古壇照佛緣

    GIẢI NGHĨA:

    Nền đạo trong sạch của Ðức Chí Tôn mở ra lần thứ ba phổ độ 700 000 năm,

    Sống lâu như trái đất, thịnh vượng cùng Trời.

    Ðức Chí Tôn đem trở về các linh hồn của nhơn sanh,

    Tạo ra từ muôn xưa đàn cúng tế để soi sáng người có duyên với Phật.

    Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, với tôn chỉ qui nguyên Tam giáo, nên Ðức Chí Tôn lập Tam Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Tam giáo là:

    Phật thì Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát làm Nhị Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Phật giáo.
    Tiên thì Ðức Ðại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch làm Nhứt Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Tiên giáo.
    Thánh thì Ðức Quan Thánh Ðế Quân làm Tam Trấn Oai Nghiêm cầm quyền Nho giáo.

    * Ðức Lý Thái Bạch giáng cơ cho bài thi khoán thủ: Thái Bạch Kim Tinh, viết ra chữ Hán như sau:

    Thái thượng vô ngôn hữu đạo thành, 太上無言有道成
    Bạch vân hữu nhãn kiến nhơn sanh. 白雲有眼見人生
    Kim quang đắc kiếp tu tâm thiện, 金光得劫修心善
    Tinh đẩu nan tri ngã độ thành. 星斗難知我度成

    GIẢI NGHĨA:

    - Ngôi Thái cực ở trên, không nói mà đạo được thành,
    - Trong mây trắng có mắt thấy khắp nhơn sanh.
    - Ánh kim quang đạt được kiếp Tiên nhờ tu tâm lành,
    - Các vì sao khó biết ta độ cho thành.

    * Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát giáng cơ cho bài thi khoán thủ: Quang Âm Bồ Tác, viết ra chữ Hán như sau:

    Quang minh Nam Hải trấn thiền môn, 光明南海鎮禪門
    Âm cảnh năng tri độ dẫn hồn. 陰境能知度引魂
    Bồ đoàn mạc hám liên huê thất, 蒲團莫噉連花室
    Tác thế tâm ưu khởi đạo tông. 作世心憂起道宗

    GIẢI NGHĨA:

    - Ðấng Quang minh ở Nam Hải trấn giữ cửa Thiền,
    - Có khả năng biết và độ dẫn các hồn nơi Âm cảnh.
    - Ngồi trên tấm bồ đoàn, không thích ngự trên tòa sen,

    Ý nói:

    - Muốn làm một vị Bồ Tát để cứu độ chúng sanh, chớ không thích ngồi an hưởng trên ngôi vị Phật.
    - Có lòng lo lắng làm cho người đời khởi bước theo đạo

    * Ðức Quan Thánh Ðế Quân giáng cơ cho bài thi khoán thủ: Quan Thánh Ðế, viết ra chữ Hán như sau:

    Quan thành tái hiệp Hớn triều phong, 關誠再合漢朝封
    Thánh đức mạc vong hám thế trần. 聖德莫忘噉世塵
    Ðế thất nhứt tâm trung khí dõng, 帝室一心忠氣勇
    Thanh y xích diện hảo vinh phong. 青衣赤面好榮封

    GIẢI NGHĨA:

    - Quan Võ xưa được triều Hớn phong chức, nay tái hiệp,
    - Cái đức của bậc Thánh chẳng quên ham thích việc đời.
    - Một lòng trung thành và dũng khí với nhà vua,
    - Áo xanh mặt đỏ, Ngài được phong tước vinh hiển tốt đẹp.
  • 28. Huệ Mạng Kim Tiên

    28. Huệ Mạng Kim Tiên

    28.Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc)
    Thứ bảy, 21-8-1926 (âl 14-7-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Lịch! Mời cả chư môn đệ Minh Ðường của Thầy ra nghe dạy. Cười . . .

    Các con đừng tưởng quấy rằng: vì chia phái mà riêng đạo. Thầy rán cắt nghĩa cho các con nghe:

    Nguyên từ buổi bế đạo, tuy Chánh pháp ra cũ mặc dầu, chớ kỳ trung thọ đắc kỳ truyền. Luật lệ tuy cũ chớ đạo vẫn như nhiên. Do công đức mà đắc đạo cùng chăng. Nhưng có một điều là Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ, nên tu nhiều mà thành ít.

    Vì vậy cho nên các con coi thử lại, từ hai ngàn năm nay, bên Á Ðông nầy đã đặng bao nhiêu Tiên, Phật. Các con duy biết có một mình Huệ Mạng Kim Tiên mà thôi.

    CHÚ THÍCH:

    Trong quyển "Tiểu Sử Ðức Quyền Giáo Tông Thượng Trung Nhựt" do Hội Thánh ấn hành năm Quí Sửu (1973), nơi trang 61, bài Thánh Ngôn trên còn thêm một đoạn nữa, nói về Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt, xin chép bổ sung vào đây:

    "Mạng đổi chớ luật lệ chưa hề đổi. Vì vậy Thầy buộc các con tùng Cựu Luật đặng qui phục Tam Giáo làm một.

    Các con nghĩ sự tu hành khổ hạnh dường nào. Ðời mạt kiếp nầy dữ nhiều lành ít. Nếu Thầy không chuyển pháp lại thì chưa ai tu đặng trọn đạo, nên Thầy lựa Ngọc Ðầu Sư trong hạng thiếu niên mới có đủ công phổ độ.

    Trong phần nhiều các con chưa vừa lòng cho Lịch ngồi địa vị ấy, cho nên có điều cản trở trong sự truyền đạo. Thầy cũng nhìn như vậy, song vì tiền kiếp Lịch và nhơn đức Tiểng, nên Thầy mới phú thác cái trách nhiệm tối đại ấy cho nó.

    Các con đều có Chức sắc chẳng lớn thì nhỏ, đều thọ Thiên phong nơi Thầy. Cứ giữ phẩm vị các con, nhưng Thầy có một điều yếu thiết là cầu các con lập nhiều công quả nơi trường Thầy sáng tạo cho khỏi phế hủy nửa chừng.

    Các con khá gìn luật lệ cho tới ngày Thầy lập thành Tân Luật.

    Thành cùng chẳng thành cũng do nơi Thầy. Ðương lúc đầu Thầy khai đạo thì luật pháp rẻ rúng đặng dụ kẻ biếng nhác. Các con đừng phế phận.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng."

    Lịch: Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (Lê Văn Lịch).

    Môn đệ Minh đường: Những vị tu theo pháp môn của Ngài Lê Văn Tiểng tại Vĩnh Nguyên Tự (Ngài Lê Văn Tiểng, pháp danh là Lê Ðạo Long, được Ðức Di-Minh-Tử Ngô Ðạo Chánh truyền đạo, tu hành đắc quả Như Ý Ðạo Thoàn Chơn Nhơn. Ngài Lê Văn Lịch là con trai của Ngài Lê Văn Tiểng). Những vị nầy vâng lời Ðức Như Ý Ðạo Thoàn Chơn Nhơn, nhập môn tùng giáo Ðức Chí Tôn. Ðức Chí Tôn gọi những vị tu nơi Vĩnh Nguyên Tự là Minh Ðường.

    Kỳ trung (其 中): Trong ấy.

    Kỳ truyền(其 傳): Chơn truyền ấy, tức là phép tu luyện được truyền lại.

    Kỳ trung thọ đắc kỳ truyền: Trong ấy thọ lãnh được phép tu luyện.

    Bác luật: Bác bỏ luật pháp tu hành cũ vì không còn thích hợp với trình độ tiến hóa cao của nhơn sanh hiện nay.

    Phá cổ: Phá bỏ pháp luật khắc khe cũ vì không còn thích hợp. Cổ () là tấm lưới pháp luật, hình pháp, ý nói pháp luật khắc khe.

    Huệ Mạng Kim Tiên: Tại Linh Sơn Ðộng của núi Bà Ðen Tây Ninh, có Ông Ðạo Nhỏ ở tu. Gọi là Ông Ðạo Nhỏ vì Ông có dáng người nhỏ thó, Ông có pháp danh là Tánh Thiền. Ông Ðạo Nhỏ tu đạt được Thần Thông, nên thường xuống núi cứu giúp người đời. Khi qui liễu, Ông đắc đạo thành bực Kim Tiên, hiệu là Huệ Mạng Trường Phan, nên thường gọi là Huệ Mạng Kim Tiên.

    Ông có giáng cơ cho 2 bài thi tứ tuyệt sau đây:

    Tây Ninh tu luyện động Linh Sơn,
    Chẳng quản mùi trần thiệt với hơn.
    Trăm đắng ngàn cay đành một kiếp,
    Công Hầu Vương Bá dám đâu hơn.

    Trước ước cùng nhau sẽ hiệp vầy,
    Nào dè có đặng buổi hôm nay,
    Gìn lòng tu niệm cho bền chí,
    Bồng Ðảo ngày sau đặng hiệp vầy.
    (23-12-1925)
  • 29. Danh Ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi

    29. Danh Ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi

    29. Chúa nhựt, 22-8-1926 (âl 15-7-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Ð . . . nghe dạy:

    Buổi Bạch Ngọc Kinh và Lôi Âm Tự lập pháp Tam Kỳ Phổ Ðộ, Quỉ Vương đã khởi phá khuấy chơn đạo, đến danh Ta nó còn mượn, duy ngai Ta nó chẳng dám ngồi mà thôi.

    Lại còn hiểu rõ rằng Ta đến với huyền diệu nầy, mượn cơ mầu nhiệm, hiệp Tam thập lục Ðộng đổi gọi Tam thập lục Thiên. Các tên chư Thần, Thánh, Tiên, Phật bị mạo nhận mà lập nên Tả đạo.

    Ngươi đâu hiểu rõ làm ra lẽ Trời Phật vốn con buôn. Tội tình ấy lớn là thế nào? Ngươi hiểu chăng?

    Tam đồ tội khổ bất năng thoát tục là tội ngươi. Phải ăn năn sám hối, sau Ta sẽ trọng dụng, độ rỗi nhơn sanh, lấy công chuộc tội. Nghe à!

    CHÚ THÍCH:

    Ð . . .: (?)

    Mạo nhận: Mượn danh kẻ khác để lừa gạt người.

    Tam đồ tội khổ bất năng thoát tục: Cái khổ sở của 3 đường đày đọa không thể thoát được cõi trần.

  • 30. Chiếu y Bạch Ngọc Kinh, chư Thánh lập họ mình

    30. Chiếu y Bạch Ngọc Kinh, chư Thánh lập họ mình

    30. Thứ sáu, 27-8-1926 (âl 20-7-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Chư môn đệ nghe dạy:

    Trong Ba phái có Tam thập lục Thánh, tuy nay chưa đủ số ấy nhưng đã đặng tám, chín người rồi.

    Vậy phải chiếu y Bạch Ngọc Kinh, chư Thánh lập họ mình. Tỷ như Lịch, Trung, Minh là chủ trưởng chưởng quản đầu hết các phái thì quyền hành thay mặt Thầy dạy dỗ các con, thì chẳng nói chi.

    Còn Trang, Kinh, Kỳ, ba đứa phải lập họ là:

    Trang Thanh,
    Kỳ Thanh,
    Kinh Thanh.

    Hễ bao nhiêu môn đệ độ rỗi của mỗi đứa thì là họ hàng của mỗi đứa, hiểu à! Chừng ấy về đến Bạch Ngọc Kinh thì gia tộc mỗi đứa đều phân biệt. Nếu chẳng độ rỗi thì về với hai tay không.

    Còn chư môn đệ đã lập Minh Thệ rồi, ngày sau tùy âm chất mỗi đứa mà thăng hay là tội lỗi mà giáng, song buộc mỗi đứa phải độ cho đặng ít nữa là 12 người.

    Hàng phẩm Nhơn tước đạo đức các con nó trùng với hàng phẩm Thiên tước của các con.

    Ngôi thứ Thầy đã sắp sẵn, các con rán đoạt thủ địa vị mình. Trước qua sau tới, liệu mà tu hành.

    Thầy khuyên các con một điều là: Ðừng tưởng lầm tước phẩm Thiên đạo Thầy đem cho ai cũng đặng. Cửa Bạch Ngọc Kinh chẳng phải ai vô cũng đặng. Mỗi đứa con đều có tên trong Thiên thơ cả, chức phận cũng đã tiền định, chớ chẳng phải tước hàm trần thế dâng cho kẻ lễ nhiều.

    Nếu Thầy làm đặng vậy, đạo phổ thông rất lẹ, ngặt gia tài mỗi đứa đều có phần, Thầy không phép lấy cho kẻ khác, trừ ra đứa nào chê bỏ thì mới đặng tùy ý Thầy định đoạt mà thôi.

    Trang, Thầy khen con.

    Kinh, Thầy khen con.

    Bản, Thầy thương yêu con.

    Giỏi, Thầy sắp đặt ngôi thứ cho con.

    Tương, Thầy trông cậy nơi con.

    Tạ, Thầy giao khổ bịnh nhơn sanh cho con.

    Thầy lấy nhà con làm Thánh Thất của Thầy.

    Học, con khá nghe lời dạy dỗ của mấy anh con mà hành bổn phận.

    Hương, con phải rán hết sức con. Thầy vù a giúp con.

    Trước, con đừng mờ hồ hoài vậy nghe.

    Nghĩa, Thầy sẽ trọng dụng con.

    Ðức, Thầy sẽ giao Trung Kỳ cho con mở đạo.

    Tràng, từ đây con phải nhớ hoài hình phạt con đã chịu rồi đó nghe!

    Các con phải giữ hạnh mà truyền đạo ra cho chóng. Con thế nào Thầy cũng thế ấy. Khi thị các con tức là khi thị Thầy, mà khi Thầy thì chưa phải dễ. Các con nói đạo cho mỗi kẻ. Nghe không tùy ý.

    Thầy nói cho các con nghe:

    Nếu kẻ nào biết hiểu Thánh Ngôn của Thầy nơi miệng các con mà tỉnh ngộ thì số hằng sống nó vốn còn, còn chẳng thì thôi, để cho chúng nó theo tà quái.

    Ðạo là quí, của quí chẳng bán nài, các con đừng thối chí.

    Thầy ban ơn cho phái phụ nữ. Các con cũng vậy, rán lo phận sự.

    Thầy ban ơn cho mỗi đứa.

    CHÚ THÍCH:

    Ba phái: Chức sắc CTÐ chia làm ba phái: phái Thái, phái Thượng, phái Ngọc. Mỗi phái có một vị Ðầu Sư đứng đầu, làm Chủ trưởng, chưởng quản các Chức sắc của phái ấy.

    Phái Thượng có Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.
    Phái Ngọc có Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt.
    Phái Thái có Ngài Ðầu Sư Thái Minh Tinh.

    Tam thập lục Thánh: 36 Phối Sư, mỗi phái 12 vị.

    Trang Thanh: Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang).

    Kỳ Thanh: Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh (Vương Quan Kỳ).

    Kinh Thanh: Giáo Sư Ngọc Kinh Thanh (Nguyễn Văn Kinh)

    Chủ trưởng: Ðứng đầu làm chủ.

    Âm chất: Những việc làm phước đức không phô trương ra, cốt để hưởng quả phúc nơi cõi thiêng liêng.

    Nhơn tước: Phẩm tước của con người nơi cõi trần.

    Thiên tước: Phẩm tước của các Ðấng nơi cõiTrời.

    Thiên thơ: Sách Trời ghi chép Thiên điều.

    Tước hàm: Ðược phong phẩm tước cho có danh dự chớ không có quyền hành chánh.

    Bản: Giáo Hữu Thượng Bản Thanh (Ðoàn Văn Bản).

    Giỏi: Giáo Hữu Thượng Giỏi Thanh (Huỳnh Văn Giỏi)

    Tương: Chánh Phối Sư Thượng TươngThanh (Nguyễn Ngọc Tương)

    Tạ: Trần Văn Tạ, sau đắc phong Hộ Ðàn Pháp Quân.

    Học: (?)

    Hương: Nguyễn Văn Hương, Giáo viên Dakao, một trong 28 vị đứng tên trong TỜ KHAI ÐẠO.

    Trước: Nguyễn Phát Trước, tục gọi là Ông Tư Mắt, sau được phong Phụ Ðạo Chưởng Nghiêm Pháp Quân.

    Nghĩa: Khai Pháp Trần Duy Nghĩa.

    Ðức: Hiến Pháp Trương Hữu Ðức.

    Tràng: Tiếp Pháp Trương Văn Tràng.

    Tà quái, Tà mị, Yêu quái, Tà Thần Tinh quái đều đồng nghĩa, chúng đều là môn đệ của Quỉ Vương (Chúa Quỉ, hay Kim Quang Sứ).

  • 31. Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con

    31. Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con

    31. Thứ bảy, 11-9-1926 (âl 5-8-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, hỉ chư nhu.

    Các con nghe:

    Các con coi bậc Chí Tôn như Thầy mà hạ mình đặng độ rỗi nhơn sanh là thế nào, phải xưng là một vị Tiên Ông và Bồ Tát là hai phẩm chót của Tiên, Phật. Ðáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao tối trọng, còn Thầy thì khiêm nhường là thế nào! Vì vậy mà nhiều kẻ môn đệ cho Thầy là nhỏ. Cười . . .

    Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con, phải noi theo gương Thầy mới độ rỗi thiên hạ đặng. Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy.

    Thầy lại nói, buổi lập Thánh đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không tội lỗi, đâu nhọc đến công Thầy.

    Ấy vậy, các con rán độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui lòng hơn hết.

    Lựu và Hiếu, tập một lũ Nữ Ðồng Nhi chừng 36 đứa đặng mỗi khi đại lễ, nó tụng kinh cho Thầy.

    Bên Nam cũng vậy, Cư, Tắc, Sang, Phú, mấy con cũng phải dạy 36 đứa Nam Ðồng Nhi nữa.

    Cư, Thầy đã nói với con phải tập Nhạc lại, nhớ không con. Rán lo nghe! . . . Phú cũng vậy nữa.

    CHÚ THÍCH:

    Theo Thánh Ngôn chép tay của Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu thì bài Thánh Ngôn nầy cầu tại Sài Gòn, Phò loan: Thượng Sanh và Bảo Văn Pháp Quân.

    Vì hạnh khiêm nhường tối đa của Ðức Chí Tôn mà nhiều người cho rằng Ðức Chí Tôn nhỏ hơn Phật.

    Ngày nay, chúng ta đã biết rõ Ðức Chí Tôn là Ông Trời, là Thượng Ðế, là Thái Cực Thánh Hoàng, là vua của Càn Khôn Vũ Trụ, là chủ của chư Thần Thánh Tiên Phật. Trời chẳng những lớn hơn Phật mà còn là Cha của Phật nữa, và cũng là Cha của cả vạn linh sanh chúng.

    Lựu: Bà Trần Thị Lựu, bạn đời của Ngài Cao Quỳnh Diêu. Bà đắc phong Nữ Giáo Hữu Hương Lựu.

    Hiếu: Bà Nguyễn Thị Hiếu, bạn đời của Ngài Cao Quỳnh Cư. sau Bà đắc phong Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu. Hai Bà Lựu và Hiếu là hai chị em bạn dâu.

    Ðồng nhi: Các em nhỏ dưới 16 tuổi, được dạy tụng kinh. Tổ chức Ban Ðồng nhi có Ðồng nhi Nam và Ðồng Nhi Nữ. Mỗi nhóm có 36 Ðồng nhi.

    Nơi Tòa Thánh hiện nay, mỗi khi Ðại lễ cúng Ðại đàn, 36 Ðồng nhi Nam lên đứng chỗ lầu Bát Quái Ðài tụng bốn bài Kinh: Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Kinh Phật giáo, Kinh Tiên giáo và Kinh Thánh giáo. Còn 36 Ðồng nhi Nữ thì đứng ở Nghinh Phong Ðài, tụng các bài Kinh: Niệm Hương, Khai Kinh, thài ba bài Dâng Tam Bửu và tụng Ngũ Nguyện.

    Phú: (?)

    Phụ ghi:

    Nguyên bản chánh in là:

    ... Bà Trần Thị Lựu, hiền thê của Ngài Cao Quỳnh Diêu....

    ... Bà Nguyễn Thị Hiếu, hiền thê của Ngài Cao Quỳnh Cư....

    Chúng tôi xin đề nghị:

    ... Bà Trần Thị Lựu, bạn đời của Ngài Cao Quỳnh Diêu....

    ... Bà Nguyễn Thị Hiếu, bạn đời của Ngài Cao Quỳnh Cư.... (được sự đồng thuận của tác giả).

  • 32. Mối đạo từ đây rán vẹn gìn

    32. Mối đạo từ đây rán vẹn gìn

    32. Sài gòn, ngày 12-9-1926 (âl 6-8-Bính Dần)

    THẦY

    Mừng mấy con,

    Ðặng một việc chi chớ vội mừng, thất một việc chi chớ vội buồn, vì sự mừng vui và buồn tủi thường pha lẫn kế cận nhau. Còn sự gì phải đến cho con, ấy là tại nó phải vậy. Chớ cượng cầu mà nghịch Thánh ý Thầy. Hãy xem dò theo đây mà day trở trong bước đường đạo.

    Mối đạo từ đây rán vẹn gìn,
    Tu là khổ hạnh khá đinh ninh.
    Lòng thành một tấm Trời soi xét,
    Gương rạng nghìn thu nguyệt chiếu minh.
    Gai gốc lần đường công trước gắng,
    Thảnh thơi có lúc buổi sau dành.
    Vòng trần chìm nổi từ đây dứt,
    Công quả tua bền độ chúng sinh.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy do hai Ngài: Cao Hoài Sang và Cao Quỳnh Diêu phò loan. Ðức Chí Tôn dạy Ngài Cao Quỳnh Diêu. Tiếp theo Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn cho phép Ông Cao Quỳnh Tuân (Xuất Bộ Tinh Quân), thân sinh Ngài Cao Quỳnh Diêu và Ngài Cao Quỳnh Cư, giáng cơ dạy tiếp.

  • 33. Trái Càn Khôn

    33. Trái Càn Khôn

    33. Thứ sáu, 17-9-1926 (âl 11-8-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Kiệt! Con phải giúp Thơ trong việc lập Thánh Thất. Thầy giao cho con phải săn sóc, mướn thợ làm bảy cái ngai: Một cái trọng hơn cho Giáo Tông, ba cái cho ba vị Chưởng Pháp, ba cái cho ba vị Ðầu Sư, nhứt là cái ngai của Giáo Tông phải làm cho kỹ lưỡng, chạm trổ Tứ Linh, nhưng chỗ hai tay dựa phải chạm hai con Rồng, còn của Chưởng Pháp chạm hai con Phụng, của Ðầu Sư chạm hai con Lân. Nghe à!

    Bính! Thầy giao cho con lo một Trái Càn Khôn, con hiểu nghĩa gì không? Cười . . . . . . Một trái như trái đất tròn quay, hiểu không? Bề kính tâm 3 thước 3 tấc (3m30), nghe con, lớn quá, mà phải vậy mới đặng, vì là cơ mầu nhiệm Tạo Hóa trong ấy, sơn màu xanh da trời, cung Bắc Ðẩu và Tinh tú vẽ lên Càn Khôn ấy.

    Thầy kể Tam thập lục Thiên, Tứ Ðại Bộ Châu ở không không trên không khí, tức là không phải Tinh tú, còn lại Thất thập nhị Ðịa và Tam thiên Thế giới thì đều là Tinh Tú. Tính lại ba ngàn bảy mươi hai (3072) ngôi sao, con phải biểu vẽ lên đó cho đủ.

    Con giở sách Thiên văn tây ra coi mà bắt chước. Tại ngôi Bắc Ðẩu, con phải vẽ hai cái bánh lái cho đủ và sao Bắc Ðẩu cho rõ ràng. Trên vì sao Bắc Ðẩu, vẽ Con Mắt Thầy, hiểu chăng?

    Ðáng lẽ Trái ấy phải bằng chai, đút trong một ngọn đèn cho nó thường sáng, ấy là lời cầu nguyện rất quí báu cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới đó. Nhưng mà làm chẳng kịp thì con tùy tiện, làm thế nào cho kịp Ðại Hội. Nghe à! . . . . . . . . .

    Còn chư Phật, chư Tiên, Thánh, Thần, đã lên cốt, thì để dài theo dưới, hiểu không con?

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.II.232, chỗ nhiều chấm gần cuối bài là đoạn Thánh Ngôn xin chép ra bổ sung:

    "Thơ! Nghe dạy: Thầy giao trọn quyền cho con lo liệu. Con phải nhớ, khi Bính đem Trái Càn Khôn ấy về, con làm một cái cốt xây, để Trái ấy lên Ðại điện, nhớ day Con Mắt ra ngoài, rồi con lại lên tượng Phật Thích Ca, Lão Tử và Khổng Tử, mà đặt dựa dưới, kế ba vị ấy thì là: Quan Thế Âm, Thái Bạch, Quan Thánh Ðế, kế nữa, ngay dưới Lý Thái Bạch thì là Jésus de Nazareth, kế Jésus thì là Khương Thượng Tử Nha, còn chư Phật, chư Tiên, Thánh, Thần, đã lên cốt thì để dài theo dưới, hiểu không con?"

    Kiệt: Giáo Hữu Thượng Kiệt Thanh (Nguyễn Văn Kiệt)

    Bính: Giáo Sư Thái Bính Thanh (Lâm Quang Bính).

    Tứ Linh: Bốn con thú linh là: Long, Lân, Qui, Phụng. Tương truyền, khi có một trong Tứ Linh xuất hiện là báo trước điềm lành.

    Trái Càn Khôn: Trái Càn Khôn tượng trưng Càn Khôn Vũ Trụ của Ðức Chí Tôn, gồm 3072 ngôi sao. Ngôi sao Bắc Ðẩu ở tại Trung Tâm của Càn Khôn Vũ Trụ, nên Ðức Chí Tôn ngự tại đó. Vì vậy, Ðức Chí Tôn bảo vẽ Thiên Nhãn trên ngôi sao Bắc Ðẩu.

    Muốn tìm sao Bắc Ðẩu thì phải tìm hai chùm sao bánh lái (vì nó giống như cái bánh lái thuyền). Chùm sao bánh lái lớn gọi là Ðại Hùng Tinh, chùm sao bánh lái nhỏ là Tiểu Hùng Tinh. Ngôi Bắc Ðẩu tại cái đầu của chùm sao bánh lái nhỏ.

  • 34. Quốc Ðạo kim triêu thành Ðại Ðạo

    34. Quốc Ðạo kim triêu thành Ðại Ðạo

    34. Thứ bảy, 18-9-1926 (âl 12-8-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Thầy có việc nói cùng chư môn đệ. Thầy mời chư nhu xuất ngoại một giây phút, Thầy sẽ kêu vào.

    Các con! Thầy đã lập thành Thánh Thất, nơi ấy là nhà chung của các con, biết à!

    Thầy lại qui Tam giáo lập Tân Luật, trong rằm tháng 10 có Ðại Hội cả Tam giáo nơi Thánh Thất. Các con hay à!

    Sự tế tự sửa theo Tam Kỳ Phổ Ðộ, cũng nơi ấy mà xuất hiện ra, rõ à!

    Thầy nhập ba chi lại làm một là chủ ý qui tụ các con trong Ðạo Thầy lại một nhà, Thầy làm Cha chưởng quản, hiểu à!

    Từ đây trong nước Nam duy có một Ðạo chơn thật là Ðạo Thầy đã đến lập cho các con, gọi là Quốc Ðạo, hiểu à!

    Thầy phải buộc các con hiệp chung trí mà lo vào đó, nghe à!

    Từ đây, các con sẽ cực nhọc hơn, vì Thầy phân phát phận sự cho mỗi đứa vì chẳng vậy, các con sanh nạnh nhau, tựa hồ chia phe phân phái, là điều đại tội trước mắt Thầy vậy, nghe à!

    Các con phải ngưng mọi việc mà chung lo trong Ðại Hội.

    CHÚ THÍCH:

    Tế tự: Sự tế lễ và sự thờ cúng.

    Ba chi: tức là Ba phái: Thái, Thượng, Ngọc.

    Phái Thái tượng trưng Phật giáo, Ðạo phục màu vàng.
    Phái Thượng tượng trưng Lão giáo hay Tiên giáo, nên mặc Ðạo phục màu xanh dương.
    Phái Ngọc tượng trưng Nho giáo hay Thánh giáo, nên mặc Ðạo phục màu đỏ.

    Quốc Ðạo: Nền đạo của nước Việt Nam, mở ra trên đất nước VN, để từ nơi đây truyền bá ra khắp thế giới. Dân tộc VN là dân tộc được Ðức Chí Tôn lựa chọn, nên rất được sự ưu ái của Ðức Chí Tôn hơn các dân tộc khác. Do đó, Ðức Chí Tôn có cho hai câu thi trong bài thi gởi cho Vua Bảo Ðại:

    Quốc Ðạo kim triêu thành Ðại Ðạo,
    Nam phong thử nhựt biến nhơn phong.

    Nghĩa là:

    Quốc Ðạo của VN ngày nay sẽ thành nền Ðại Ðạo,
    Nền phong hóa của Việt Nam ngày kia sẽ trở thành nền phong hóa của nhơn loại.

    Nhờ Quốc Ðạo nầy, dân tộc VN sau nầy sẽ làm chủ tinh thần của nhơn loại:

    Một nước nhỏ nhen trong vạn quốc,
    Ngày sau làm chủ mới là kỳ!
  • 35. Ðạo phát trễ một ngày là một ngày hại nhơn sanh

    35. Ðạo phát trễ một ngày là một ngày hại nhơn sanh

    35. Chùa Giác Hải, Sài gòn.
    Ngày 21-9-1926 (âl 15-8-Bính Dần)

    THÍCH CA MÂU NI PHẬT viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    chuyển Phật giáo Nam phương

    Như Nhãn, con nghe Thầy:

    Khi giáng trần Chí Tôn Phật Tổ, Thầy duy đặng có bốn môn đệ, chúng nó đều chối Thầy.

    Khi giáng lập đạo Tiên, Thầy có một trò là Nguơn Thỉ.

    Khi lập đạo Thánh thì đặng mười hai môn đệ, song đến khi bị bắt và hành hình thì chúng nó đều trốn hết, lại còn bán xác Thầy nữa.

    Còn nay, Thầy đã sắm sẵn môn đệ cho con cũng đã nhiều, con đừng thối chí.

    Thầy thường than rằng: Ðạo phát trễ một ngày là một ngày hại nhơn sanh, nên Thầy nôn nóng nhưng Thiên cơ chẳng nghịch đặng. Ma quỉ hằng phá Chánh mà giữ Tà, chư Tiên Phật trước chưa hề tránh khỏi.

    Còn cái địa vị cao trọng, nó làm cho nhơn tâm ganh gổ. Con phải lấy Phật tâm con mà dòm ngó đám sanh linh bị phạt, luân hồi chưa dứt, thì tưởng đến Thầy mà cam chịu nhục nhã, lòng từ bi có vậy mới xứng đáng là tôi con Thầy.

    Nếu Thầy dùng quyền pháp Chí Tôn thì mất lẽ công bình thiêng liêng Tạo hóa. Con cứ lo lập luật, để công phổ độ cho chư đạo hữu con hưởng chút ít.

    Lâm thị Ái Nữ, nếu Thầy phải đổ tội cho ai thì Thầy phải nói vì con phổ độ trễ, con nêu ra sự ngăn cản ấy, con hiểu tại sao chăng? Tại lời dèm pha của phái phụ nữ mà ra nỗi ấy!

    Các con phải gắng sức, Thầy hằng ở bên các con, chẳng hề bỏ các con buổi nào, thì tưởng chưa ai phá đạo đặng.

    Như Nhãn, con nhớ lời tiên tri của Thầy, đọc Thánh Ngôn lại. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Như Nhãn: Hòa Thượng Như Nhãn, pháp danh là Thích Từ Phong, thế danh là Nguyễn văn Tường (1874-1938), trụ trì chùa Giác Hải ở gần cầu Ông Buông (Phú Lâm) Chợ Lớn. Ngài có quyên góp tiền trong Phật tử để mua đất xây chùa Từ Lâm Tự ở Gò Kén, Tây Ninh. Ông Bà "Nguyễn Ngọc Thơ và Lâm Ngọc Thanh" đóng góp nhiều tiền bạc cho việc xây cất chùa Từ Lâm nầy. Sau, nhờ huyền diệu cơ bút, Ðức Chí Tôn độ được Ông Bà Nguyễn Ngọc Thơ và Hòa Thượng Như Nhãn theo Ðạo Cao Ðài. Do đó, Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm ở Gò Kén cho Ðạo Cao Ðài dùng làm Thánh Thất để tổ chức Ðại lễ Khai Ðạo. Ðức Chí Tôn phong Hòa Thượng Như Nhãn là: Quảng Pháp Thiền Sư Thích Ðạo Chuyển Luật Lịnh Diêu Ðạo Sĩ, Chưởng Pháp Phái Thái.

    Trong Ðại lễ Khai Ðạo, Ngài Ngọc Lịch Nguyệt ếm sót một cửa, do đó Quỉ Vương nhập đàn phá khuấy, nhập vào ông Lê Thế Vĩnh mạo xưng Tề Thiên Ðại Thánh và và nhập vào Cô Vương Thanh Chi mạo xưng Quan Âm Bồ Tát, hai người nhảy múa lung tung, khiến Hòa Thượng Như Nhãn mất đức tin, số nữ đệ tử của Ngài xúi đòi chùa Từ Lâm lại, nên sau cùng Ðức Lý Thái Bạch khiến Hội Thánh trả chùa và hướng dẫn Hội Thánh mua đất ở Long Thành xây dựng khu Nội Ô Tòa Thánh vĩ đại như ngày nay.

    Lâm thị Ái Nữ: Ðức Chí Tôn gọi Bà Lâm Ngọc Thanh. Bà được phong chức Nữ Chánh Phối Sư, Thánh danh Hương Thanh. Năm 1937, Bà qui liễu, được truy phong là Nữ Ðầu Sư. Tượng của Bà đặt nơi mặt tiền Tòa Thánh, trước Lôi Âm Cổ Ðài, ngang tượng Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung.

    Khi giáng lập đạo Tiên, Thầy có một trò là Nguơn Thỉ: Ðó là Ðức Lão Tử có một môn đệ là Ông Doãn Hỷ (quan Doãn tên Hỷ giữ ải Hàm Cốc). Ðức Lão Tử truyền cho Doãn Hỷ sách Ðạo Ðức Kinh, bảo tu theo đó thì đắc đạo. Nguyên Ông Doãn Hỷ là Ðức Nguơn Thỉ giáng trần, nên khi đắc đạo, Ðức Lão Tử phục chức cũ là Nguơn Thỉ Thiên Tôn.

    Khi lập đạo Thánh thì đặng 12 môn đệ: Ðức Chúa Jésus giáng trần ở nước Do Thái, thâu nhận 12 môn đệ đầu tiên, gọi là 12 Thánh Tông đồ. Một Tông đồ tên là Juda phản Chúa nên bị chết thảm. 11 Tông đồ còn lại cử Ông Matthya thế vào cho đủ số 12 như lúc đầu. Khi Chúa bị đóng đinh trên Thập Tự Giá, 12 Tông đồ bị nhà cầm quyền khủng bố nên đều chối Chúa, riêng Thánh Pierre, tuy chối Chúa ba lần nhưng cuối cùng cũng nhìn nhận Chúa.

  • 36. Biết tranh đấu cùng Thầy

    36. Biết tranh đấu cùng Thầy

    36. Thứ tư, 22-9-1926 (âl 16-8-Bính Dần).

    THẦY

    Các con,

    Trung, con biết rằng Thầy thương yêu nhơn loại là dường nào chưa? Những điều ngăn trở đều do nơi tiền khiên của cả chúng sanh.

    Ðã vào trọn một thân mình nơi ô trược thì Thầy đây cũng khó mà rửa với một gáo nước cho đặng trong sạch. Nhơn loại đã thâm nhiễm vào tình luyến ái tà mị trên mười ngàn năm, thì thế nào cổi Thánh đức trong một lúc chẳng tới một năm cho trọn lành đặng.

    Rất đỗi Thầy là bực Chí Tôn đây mà còn bị chúng nó mưu lén cho qua Thánh ý Thầy thay! Một đàng trì, một đàng kéo, thảm thay các con chịu ở giữa.

    Thầy dạy các con một điều là biết tranh đấu cùng Thầy. Hễ nó tấn thì mình chống, cân sức cho bằng hay là trổi hơn mới đắc thắng. Các con chịu nổi thì Ðạo thành, còn các con ngã thì Ðạo suy. Liệu lấy!

    Cầm cả quyền hành vô lượng nơi tay, Thầy ngó một cái cũng đủ tiêu diệt nó đặng, nhưng mà phép công bình thiêng liêng chẳng phải nên vậy. Ấy cũng là cơ mầu nhiệm cho các con có thế lập công quả.

    Trung, Lịch, hai con phải hội chư Thánh mà xin Khai Ðạo. Phải làm đơn mà dâng cho Thầy xem xét sửa trước nghe!

    CHÚ THÍCH:

    Tiền khiên: Tội lỗi đã gây ra trong các kiếp trước.

    Hội chư Thánh mà xin Khai Ðạo: Chư Thánh là các Chức sắc vào hàng Thánh thể, tức là các Chức sắc từ phẩm Giáo Hữu hay tương đương trở lên.

    Ðức Chí Tôn dạy hai Ngài Ðầu Sư: Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, họp các Chức sắc lại mà lập Tờ Khai Ðạo dâng lên nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ.

    Tờ Khai Ðạo nầy, Ðức Chí Tôn dặn phải dâng lên Ðức Chí Tôn xem xét trước, để Ðức Chí Tôn chỉnh sửa lại.

    Vâng lịnh Ðức Chí Tôn, hai Ngài Ðầu Sư mời các Chức sắc và tín đồ họp Ðại hội vào 8 giờ tối ngày 23-8-Bính Dần (dl 29-9-1926) tại nhà Ông Nguyễn Văn Tường ở hẻm 237 bis đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Ðạo).

    Buổi chiều tối hôm đó, trời đổ mưa to gió lớn, làm ngập đường sá, xe cộ chạy không được, nhờ vậy mà bọn mật thám Pháp không để ý và ngăn trở buổi Ðại hội nầy. Có tất cả 247 vị Chức sắc và tín đồ tham dự cuộc hội. Ba Ngài: Thượng Trung Nhựt, Ngọc Lịch Nguyệt và Cao Quỳnh Cư điều khiển đại hội. Ðại hội chấp thuận dự thảo Tờ Khai Ðạo do Ban chủ tọa thảo ra.

    Sau đêm đó, quí Ngài thiết lập đàn cơ tại nhà Ngài Cao Quỳnh Cư, dâng Tờ Khai Ðạo lên Ðức Chí Tôn duyệt xét.

    Ðức Chí Tôn giáng phê: "Mấy con không nói một điều gì đến Thầy hết, nhưng thôi kệ cứ gởi đi."

    Sau đó, Ðức Chí Tôn dặn Ngài Thượng Trung Nhựt: "Thầy dặn con, Trung, nội thứ năm tuần tới phải đến Le Fol mà khai cho kịp, nghe!"

    Ðúng ngày thứ năm tuần sau, là ngày 7-10-1926 (âl 1-9-Bính Dần), Ngài Thượng Trung Nhựt lên Soái phủ Nam Kỳ nạp Tờ Khai Ðạo cho Thống Ðốc Le Fol, được Ông Le Fol vui vẻ tiếp nhận và khen rằng, vì chữ thiện mà khuyến dân, ấy là chủ nghĩa cao thượng.

    Thế là kể từ ngày 7-10-1926, Ðạo Cao Ðài công khai hoạt động, truyền đạo trong các giới dân chúng, để sau đó chuẩn bị thiết lập Ðại Lễ Khai Ðạo tại Thánh Thất tạm đặt tại Chùa Từ Lâm, Gò Kén, Tây Ninh.

    Ngày 13-10-1926 (âl 7-9-Bính Dần), Ngài Cao Quỳnh Cư soạn Tờ Phổ Cáo Chúng Sanh, được sự đồng ý của Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt, dâng lên cho Ðức Chí Tôn duyệt, rồi in ra phổ biến các giới đồng bào biết, ngày nay trên đất nước Việt Nam xuất hiện một nền Tân Tôn giáo là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ do Ðấng Thượng Ðế mở ra và làm chủ.

    Nói về Ông Nguyễn Văn Tường, đã cho mượn nhà làm nơi họp Ðại hội lập Tờ Khai Ðạo: Lúc đó Ông Nguyễn Văn Tường (1887-1939) làm Thông Ngôn cho Sở Tuần Cảnh, nhận thấy sự huyền diệu của Ðức Chí Tôn nên Ông nhập môn theo Ðạo, sau được Ðức Chí Tôn phong Giáo Hữu phái Thượng, Thánh danh Thượng Tường Thanh.

    Nhà của Ông Tường ở trên một phần đất rộng khoảng 1500 m2 nên đủ chỗ cho quí Ngài Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt tổ chức Ðại hội gồm 247 vị hiện diện, lập Tờ Khai Ðạo. Ông Nguyễn Văn Tường thường xuyên hành đạo tại Thánh Thất Cầu Kho, mất vào ngày 26-9-Kỹ Mão (dl 7-11-1939). (Tài liệu của Huệ Nhẫn)

  • 37. Kẻ hung hăng đạo đức thường phá cửa lún đặng vào

    37. Kẻ hung hăng đạo đức thường phá cửa lún đặng vào

    37. Thứ tư, 29-9-1926 (âl 23-8-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Thầy dạy chư môn đệ một lần cho mà hiểu và nhớ hằng ngày.

    Nhiều đứa đi truyền đạo mà trong lòng kính sợ kẻ thọ giáo. Thầy hỏi: Phải nghịch chơn lý chăng?

    Phải, các con há!

    Kẻ dốt mà dạy người dốt thì cả hai dầu nói tới tận thế cũng còn dốt.

    Lại thấy kẻ dốt ấy kích bác, trở lại chịu thiệt rằng: Ðạo mình là lầm lạc. Người truyền đạo dường ấy có sai chánh lý chăng?

    Phải, các con há!

    Chẳng khác nào ngồi nhà thấy kẻ mắc mưa ướt mình, nhảy ra che cho ướt, lại khen rằng mát thì muội lắm đó.

    Vậy Thầy lại thấy một bọn môn đồ, khi đến nói đạo với kẻ nào thì thẹn thuồng ái ngại. Phải nghịch chánh lý chăng?

    Phải, thiếu tư cách đã đành.

    Mình vì chữ thiện mà dạy người thì giá trị mình đã cao thượng rồi, mà còn thẹn nỗi gì?

    Chẳng khác nào một đứa bé bị chửi, sợ nhục, lại rán chửi lại cho bằng, té ra bị nhục hơn nín đặng nghe luôn nữa.

    Thầy lại thấy nhiều đứa chưa hiểu thấu huyền diệu là gì, bị người chê, rồi về còn biếm nhẻ nữa. Phải nghịch chánh lý chăng?

    Trong phần đông các con, nhiều kẻ ấy.

    Thầy khuyên các con nhớ hoài rằng: Thầy của các con là Ông Thầy Trời, nên biết một Ổng mà thôi, thì đủ, nghe à!

    Ngôi vị Bạch Ngọc Kinh chẳng ưa chứa kẻ hung hăng, mà lạ một điều là kẻ hung hăng đạo đức thường phá cửa lún đặng vào, địa vị phần nhiều đoạt bởi kẻ ấy.

    Các con hiền mà dữ, các con yếu mà mạnh, các con nhỏ nhoi mà là quyền thế, các con nhịn nhục mà các con hành phạt, cử chỉ các con khá tập sao cho nghịch với cử chỉ thế tình thì là gần ngôi Tiên, Phật đó.

    CHÚ THÍCH:

    Ðêm nay, ngày nầy (23-8-Bính Dần), hai Ngài Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt họp Ðại hội Chức sắc và tín đồ tại nhà Ông Nguyễn văn Tuờng để dự thảo Tờ Khai Ðạo gởi lên nhà cầm quyền Pháp. Số người dự họp lên tới 247 vị.

    Hằng năm, vào ngày 23-8 nầy, Thánh Thất Nam Thành Sài gòn đều có làm Lễ Kỷ niệm ngày LẬP TỜ KHAI ÐẠO.

  • 38. Hạnh ngay thật là nét yêu dấu của Thầy

    38. Hạnh ngay thật là nét yêu dấu của Thầy

    38. Ngày 30-9-1926 (âl 24-8-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư nhu,

    M... N..., không chuyện chi cần, Thầy không muốn làm nhọc chư Tiên và chư Thần, mỗi vị đều có trách nhiệm riêng, con hiểu à! Xem đó thì các con khá dè dặt, kỉnh Thần, Thánh cho lắm, vì Thầy là bực Chí Tôn, lòng hay quảng đại mà tha thứ, chớ Thần, Thánh, hễ các con có lỗi thì cứ Thiên điều mà quở phạt các con, nghe à!

    Con hiểu ý bài thi nầy chăng?

    Ẩm mã đầu tiền Hạng Trọng Sơn,
    Chung qui hữu phúc hạnh tao phùng.
    Hậu lai mạc tín đa phi thị,
    Hữu ngoại thành tâm tái vận cung.

    Sao? Nói Thầy nghe.

    Chư nhu đặng tọa vị hầu Thầy.

    (M... N... cắt nghĩa sái Thánh ý).

    Không đâu con! Con có hiểu hai câu nầy chăng?

    Hớn Lưu Khoan trách dân bồ tiên thị nhục,
    Hạng Trọng Sơn khiết kỷ ẩm mã đầu tiền.

    Nghĩa là:

    Ðời Hớn, ngươi Lưu Khoan làm quan, hễ dân có tội thì đánh bằng roi lát cho biết nhục vậy thôi; còn nước Hạng, ngươi Trọng Sơn sạch mình đến đỗi cho ngựa uống nước rồi vãi tiền xuống sông mà trả, trong sạch đến đỗi của Trời Ðất cũng không nhơ bợn, con hiểu à?

    Thầy muốn dạy con, phải ở và dạy nội gia quyến con cho chánh đáng, phải lấy lòng trong sạch đối đãi với người, dầu việc nhỏ mọn cũng vậy.

    Con khá đọc Thánh Ngôn và cắt nghĩa Thánh ý Thầy cho mọi người biết.

    Hạnh ngay thật là nét yêu dấu của Thầy, con nghe! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    M... N...: Mỹ Ngọc, bút hiệu của Ngài Cao Quỳnh Diêu, sau đắc phong Bảo Văn Pháp Quân.

    Bài thi bốn câu của Ðức Chí Tôn cho Ngài Mỹ Ngọc, viết ra chữ Hán sau đây:

    Ẩm mã đầu tiền Hạng Trọng Sơn, 飲馬投錢項仲山
    Chung qui hữu phúc hạnh tao phùng. 終歸有福幸遭逢
    Hậu lai mạc tín đa phi thị, 後來莫信多非是
    Hữu ngoại thành tâm tái vận cung. 友外誠心再運恭

    GIẢI NGHĨA:

    - Ông Hạng Trọng Sơn cho ngựa uống nước thì ném tiền trả.
    - Chung qui thì gặp được hạnh phúc.
    - Ngày sau không có chữ Tín thì sanh nhiều việc thị phi.
    - Ðối với ngoài, giữ lòng chơn thật thì được kính trọng trở lại.

    Ông Hạng Trọng Sơn là người ở huyện An Lăng, nước Hạng.

    Ông Lưu Khoan đời nhà Hán (Hớn), làm quan Thái Thú huyện Nam Dương, nước Tàu.

    Hai câu Hán văn bên dưới, viết ra chữ Hán sau đây:

    漢劉寬責民蒲鞭示辱

    項仲山潔己飲馬投錢

  • 39. Xứ Việt Nam còn duy trì được sự tôn sùng tổ phụ

    39. Xứ Việt Nam còn duy trì được sự tôn sùng tổ phụ

    39. Thứ sáu, 1-10-1926 (âl 25-8-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    DIEU TOUT-PUISSANT

    G . . .

    Vos deux époux trouvent bizarre que Je vienne en cette façon. Savez-vous que le monde est à ce jour tellement méchant que l"ère de destruction approche. L"humanité s"entretue. Bien mal service par la science, elle provoque la dissension et la guerre.

    La Sainte Doctrine du Christianisme ne sert qu"à envenimer l"ambition des forts contre les faibles, et arme les premiers contre les derniers.

    Il faut une Nouvelle Doctrine capable de maintenir l"humanité dans l"amour des créatures.

    Seule la Nation Annamite conserve religieuse-ment le culte millénaire des morts, quoique cette nation ne connaisse depuis sa création que la servitude, elle reste telle que Je le désire. . .

    Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    ÐẤNG THƯỢNG ÐẾ TOÀN NĂNG

    G . . .

    Có lẽ vợ chồng con lấy làm lạ mà thấy Thầy đến như thế nầy. Các con có biết chăng hiện nay vì thế gian rất hung bạo nên thời kỳ tận diệt đã hầu kề. Nhân loại tàn sát lẫn nhau bởi không biết dùng khoa học vào việc phải, nên nó mới biến thành chia rẽ và chiến tranh.

    Thánh đạo của Ðức Chúa Cứu Thế (vì sự hiểu lầm) làm tăng gia dục vọng của kẻ mạnh đối người yếu và giúp giáo cho bọn trên hiếp dưới.

    Phải có một Giáo lý mới mẻ đủ khả năng kềm chế nhân loại trong sự thương xót chúng sanh.

    Chỉ có xứ Việt Nam còn duy trì được sự tôn sùng tổ phụ theo tục lệ cổ truyền, mặc dầu xứ ấy chỉ biết chịu ở dưới quyền lệ thuộc từ ngày tạo lập đến giờ. Ý Thầy muốn nó được giữ nguyên thể như vậy mãi . . .

    CHÚ THÍCH:

    G . . .: Girand, tên một người Pháp đến hầu đàn. (theo Thánh Ngôn chép tay của Ngài Ðầu Sư Thái Thơ Thanh, trang 59)

  • 40. Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền, Tam thiên Ðồ đệ

    40. Nhứt Phật, Tam Tiên, Tam thập lục Thánh, Thất thập nhị Hiền, Tam thiên Ðồ đệ

    40. Thứ hai, 4-10-1926 (âl 28-8-Bính Dần)

    THẦY

    Chúng Nam nghe:

    Thầy Khổng Tử trước có Tam thiên đồ đệ, truyền lại còn Thất thập nhị Hiền.

    Thầy Lão Tử trước đặng một trò là Nguơn Thỉ.

    Thầy Giê-Giu trước đặng Mười hai người, chừng bị bắt còn lại là Pierre mà thôi.

    Thầy Thích Già đặng bốn người, ba người bỏ Thầy còn lại một.

    Còn nay, Thầy giáng thế chọn đến:

    Nhứt Phật,
    Tam Tiên,
    Tam thập lục Thánh,
    Thất thập nhị Hiền,
    Tam thiên Ðồ đệ.

    Các con coi đó mà hiểu rằng, các con có sự mà thiên hạ từ tạo thế đến chừ chưa hề có chăng?

    Nơi Bạch Ngọc Kinh, hơn 60 năm trước, chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, thấy đại nộ của Thầy, nên ra tình nguyện hạ thế cứu đời.

    Thầy coi bọn ấy lại còn làm tội lỗi hơn kẻ phàm xa lắm. Vậy vì cớ chi các con biết chăng?

    Các con có cả ba Chánh đạo là Tam giáo, các con biết tôn trọng, ngày nay lại thêm Chánh đạo nữa, các con biết ít nước nào đặng vậy?

    Bị hàng phẩm Nhơn tước phải phù hạp với hàng phẩm Thiên tước, đáng lẽ Thầy cũng nên cho các con chịu số phận bần hàn mà không nỡ, nên ngày nay mới có kẻ như vậy.

    Thầy nói cho các con biết: Dầu một vị Ðại La Thiên Ðế xuống phàm mà không tu, cũng khó trở lại địa vị đặng. Các con nghe à!

    CHÚ THÍCH:

    Ðức Khổng Tử có Tam thiên đồ đệ (3000 học trò), trong đó có Thất thập nhị Hiền (72 người tài giỏi), trong Thất thập nhị Hiền có Thập Triết (10 Triết gia), và đặc biệt có 2 vị Thánh là: Phục Thánh Nhan Hồi, Tông Thánh Tăng Sâm. (Ðời sau có thêm 2 vị Thánh nữa là Thuật Thánh Tử Tư và Á Thánh Mạnh Tử, với 2 vị Thánh trước gọi chung là Tứ Phối).

    Ngày nay lập Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn chọn Chức sắc Cửu Trùng Ðài Nam phái gồm 3112 vị, gồm:

    Nhứt Phật: là một phẩm Giáo Tông, đối phẩm Thiên Tiên hay Phật vị.
    Tam Tiên: là 3 vị Ðầu Sư cho 3 phái, mỗi phái 1 vị, đối phẩm Ðịa Tiên.
    Tam thập lục Thánh: là 36 vị Phối Sư, chia đều mỗi phái 12 vị, đối phẩm Thiên Thánh.
    Thất thập nhị Hiền: là 72 vị Giáo Sư, chia đều mỗi phái 24 vị, đối phẩm Nhơn Thánh.
    Tam thiên Ðồ đệ: là 3000 Giáo Hữu, chia đều mỗi phái 1000 vị, đối phẩm Ðịa Thánh.

    Nếu kể thêm 3 vị Chưởng Pháp nữa thì tổng số Chức sắc Cửu Trùng Ðài là 3115 vị.

  • 41. Đức cần kiệm là đức hạnh đầu

    41. Đức cần kiệm là đức hạnh đầu

    41. Ngày 12-10-1926 (âl 6-9-Bính Dần)

    THẦY

    Các con,

    Vì tại sao Thầy muốn các con mặc đồ bô vải chăng?

    Vì bô vải là tấm gương đạo đức, các con đã rõ đạo thì biết đức cần kiệm là đức hạnh đầu trong lúc các con còn ở thế gian nầy. Như sự lãng phí se sua ở đời nầy, Thầy cũng cho là một việc tổn đức vậy.

  • 42. Chớ chẳng nên động đến oai linh chư Thần, Thánh, Tiên, Phật

    42. Chớ chẳng nên động đến oai linh chư Thần, Thánh, Tiên, Phật

    42. Ngày 15-10-1926 (âl 9-9-Bính Dần)

    THẦY

    Các con nghe:

    Thầy hằng nói với các con rằng: Thà là các con lỗi với Thầy thì Thầy vì lòng từ bi mà tha thứ, chớ chẳng nên động đến oai linh chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, vì họ chẳng tha thứ bao giờ.

    Thầy lại cũng đã nói: Mỗi khi Chơn linh Thầy giáng đàn thì cả vàn vàn muôn muôn Thần, Thánh, Tiên, Phật theo hầu hạ. Các con nếu mắt phàm thấy đặng phải khủng khiếp kinh sợ vô cùng, nhưng thấy chẳng đặng, nên tội cũng giảm nhẹ đó chút.

    Thất lễ là đại tội trước mắt các Ðấng Chơn linh ấy. Thầy phải thăng cho các con khỏi bị hành phạt.

    Thầy chẳng buổi nào chấp trách các con, bởi lòng thương yêu hơn chấp trách rất nhiều, sợ là sợ cho các con mất đức với chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Thăng.

  • 43. Từ đây nòi giống chẳng chia ba

    43. Từ đây nòi giống chẳng chia ba

    43.Khai đàn tại nhà Ông Hồ quang Châu, Phan thị Lân.

    Ngày 21-10-1926 (âl 15-9-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, hỉ chư nhu.

    Châu, nghe dạy:

    Từ đây nòi giống chẳng chia ba,
    Thầy hiệp các con lại một nhà.
    Nam, Bắc cùng rồi ra ngoại quốc,
    Chủ quyền Chơn đạo một mình Ta.

    Thầy sẽ giao trách nhậm trọng hệ cho con truyền đạo Trung Kỳ, ráng tập tành đạo hạnh.

    Thơ, con phải khai rộng Thánh Thất cho chúng sanh cầu đạo, đừng phân sang hèn, ai ai đều cũng con Thầy. Con khá khuyên chư nhu đến Thánh Thất cầu đạo nghe!

    TÁI CẦU:

    Thầy, các con.

    Ðạo Quang, con cứ khai đàn cho chúng nó, và chỉ cách thờ Thầy theo Tân Luật, cần chi chúng nó phải cầu đạo, vốn là môn đệ của Thầy rồi. Cười . . .

    Chẳng hiểu đến chừng nào các con mới biết rõ Thầy là ai? Thảm thay! Thương thay!

    Trung, mặc kệ nó, chúng nghi cho các con lo Quốc sự. Thầy vì các con xin lắm mới ép lòng chịu vậy, chớ Chánh trị với Ðạo chẳng buổi nào liên hiệp cùng nhau. Thầy nói ít, các con hiểu nhiều.

    CHÚ THÍCH:

    Ðạo Quang: Ngài Trần Ðạo Quang, thế danh là Trần Thanh Nhàn, sanh năm Canh Ngọ (1870), tu theo Minh Sư đến chức Thái Lão Sư, trụ trì ở Linh Quang Tự, Gò Vấp. Ngài được Ðức Chí Tôn giáng cơ độ Ngài theo Ðạo Cao Ðài. Khi Ngài Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương qui Tiên, Ngài được phong làm Quyền Thượng Chưởng Pháp. Giữa năm 1927, khi Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ qui Tiên, Ngài Trần Ðạo Quang được ân phong chánh vị là Ngọc Chưởng Pháp.

    Quốc sự: Việc nước, tức là việc Chánh trị. Làm Quốc sự là làm Chánh trị, tức là tham gia vào các hoạt động của Ðảng phái để tranh giành quyền lực lãnh đạo quốc gia.

    Chánh trị với Ðạo chẳng buổi nào liên hiệp cùng nhau: Từ trước tới nay, nhiều vị lãnh đạo tôn giáo lợi dụng uy thế của đông đảo tín đồ, đứng ra tranh giành quyền lực với chánh quyền quốc gia, khiến cho nhà đương quyền luôn luôn nghi ngờ tôn giáo làm chánh trị. Trong giáo lý của Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn lập ra, không có khoản nào cho phép Chức sắc làm chánh trị. Bởi vì mục đích của tôn giáo là làm lành, còn Chánh trị thì làm lợi. Nếu nhà cầm quyền hoàn toàn vì nước vì dân đúng nghĩa thì tôn giáo là cơ quan rất đắc lực hộ trợ nhà nước về phước thiện, về an sinh xã hội, giáo dục đạo đức, củng cố và phát triển thuần phong mỹ tục, ngăn ngừa tội ác tội phạm. Một xã hội không đạo đức thì dễ đưa đến hỗn loạn và đồi trụy. Chỉ có tôn giáo mới có thể cải tạo tệ nạn xã hội một cách hữu hiệu đến tận gốc rễ.

  • 44. Phản tiền vi hậu

    44. Phản tiền vi hậu

    44.Phước Linh Tự,
    Chúa nhựt, 24-10-1926 (âl 18-9-Bính Dần)

    THÍCH CA MÂU NI PHẬT tá danh
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Vì Tân Luật chưa ra nên Thầy phải giải:

    Ðã có Thánh Tượng Thầy thì là cốt Ngọc Hoàng con để lại chẳng nghĩa chi hết. Thầy nói cho các con rõ, vì cớ nào trước từ Nhứt Tổ chí Lục Tổ thì thờ Thầy ngồi trước, vì trước là lớn phải vậy.

    Khai Thiên Ðịa vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy. Thầy đã nói một Chơn thần mà biến Càn khôn Thế giới và cả nhơn loại.

    Thầy là chư Phật, chư Phật là Thầy.

    Các con là chư Phật, chư Phật là các con.

    Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Thầy khai Bát Quái mà tác thành Càn khôn Thế giới, nên mới gọi là Pháp; Pháp có mới sanh ra Càn khôn Vạn vật rồi mới có người, nên gọi là Tăng. Thầy là Phật chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy.

    Thầy lập Phật giáo vừa khi Khai Thiên lập Ðịa, nên Phật giáo là trước, kế Tiên giáo, rồi mới tới Nho giáo

    Nay là hạ nguơn hầu mãn, phải phục lại như buổi đầu, nên phải phản tiền vi hậu.

    Tỉ như Tam giáo qui nhứt thì:

    - Nho là trước,
    - Lão là giữa,
    - Thích là chót.

    Nên Thầy phải ngồi sau chư Phật, Tiên, Thánh, Thần, mà đưa chúng nó lại Vô Vi chi Khí, chính là Niết Bàn đó vậy. . . . . . . . . . . . .

    Còn cổ lễ cúng thì: Rượu là Khí, Bông là Tinh, Trà là Thần.

    CHÚ THÍCH:

    Nơi giáng cơ, trong TNHT. I - 1928, 1931 ghi là Phước Tinh Tự; trong ÐS.II.7, lại ghi là Phước Linh Tự. Chỗ nhiều chấm gần chót xin chép bổ sung ra sau đây:

    "Còn như Hộ Pháp đã xuống trần rồi thì thờ chi nữa, các con nên lập ra ba bài vị đề: HỘ PHÁP, THƯỢNG PHẨM bên hữu, THƯỢNG SANH bên tả."

    Nhứt Tổ của Phật giáo Trung hoa: Bồ Ðề Ðạt Ma.

    Lục Tổ của Phật giáo Trung hoa: Huệ Năng.

    Phản tiền vi hậu: Trở ngược cái trước làm cái sau.

    Vô Vi chi Khí: Ðó là Khí Hư Vô, chất Khí nguyên thỉ sanh ra Ðức Chí Tôn.

    Cổ lễ: Nghi lễ xưa.

    Niết Bàn: phiên âm từ tiếng Phạn: Nirvana, có nghĩa đen là: Ra khỏi rừng phiền não luân hồi. Ðó là cảnh giới hoàn toàn sáng suốt, an vui sung sướng, của những người đắc đạo.

  • 45. Nhơn loại hiện chịu đau khổ bởi nhiều cuộc tai biến

    45. Nhơn loại hiện chịu đau khổ bởi nhiều cuộc tai biến

    45. Thứ tư, 27-10-1926 (âl 21-9-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    L"humanité souffre de toutes sortes de vicissitudes.

    J"ai envoyé Allan Kardec, J"ai envoyé Flammarion comme J"ai envoyé Élie et Saint Jean Baptiste, précurseurs de l"avènement de Jésus Christ; l"un est persécuté, et l"autre tué. Et par qui? Par l"humanité. Mon fils est aussi tué par vous. Vous ne le vénérez qu"en Esprit et non en Sainteté.

    Je voulais causer avec vous en une seule fois au temps de Moise sur le mont Sinai, vous ne pouviez me comprendre.

    La promesse que J"ai faite à vos ancêtres pour votre Rédemption, la venue du Christ est prédite, vous ne voulez pas en tenir compte.

    Il faut que Je me serve moi-même maintenant d"un moyen plus spirituel pour vous convaincre. Vous ne pourrez pas nier devant le Grand Jugement Général que Je ne sauve pas l"humanité par tous moyens plausibles. Quelque indulgent que Je sois, Je ne pourrai effacer tous vos péchés depuis votre création.

    Le monde est dès maintenant dans les ténèbres. La Vertu de Dieu est détruite, la haine universelle s"envenime, la guerre mondiale est inévitable.

    La race françise et la race annamite sont mes deux bénites. Je voudrais que vous soyez unis pour toujours. La NouvelleDoctrine que J"enseigne a pour but de vous mettre une dans communauté d"intérêt et de vie.

    Soyez donc unis par ma volonté et prêchez au monde la paix et la concorde.

    En voilà assez pour vous ce soir.

    Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết
    CAO ÐÀI TIÊN ÔNG ÐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    giáo đạo Nam phương

    Nhơn loại hiện chịu đau khổ bởi nhiều cuộc tai biến.

    Thầy đã sai Allan Kardec, Flammarion, cũng như Élie và Thánh Jean Baptiste, là những bực tiền Thánh báo tin ngày giáng sinh chấn động của Chúa Cứu Thế Jésus Christ, nhưng chúng nó, đứa thì bị hành hạ, đứa khác bị giết chết. Bởi ai? Cũng bởi loài người. Chính con của Thầy cũng bị các con giết mất. Các con chỉ biết tôn sùng Người bằng Tinh thần chớ không bằng Thánh chất.

    Thầy đã muốn nói với các con chỉ một lần mà thôi, hồi thời kỳ Thánh Moise trên ngọn núi Sinai, nhưng các con không hiểu được ý Thầy.

    Lời hứa của Thầy với Tổ tiên các con về việc xin chuộc tội cho các con và ngày Giáng sinh của Chúa Cứu Thế là việc đã có sấm tiên tri rồi mà các con không chịu quan tâm đến.

    Nay Thầy phải tự tìm lấy một phương pháp huyền diệu hơn để thâu phục các con. Các con sẽ không còn chối cãi được trước Tòa Phán Xét Chung rằng Thầy không cứu vớt nhơn loại bằng những phương pháp công hiệu. Dầu Thầy có khoan dung cách mấy đi nữa, Thầy cũng không thể bôi xóa được những tội lỗi của các con đã làm từ lúc tạo thành nhơn loại.

    Từ nay thế giới phải chịu trong vòng hắc ám. Tinh thần đạo đức đã tiêu mất, sự thù hận tràn ngập khắp hoàn cầu. Chiến tranh thế giới không thể tránh khỏi.

    Dân tộc Pháp - Việt là hai giống dân được nhiều huệ phúc nhất. Thầy muốn sao cả hai được hòa hiệp nhau mãi mãi. Giáo lý của Thầy có mục đích dạy dỗ các con hòa hợp nhau trong sự sống chung cộng đồng quyền lợi và sinh hoạt.

    Vậy các con hãy chung hiệp nhau mãi mãi theo ý muốn của Thầy và hãy truyền bá khắp hoàn cầu thuyết hòa bình tương thân tương ái.

    Thôi có bao nhiêu đó cho các con đêm nay.

    CHÚ THÍCH:

    Allan Kardec: Nhà Thần Linh Học Pháp, có công truyền bá Thần Linh Học ở nước Pháp và nhờ Ông mà Học thuyết Thần Linh Học được hệ thống hóa. Ông có viết 2 quyển sách Thần Linh Học là: Le livre des Esprit (Sách về Thần linh) và Le livre des Médiums.

    Camille Flammarion (1842-1925): Nhà Thiên văn theo Thần Linh Học, tiếp nối Allan Kardec truyền bá Thần Linh Học ở nước Pháp.

    Moise: Nhà lãnh đạo của dân Do Thái thời Thượng cổ, lúc dân Do Thái bị các Pharaon Ai Cập bắt làm nô lệ. Moise được Ðức Chúa Trời chọn, vâng lịnh Ðức Chúa Trời dẫn dắt dân Do Thái thoát khỏi ách nô lệ, đến định cư và dựng nước ở đồng bằng phì nhiêu dưới chân núi Sinai. Ðức Chúa Trời giao cho Moise 10 Ðiều Răn để dạy dân Do Thái, các giáo lý, cách thờ phượng Ðức Chúa Trời, tạo thành đạo Do Thái thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ.

    Jean Baptiste: Thánh Jean Baptiste là nhà tiên tri sửa soạn sự xuất thế của Chúa Jésus. Ông làm phép Giải Oan cho Chúa ở bờ sông Jourdain và xác định đây là Chúa Cứu Thế. Ông bị tử đạo năm 28 do lịnh của Salomé. Lễ kỷ niệm Ông hằng năm vào ngày 24 tháng 6.

    Élie: ở Thi-sê-be, nhà tiên tri người Do Thái thời vua Do Thái là A-hap, sau thời Thánh Moise xa lắm, vâng lời Ðức Chúa Trời đến ở khe Kê-rit, đối ngang sông Jourdain. Élie với học trò là Élisée, vâng lịnh Ðức Chúa Trời, đi đến bờ sông Jourdain, Élie lấy áo tơi cuốn lại đập trên nước thì nước sông rẽ hai cho 2 người đi qua sông, rồi Élie được Ðức Chúa Trời rước lên Trời trong một cơn gió lốc. Élisée tiếp nối Élie làm tiên tri của dân Do Thái.

  • 46. Thầy chỉ định con lãnh một vai trò bạc bẽo mà nhân đạo

    46. Thầy chỉ định con lãnh một vai trò bạc bẽo mà nhân đạo

    46.Ngày 28-10-1926 (âl 22-9-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    DIEU TOUT PUISSANT qui vient sous le nom de CAO ÐÀI pour dire la Vérité en Annam

    M . . . et V . . . Venez près d"ici.

    Croyez-vous qu"il est impossible à Dieu de faire ce qu"il veut faire.

    M . . . , tu es désigné par Moi pour accomplir une tâche ingrate mais humanitaire. Tu relèves par tes nobles sentiments la décadence d"une race millénaire qui a sa civilisation.

    Tu te sacrifies pour lui donner une vraie morale. Voilà une toute faite pour ton oeuvre. Lis toutes mes Saintes Paroles. Cette Doctrine sera universelle. Si l"humanité la pratique, ce sera la paix promise pour toutes les races. Tu feras connaitre à la France que l"Annam est digne d"elle.

    Tu as assez pour ce soir.

    Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    THƯỢNG ÐẾ TOÀN NĂNG giáng thế tá danh CAO ÐÀI truyền Chơn lý tại Việt Nam

    M . . . và V . . . Các con hãy lại gần đây.

    Các con tưởng rằng Ông Trời không thể làm cái gì mà Ông muốn sao?

    M . . . , Thầy chỉ định con lãnh một vai trò bạc bẽo mà nhân đạo. Con vì tâm tình cao thượng mà cứu vãn sự sụp đổ của một dân tộc đã hấp thụ một nền văn minh tối cổ.

    Con tự hy sinh để đem lại cho dân tộc ấy một nền đạo lý chơn chánh. Ðó là công nghiệp dành sẵn cho con. Hãy đọc các Thánh Ngôn của Thầy. Giáo lý của Thầy sẽ là đại đồng. Nếu nhơn loại biết tu hành thì đó sẽ là nền hòa bình hứa hẹn chung cho tất cả các dân tộc. Con sẽ tỏ cho nước Pháp biết, nước Việt Nam là nước xứng đáng đối với Pháp.

    Thôi có bấy nhiêu cho con hôm nay.

    CHÚ THÍCH:

    M . . . và V . . .: Ðại úy Paul Monet và người bạn tên Vidal. Ông Monet là nhà Thần Linh học Pháp, hôm đó ông đến hầu đàn, thấy đang cầu cơ. Ông thử làm phép cắt điển, nếu là Tà điển thì phải xuất ra liền, còn điển của Thánh Tiên thì không ảnh hưởng. Lúc đó, Ðức Chí Tôn đang giáng cơ, nên kêu ông Monet và ông Vidal đến để Ðức Chí Tôn dạy đạo.

  • 47. Quyền thưởng phạt đã giao vào tay Lý Thái Bạch

    47. Quyền thưởng phạt đã giao vào tay Lý Thái Bạch

    47. Ðại Ðàn Chợ Lớn [Nhà Ngài Lê văn Trung]
    Ngày 29-10-1926 (âl 23-9-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư nhu, chư ái nữ.

    Các con nghe:

    Thầy buộc phải nói rõ cho các con đừng lầm mà trách Thầy. Cha hiền chả biết hành hạ con cái bao giờ. Thầy đã đến mà dìu dắt từ đứa thì lẽ nào lại đành lòng xô đuổi.

    Thầy thấy các con bị phép thử thất Ba Trấn lập thành thì đã hiểu nhiều đứa bị hành. Thầy ngậm đau nuốt thảm ngồi nhìn. Thầy chẳng để thử thất, Ba Trấn trách Thầy vì yêu mến quá lẽ mà làm mất hết công bình, nhứt là Lý Thái Bạch kêu nài hơn hết.

    Dầu Quan Âm và Quan Thánh xin cũng chẳng đặng. Nhứt là buổi thử thất ấy, lại nhằm ngày khai Thánh Thất thì các con đủ hiểu là hại dường nào, song phải dằn lòng chịu vậy.

    Các con ngã thì tại nơi Thầy. Nếu Thầy biết các con nhẹ tính thì thế nào cũng chẳng chịu. Lại để lời tiên tri mà dặn trước, nào dè Thánh Ngôn, các con không đọc, lời Thầy nói cũng như không, mới ra tội lỗi các con phạm thượng thế ấy.

    Vậy từ đây, quyền thưởng phạt đã giao vào tay Lý Thái Bạch. Các con liệu mình mà cầu rỗi nơi Người. Thầy dạy dỗ, các con không nghe, đợi có hình phạt thì các con chịu lấy.

    (Ð . . . Q . . . thượng sớ). Cười . . .

    Ð . . . Q . . . , cả môn đệ Thầy duy có biết một chớ không biết hai. Kẻ nào cưu tâm chia phe phân phái là đứa thù nghịch của Thầy. Con hiểu à!

    Con biết rằng, Thầy hằng dặn cả môn đệ, nhứt nhứt sự chi cũng phải đợi lịnh Thầy. Thầy có cho phép con cầu đạo và mọi phép bí tích chi chi cho mẹ T . . . chăng? Vì xảo trá ấy mà làm cho T . . . phải mất đức tin nhiều lắm, con hiểu à!

    Cái kho bạc ấy nó giục lòng con lắm hả?

    T . . .! Con phải định tánh mà xét nét lấy. Thầy chẳng cần nói.

    Trung, Trang, Tương! Ba con phải nhớ những điều Thầy phú thác . . . Thầy đã dặn, hiểu à!

    TÁI CẦU:

    LÝ THÁI BẠCH

    Hỉ chư đạo hữu. Thiên phong bình thân.

    Từ đây Thầy đã giao quyền thưởng phạt về nơi tay Bần đạo. Vậy các đạo hữu khá hết lòng lo lắng vun đắp nền đạo cho vững vàng, hiệp ý với Thiên cơ mà bước lần lên địa vị cao thượng, chớ sụt sè ôm thói mờ hồ thì đã uổng công trình cực nhọc từ bấy lâu nay, lại thêm chẳng đặng theo Thánh ý của Thầy, là bậc Chí Tôn đã hết sức nhọc nhằn cùng sanh chúng.

    Mở một mối đạo chẳng phải là sự thường tình, mà sanh nhằm đời đặng gặp một mối đạo cũng chẳng phải dễ. Muốn lập thành tất phải có điều nghiêm chánh thưởng phạt. Có thưởng mới giục lòng kẻ có công, có phạt mới răn đặng lòng tà vạy.

    Thưởng phạt tuy chẳng phải hữu hình, nhưng là một sự mừng vui, chưa có bậc cao thượng ở thế nào bằng, và một sự buồn bã nào sánh đặng. Dầu có ăn năn hối hận mấy kiếp, ngày giờ cũng đã qua rồi. Ngôi Cực Lạc vẫn có người choán hết.

    Phần nhiều các đạo hữu dày công mà xây đắp nền đạo, nhưng sự ham muốn còn bôn chôn theo tình thế. Công đã nhiều mà bước tới nữa dường như ngán bước, gặp sự gay go đã mỏn lòng. Than thay! Tiếc thay!

    Ðặng bậc Chí Tôn cầm quyền thế giới dìu dắt, rửa lỗi, mà chẳng bươn chải cho kịp thì, để đua nhau nghĩ tính về miếng đỉnh chung, nếu Thầy chẳng đại từ đại bi thì công quả đã chảy theo dòng nước.

    Từ đây Bần đạo phải để ý dìu dắt bước đường cho các đạo hữu, phải gắng công thêm nữa cho hiệp với cơ Trời.

    Ai hữu phước thì địa vị đặng cao thêm, ai vô phần thì bị đọa Tam pháp. Phước phần cũng khó lựa người, rủi rủi may may đừng trách nơi Bần đạo.

    Bần đạo xin chào các đạo hữu. Bần đạo kiếu.

    CHÚ THÍCH:

    Kể từ ngày nay, 29-10-1926, Ðức Chí Tôn giao quyền thưởng phạt Chức sắc cho Ðức Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, kiêm nhiệm Giáo Tông Ðại Ðạo.

    Phép thử thất Ba Trấn lập thành: Cách thử thất do Tam Trấn Oai Nghiêm lập ra để chọn lọc Chức sắc làm cho giá trị thêm cao. Thử thất là bày ra cuộc thi khả năng đạo đức, thử xem ai chịu nổi thì đậu, ai không chịu nổi thì rớt mất. Ba Trấn là Tam Trấn gồm: Lý Thái Bạch, Quan Âm Bồ Tát, Quan Thánh Ðế Quân.

    Ð. . Q. . .: Ngài Trần Ðạo Quang, Quyền Thượng Chưởng Pháp.

    T. . .: (?)

    Cưu tâm: Mang lấy lòng dạ.

    Phép bí tích: Các phép thuật huyền diệu bí truyền.

    Miếng đỉnh chung: Miếng mồi giàu sang. Ðỉnh chung là cái vạc và cái chuông. Mạnh Thường Quân ở nước Tề, giàu sang tột bực, có lòng chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà luôn luôn có vài ngàn tân khách để lo bàn việc ích nước lợi dân. Do đó phải nấu cơm bằng vạc, khi mời ăn cơm thì đánh chuông.

    Ðọa Tam pháp: Nếu tội phạm Thiên điều thì bị đọa Tam đồ bất năng thoát tục. Nếu phạm các tội nặng khác như thập ác, ngũ nghịch thì bị đọa vào ba đường khổ trong Lục đạo luân hồi. Ba đường khổ nầy theo Phật giáo là: Ðịa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh.

  • 48. Ðại Ðạo Tam Kỳ chẳng khác chi một trường thi công quả

    48. Ðại Ðạo Tam Kỳ chẳng khác chi một trường thi công quả

    48. Ngày 11-11-1926 (âl 7-10-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.

    Ng . . . nghe Thầy:

    Nghiệp thành trước đã có Ơn Trên,
    Công quả độ sanh khá vẹn đền.
    Ðạo đức thìn soi gương trí huệ,
    Nguồn đào đoạt vị mới hầu nên.

    Hai con đã có lòng vun nền đạo đức, phải khổ tâm thêm nữa mà giữ cho tròn phận sự. Mùi chung đỉnh, bả vinh hoa có khác chi ngọn cỏ phơi sương, vừng mây giữa gió. Nét hạnh đức là phương hay để dìu dắt các con bước lên con đường Cực Lạc, tránh khỏi đọa tam đồ.

    Thầy vì đức háo sanh, nên chẳng kể bực Chí Tôn cầm quyền thế giới, đến lập Ðại Ðạo Tam Kỳ trong lúc hạ nguơn nầy mà vớt sanh linh khỏi vòng khổ hải. Ai biết đạo tức là có duyên phần, ai vô đạo tức là số chịu hình khổ luân hồi. Phải mau chơn, bằng luyến ái sự thế thì sau ăn năn rất muộn.

    Than ôi! Thầy đã là Ðấng lập khổ hình, chiếu theo phép công bình của Tạo hóa, nhưng thấy nhơn sanh càng ngày càng bước vào con đường hắc ám, để đem số phận buộc vào đó, thì Thầy cũng bắt đau lòng, nhưng chẳng lẽ bỏ phép công vì sanh chúng.

    Ấy vậy, Ðại Ðạo Tam Kỳ chẳng khác chi một trường thi công quả. Nếu biết ăn năn trở bước lại con đường sáng sủa, giồi tâm trau đức, đặng đến hội diện cùng Thầy, thì mới đạt đặng địa vị thanh cao trong buổi chung qui cho.

    Chúng sanh khá nghe và xét mình cho lắm.

    CHÚ THÍCH:

    Ng . . .: (?)

    Thìn: Gìn giữ cho bền.

    Nguồn đào: Chữ Hán là Ðào nguyên, chỉ cõi Tiên.

    Mùi chung đỉnh: Cái mùi giàu sang. Dùng chữ mùi để tỏ ý chê bai. Bả: Miếng mồi.

    Bả vinh hoa: Cái mồi giàu sang vinh hiển.

    Con đường Cực Lạc: Con đường đưa tới cõi CLTG.

    Sanh linh: Chúng sanh, các chơn linh sống nơi cõi trần.

    Duyên phần: Cái duyên và cái phần tốt đẹp được hưởng do kết quả của việc làm đạo đức trong kiếp trước.

    Hình khổ luân hồi: Việc luân hồi chuyển kiếp là một hình phạt khổ sở cho những người không đủ công đức đắc đạo.

    * Ðây là lần thứ ba, Ðức Chí Tôn nói: Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là một trường thi công quả. Ðức Chí Tôn nói lần thứ nhứt nơi bài Thánh Ngôn 17, lần thứ nhì nơi bài 24, lần thứ ba nơi bài 48 nầy. Trong thời kỳ Ðại Ân Xá nầy, môn thi là Công quả. Ðắc đạo cùng chăng là do Công quả.

  • 49. Cơ huyền diệu của kiếp luân hồi con người

    49. Cơ huyền diệu của kiếp luân hồi con người

    49. Ô Môn.
    Ngày 12-11-1926 (âl 8-10-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    K . . .

    Nếu các con hiểu rõ cơ huyền diệu của kiếp luân hồi con người, chẳng phải như thói thường tình định liệu, thì con không buồn và cũng không oán trách Thầy.

    Nơi Bạch Ngọc Kinh, cả thảy đều là con cái của Thầy, tức là anh em với nhau.

    Cái phẩm vị của các con phải buộc tái sanh nhiều kiếp mới đến địa vị tối thượng mình là nơi Niết Bàn. Một lời nói với nhau cũng đủ cả hai xuống thế mà khuyên giúp lẫn nhau. Con chẳng nên gọi oan nghiệt.

    Còn đạo mới khai lập, tuy xuất hiện chưa đầy một năm, chớ chư Tiên, chư Phật đã lập cùng cả Năm Châu. Chẳng khác nào khi trước, Nhơn đạo chưa mở thì đã có Châu Công truyền trước.

    Thánh đạo Jésus chưa ra đời thì đã có Moise, Élie, Gérimie, Saint Jean Baptiste.

    Ðạo Tiên Nguơn Thỉ chưa ra đời thì có Hồng Quân Lão Tổ, Lão Tử, Thông Thiên Giáo chủ truyền đạo.

    Phật Thích Ca chưa ra đời thì đã có Nhiên Ðăng Cổ Phật và Brahma truyền đạo.

    Thầy chưa giáng cơ lập đạo tại nước Nam, chớ chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, dùng huyền diệu nầy mà truyền đạo cùng vạn quốc.

    CHÚ THÍCH:

    Oan nghiệt: Oan là thù giận, nghiệt là nghiệp ác. Oan nghiệt là những thù giận mà mình gây cho người trong kiếp trước tạo thành nghiệp ác báo hại mình trong kiếp hiện tại.

    Châu Công: Ông Châu Công Ðán, con vua Văn Vương, chế ra Lễ Nhạc, nghi thức nơi triều đình, trật tự trong gia tộc, viết ra Hào Từ để chú giải mỗi hào trong 64 quẻ kinh Dịch.

    Moise, Élie, Saint Jean Baptiste: (Xem Chú thích bài 45)

    Gérimie: Nhà Tiên tri Do Thái sau thời Ông Élie. Ðức Chúa Trời phán cùng Gérimie: "Nầy Ta đã đặt ra những lời Ta trong miệng ngươi.". Ðức Chúa Trời dạy dân Do Thái qua sự truyền giảng của Gérimie.

    Hồng Quân Lão Tổ: Một hóa thân của Thượng Ðế. Theo Truyện Phong Thần, Hồng Quân Lão Tổ có ba học trò là: Lão Tử, Nguơn Thỉ Giáo chủ Xiển giáo, Thông Thiên Giáo Chủ Triệt giáo. Học trò Xiển giáo và học trò Triệt giáo thường có chuyện tranh chấp nhau, khiến hai vị Giáo chủ vì binh học trò mà bất hòa. Hồng Quân Lão Tổ phải can thiệp và phân xử.

    Khi Ðức Chí Tôn chưa mở Ðạo Cao Ðài ở nước VN, Ðức Chí Tôn đã cho các Ðấng dùng huyền diệu cơ bút mở đạo ở các nơi trên thế giới như: Thần Linh Học ở Âu Mỹ Châu, Thông Thiên Học ở Mỹ và Ấn Ðộ, đạo Omoto ở Nhựt, đạo Minh Sư ở Trung hoa, vv . . .

  • 50. Nữ phái nghe Thầy khai Tịch Ðạo

    50. Nữ phái nghe Thầy khai Tịch Ðạo

    50. THÁNH GIÁO NGÀY KHAI ÐẠO:
    Khai Ðạo tại chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự) Tây Ninh.
    Ngày 18-11-1926 (âl 14-10-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.

    Nữ phái nghe Thầy khai Tịch Ðạo:

    HƯƠNG tâm nhứt phiến cận Càn khôn,
    Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn.
    Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng,
    Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn.

    Lâm thị: phong vi Giáo Sư, lấy Thiên ân Hương Thanh.

    Ca thị: phong vi Phó Giáo Sư, lấy Thiên ân Hương Thế.

    Ðường thị: đã thọ mạng Thiên sai, cứ giữ địa vị mình.

    Còn cả chư ái nữ, Thầy sẽ lập đại hội cho đủ mấy vị rồi sẽ phong sắc một lần.

    Thầy ban ơn cho các con, cứ hành lễ theo lời dặn. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài thi Tịch Ðạo Nữ phái, viết ra chữ Hán sau đây:

    Hương tâm nhứt phiến cận Càn Khôn, 香心一片近乾坤
    Huệ đức tu chơn độ dẫn hồn. 慧德修真度引魂
    Nhứt niệm Quan Âm thùy bảo mạng, 一念觀音垂保命
    Thiên niên đẳng phái thủ sanh tồn. 千年等派守生存

    GIẢI NGHĨA:

    - Một tấm lòng thơm gần Trời Ðất,
    - Cái đức sáng suốt do tu hành chơn thật độ dẫn được linh hồn.
    - Một lần niệm danh hiệu Ðức Quan Âm Bồ Tát thì được Bồ Tát rủ lòng thương xót bảo vệ mạng sống,
    - Ngàn năm Nữ phái gìn giữ sự sanh tồn của nhơn loại.

    Vậy Tịch Ðạo của Chức sắc Nữ phái Cửu Trùng Đài trong đời Giáo Tông thứ nhứt là lấy chữ HƯƠNG làm Thánh danh; đời Giáo Tông thứ nhì sẽ lấy chữ TÂM.

    Ðức Chí Tôn phong chức cho hai vị: Bà Lâm Thị Thanh (hay Lâm Ngọc Thanh) ở Vũng Liêm, và Bà Ca Thị Thế con của Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương.

    Lâm Thị Thanh: phong làm Nữ Giáo Sư, Thánh danh Hương Thanh.

    Ca Thị Thế: phong làm Phó Giáo Sư, Thánh danh Hương Thế. Phó Giáo Sư là phẩm Giáo Hữu.

    Ðường thị: Bà Ðãi thị Huệ (1874-1936), hiền thê của Ngài Lê Văn Trung.

    Thọ mạng: Nhận lãnh mệnh lệnh của Ðức Chí Tôn.

    Thiên sai: Trời sai khiến.

    Phong sắc: Ra Sắc lịnh phong chức.

  • 51. Chức phẩm Cửu Trùng Đài

    51. Chức phẩm Cửu Trùng Đài

    51.Từ Lâm Tự (Gò Kén, Tây Ninh)
    Thứ bảy, 20-11-1926 (âl 16-10-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    GIÁO TÔNG nghĩa là Anh Cả các con, có quyền thay mặt Thầy mà dìu dắt các con trong đường Ðạo và đường Ðời. Nó có quyền về phần xác chớ không có quyền về phần hồn. Nó đặng phép thông công cùng Tam thập lục Thiên và Thất thập nhị Ðịa giái đặng cầu rỗi cho các con, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng.

    CHƯỞNG PHÁP của ba phái là Ðạo, Nho, Thích. Pháp luật Tam giáo tuy phân biệt nhau, song trước mặt Thầy vốn coi như một. Chúng nó có quyền xem xét luật lệ trước buổi thi hành, hoặc là nơi Giáo Tông truyền xuống, hay là nơi Ðầu Sư dâng lên. Như hai đàng chẳng thuận thì chúng nó phải dâng lên cho Hộ Pháp đến Hiệp Thiên Ðài cầu Thầy giáng xuống mà sửa lại, hay là tùy ý mà lập luật lại. Vậy chúng nó có quyền xem xét kinh điển trước khi phổ thông. Như thảng có kinh luật chi làm hại phong hóa thì chúng nó phải trừ bỏ, chẳng cho xuất bản. Buộc cả tín đồ phải vùa sức mà hành sự trước mặt luật đời. Thầy khuyên các con ráng xúm nhau vùa giúp chúng nó. Mỗi Chưởng Pháp có ấn riêng. Ba ấn phải có đủ trên mỗi luật, mới đặng thi hành. Chư môn đệ tuân mạng.

    ÐẦU SƯ có quyền cai trị phần Ðạo và phần Ðời của chư môn đệ. Nó đặng quyền lập luật, song phải dâng lên cho Giáo Tông phê chuẩn. Luật lệ ấy phải xem xét một cách nghiêm nhặt, coi phải có ích cho nhơn sanh chăng. Giáo Tông buộc phải giao cho Chưởng Pháp xét nét trước khi phê chuẩn.

    Chúng nó phải tuân mạng lịnh Giáo Tông, làm y luật lệ Giáo Tông truyền dạy. Như thảng luật lệ nào nghịch với sự sanh hoạt của nhơn sanh thì chúng nó đặng phép nài xin hủy bỏ.

    Thầy khuyên các con phải thương yêu giúp đỡ lấy nó. Thầy lại dặn các con, như có điều chi cần yếu thì khá nài xin nơi nó.

    Ba Chi tuy khác, chớ quyền lực như nhau. Như luật lệ nào Giáo Tông đã truyền dạy mà cả ba đều ký tên không tuân mạng thì luật lệ ấy phải trả lại cho Giáo Tông. Giáo Tông truyền lịnh cho Chưởng Pháp xét nét lại. Chúng nó có ba cái ấn riêng nhau. Mỗi tờ giấy chi chi phải có ấn mới thi hành, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng.

    PHỐI SƯ mỗi phái là 12 người, cộng là 36 người. Trong 36 vị ấy có ba Chánh Phối Sư. Ba vị ấy đặng thế quyền cho Ðầu Sư mà hành sự, song chẳng quyền cầu phá luật lệ, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng.

    GIÁO SƯ có 72 người, trong mỗi phái là 24 người. Giáo Sư là người để dạy dỗ chư môn đệ trong đường Ðạo với đường Ðời. Buộc chúng nó lo lắng cho các con như anh ruột lo cho em. Chúng nó cầm sổ bộ của cả tín đồ. Chúng nó phải chăm nom về sự tang, hôn của mỗi đứa. Như tại Châu thành lớn thì mỗi đứa đặng quyền cai quản cúng tế Thầy như thể Ðầu Sư và Phối Sư. Chúng nó đặng quyền dâng sớ cầu nài về luật lệ làm hại nhơn sanh, hay là cầu xin chế giảm luật lệ ấy. Chúng nó phải thân cận với mỗi môn đệ như anh em một nhà cần lo giúp đỡ, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng.

    GIÁO HỮU là người để phổ thông Chơn đạo Thầy. Chúng nó đặng quyền xin chế giảm luật lệ Ðạo. 3000 Giáo Hữu chia ra đều, mỗi phái là 1000, chẳng nên tăng thêm hay là giảm bớt. Chúng nó đặng phép hành lễ khi làm chủ các chùa trong mấy tỉnh nhỏ.

    LỄ SANH là người có hạnh, lựa chọn trong chư môn đệ mà hành lễ. Chúng nó đặng quyền đi khai đàn cho mỗi tín đồ. Thầy dặn các con hiểu rõ rằng Lễ Sanh là người Thầy yêu mến, chẳng nên hiếp đáp chúng nó. Như vào đặng hàng Lễ Sanh mới mong bước qua hàng Chức sắc. Kỳ dư Thầy phong thưởng riêng mới đi khỏi ngả ấy mà thôi, nghe à! Chư môn đệ tuân mạng.

    Ðầu Sư muốn lên Chưởng Pháp thì nhờ 3 vị công cử nhau.
    Phối Sư muốn lên Ðầu Sư thì nhờ 36 vị kia công cử.
    Giáo Sư muốn lên Phối Sư thì nhờ 72 vị kia xúm nhau công cử.
    Giáo Hữu muốn lên Giáo Sư thì nhờ 3000 vị kia xúm nhau công cử.
    Lễ Sanh muốn lên Giáo Hữu thì nhờ cả Lễ Sanh xúm nhau công cử.
    Môn đệ muốn lên Lễ Sanh thì nhờ cả môn đệ xúm nhau công cử.

    Kỳ dư Thầy giáng cơ phong cho người nào thì mới ra khỏi luật lệ ấy mà thôi.

    Còn Giáo Tông thì hai phẩm Chưởng Pháp và Ðầu Sư tranh đặng, song phải chịu cho toàn môn đệ công cử mới đặng, kỳ dư Thầy giáng cơ ban thưởng mới ra khỏi luật lệ ấy mà thôi. Chư môn đệ tuân mạng. Thầy ban ơn cho các con.

    CHÚ THÍCH:

    Ngay sau Ðại lễ Khai Ðạo (ngày 15-10-Bính Dần) tại Thánh Thất tạm đặt tại Từ Lâm Tự Gò Kén, Tây Ninh, Ðức Chí Tôn liền lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Ðài Nam phái ngày 16-10-Bính Dần (1926). Cửu Trùng Đài là cơ quan rất quan trọng của Ðạo Cao Ðài vì Cửu Trùng Đài tượng trưng thể xác của Ðạo. Nếu không có thể xác (Cửu Trùng Đài) thì không làm được việc chi nơi cõi trần hữu hình nầy.

    Tiếp theo, qua Tết Ðinh Mão, ngày Vía Ðức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng năm Ðinh Mão (1927), Ðức Lý Thái Bạch Nhứt Trấn Oai Nghiêm giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Ðài Nữ phái.

    Ngày 12 tháng Giêng năm Ðinh Mão (1927), Ðức Chí Tôn giáng cơ lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài.

    Thế là trọn vẹn, tạo thành Hiến Pháp tổ chức điều hành toàn bộ Hội Thánh Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

    Pháp Chánh Truyền là văn bản tổng quát tổ chức nền Ðạo Cao Ðài. Ðó là Hiến Pháp của Ðạo, cho nên Ðức Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm kiêm nhiệm Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, ra lịnh cho Ðức Hộ Pháp Phạm công Tắc chú giải tỉ mỉ từng chi tiết để cho Chức sắc trong hai Ðài, Hiệp Thiên và Cửu Trùng, dễ thi hành, có Ðức Lý Giáo Tông giáng cơ hiệu đính, gọi là Pháp Chánh Truyền Chú Giải, tạo thành Hiến Pháp bất di bất dịch của Ðạo Cao Ðài.

    Ðức Lý Giáo Tông nói rõ trong Ðạo Nghị Ðịnh thứ 6, ngày 3-10-Canh Ngọ (1930), xin chép ra sau đây:

    NGHỊ ÐỊNH: "Hai vị Thiên phong Giáo Tông và Hộ Pháp phải điều đình Hiến Pháp, sửa trị Ðài mình cho hiệp Pháp Chánh Truyền, nên đồng ký tờ nầy mà ước hẹn."

  • 52. Quỉ Vương nhập đàn phá Ðạo

    52. Quỉ Vương nhập đàn phá Ðạo

    52.Từ Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh.
    Thứ ba, 23-11-1926 (âl 19-10-Bính Dần)

    THẦY

    Các con chớ phiền hà chuyện Thánh Thất xảy ra, ấy cũng một bước trắc trở trong đường Ðạo của Thầy. Thầy còn phải đau lòng thay, nhưng cũng là nơi Thiên cơ vậy.

    Thầy hằng biết công của các con, nhưng Thầy phải cực lòng chìu ý của mỗi đứa mà xây đắp nền Ðạo. Vì vậy mà nhiều sự xảy ra đều do nơi tâm chí của nhiều đứa. Thầy hằng dùng tâm chí của các con mà bố mọi điều thiết yếu trong việc đạo đức.

    Sự xảy ra nơi Thánh Thất, tuy là nơi mối Ðạo chậm trễ, nhưng cũng do nơi lòng tà vạy của nhiều đứa mà ra, vì tâm trung chánh đáng thì làm cốt cho Tiên Thánh, còn tâm chí vạy tà là chỗ của Tà quái xung nhập.

    Chi chi cứ tưởng có Thầy giúp mà lập xong nền Ðạo cho các con là đủ.

    Thầy cũng có phép răn trị kẻ vạy tà, các con duy có trông cậy nơi Thầy, bước đường cứ thủng thẳng đi lần tới, đừng gấp quá, mà cũng chớ thối lui, thì một ngày kia sẽ đặng toại kỳ sở nguyện.

    Thầy ban ơn cho các con. Thầy thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn nói về việc Quỉ Vương nhập đàn phá Ðạo ngay trong đêm Ðại lễ Khai Ðạo.

    Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt được lịnh Ðức Chí Tôn làm phép Trấn Ðàn bốn hướng, nhưng Ngài lại quên không trấn một hướng, khiến cho Quỉ Vương thừa cơ đột nhập vào.

    Trong đêm ấy, Ðức Chí Tôn giáng cơ để ít lời quở trách rồi Ðức Chí Tôn và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thăng. Quỉ vương liền đột nhập vào đàn.

    Quỉ nhập vào Ông Lê Thế Vĩnh, giả xưng là Tề Thiên Ðại Thánh; một con Quỉ khác nhập vào Cô Vương Thanh Chi, con gái của Ông Vương Quan Kỳ, giả xưng là Quan Âm Bồ Tát. Ban đầu bổn đạo tưởng thật, sau hai cốt nói năng lung tung, lại nắm tay nhau nhảy múa, khiến mọi người đều nghi ngờ là Tà quái. Nhiều người thấy vậy chán nãn bỏ ra về và suy giảm đức tin. Cũng chính vì vậy mà Hoà Thượng Như Nhãn và đệ tử không theo Ðạo Cao Ðài nữa, đòi chùa Từ Lâm lại.

    Báo chí tại Sài gòn tường thuật buổi lễ, có đăng hình và bình luận, khiến nổi lên trong dân chúng một trường tranh luận, người thì cho là thật, người thì cho là giả.

    Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, trong quyển Ðại Ðạo Căn Nguyên, có thuật lại như sau đây:

    "CUỘC BIẾN:

    Ðêm ấy vì đông người mà cuộc lễ hóa ra thất nghiêm, nên Thượng Ðế giáng cơ, chỉ để ít lời quở trách rồi thăng. Tà quái thừa dịp Thượng Ðế và chư Thần, Thánh, Tiên, Phật thăng rồi , bèn nhập vào cho một vị nam và một vị nữ bổn đạo mà gây rối ra, mạo xưng là Tề Thiên Ðại Thánh và Quan Âm Bồ Tát. Ban đầu trong bổn đạo còn tin thiệt, hết dạ kỉnh thành, sau lần xem cách hành động của chúng nó, lấy làm lộng, chừng ấy mới phân biệt Chánh Tà, thì rất muộn.

    Rã cuộc, người biết đạo thì chẳng nói chi, duy kẻ nhẹ tánh thì gãi đầu chắc lưỡi, ngẩn ngẩn ngơ ngơ.

    Thấy tình hình như vậy, Ông quan ba Monet (Ðại Úy Paul Monet) khuyên giải trong bổn đạo như vầy:

    "Công việc các Ông làm đây là rất phải, các Ông chẳng nên vì một cuộc biến thường tình như vậy mà ngã lòng thối chí. Tôi cho là thường tình, vì bên Tây, trong mấy đàn thỉnh Tiên, cũng thường xảy ra những điều rối rấm như vậy. Tôi có một lời khuyên các Ông là từ rày sắp lên, hễ có cầu cơ thì chớ hiệp nhau đông đảo, vì cần phải thanh tịnh, mà hễ đông người thì một là mất bề thanh tịnh, hai là tư tưởng bất đồng không tương ứng nhau được, thì không linh nghiệm."

    Lời châu ngọc của Ông Monet đến ngày nay chúng tôi càng nhớ đến chừng nào thì chúng tôi lại càng thâm cảm thạnh tình ông chừng nấy.

    TRƯỜNG CÔNG KÍCH:

    Cuộc biến ấy thành ra một trường công kích rất nên kịch liệt. Kẻ nghịch đạo nhơn đó mà hô lớn lên rằng Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ là Tà giáo, là quái giáo lăng xăng. Tuy nhiên cũng có một ít người bổn đạo vì đó mà ngã, chớ còn kẻ có chút quan tâm về tôn giáo, càng nghe lời công kích chừng nào càng để ý quan sát về Ðại Ðạo chừng nấy, thành thử trường công kích lại trở làm giới thiệu cho nền Ðạo mà tự người đứng ra công kích cũng phải nhìn nhận như vậy.

    Vì là chỉ trong ba tháng mở đạo ở Từ Lâm Tự mà số người nhập môn (Lang sa có, Cao Miên có, Khách trú có), kể đến hằng ức."

  • 53. Trường Tà quái

    53. Trường Tà quái

    53.Thứ tư, 24-11-1926 (âl 20-10-Bính Dần)

    THẦY

    Các con,

    Thầy nghĩ lại việc hôm nọ tại Thánh Thất biến ra một trường Tà quái mà Thầy bắt đau lòng đó các con. Các con thiết nghĩ lẽ nào? . . . . . . . .

    Ðó là bước Ðạo, đó là Thiên cơ. Các con hiểu sao được, nhưng Thầy buồn vì nỗi có nhiều đứa sàm biện về việc ấy. Thầy cũng muốn phạt chúng nó một cách nặng nề, nhưng Thầy nghĩ lại mà thương đó chút.

    Môn đệ của Thầy nhiều đứa muốn bỏ đạo y, ném dép cỏ, lột khăn tu mà mong hồi tục thế. Bởi bước Ðạo gập ghình khó tới nên mới ra cớ đỗi. Bởi còn vướng bụi trần, ham mồi phú quí, mê chữ vinh sang mà ngán đạo.

    Các con hiểu, Thầy buồn, nhưng ấy là máy Trời đã định, chạy sao cho khỏi. Thầy biết bao lần vì các con mà chịu nhọc nhằn.

    Từ khai Thiên lập Ðịa, Thầy cũng vì yêu mến các con mà trải bao nhiêu điều khổ hạnh, mấy lần lao lý, mấy lúc vang mày, nuôi nấng các con hầu lập nền Ðạo, cũng tưởng cho các con lấy đó làm đuốc soi mình đặng cải tà qui chánh.

    Mấy lần vun đắp nền Ðạo, Thầy cũng đều bị các con mà hư giềng đạo cả,

    Thầy buồn đó các con.

    Thầy ban ơn cho các con. Thầy thăng.

    TÁI CẦU:

    Các con nghe Thầy:

    Sự biến xảy ra đến nay đã thành một trường ngôn luận, có khi cũng náo nhiệt đến nền Ðạo. Kẻ gọi Tà, người nói Chánh.

    Nơi Thiên thơ đã có dấu ràng ràng. Các con có đi tranh luận cũng nhọc công vô ích. Kẻ hữu phần, người vô phước, tin tin, không không, cũng chẳng sửa cơ Trời đặng.

    Ðường còn dài, bước càng nhọc, thì nền Ðạo càng cao, công trình càng rỡ.

    Ôi! Thầy đã lắm nhọc nhằn vì bầy con dại, muốn ra tay tế độ, vớt trọn cả chúng sanh thoát vòng khổ hải, nhưng chúng nó nhiễm luyến đã đầy mùi trần thế, tâm chí chẳng vững bền, thấy khó đã ngã lòng, mới đạp chông toan trở bước. Thầy cũng phải đau lòng mà nắm máy huyền vi để cơ Trời xây đổi. Các con liệu lấy.

    . . . . . . . . . .

    CHÚ THÍCH:

    * Phần đầu của bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.II.34.

    Chỗ có nhiều chấm xin chép bổ sung ra sau đây:

    "Mỹ Ngọc: - Bạch Thầy, tại vài Ông Thiên phong làm chuyện lôi thôi nên mới có quỉ yêu xung nhập.

    - Phải, bởi cái lếu của chúng nó mà sanh việc ngày hôm nay

    Mỹ Ngọc: - Bạch Thầy, trong môn đệ có nhiều người ngã lòng

    - Bất bình lắm hả?

    - Nhưng trong Thiên phong có vài Ông mà thôi.

    - Cũng có nhiều chớ, sao con nói ít vậy con."

    Mỹ Ngọc: Hiệu của Ngài Cao quỳnh Diêu, sau đắc phong Bảo Văn Pháp Quân. Ngài Cao quỳnh Diêu là anh thứ ba của Ngài Cao quỳnh Cư.

    * Phần Tái Cầu có trong ÐS.II.36, chỗ nhiều chấm gần cuối, xin chép bổ sung ra sau đây:

    "Thơ! Con chẳng nên lo xa nữa, Thầy giao sắp đặt hành tàng về mọi sự Thánh Thất cho Trung, Tương, Trang, Hóa, làm sao nơi đây cho đặng vững vàng khỏi điều trắc trở. Bốn con nên lưu ý, nhứt là Trang, con hiểu Thầy chăng con? Bốn con điều đình chung lo, có Thầy biết thiết yếu và sẽ làm cho các con đặng toại kỳ sở nguyện.

    Trung! nơi đàn thứ hai tới đây, con nhớ cho các Thánh hội Sài gòn và Chợ Lớn hay đặng đến hết cho Thầy dạy nghe!

    Thầy tưởng dùng máy đèn có khi làm cho mất sự tịnh trong lúc hành lễ mỗi đàn, nhưng đã có rồi, con liệu tùy tiện mà làm."

    Trung: Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung).

    Tương: Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh (Nguyễn Ngọc Tương).

    Trang: Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang).

    Hóa: Phối Sư Thượng Hóa Thanh (Lê Văn Hóa).

    Thơ: Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ).

    Sàm biện: Bàn tán bậy bạ. Ðạo y: Áo của người tu.

    Dép cỏ: Chữ Hán Thảo hài, dịch là là giày cỏ hay dép cỏ, là giày dép làm bằng cỏ của người tu hành.

    Khăn tu: Cái mũ hay cái mão đội trên đầu trong bộ y phục của người tu hành.

    Khai Thiên lập Ðịa: Mở Trời lập Ðất, ý nói thuở đầu tiên của Càn khôn Thế giới nầy.

    Khổ hạnh: Nỗi vất vả khổ cực của người tu.

    Lao lý: Bị giam cầm và lo buồn. Lý là lo buồn.

    Vang mày: Ðau mặt. Vang là đau. Vang mày là ý nói phải chịu nhiều nỗi khó khăn nguy hiểm trong công việc.

    Nhiễm luyến: Thâm nhiễm và mê luyến mùi trần.

    Huyền vi: Sâu kín nhỏ nhặt, ý nói huyền diệu.

    Toại kỳ sở nguyện: Thỏa lòng mong ước của mình.

  • 54. Thượng Latapie Thanh

    54. Thượng Latapie Thanh

    54.Chúa nhựt, 28-11-1926 (âl 24-10-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    DIEU TOUT-PUISSANT qui vient sous le nom de CAO ÐÀI

    pour dire la Vérité en Annam

    L . . .

    Une séance spéciale n"est donnée que rarement aux gens pour un voeu de quelque importance que ce soit; mais à toi dont Je connais les sentiments d"humanité et l"esprit charitable, à toi Je donne entière satisfaction.

    En dehors de tes volontés religieuses, tu as l"intention de t"informer de cette Nouvelle Doctrine qui t"a été travestie par quelques-uns de tes compa-triotes sous une forme quelque peu malicieuse.

    Sur cette terre dont le peuple est si doux et paisible, Je viens comme le Christ était venu parmi vous pour combattre l"hérésie et évangéliser le monde.

    Quelque soit la race dont vous faites partie, enfants de la terre, vous avez tous un même Père, c"est Dieu qui préside à vos destinées. Pourquoi vous séparez-vous à cause de divergences d"opinions religieuses, alors que tous,vous êtes appelés à souffrir et faire votre Purgatoire en ce monde?

    Tu as déjà mis pied dans ce chemin qui conduit tout humain vers l"heureux séjour qu"est le Nirvana.

    Tâche de continuer cette voie pour arriver à ton but. De Bons Esprits guideront tes pas. Tous tes voeux seront exaucés.

    C"est assez pour toi. Au revoir.

    Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    ÐẤNG CHỦ TỂ TOÀN NĂNG giáng thế tá danh CAO ÐÀI

    truyền Chơn Lý tại Việt Nam

    L . . .

    Một đàn cơ riêng biệt ít khi được thiết lập cho ai, mặc dầu lời thỉnh nguyện có quan hệ cách mấy đi nữa cũng không đặng. Nhưng đối với con, Thầy được hiểu lòng nhân đức, tánh từ thiện của con, nên Thầy cho con được thỏa nguyện.

    Ngoài ý chí đạo đức của con, con còn có ý tìm hiểu Giáo lý mới mẻ nầy, giáo lý mà một vài đồng bào của con đã giải thích xuyên tạc dưới một hình thức tinh ranh.

    Nơi xứ nầy, dân tình rất thuần hậu và ôn hòa, nên Thầy đến cũng như Chúa Cứu Thế đã đến với chúng con để bài trừ Tà thuyết và truyền bá Chơn đạo trên toàn cầu.

    Người sống trên thế gian nầy, dầu thuộc giống dân nào, cũng chỉ có một Cha chung mà thôi., ấy là Trời đang chế ngự số mạng của các con. Tại sao các con lại chia rẽ nhau vì sự bất đồng Ðạo lý, mà chínhtất cả các con đều phải chung chịu đau khổ để rửa tội của các con ở cõi thế gian nầy?

    Con để chơn vào con đường đưa đến cảnh an nhàn, hưởng những chuỗi ngày hạnh phúc nơi cõi Niết Bàn.

    Con ráng tiếp tục đi trên con đường vạch sẵn ấy để theo đuổi đến mức cuối cùng. Nhiều Ðấng Anh linh sẽ dìu bước cho con. Các lời cầu nguyện của con sẽ được chuẩn nhận.

    Bấy nhiêu đây đủ rồi. Từ giã con.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có chép trong tập Thánh Ngôn chép tay của Ngài Ðầu Sư Thái Thơ Thanh, trang 511.

    L . .: Latapie, tên một người Pháp theo Ðạo Cao Ðài.

    Ngày thứ bảy, 25-12-1926, Ðức Lý Thái Bạch phong Ông Latapie làm Giáo Sư phái Thượng: Thánh danh Thượng Latapie Thanh. (ÐS. II. 120)

  • 55. Nhập Thánh Thất thì phải giữ phép

    55. Nhập Thánh Thất thì phải giữ phép

    55.Thánh Thất Tây Ninh (Từ Lâm Tự)
    Thứ năm, 2-12-1926 (âl 28-10-Bính Dần)

    THÁI BẠCH

    Thầy sai Bần đạo đến sắp đặt trang nghiêm trong Thánh Thất. Bần đạo phân phép từ ngày nay, hễ nhập Thánh Thất thì phải giữ phép:

    Nam Nữ bất thân.
    Nam ở Ðông hiên, Nữ ở Tây hiên.
    Hai bên không lân cận nhau.
    Nam theo Nam, Nữ theo Nữ.
    Cấm cười cợt trững giỡn với nhau.

    Trừ ra vợ chồng hay là chị em ruột, anh em ruột đặng chuyện vãn nhau nơi Tịnh đàn. Còn kỳ dư, như hai đàng muốn chuyện vãn nhau, phải có hai người chứng, một bên Nam, một bên Nữ.

    Phòng trù, dầu phải chung lộn với nhau buổi nấu nướng, khi dọn ăn, chẳng đặng lộn xộn cùng nhau, nghe à! . . .

    Thơ Thanh, Hiền hữu phải viết luật cấm nầy dán nơi Thánh Thất. Nghe à!

    CHÚ THÍCH:

    Tịnh đàn: Nơi thờ cúng Ðức Chí Tôn phải giữ cho trong sạch.

    Phòng trù: Nhà bếp để nấu ăn.

    Ðông hiên: Cái hiên phía bên trái Bàn thờ Ðức Chí Tôn nơi Thánh Thất.

  • 56. Phần công quả trả cho rồi

    56. Phần công quả trả cho rồi

    56.Thứ hai, 6-12-1926 (âl 2-11-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu, chư tín nữ.

    Chư nhu nghe:

    Ta vì lòng đại từ đại bi, vẫn lấy đức háo sanh mà dựng nên mối Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, tôn chỉ vớt những kẻ hữu phần vào nơi địa vị cao thượng, để tránh khỏi số mạng luân hồi và nâng những kẻ tánh đức bước vào cõi nhàn, cao hơn phẩm hèn khó ở nơi trần thế nầy.

    Than ôi! Ðiều vui sướng lao trần chẳng ai buộc mà nhiều kẻ tìm tới, mối đạo đức trau thân là phương châm thoát tục mà lắm kẻ trốn lánh, bài bác mối Ðạo Trời, khua môi uốn lưỡi, mà tưởng cho mình hơn đặng các phẩm nhơn sanh, chớ chẳng dè là một hình phạt rất nặng nề đã chực chúng nó nơi chốn A Tỳ.

    Ai đặng phước thêm cao trọng, ai vô phần thì trí não vẫn mờ hồ, nét hạnh đời càng mê muội, biết biết không không, luật Trời đã định, phần công quả trả cho rồi thì cảnh u nhàn là nơi rước khách tục trong lúc chung qui đó.

    Sanh nhằm đời có một Ðạo chánh chẳng phải dễ, mà bước lên con đường chông gai, lần vào non thẳm kiếm ngọc lại càng khó. Khó dễ nơi lòng, chớ đem thói ám muội mờ hồ vào đường đạo đức, sau ăn năn rất muộn.

    CHÚ THÍCH:

    Tôn chỉ: hay Tông chỉ là những nguyên tắc và tư tưởng chánh yếu chi phối mọi hoạt động.

    - Tôn chỉ của Ðạo Cao Ðài là Qui Tam giáo, Hiệp Ngũ Chi, làm thành một nền Tân Tôn giáo gọi là Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ do Ðức Chí Tôn làm chủ, cứu độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi, trở về cõi thiêng liêng hằng sống.

    Kẻ hữu phần: Người có duyên phần, tức là người có cái gốc tu hành nơi kiếp trước.

    Lao trần: Cõi trần nhiều vất vả đau khổ.

    A Tỳ: chỉ cõi Ðịa ngục, nơi trừng trị các hồn tội lỗi.

    Nét hạnh đời: Cái tánh của con người nơi cõi trần.

    Phần công quả trả cho rồi: Lấy cái công quả làm được để đền trả cho hết các món nợ oan nghiệt.

    Cảnh u nhàn: Cảnh vắng vẻ nhàn hạ. U là vắng vẻ.

    Khách tục: Khách trần, người khách ở tạm nơi cõi trần. Các nguyên nhân đều là những khách trần, bởi vì nguyên nhân là người gốc ở cõi thiêng liêng, nay vâng lịnh đầu kiếp xuống trần để làm một nhiệm vụ. Khi nhiệm vụ xong thì trở về cõi thiêng liêng.

  • 57. Đường đạo hạnh

    57. Đường đạo hạnh

    57. Ngày 8-12-1926 (âl 4-11-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.

    Nghe Thầy:

    Dặm dài bước lạ nẻo chưa quen,
    Thánh chất dầu trau gẫm chẳng hèn.
    Bóng trải diềm dà xuân đợi chúa,
    Tiết nồng thơ thới hạ khoe sen.
    Nhành dương nước rưới tan lòng tục,
    Nguồn Thánh đạo dìu lại cõi Tiên.
    Phước gặp Kỳ Ba Trời dẫn độ,
    Mau chơn rán lướt tới rừng thiền.

    Từ đây, Thầy là Ðứng chủ trung dìu dắt các con trong đường đạo hạnh, nhứt nhứt đều tưởng có Thầy bên các con, và đợi nơi Thầy mà thôi. Ðường tuy xa, bước đường tuy gay trở, nhưng các con lướt nổi sự hiểm nguy đặng đến cùng Thầy trong buổi chung cuộc.

    Môn đệ nhiều đứa lòng vẫn nhẹ tợ lông, thấy sự chi khó thì đã muốn bần dùn thối bước.

    Ðại Ðạo Tam Kỳ hoằng khai tại cõi Nam, đã chiếu theo Thiên thơ, Hội Tam giáo, mà vớt chúng sanh thoát vòng ly khổ, thiệt thiệt, hư hư, một mảy chi, cũng chẳng qua là máy Thiên cơ mà thôi.

    Ðạo Trời mở ra cho một nước tất là ách nạn của nước ấy hầu mãn.

    Phải giồi lòng trong sạch, lấy sự nhẫn nhịn làm gương soi mình hằng bữa, phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau dường như con một nhà, rồi cái thương yêu, sự giúp lẫn ấy sẽ dìu chung các con vào tận chốn Cực Lạc thiêng liêng, để tránh khỏi nơi khổ cùng tiều tụy.

    Khá biết lấy. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Diềm dà: Rậm rạp.

    Tiết nồng: Thời tiết nóng bức.

    Lòng tục: Lòng trần, lòng ham mê vật chất nơi cõi trần.

    Nguồn Thánh: Ý nói Ðạo Cao Ðài.

    Rừng thiền: Thiền lâm, nơi tu hành.

    Ðứng chủ trung: Ðấng ở giữa làm chủ điều khiển tất cả.

    Ðường đạo hạnh: Con đường tu hành tập rèn đức hạnh.

    Lòng nhẹ tợ lông: Nhẹ dạ, thiếu chính chắn, dễ tin.

    Hoằng khai: Mở rộng. Hoằng là làm cho rộng lớn.

    Thoát vòng ly khổ: Thoát ra khỏi các phiền não đau khổ của cõi trần.

  • 58. Chưởng Pháp Thượng Tương Thanh

    58. Chưởng Pháp Thượng Tương Thanh

    58. Ngày 9-12-926 (âl 5-11-Bính Dần)

    THẦY

    Các con,

    Ngày nay đã mất hết một người môn đệ của Thầy, lại là một đạo hữu của các con, đã cùng các con nghiêng vai gánh vác một trách nhậm trong Ðại Ðạo Tam Kỳ.

    TƯƠNG mãn phần cũng nơi số mạng tiền định. Nó có phước là vì đặng về Thầy trong mấy ngày rốt của kiếp trần ai của nó.

    Sự thác cũng có khi vui mà cũng có lúc buồn. Người thế nếu biết sống, nghĩa là biết dụng mình cho có ích vào xã hội, biết dưỡng tánh tu thân, thì sự thác chẳng qua là sự mong mỏi của kẻ hành trình đã xong trách nhậm, trở về phục sự đặng lãnh phần thưởng xứng đáng mà thôi.

    TƯƠNG tuy chưa đặng như mấy kẻ ấy, song lòng đạo đức đã ra vun đắp mối Ðạo Trời, thì địa vị cũng có khi khác thế thường đặng. Ðiểm Chơn thần của nó còn phải đến hầu trước Tòa Tam Giáo mà đợi lịnh phát lạc tùy theo công quả, tội tình của nó bấy nay. Ấy là Thánh ý của Thầy đã lập luật riêng cho mỗi đứa trong các con đó. Chư môn đệ cũng nên hiểu biết.

    Còn việc an táng nó, các con cũng nên lưu ý chung với nhau mà lo bề nhơn đạo của các con cho toàn.

    Trang, con nói với Trung, Thơ, Tương, Hóa, và các Thiên phong đều có mặt mà đưa nó lên đường, là chỗ an giấc ngàn năm, cũng để tiếng đặng một người đạo hạnh vậy. Trừ ra đứa nào phải vắng mặt bận việc thì chế đặng.

    Còn về sự làm cho rỡ ràng trong đạo hữu, các con nên liệu tính cho kíp. Sự cầu kinh thì do nơi đám táng của mẹ Hậu, đều khác hơn một thí.

    CHÚ THÍCH:

    TƯƠNG: Ngài Chưởng Pháp Thượng Tương Thanh, thế danh Nguyễn Văn Tương (1879-1926). Trước khi nhập môn vào Ðạo Cao Ðài, Ngài Nguyễn Văn Tương tu theo Minh Sư, đạt đến phẩm Ðại Lão Sư. Ngài được Ðức Chí Tôn phong chức: Thuyết Pháp Ðạo Sư Chưởng Quản Oai Linh Ðạo Sĩ, Chưởng Pháp Phái Thượng. Ngài hành đạo được khoảng ba tháng rưỡi thì đăng Tiên ngày 5-11-Bính Dần, lúc đó Ngài mới được 48 tuổi. Ngài là vị Chức sắc cao cấp qui liễu đầu tiên. Nền đạo còn trong thời kỳ phôi thai, chưa có Nghĩa Ðịa riêng của đạo, nên phải an táng Ngài nơi quê nhà của Ngài là làng Hữu Ðạo (gần Chợ Thuộc Nhiêu) quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho.

    Nghi lễ đám tang trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn chưa thiết lập, nên Ðức Chí Tôn dặn noi theo đám tang của bà mẹ của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu mà trước đây Ðức Chí Tôn đã sắp đặt.

    Ngày thứ bảy, 11-12-1926 (âl 7-11-Bính Dần), Ðức Chí Tôn giáng cơ dạy hai Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt như sau: (trích trong ÐS.II.85)

    " Trung, Lịch, hai con phải dụng Ðại lễ mà an táng cho Tương, nghe! Thầy ngặt một lẽ chẳng thế nào đem Tương vào Tam thập lục Thiên, phải để nó đợi nơi Ðông Ðại Bộ Châu mà chờ Tòa Tam Giáo phát lạc.

    Thầy có để lời cho Thái Bạch Kim Tinh cầu rỗi, nhưng Người giận Tương không công quả, dâng Bộ Công Thiên thơ ra trống trải lắm, tại nơi Tòa mới cãi chối nỗi gì. Người nhứt định không dự đến. Các con nghe à!

    Vậy trong hịch văn sớ tấu, các con phải thượng nơi Tòa Tam Giáo mà cầu rỗi cho nó thiệt hết lòng, rồi Thầy sẽ rỗi cho nó. Các con hiểu.

    Lịch bạch về sự Ðại lễ . . .

    - Không con . . . Ðại lễ là làm theo một lễ với sự an táng bậc Thái Lão nghe!"

    Gần hai tháng sau, vào đúng ngày mùng 1 Tết Ðinh Mão, Ngài Chưởng Pháp Tương có giáng cơ tỏ nỗi vui mừng được Ðức Chí Tôn cứu độ.

    Kẻ hành trình: Người làm một công trình.

    Phục sự: Trở về báo cáo công việc.

    Phát lạc: Ðưa đi đày.

    Một thí: Một chút, một tí.

    Bộ Công: Bộ ghi chép công quả của mỗi Chức sắc.

  • 59. Khải chiết mai chi hữu diệt trần

    59. Khải chiết mai chi hữu diệt trần

    59. Ngày 11-12-1926 (âl 7-11-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.

    T . . . Hiền đồ nghe Thầy:

    Ðức tánh tàng thơ vô vị bần,
    Lộ hành an bộ Ðạo tùy thân.
    Tâm trung cẩm đắc phù vô giá,
    Khải chiết mai chi hữu diệt trần.

    Con lấy làm hữu hạnh gặp đặng Thầy dìu bước trong nẻo Ðạo nhiệm mầu lúc non chiều bóng xế. Thầy đã có sai chư Thần mách bảo với con đã lâu, trí thiêng liêng đem đàng dắt bước con đặng độ dẫn sanh linh cho kịp thì giờ trong buổi chung cuộc của con. Vậy khá bền lòng son sắt đặng ngày về Thầy, một địa vị xứng đáng sẵn chờ con, khá lưu tâm nghe!

    Ngày vui vẻ của sanh linh đã mòn, họa Thiên điều đã cận, Càn khôn Thế giới còn đeo đuổi, dụng thất đức vô nhân mà gieo thảm chất sầu trong nhân loại. Họa Âu tai Á sẽ lần lần thay phiên nhau, dụng luật Thiên đình mà diệt phạt người vô đạo. Càn khôn cũng vì đó mà phải điên đảo.

    Thầy lấy đức háo sanh mở Ðạo lần ba mà vớt kẻ hữu phần, tránh khỏi nơi buộc ràng khổ phạt.

    Ai hữu phước đặng để chân vào, kẻ vô phần phải bị Tà yêu cám dỗ.

    Than ôi! Chới với cả muôn triệu giữa dòng, mà thuyền Bát Nhã độ người không mấy kẻ. Ðức thừa ít có, mà tài vô dụng chẳng thiếu chi. Phong hóa khiến suy tồi, cang thường càng loạn phép. Tài mọn, đức hèn, mượn chước khoe mình, việc kỉnh thành Thánh giáo, hư thiệt, thiệt hư, đâu qua máy hành tàng của Tạo hóa. Nhơn luân giữ trọn, ấy là mối đạo nhân, lo Thánh đức trau lòng là phương thoát tục. Mấy ai xét nét thế tình, lắm kẻ khinh khi nguồn Thánh. Chư chúng sanh khá liệu mình.

    Tr . . . Con nên đọc sơ lược Thánh Ngôn mấy lần chót cho chúng sanh và phải biểu ăn năn, hỏi mình trước khi cầu Thầy. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    T. . .: (?) .

    Tr . . .: Thượng Trung Nhựt.

    Bài thi tứ tuyệt được viết ra chữ Hán sau đây:

    Ðức tánh tàng thơ vô vị bần, 德性藏書無謂貧
    Lộ hành an bộ Ðạo tùy thân. 路行安步道隋身
    Tâm trung cẩm đắc phù vô giá, 心中錦得扶無價
    Khải chiết mai chi hữu diệt trần. 凱折梅枝有滅塵

    GIẢI NGHĨA:

    - Ðức tánh chứa sách không gọi là nghèo,
    - Ðường đi an bước Ðạo theo thân.
    - Trong tâm gấm vóc thì được giúp đỡ quí báu,
    - Vui bẻ cành mai bỏ cõi trần.
  • 60. Giấc Huỳnh Lương

    60. Giấc Huỳnh Lương

    60. Ngày 12-12-1926 (âl 8-11-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.

    T . . . Hai vợ chồng con có dạ kỉnh thành vì Thầy đến ngày chung cuộc chăng?

    Nơi trần khổ nầy, dầu cho bậc Chí Thánh cũng khó tránh sự lỗi lầm đặng, nhưng sự ăn năn tự hối là quí báu vô giá. Các Tiên, Phật xưa cũng nhiều bậc đứng đặng địa vị cao thượng thiêng liêng là nhờ có sự cải quá mà nên Chánh quả.

    Có nhiễm trần, có lăn lóc mơi sương chiều gió, có kim mã ngọc đàng, có đai cân rực rỡ, có lấn lướt tranh đua, có ích kỷ hại nhân, có vui vẻ với mùi đỉnh chung lao lực, mới thấy đặng tỏ rõ bước đời gai chông khốn đốn, mới thấy cuộc nhục vinh, buồn vui không mấy chốc, chẳng qua là trả vay vay trả đồng cân, chung cuộc lại thì mối trái oan còn nắm, mà cũng vì đó mới thấy đặng đường hạnh đức trau mình, trò đời chẳng qua một giấc huỳnh lương.

    Thầy có thế dùng hai con đặng đắp vun nền Ðạo, cứu vớt sanh linh, nhưng đức tín ngưỡng biết có đặng tròn, sự dày công chịu khó vì nhơn sanh biết có đặng bền bỉ chăng?

    T . . . con, Ðạo mở tức để cứu vớt sanh linh thoát vòng khổ hải, ấy là cho kẻ hữu phần mà thôi.

    Nếu nơi Thiên cơ chẳng xảy ra điều trắc trở, Ðạo Thầy chừng một năm đã khắp toàn trong thế giới. Nhưng thiệt hư, hư thiệt chỉ có đức hạnh của các con lướt qua khỏi mà thôi.

    Thầy đã lắm lúc nhọc nhằn chìu theo thế mà dẫn bước đường, nhưng nhiều đứa dụng thời thế ở trần mà phạm thượng đến Thầy, và dằn thúc chư môn đệ và chư chúng sanh. Nếu Thầy chẳng lấy đại từ đại bi mà lập nền Ðạo thì sổ của kẻ đặng vớt khỏi trầm luân và kẻ Chí Thánh đã bị Thầy bôi xóa hết.

    Con có ngày giờ suy nghĩ đã lâu, Thầy cho con xét thêm nữa đặng có đức tánh hoàn toàn, chừng ấy con là ái nữ của Thầy, sẽ dụng làm tay chơn, đem rưới giọt nhành dương để cứu thoát nhơn sanh nơi vòng ly khổ từ đây. Thầy có mấy lời cùng hai con sau đây:

    Dìu nhau trở bước lại rừng thung,
    Ðằng cát may đưa dựa bóng tùng.
    Tác hiệp sẵn nhờ xây bĩ thới,
    Thành song trước định gặp thư hùng.
    Ngày thâu bóng xế oanh thưa nhặt,
    Mắt nhắm đường xa khách thẳng dùn.
    Lộc Hớn từ vinh Trương học chước,
    Cầm đường tiếng hạc phủi muôn chung.

    Khá nghe và suy xét. Thầy ban ơn cho các con. Thăng

    CHÚ THÍCH:

    T . . .: (?)

    Kim mã ngọc đàng: Ngựa vàng nhà ngọc. Cửa Kim mã là nơi các quan Ðại Học Sĩ vào làm việc. Vua Tống Thái Tổ ban cho quan Ðại Học Sĩ Tô Ðịch Gian bốn chữ: Ngọc đường chi thự. Kim mã ngọc đàng là chỉ việc làm quan lớn vinh hiển.

    Ðai cân: Cái đai lưng và cái mão trong phẩm phục của các quan nơi triều đình, chỉ việc làm quan lớn.

    Trái oan: Món nợ thù giận. Mình làm cho người ta thù giận mình tức là mình đã mang một món nợ thù giận.

    Giấc huỳnh lương: Giấc kê vàng, là giấc mộng của Lữ đồng Tân. Hớn Chung Ly muốn độ Lữ đồng Tân tu Tiên, Chung Ly nấu nồi bắp vàng, gọi Ðồng Tân đến chơi, đưa cái gối bảo Ðồng Tân nằm xuống nghỉ giây lát. Ðồng Tân vừa nằm xuống liền chiêm bao thấy đi thi đậu Trạng, cưới vợ đẹp, vua bổ làm quan, 50 năm lên chức Thừa Tướng, con cháu đông đảo, giàu sang tột bực, vẻ vang hiển hách. Sau đó bị gian thần hãm hại, vua bắt tội, tịch thu tài sản, đày ra Lãng Biển, khổ sở vô cùng. Ðồng Tân giựt mình thức dậy, thấy nồi bắp vàng nấu vẫn chưa chín. Ðồng Tân suy nghĩ mà chán ngán sự đời, liền nhờ Hớn Chung Ly truyền đạo tu hành. Giấc huỳnh lương là ý nói xem công danh phú quí như là giấc mộng.

    Ðằng cát: Dây đằng và dây cát là loại dây leo, chỉ thân phận của người phụ nữ phải sống nương tựa vào chồng.

    Bóng tùng: Bóng của cây tùng, chỉ người chồng.

    Câu thơ 7: Sự tích Trương Lương, công thành thân thoái.

    Cầm đường tiếng hạc: Chỉ cuộc sống nhàn hạ thảnh thơi, thanh bạch với cây đàn và con chim hạc.

    Muôn chung: Thành ngữ: Ngàn tứ muôn chung (Ngàn cổ xe vạn chung thóc), chỉ nhà rất giàu.

  • 61. Các con ráng thành tâm hành đạo

    61. Các con ráng thành tâm hành đạo

    61. Ðàn Chợ Lớn (Nhà của Ngài Lê văn Trung)
    Ngày 13-12-1926 (âl 9-11-Bính Dần)

    THẦY

    Các con,

    Vốn Thầy tạo lập nền Chánh giáo cho dân Nam Việt chẳng phải là việc nhỏ đâu. Các con ví biết Ðạo là quí thì phải ân cần thận trọng, đợi đến ngày thành tựu, các con mới thấy rõ Thiên cơ, thì chừng ấy các con muốn lập công bằng buổi nầy sao đặng, vì mỗi việc khó khăn trắc trở là lúc sơ khai.

    Vậy Thầy khuyên các con ráng thành tâm hành đạo, mà Ðạo không phải giữ bằng lỗ miệng không đâu.

    Thầy thấy nhiều đứa trong các con có ý theo Ðạo đặng toan kế làm nhiều việc chẳng lành. Thầy vì thương nhơn loại, muốn cứu hết nên thường thâu thập nhiều đứa vô tâm, cũng muốn cho chúng nó ăn năn chừa lỗi, ngõ hầu hưởng phước, mà chúng nó không biết tự hối thì làm sao mong rỗi đặng. Ðến buổi chung qui mới thấy Thiên đàng, Ðịa ngục thì đã muộn rồi.

    Các con phải xét mình cho lắm nghe!

  • 62. Qui chánh cải tà

    62. Qui chánh cải tà

    62. Ngày 14-12-1926 (âl 10-11-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.

    Th . . . nghe Thầy con:

    Thanh nhàn muốn vẹn buổi chung qui,
    Giáo hóa nhân sanh đức phải vì.
    Bước thế chịu đày khơi bạch phát,
    Nguồn Tiên ráng lướt rạng thanh mi.
    Nâu sồng tánh gội dành trăm tuổi,
    Chung đỉnh đường qua trót một thì.
    Gương sáng phước Trời soi hậu tấn,
    Chờ xuân khải chiết đắc mai chi.

    Từ đây, Thầy là Ðứng cầm quyền thế giới, đã vì con mà độ dẫn con lại cảnh thanh nhàn cực lạc.

    Vậy rán giồi Thánh đức, lấy đạo hạnh mà giáo hóa đám dân sanh, phần nhiều đã mơ màng trong giấc mộng. Thầy trông mong nơi con, khá cải sửa chút ít phàm tâm, thì đức tánh mới đặng trọn vẹn.

    Công quả tuy nhọc nhằn, nhưng địa vị cao thượng cũng chẳng phải dễ đoạt được. Có vì chúng sanh mà khổ tâm hành đạo, có khó nhọc, có dãi dầu sương mơi nắng xế, mà quên bậc phẩm vô vị ở cõi trần nầy, có vày vã nẻo gai chông lần theo bước đường hạnh đức, mới có ngày vui vẻ bất tận, mới có buổi an hưởng địa vị thiêng liêng, tránh điều phiền não, thoát đọa luân hồi, mới có lúc rảnh nợ phong trần, nhàn xem sự thế, non cao suối lặng, động mát rừng thanh, là chỗ con lấy đạo đức làm thang để bước lên cho cùng tột.

    Khá gắng nghe và hành trình liệu bước.

    Chư nhu cũng tùy đó mà sửa bước. Nhơn sanh phải thiện tâm và hết lòng vì đạo đức mới đặng Thần, Thánh chứng minh, mới có thấy ngày kết quả đặng.

    Thầy vì đức háo sanh nên thâu thập nhiều đứa lương tâm chưa chánh đáng, là Thánh ý để cho chúng nó qui chánh cải tà, nhưng thói phàm tục lung lăng chẳng dứt.

    Nếu Thầy chẳng lấy đại từ đại bi mà lập Ðạo thì đã để cho chư Thần, Thánh hành hình nặng nề chẳng xiết kể.

    Biển khổ đã lắm nổi chìm, mà nhành dương liễu chẳng mau vói níu, đọa trầm luân chưa chịu thoát, mà điều tình tội lại chác thêm, buộc thảm đeo phiền, cũng tự mình tác tệ, chờ ăn năn rất muộn về sau. Khá hiểu lấy. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Th . . .: Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh ( Nguyễn Ngọc Thơ).

    Bạch phát: Tóc bạc. Phát là tóc, bạch là trắng.

    Nguồn Tiên: đồng nghĩa Nguồn Thánh, ý nói một nền đạo đức cao siêu huyền diệu.

    Thanh mi: Mày xanh, chỉ tuổi trẻ.

    Chung đỉnh: Cái chuông và cái vạc, ý nói giàu sang.

    Nâu sồng: Màu nâu và màu sồng là 2 màu quần áo của tăng ni Phật tử. Nâu sồng là chỉ sự tu hành.

    Khải chiết đắc mai chi: Vui vẻ bẻ được cành mai, ý nói đắc thắng. Câu 8 của bài thơ: Chờ tới mùa xuân thì đắc thắng.

    Ðứng: Ðấng thiêng liêng.

    Dãi dầu sương mơi nắng xế: Phơi mình ra chịu đựng sương sáng nắng chiều, ý nói chịu nhiều vất vả khổ cực.

    Bậc phẩm vô vị: Thứ bậc và phẩm tước không giá trị.

    Bất tận: Không hết, không dứt. Tận là hết, dứt.

    Phong trần: Gió bụi, chỉ những nỗi vất vả ở đời.

    Non cao suối lặng, động mát rừng thanh: Chỉ cảnh đẹp đẽ thanh nhã, ấy là cảnh Tiên.

    Qui chánh cải tà: Trở về điều Chánh, sửa đổi điều Tà.

    Tình tội: Tội tình, tội lỗi phạm phải.

    Nhành dương liễu: Cành cây dương liễu dùng để Ðức Quan Âm Bồ Tát rải nước Cam Lồ, ý nói sự cứu vớt chúng sanh của Ðức Quan Âm Bồ Tát.

  • 63. Thần Linh Học

    63. Thần Linh Học

    63. Thứ tư, 15-12-1926 (âl 11-11-Bính Dần)

    THÁI BẠCH

    Hỉ chư Ðạo hữu, chư nhu, chư tín nữ.

    Chỉnh đàn cho nghiêm đặng Thầy ngự.

    Qu"on dise à ces Francais qu"ici est une Maison de Prières, qu"il ne faut pas qu"ils la considèrent comme une curiosité.

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    M . . . debout et lis.

    Toute chose vient à son heure.

    Tu as vu et su ce que la plupart de tes compatriotes cherchent à voir et à savoir. Ce n"est qu"à la suite de la conclusion des recherches spirites que J"enseigne cette Nouvelle Doctrine.

    N"ai-Je pas prédit que le Spiritisme est une religion d"avenir? Tu as naturellement l"intention de créer en ce pays une relation morale des deux races Français et Annamite appelées à vivre ensemble par ma volonté dans une communauté de vie et d"intérêts.

    Tu seras satisfait par une vie d"un homme de bien. Tes voeux seront exaucés. Tu seras plus tard un de mes fervents disciples pour prêcher au monde la paix et la concorde.

    L"équipe Francais sera bientôt créée.

    Tu seras forcé de revenir en France en 1928, pour soutenir cette Doctrine au Congrès Universel. Tu seras grand et puissant par ma volonté.

    Au revoir. C"est assez pour toi.

    Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:

    THÁI BẠCH

    Hỉ chư đạo hữu, chư nhu, chư tín nữ.

    Chỉnh đàn cho nghiêm đặng Thầy ngự.

    Nói với mấy người Lang-sa rằng, đây là Thánh Thất (Nhà nguyện), không nên xem đây như là một sự hiếu kỳ.

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    M . . . , hãy đứng dậy và đọc.

    Mọi việc đều đúng giờ đã định.

    Con đã thấy và hiểu những điều mà phần đông đồng bào của con đang tìm hiểu. Chỉ sau nhiều cuộc khảo cứu và sưu tầm về Thần Linh Học mà Thầy đem truyền nền Ðạo lý mới mẻ nầy.

    Thầy há chẳng có lời tiên tri rằng Thần Linh Học là một nền đạo tương lai sao?

    Hẳn nhiên con đã thành tâm thật ý muốn gây tại xứ nầy tình liên lạc tinh thần giữa hai dân tộc Pháp - Việt mà Thầy chí quyết cho họ được chung sống trong cộng đồng quyền lợi và sinh hoạt.

    Con sẽ đắc kỳ sở nguyện của một người làm phải. Lời khẩn nguyện của con sẽ được chấp thuận. Sau nầy, con sẽ là một trong các môn đồ trung thành của Thầy để đi truyền bá hòa bình và tương ái trên khắp hoàn cầu.

    Ban Truyền giáo Pháp sẽ được thành lập gần đây.

    Con cần phải về Pháp trong năm 1928 để binh vực Giáo lý của Thầy tại Hội Nghị Ðại Ðồng Tôn giáo. Con sẽ trọng đại và đủ quyền năng do Thiên ý.

    Bấy nhiêu cho con rõ. Thầy từ giã.

    CHÚ THÍCH: Bài TN Pháp văn nầy có trong ÐS.II.93.

    M . . .: Ông Marcel Martin, 135 rue Catinat, Saigon.

    Thần Linh Học (Spiritisme): là khoa học nghiên cứu về cách thông công giữa con người hữu hình với các Ðấng vô hình, để chứng minh rằng có sự hiện hữu của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và sự hiện hữu của Thượng Ðế, tức nhiên có sự hiện hữu của linh hồn. Con người khi thể xác chết đi, không phải là hết, mà còn có linh hồn. Linh hồn xuất ra khỏi thể xác để chuyển qua sống trong thế giới vô hình. Chính vô hình điều khiển thế giới hữu hình.

    Thần Linh Học Thế giới khởi đầu xuất hiện ở nước Mỹ năm 1847, tại New York gây được sự chú ý của nhiều giới.

    Năm 1852, một Hội Nghị Thần Linh Học đầu tiên được tổ chức tại Cleveland.

    Năm 1854, số người theo Thần Linh Học ở Mỹ đến 3 triệu người, trong đó có hơn 1000 đồng tử.

    Từ năm 1852 đã có một phái đoàn Thần Linh Học từ Mỹ sang truyền bá nơi nước Anh, gây được một phong trào Thần Linh Học mạnh mẽ ở nước Anh.

    Năm 1853, một nhóm Thần Linh Học khác sang nước Pháp và Ðức, cũng gây được phong trào Thần Linh Học đáng kể ở 2 nước nầy. Hai Ông Chevreul và Faraday ở Hàn Lâm Viện Pháp cầm đầu một nhóm đả phá dữ dội Thần Linh Học, nhưng không kết quả. Bà Giradin, một đồng tử Thần Linh Học Pháp giúp Văn hào Victor Hugo thông công được các Ðấng Vô hình trong lúc Victor Hugo đang tỵ nạn chánh trị tại đảo Jersey thuộc Anh. Những bài Thánh giáo được Victor Hugo tập hợp thành quyển sách nhan đề: Les tables tournantes de Jersey chez Victor Hugo.

    Giáo sư Charles Richets tại Ðại học Sorbonne Paris, sau nhiều năm nghiên cứu Thần Linh Học, cho xuất bản quyển sách: Traité de Métaphysique.

    Năm 1853, Allan Kardec lập thành học thuyết Thần Linh Học với 2 tác phẩm: Le livre des Esprits, và Le livre des médiums.

    Nhờ đó, Thần Linh Học được truyền bá khắp thế giới.

  • 64. Muốn đến Thầy thì phải cầu nguyện

    64. Muốn đến Thầy thì phải cầu nguyện

    64. Thứ sáu, 17-12-1926 (âl 13-11-Bính Dần)

    THÁI BẠCH

    M. . . D . . . est prié d"attendre la venue du Divin Maitre.

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    DIEU TOUT-PUISSANT qui vient sous le nom de CAO ÐÀI pour enseigner la Vérité en Annam

    D . . . debout et lis.

    Je tiens à te dire que rien ne se créé et n"existe sur ce globe sans ma volonté.

    De pauvres esprits prétendent qu"ils sont dans le secret de Dieu. Or, Je ne donne à nul humain ici-bas d"en faire la révélation.

    Pour venir à Moi, il faut des prières. Je ne néglige pas à me manifester quand ces prières sont sincères.

    Il suffit, pour vous convaincre ce que Je suis bien Jéhovah des Hébreux, le Dieu des Armées des Israélites, le Dieu inconnu des Juifs et le Vrai Père de Jésus Christ,de me prier ce prête-nom CAO ÐÀI pour que vos voeux soient exaucés.

    Tu viens à Moi avec un sentiment sincère pour bien faire aux peuples soumis qui te sont confiés.

    Je te prie alors de propager cette Doctrine à tous les protégés.

    C"est la seule qui maintient l"humanité dans l"a-mour des créatures et vous apporte une paix durable.

    Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:

    THÁI BẠCH

    M . . . D . . . , hãy chờ Ðức Chí Tôn đến.

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    THƯỢNG ÐẾ TOÀN NĂNG giáng thế tá danh CAO ÐÀI truyền Chơn lý tại Việt Nam

    D . . . hãy đứng dậy và đọc.

    Thầy cho con hiểu rằng nếu không có ý muốn của Thầy thì trên quả địa cầu nầy chẳng có vật chi sanh tồn tất cả.

    Lại có lắm kẻ đáng thương hại tự phụ rằng, họ hiểu thấu cả lẽ mầu nhiệm của Ðấng Tạo hóa. Nhưng Thầy không bao giờ cho một kẻ nào dưới cõi trần nầy tiết lậu Thiên cơ cả.

    Muốn đến Thầy thì phải cầu nguyện. Thầy không bao giờ không cảm ứng với những lời cầu nguyện chơn thành.

    Như thế đủ chứng tỏ cho con tin rằng Thầy là Ðức Jéhovah của dân Hébreux, vị chủ tể của quân lực dân Israel, vị Thánh vô danh của dân Do Thái, vị Ðại Từ Phụ của Chúa Jésus Cứu Thế, con chỉ cần cầu nguyện Thầy với danh hiệu CAO ÐÀI thì sẽ có sự cảm ứng chấp thuận.

    Con đến đây với tấm lòng thành thật để làm việc phải cho giống dân biết phục thiện hiện đang giao phó cho con.

    Vậy Thầy nhờ con truyền bá Giáo lý nầy cho dân tộc đặt dưới quyền bảo hộ của con.

    Chỉ có cách đó mới có thể kềm giữ nhơn loại trong tình yêu sanh chúng và đem lại cho con một cuộc đời hòa bình bền bỉ.

    CHÚ THÍCH:

    M . . . D . . .: Monsieur Dauplay.

    D . . .: Dauplay.

    Hébreux: Dân Hébreux là nòi giống của Abraham, là tổ tiên của người Do Thái ngày nay.

    Israel: tên của nước Do Thái, gọi bằng tiếng Pháp.

    Tiết lậu Thiên cơ: Nói ra cho người khác biết việc bí mật của máy Trời.

    Bảo hộ: Người Pháp đến cai trị nước ta xuyên qua chánh quyền Việt Nam do Pháp dựng lên đặng làm bù nhìn cho Pháp.

  • 65. Ðạo là nơi các con nên quí trọng

    65. Ðạo là nơi các con nên quí trọng

    65.Chúa nhựt, 19-12-1926 (âl 15-11-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Các con nghe:

    Một sự các con chưa hề biết đến, đặng hiểu Ðạo quí trọng là dường nào, lo tu tâm dưỡng tánh.

    Các con đã sanh ra tại thế nầy, ở tại thế nầy, chịu khổ não tại thế nầy, rồi chết cũng tại thế nầy.

    Thầy hỏi: Các con chết rồi các con ra thế nào? Các con đi đâu?

    Chẳng một đứa nào hiểu đặng cơ mầu nhiệm ấy. Thầy dạy:

    Cả kiếp luân hồi thay đổi từ trong nơi vật chất mà ra thảo mộc, từ thảo mộc đến thú cầm, loài người phải chịu chuyển kiếp ngàn năm, muôn muôn lần mới đến địa vị nhơn phẩm.

    Nhơn phẩm nơi thế nầy lại còn chia ra phẩm giá mỗi hạng. Ðứng bực đế vương nơi trái Ðịa cầu nầy, chưa đặng vào bực chót của Ðịa cầu 67. Trong Ðịa cầu 67, nhơn loại cũng phân ra đẳng cấp dường ấy.

    Cái quí trọng của mỗi Ðịa cầu càng tăng thêm hoài cho tới Ðệ nhứt Cầu, Tam thiên Thế giái. Qua khỏi Tam thiên Thế giới thì mới đến Tứ Ðại Bộ Châu. Qua Tứ Ðại Bộ Châu mới vào đặng Tam thập lục Thiên. Vào Tam thập lục Thiên rồi phải chuyển kiếp tu hành nữa mới đặng lên đến Bạch Ngọc Kinh, là nơi đạo Phật gọi là Niết Bàn đó vậy.

    Các con coi đó thì đủ hiểu, các phẩm trật của các con nó nhiều là dường nào, song ấy là phẩm trật Thiên vị.

    Còn phẩm trật Quỉ vị cũng như thế ấy. Nó cũng noi chước Thiên cung mà lập thành Quỉ vị, cũng đủ các ngôi, các phẩm, đặng đày đọa các con, hành hài các con, xử trị các con. Cái quyền hành lớn lao ấy do Thầy ban cho nó, nên đặng quyền cám dỗ các con, xúi biểu các con, giành giựt các con mà làm tay chơn bộ hạ trong vòng tôi tớ nó.

    Thầy đã thường nói: Hai đầu cân không song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý. Luật công bình thiêng liêng buộc phải vậy. Thầy lắm phen bị mất, bị giựt con cái của Thầy vì chúng nó.

    Thầy đã chỉ rõ hai nẻo Tà Chánh, sang hèn rồi, vậy Thầy cũng chỉ phương hướng cho các con đi cho khỏi lầm lạc.

    Các con hiểu rằng, trong Tam thiên Thế giới còn có Quỉ mị chuyển kiếp ở lộn cùng các con thay, huống lựa là Thất thập nhị Ðịa nầy, sao không có cho đặng?

    Hại thay! Lũ quỉ là phần nhiều. Nó bày bố ra mỗi nơi một giả cuộc mà dỗ dành các con.

    Vì vậy Thầy đã nói tiên tri rằng:

    Thầy thả một lũ hổ lang ở lộn cùng các con, lại hằng ngày xúi biểu nó cắn xé các con, song Thầy cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức các con.

    Ấy vậy, đạo đức các con là phương pháp khử trừ Quỉ mị, lại cũng là phương dìu dắt các con trở lại cùng Thầy.

    Các con không đạo thì là tôi tớ Quỉ mị.

    Thầy đã nói đạo đức cũng như một cái thang vô ngằn, bắc cho các con leo đến phẩm vị tối cao tối trọng là ngang bực cùng Thầy, hay là Thầy còn hạ mình cho các con cao hơn nữa.

    Vậy Thầy lại dặn các con: Nếu kẻ không tu, làm đủ phận người, công bình chánh trực, khi hồn xuất ra khỏi xác thì cứ theo đẳng cấp gần trên mà luân hồi lại nữa, thì biết chừng nào đặng hội hiệp cùng Thầy.

    Nên Thầy cho một quyền rộng rãi cho cả nhơn loại Càn khôn Thế giới, nếu biết ngộ kiếp một đời tu, đủ trở về cùng Thầy đặng, mà hại thay! mắt Thầy chưa đặng hữu hạnh hoan lạc thấy đặng kẻ ấy.

    Vậy Thầy dặn: Ðạo là nơi các con nên quí trọng đó vậy.

    CHÚ THÍCH:

    Thất thập nhị Ðịa: 72 Ðịa cầu. Các quả Ðịa cầu nầy được đánh số để gọi từ cao xuống thấp. Ðịa cầu ở cao nhất tức là thanh nhẹ nhất là Ðệ nhứt cầu (Ðịa cầu số 1), Ðịa cầu ở thấp nhất (trọng trược nhất) là Ðịa cầu số 72. Ðịa cầu của nhơn loại chúng ta đang ở là Ðịa cầu số 68.

    Tam thiên Thế giới: 3000 Thế giới. Tam thiên Thế giới ở bên trên Thất thập nhị Ðịa, nên rất thanh nhẹ.

    Tứ Ðại Bộ Châu: Bốn Bộ Châu lớn. Ðây là Tứ Ðại Bộ Châu Thượng của Tam thiên Thế giới, gồm: Ðông Ðại Bộ Châu, Nam Ðại Bộ Châu, Tây Ðại Bộ Châu, và Bắc Ðại Bộ Châu. Tứ Ðại Bộ Châu Thượng nằm trên và quản lý Tam thiên Thế giới. Ngoài ra Thất thập nhị Ðịa cũng có Tứ Ðại Bộ Châu nữa, gọi Tứ Ðại Bộ Châu Hạ, nằm trên và quản lý Thất thập nhị Ðịa. Tứ Ðại Bộ Châu Hạ gồm: Ðông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Cu Lư Châu. Ðịa cầu 68 của chúng ta thuộc Nam Thiệm Bộ Châu.

    Hai đầu cân không song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý: Ðây là luật công bình thiêng liêng. Hễ có Chánh thì phải có Tà; có Tiên Phật thì có Quỉ Ma; có Thiên đường thì có Ðịa ngục; hễ có Dương thì phải có Âm. Hai thế lực ấy phải cân bằng nhau, để thúc đẩy sự vận chuyển tiến hóa trong CKVT.

    Cải Tà qui Chánh là tiến hóa, ngược lại, từ Chánh qua Tà là thoái hóa. Mỗi người nơi cõi trần đều trải qua một quá trình tiến hóa lâu dài, đi từ vật chất lên thảo mộc, lên thú cầm, rồi tiến hóa thành nhơn loại. Mỗi một kiếp luân hồi là một lần tiến hóa. Con người còn phải tiến hóa lên Thần, Thánh, Tiên, Phật. Muốn tiến hóa nhanh vượt bực thì phải tu hành. Trong một kiếp tu có thể đạt được Phật vị. Nếu không tu thì sự tiến hóa rất chậm, còn nếu làm ác thì bị thoái hóa.

  • 66. Phẩm tước, Của cải , Danh vọng

    66. Phẩm tước, Của cải , Danh vọng

    66. Chúa nhựt, 19-12-1926 (âl 15-11-Bính Dần)

    THẦY

    Các con,

    Các con phần nhiều biết tiếng Lang sa.

    Thầy dùng nói cho các con dễ hiểu đạo lý.

    Qu"est-ce que la noblesse, la richesse, la gloire?

    La noblesse est l"ensemble de titres plus ou moins énivrants décernés aux hommes par les hommes.

    Quelle est la valeur de ces titres?

    N"est-ce pas suivant la valeur de ceux qui donnent?

    Donnés par un humain, ils ne sont que trop humains.

    Ce qui vient d"un homme n"a rien de résistant.

    C"est sujet à détérioration. Ils sont détruits dès qu"on enlève la vie de celui qui les détient.

    Cherchez la noblesse céleste, c"est la seule éternelle.

    La richesse est ensemble de toute préciosité qu"on amasse en ce monde.

    Que comprend-elle?

    L"or, l"argent, la pourpre, la soierie, etc . . .

    L"or, l"argent ne sont que simples métaux.

    La pourpre n"est que couleur.

    La soierie n"est que matière animale.

    Prenez-vous toutes ces choses en vraies richesses?

    Elle ne sont qu"insignifiantes d"après leur provenance.

    Cherchez, vous autres, la richesse en la Vertu de Dieu. C"est la seule que vous aurez éternellement ; nul ne pourra vous la dérober.

    La gloire est souvent contre la vertu. Elle est éphémère. Elle provient souvent de la fourberie.

    La gloire de Dieu est la seule qui résiste à toutes épreuves.

    (Trung bạch: Mấy con phải làm sao mà tìm đặng la noblesse, la richesse et la gloire de Dieu?)

    Thầy trả lời: TU.

    Bài dịch Việt văn của Hội Thánh:

    THẦY

    Các con,

    Các con phần nhiều biết tiếng Lang sa.

    Thầy dùng nói cho các con dễ hiểu đạo lý.

    Phẩm tước là gì? Của cải, danh vọng là gì?

    Phẩm tước là sự tổng hợp các chức tước đã bày ra để quyến rũ người hoặc ít hoặc nhiều. Những chức tước ấy do người đời tạo ra phong thưởng kẻ khác.

    Giá trị của các chức tước ấy ra sao?

    Giá trị những chức tước ấy tùy theo mà tạo nó ra.

    Việc chi do người đều phàm cả.

    Nó không bền, thường thường bị hư hỏng và tiêu tan ngay sau khi người đã được nó tặng bị cướp mất sự sống.

    Các con hãy tìm tước phẩm nơi cõi thiêng liêng, tước phẩm ấy mới là vĩnh viễn.

    Còn tài sản là tổng quát các vật quí giá của con người đã thu nhặt trên thế gian nầy.

    Của cải ấy gồm những gì?

    Vàng bạc chỉ là loại kim khí tầm thường.

    Hồng là một chất màu.

    Còn lụa là chất do loài vật cấu thành ra.

    Các con xem của ấy là quí giá thật sự sao?

    Xét từ nơi sản xuất các vật ấy đều không đáng kể.

    Các con nên tìm sự giàu đức tính của Trời. Chỉ có cách đó mới gọi là vĩnh cửu. Của quí ấy không ai ăn cướp đặng cả.

    Danh vọng thường hay chống lại với đức hạnh. Nó rất ngắn ngủi và thường thành tựu nhờ nơi sự gian trá.

    Danh quyền nơi Trời là bền chắc nhứt và danh quyền ấy mới chịu đựng nổi bao sự thử thách.

    (Trung bạch: Mấy con phải làm sao mà tìm đặng phẩm tước, của cải và danh vọng của Trời?)

    Thầy trả lời: TU.

  • 67. Có đáng tội chăng?

    67. Có đáng tội chăng?

    67.Ðại Ðàn Chợ Lớn (Nhà của Ngài Lê văn Trung)
    Ngày 20-12-1926 (âl 16-11-Bính Dần)

    THẦY

    Các con,

    Chư môn đệ nghe:

    Thầy đã muốn cho hoàn toàn phải cần có luật, mà hễ có luật thì cần phải do theo đó mà hành đạo mới khỏi điều sơ thất đặng.

    Nhiều đứa nhờ công quả chút ít mà đặng Thầy trọng dụng, là có ý để cho chúng nó đặng vui lòng mà bước tới, dè đâu đã chẳng trông sợ nơi lịnh Thầy, lại lấy ý riêng mà làm cho có lời kích bác trong đạo. Thầy hỏi: Có đáng tội chăng?

    Nếu Thầy chẳng lấy đức từ bi mà dìu dắt các con thì chư Thần, Thánh đã phạt mấy đứa ấy cách nặng nề hơn nữa. Các con khá liệu mà hành đạo.

    Chư nhu nghe:

    Ðạo Trời dìu bước nhơn sanh, đường Thánh dẫn người phàm tục. Sanh nhằm lối may mắn đặng gặp một Ðạo Chánh, nếu chẳng lo dưỡng tánh trau mình, để bước vào con đường Cực Lạc, thoát đọa Tam đồ, một mai cảnh ủ bông tàn, rốt cuộc lại ăn năn vô ích.

    Ta vì thương xót sanh linh, mở Ðạo Tam Kỳ để độ người hữu phước. Nếu chẳng mau chân, ngày giờ hầu cận, chư Tiên, Phật hội Tam Giáo xin bế lại thì dầu Ta muốn cứu vớt thêm cũng chẳng qua số Thiên cơ đặng.

    CHÚ THÍCH:

    Ðường Thánh: Con đường đạo đức.

    Dưỡng tánh: Nuôi dưỡng cái tánh cho được lành như thuở ban đầu. Nhơn chi sơ tánh bổn thiện: Con người mới sanh ra, tánh vốn lành.

    Thoát đọa Tam đồ: Thoát khỏi ba đường luân hồi đày đọa là Ðịa ngục, Ngạ quỉ (Ma đói), Súc sanh (Thú vật). Tam đồ, ở đây chúng ta phải hiểu ý nghĩa theo Phật giáo, là ba đường luân hồi đày đọa trong Lục đạo luân hồi. Lục đạo luân hồi gồm: Tiên, Thần, Nhơn, Ðịa ngục, Ngạ quỉ, Súc sanh.

    Cảnh ủ bông tàn: Lúc đóa hoa kéo úa sắp tàn, ý nói cảnh về già của con người.

    Người hữu phước: Người có phước đức trong kiếp trước, tức người có căn tu hành.

    Hầu cận: Hầu gần, sắp đến.

    Hội Tam giáo xin bế lại: Các Ðấng Thần, Thánh, Tiên, Phật trong Tam giáo họp Ðại hội xin đóng lại, và bãi bỏ luật tu hành, người tu không còn đắc đạo được nữa.

    Số Thiên cơ: Ðiều qui định trong Thiên điều.

  • 68. Tân Luật là luật tu của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ

    68. Tân Luật là luật tu của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ

    68. Ngày 24-12-1926 [NOEL] (âl 20-11-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Thầy mừng các con.

    Các con ôi! Nếu nói rằng Thầy đã nhiều cực nhọc từ ngày Khai Ðạo đến chừ, Ðạo đặng phổ thông mau chóng dường nầy, thì đáng lẽ Thầy mừng cho các con lắm mới phải . . . Sao Thầy lại buồn?

    Các con ôi! Các con đã chịu lắm khổ não nơi biển trần nầy. . . Từ mười ngàn năm rồi đã ở dưới quyền Tà quái áp chế.

    Vì vậy mà Thầy phải phế hết Bạch Ngọc Kinh, Huỳnh Kim Khuyết, giáng trần độ rỗi các con, chớ chi Thầy đến mà làm cho giảm sự khổ não các con chẳng đặng nữa thì thôi, lẽ nào còn lập TÂN LUẬT ràng buộc các con thêm nữa. . .

    Vì cớ mà Thầy buồn . . .

    Thầy tỏ thật, cái luật lệ Thầy khiến các con hiệp chung trí mà lập thành đây, nó có ảnh hưởng về đạo đức, Tiên phong Phật sắc của các con, nên Thầy buộc mình cam chịu vậy.

    Chẳng luật lệ thì trái phép, mà trái phép thì thế nào vào Bạch Ngọc Kinh cho đặng. . .

    Vậy các con ráng làm phận sự cho hoàn toàn, rồi có Thái Bạch giáng cơ sửa luật.

    CHÚ THÍCH:

    Biển trần: Ðây là Biển trần khổ. Ðức Phật nói: Nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước bốn biển. Cho nên cõi trần là biển khổ, là cõi đọa. Con người sống trong cõi trần là đang ngụp lặn trong biển khổ ấy.

    Áp chế: Dùng sức mạnh mà sai khiến kẻ khác.

    Bạch Ngọc Kinh: Tòa nhà bằng ngọc trắng ở tại trung tâm CKVT, nơi thường ngự của Ðức Chí Tôn Thượng Ðế, nơi ấy có đủ ngôi vị của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Huỳnh Kim Khuyết: Cái cổng vào đền vua làm bằng vàng ròng. Trong Huỳnh Kim Khuyết là nơi họp triều đình của Ðức Chí Tôn. Kinh Ngọc Hoàng Thượng Ðế:

    Diệu diệu Huỳnh Kim Khuyết,
    Nguy nguy Bạch Ngọc Kinh.

    Nghĩa là:

    Mù mù cửa Huỳnh Kim Khuyết,
    Vòi vọi đền Bạch Ngọc Kinh.

    Tân Luật: Luật tu mới, trái với Cựu Luật là Luật tu cũ.

    Tân Luật là luật tu của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.
    Cựu Luật là luật tu của thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ.

    Tiên phong Phật sắc: Hình dáng như Tiên, vẻ đẹp như Phật. Ý nói phẩm cách cao thượng siêu phàm.

  • 69. Phải thường hỏi lấy mình

    69. Phải thường hỏi lấy mình

    69. Ðêm 24-12-1926 [NOEL] (âl 20-11-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Thầy lấy làm vui mà trông thấy các con hội hiệp nhau đêm nay mà tỏ lòng thành kính.

    Thầy để lời ban khen hạnh đức của phần nhiều trong chư môn đệ và chư ái nữ.

    Sự hội hiệp của các con chẳng phải vì nơi đạo đức mà thôi, lại cũng vì mối tương thân tương ái nữa.

    Ngày nầy năm trước, các con vẫn còn mơ màng trong giấc mộng trần, đường co duỗi vẫn đã lấp kín chút bợn trần, mà màn thế tục cũng chưa trông khỏa vén. Lần lựa cúc xủ sương tan, mai gầy sen nở, ngày tháng qua chẳng là bao mà thế thái nhơn tình biết bao thay đổi! Kìa đai cân nhuộm nước màu thiền, nọ danh lợi xủ lằn trí huệ!

    Thầy cũng hoan tâm nắm máy huyền vi, mong rằng các con sẽ tận lực tận tâm đắp vững nền Ðạo đặng hoàn toàn mà dìu sanh chúng thoát khỏi tội tình, cùng nhau đỡ nâng đem lên con đường Cực Lạc, vẹt ngút mây xanh, trông vào lối thanh bạch thiêng liêng là chỗ từ xưa các Chí Thánh đã tổn lắm công phu mà chưa mong để mình đến được.

    Thầy cũng để lời rằng: Phần nhiều trong các con chưa để hết tâm tánh giúp ích vào đường Chánh giáo. Thầy vì thương căn quả của các con mà lấy đức từ bi đặng Thiên phong cho các con là cố ý để cho các con hành đạo cho hoàn toàn, dễ bề tương công chiết tội tiền khiên, hầu nâng mình vào nơi cựu vị, song nhiều đứa vẫn còn thế tục đeo đai, bước trần chưa trở nẻo, còn chất chứa gánh trần ai, ngổn ngang lằn gió bụi, chẳng hiểu sự khổ hạnh trau mình là nấc thang để bước khỏi chốn luân hồi ràng buộc.

    Nếu Thầy chẳng vì thương tâm thì các Tiên Phật đã ghi lỗi rất trọng hệ của các con mà chẳng khứng cho lập công chiết tội.

    Phải thường hỏi lấy mình, khi đem mình vào lạy Thầy buổi tối, coi phận sự ngày ấy đã xong chưa, mà lương tâm có điều chi cắn rứt chăng?

    Nếu phận còn nét chưa rồi, lương tâm chưa đặng yên tịnh thì phải biết cải quá, ráng sức chuộc lấy lỗi đã làm, thì các con có lo chi chẳng bì bực Chí Thánh.

    Thầy mong rằng, mỗi đứa đều lưu ý đến sự sửa mình ấy thì lấy làm may mắn cho nền Ðạo, rồi các con sẽ đặng thong dong mà treo gương cho kẻ khác.

    Các con thương mến nhau, dìu dắt nhau, chia vui sớt nhọc nhau, ấy là các con hiến cho Thầy một sự vui vẻ đó.

    CHÚ THÍCH:

    Giấc mộng trần: Cuộc vinh hoa phú quí nơi cõi trần ngắn ngủi như là một giấc mộng. Giấc mộng trần đồng nghĩa: Giấc huỳnh lương, Giấc Nam kha.

    Co duỗi: Thu gom các hoạt động để chờ thời, gọi là co; hay bung ra hoạt động mạnh mẽ, gọi là duỗi. Ðường co duỗi là ý nói các sự quyền biến hoạt động trong cuộc sống.

    Khỏa vén: Khoát tấm màn ra cho trống chỗ.

    Cúc xủ sương tan, mai gầy sen nở: Hoa cúc tượng trưng mùa thu, cúc xủ là hoa cúc tàn, ý nói cuối mùa thu. Ðầu mùa Ðông có tiết sương giáng, sương tan là cuối mùa Ðông. Hoa mai tượng trưng mùa xuân, mai gầy là ý nói hết mùa xuân. Hoa sen là tượng trưng mùa Hạ, sen nở là đang lúc mùa Hạ.

    Thế thái nhơn tình: Tình cảm của con người đổi thay theo tình đời ấm lạnh.

    Ðai cân nhuộm nước màu thiền: Việc công danh lấn áp việc tu hành. Lo công danh mà bỏ qua việc tu hành.

    Danh lợi xủ lằn trí huệ: Cái danh và cái lợi che khuất cái trí sáng suốt của người tu. Xủ là rủ xuống.

    Căn quả: Căn là gốc rễ, chỉ kiếp trước; quả là kết quả. Căn quả là cái kết quả có được trong kiếp nầy là do những việc làm thiện hay ác trong kiếp trước. Ở đây, căn quả là ý nói cái căn lành của mỗi người.

    Tương công chiết tội tiền khiên: Lấy công quả trừ bớt tội lỗi đã làm trong kiếp trước.

    Bước trần chưa trở nẻo: Vẫn bước trên con đường danh lợi, chưa trở lại con đường tu.

  • 70. Lương tâm là một khiếu thiêng liêng

    70. Lương tâm là một khiếu thiêng liêng

    70. Ðại Ðàn Chợ Lớn (Nhà của Ngài Lê văn Trung)
    Ngày 27-12-1926 (âl 23-11-Bính Dần)

    THẦY

    Các con,

    Chư môn đệ nghe:

    Phần nhiều trong các con chẳng để lòng thờ kính Thầy, tưởng cho đem thờ Thầy vào nhà là chủ ý cầu một việc lợi riêng chi cho gia quyến vậy thôi, chớ chẳng hiểu là một nguồn trong sạch để rửa các lỗi phàm tục của các con.

    Nhiều đứa lại còn mờ hồ, đã thờ Thầy mà chưa chắc ý rằng thờ đặng chi, và mở đạo có ích gì?

    Than ôi! Ðã bước chân vào đường đạo hạnh mà chẳng để công tìm kiếm, học hỏi cho rõ ngọn nguồn, thì làm phận sự môn đệ như thế có ích chi cho nền Thánh giáo đâu?

    Ðạo Trời khai ba lượt, người tục lỗi muôn phần. Sanh đứng vào vòng thế cuộc, chưa biết mình đã lãnh một vai tuồng đặng chờ lúc kết quả, hồn qui Thiên ngoại, lánh khỏi xác phàm, trở về nơi khởi hành mà phục các điều đã thi hành giữa sân khấu là chốn trần ai khốn đốn nầy.

    Phận chưa xong phận, thân chẳng nên thân, thân phận lo tính chưa rồi, còn mong mỏi chi dụng mình vào đường đạo đức để cho có ích chung nữa đặng!

    Lương tâm của các con là một khiếu thiêng liêng của Thầy ban để sửa trị riêng các con trong đường tội lỗi và ban thưởng trong việc nhơn đức. Làm một việc phải tức là do nơi ý Trời, phạm một nét vạy tà là cãi nơi Thiên luật.

    Phải quấy, Thần, Thánh chỉn chép biên, thưởng phạt duy đợi ngày chung cuộc. Khá biết lấy!

    CHÚ THÍCH:

    Ðạo Trời khai ba lượt: Từ trước tới nay, Ðức Chí Tôn mở ra 3 thời kỳ khai Ðạo phổ độ nhơn sanh:

    - Kỳ thứ nhứt gọi là Nhứt Kỳ Phổ Ðộ vào thời Thái cổ.
    - Kỳ thứ nhì gọi là Nhị Kỳ Phổ Ðộ vào thời Trung cổ.
    - Kỳ thứ ba là Tam Kỳ Phổ Ðộ ngày nay.

    Hồn qui Thiên ngoại: Khi con người nơi cõi trần chết, linh hồn xuất ra khỏi thể xác, bay lên không trung, ra ngoài bầu Trời, đến các thế giới khác.

    Lương tâm: Cái tâm lành. Cái tâm lành nầy là cái thể hiện của linh hồn, mà linh hồn là điểm Linh quang của Trời ban cho mỗi người, nên nó vốn lành. Nó thường khiến con người làm điều hay sự phải, khi làm điều sai trái gian ác thì bị lương tâm cắn rứt. Mỗi người đều có tâm lành như nhau, Phật giáo gọi là Phật tánh, nhưng con người làm ác là do dục vọng che phủ lương tâm, không cho lương tâm kềm chế thể xác.

    Chỉn: Vốn, vẫn. Từ ngữ xưa.

  • 71. Lấy Ðạo trau Ðời, mượn Ðời giồi Ðạo

    71. Lấy Ðạo trau Ðời, mượn Ðời giồi Ðạo

    71. Tây Ninh (Chùa Gò Kén), năm Bính Dần (1926)

    THẦY

    Các con,

    Cõi trần là chi?
    Khách trần là sao?
    Sao gọi là khách?

    Trần là cõi khổ để đọa bậc Thánh Tiên có lầm lỗi. Ấy là cảnh sầu để trả xong quả, hoặc về ngôi cũ, hoặc trả không xong quả phải mất cả chơn linh là luân hồi. Nên kẻ bị đọa trần là Khách trần.

    Ðạo là gì? Sao gọi là Ðạo?

    Ðạo tức là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo mà hồi cựu vị. Ðạo là đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi.

    Nếu chẳng phải do theo Ðạo thì các bậc ấy đều lạc bước mà mất hết ngôi phẩm.

    Ðạo nghĩa lý rất sâu xa, nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó, rồi mới học các nghĩa huyền bí khác cho đích xác đặng.

    Ðời cũng thế, Ðạo cũng thế, chẳng Ðạo chẳng nên Ðời, Ðời Ðạo chẳng trọn, lấy Ðạo trau Ðời, mượn Ðời giồi Ðạo. Ðạo nên Ðời rạng, giũ áo phồn hoa nương bóng khổ trăm năm mãn cuộc tự thanh cao, nếm mùi tự toại, dưỡng chí thanh nhàn, thì có chi hơn. Vậy là mầu, vậy là trí. Thăng.

  • 72. Công quả cho kịp kỳ

    72. Công quả cho kịp kỳ

    72. Tây Ninh (Chùa Gò Kén), năm Bính Dần (1926)

    LÝ THÁI BẠCH

    Việc công cử Bàn Trị Sự, chư hiền hữu làm không hiệp Thiên ý, vì một người mà lãnh nhiều trách nhiệm thì sao cho tiện.

    Thượng Trung Nhựt, hiền hữu rõ việc lắm chứ?

    (Thượng Trung Nhựt bạch: . . . . . . . . . . . . . . . )

    Lão y lời hiền hữu mà xin sửa lại, vì không phải thiếu người mà làm như thế. Việc đó là việc của chư hiền hữu, Lão đâu dám tiến cử ai, nhưng có một điều là một người không nên lãnh hai phần việc.

    Thái Thơ Thanh Thủ Bổn và Phó Hội Trưởng không đặng (hai người trong Hội ký tên mới được xuất phát), lấy theo việc hành chánh thì không phải tính như vậy được. Ðạo cả, chẳng nên tư vị, nghe à!

    Lão còn ít lời khuyên chư hiền hữu rằng: Công quả cho kịp kỳ kẻo để nhiều người còn chìm đắm trong khổ hải mà không đặng sớm gặp Tam Kỳ Phổ Ðộ nên Lão cũng lấy làm thương xót. Có người thì rủi dường ấy, còn nhiều kẻ may gặp Chánh đạo lại có ý cáo thối, lui bước lại đường đời, ấy là điều đáng lo cho chúng sanh, vì cái gương Ðạo mà đem chiếu giữa công chúng, nếu gương trong thì tỏ rạng, còn gương lờ thì mới sao?

    Phần nhiều để dạ lo thế sự, không hay lẽ chánh lẽ tà. Trong Ðạo, kẻ ấy khi nghe lời nghị phản đối thì ngã theo liền vì quanh năm cứ mang lấy thói mờ hồ nên phải thua kẻ ngoại Ðạo.

    Vậy cái tiếng mình là người Ðạo chẳng là tiếng hổ thẹn lắm sao?

    Chư hiền hữu, nếu lấy lời của Lão làm phải thì nên lưu ý mà lo Ðạo, và cũng đem truyền ra cho hết thảy đặng nghe. Còn có nhiều đạo hữu cũng cố công nữa, Lão sẽ nài xin phong thưởng.

    Lão xin chào chư đạo hữu. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Công cử: Nhiều người họp lại, lựa chọn người tài đức bầu lên để giữ một nhiệm vụ quan trọng hơn.

    Bàn Trị Sự: Hội Thánh lập ra một Ban gồm nhiều người được bầu ra để quản lý và điều hành việc Ðạo. Ðây không phải là Bàn Trị Sự của Hương đạo.

    Tiến cử: Ðề cử người tài đức lên cấp trên trọng dụng.

    Ðạo cả: Ðạo lớn.

    Cáo thối: Báo cho biết mình rút lui.

    Công chúng: Ðông đảo dân chúng trong một vùng.

    Kẻ ngoại đạo: Người chưa nhập môn vào đạo.

    Gương trong, tỏ rạng khiến người ta phấn chí tiến bước.

    Gương lờ thì khiến người ta thối chí ngã lòng mà lui bước.

  • 73. Họa Trời đâu tránh khỏi

    73. Họa Trời đâu tránh khỏi

    73. Ngày 3-1-1927 (âl 30-11-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư chúng sanh.

    Chư chúng sanh nghe:

    Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, chiếu theo luật Thiên đình, Hội Tam giáo, mở rộng mối Ðạo Trời, ấy cốt để dìu dắt nhơn sanh bước lên con đường Cực Lạc, tránh khỏi đọa luân hồi và dụng Thánh tâm mà dẫn dân sanh, làm cho hoàn toàn trách nhậm nặng nề của đứng làm người, về bực nhơn phẩm ở cõi trần ai khốn đốn nầy.

    Than ôi! Ðường Thánh ít kẻ tìm, mà nẻo Tà nhiều người đến. Trò đời lăng xăng, cõi thế biết bao người chìm đắm vào biển khổ, mang nặng xác phàm, miếng đỉnh chung, mồi danh lợi, giành giựt phân chia, mà chẳng kể đạo lý, luân thường, khiến cho mối Ðạo quí báu ngàn năm, đã thành nấc thang để dắt người xuống hang sâu vực thẳm.

    Nhơn loại dùng thế lực mà cắn xé nhau, giành giựt nhau, quên lửng cõi trần nầy, nhơn sanh lãnh mỗi đứa một vai tuồng đặc biệt mà trả cho xong căn xưa quả cũ.

    Càn khôn càng náo nhiệt, ngày tận diệt đã hầu kề. Kẻ hữu phần đặng nắm mối Ðạo Trời, dựa chiếc thuyền sen lần vào non cao suối lặng, để rửa bớt chút bợn trần, dưỡng tánh tu thân, để nâng lên địa vị thanh cao, lánh xa đọa luân hồi trong lúc hồn lìa khỏi xác.

    Kẻ vô phước dụng tà tâm làm một món lợi riêng, quên cả điều hành phạt đã kế bên mình, chới với cả muôn triệu giữa dòng, mà chẳng chịu sớm tự hối đặng gỡ lần mối họa sau.

    Hành trình dài đăng đẳng, mà bước tục hãy còn chờ, chẳng sớm biết mình, họa Trời đâu tránh khỏi.

    Khá biết cho. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Luân thường: Những phép tắc đối xử hợp đạo đức trong gia đình và ngoài xã hội.

    Căn xưa quả cũ: Những việc làm thiện hay ác của kiếp sống trước và cái kết quả của nó.

    Thuyền sen: Chiếc thuyền Bát Nhã, vì Ðức Phật Tổ dùng một cánh hoa sen nơi cõi CLTG để tạo thành chiếc thuyền rước người đắc đạo vượt qua biển khổ, đến bờ giác ngộ, vào cõi Thiêng liêng Hằng sống.

    Tự hối: Tự mình hối hận đã làm việc sai trái.

  • 74. Hễ là người thì phải biết Ðạo

    74. Hễ là người thì phải biết Ðạo

    74. Thánh Thất Cầu Kho
    Ngày 8-1-1927 (âl 5-12-Bính Dần)

    THẦY

    Các con,

    Thầy vui thấy nhơn sanh biết hối ngộ, chẳng quản dặm dài, đến hội hiệp nhau mà để bước vào đường đạo đức.

    Các con phải biết, hễ là người thì phải biết Ðạo, không biết Ðạo không phải là người.

    Cái Chánh cái Tà rồi đây sẽ phân biệt nhau. Nếu các con còn để một vài điểm mờ hồ trong dạ thì làm sao chóng đến nơi đến chốn đặng?

    Các con phải đồng tâm hiệp lực, bỏ hết các điều tệ theo thường tình, thì mới dễ thành Ðạo.

    Vậy Thầy khuyên các con, đứa nào có trí lực bao nhiêu, khá đem ra mà thi thố, chớ đừng sụt sè theo thói nữ nhi, vậy cũng uổng cái điểm linh quang của Thầy ban cho các con lắm. Các con hiểu à!

    CHÚ THÍCH:

    Thánh Thất Cầu Kho:

    Hối ngộ: Tỉnh ra mà biết rõ điều lầm lỗi của mình và muốn sửa lỗi.

    Trí lực: Sự hiểu biết và sức lực.

  • 75. Nương thuyền mới trọn thoát qua sông

    75. Nương thuyền mới trọn thoát qua sông

    75. Ngày 8-1-1927 (âl 5-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.

    C . . . nghe Thầy:

    Màu thu cảnh ướm trở về đông,
    Ðạo đức soi gương đã vẹn lòng.
    Non xế nhành thung oanh nhặt thúc,
    Rừng tà đảnh hạc khách trông mong.
    Ðường trần dù muốn dừng chơn tục,
    Nguồn suối tìm nơi rửa bụi hồng.
    Thìn dạ bước dìu sanh chúng độ,
    Nương thuyền mới trọn thoát qua sông.

    Lòng đạo đức của con Thầy đã thấu rõ, nhưng gương khổ hạnh ráng giồi thêm, hầu dìu dắt sanh linh vào nẻo Chánh giáo mà lánh khỏi đọa luân hồi.

    Sanh nhằm thời buổi nhơn sanh dụng gương bất đức mà gieo họa cho bước trần, khiến cho sai sót nẻo luân thường. Bến khổ đường mê vẫn cứ tìm vào mà làm cho biển trần chẳng biết bao nhiêu chìm đắm. Ðạo đức chẳng rèn lòng mà tội tình càng chác lấy. Nếu chẳng có một Ðấng Từ Bi lấy đức háo sanh mở Ðạo Tam Kỳ đặng vớt những kẻ hữu căn thì toàn thế giới sẽ bị dần dần tiêu diệt, ngôi cựu vị ở chốn non thẳm rừng xưa, cũng chẳng có một bực Tiên Thánh đọa trần nào đoạt lại được.

    Họa Âu tai Á sẽ vì Thiên điều mà phạt kẻ bạo tàn tội lỗi. Càn khôn tiều tụy mà bước tục hỡi chần chờ. Nếu chẳng sớm xét mình, để buổi ác xế trăng tà, nước dời cạn bực, thuyền Bát Nhã đã lướt qua, nhành dương liễu hết rơi giọt từ bi thì ăn năn rất muộn.

    Khá biết lấy, chư chúng sanh hãy nghe. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Ướm: Sắp sửa.

    Oanh nhặt thúc: Chim oanh kêu như thúc giục, ý nói thời gian qua mau, đời người không mấy chốc.

    Hai câu 3-4: Thời gian qua mau, đừng chờ đến lúc già mới lo tu hành.

    Bụi hồng: Hồng trần, chỉ sự ô trược của cõi trần.

    Thìn dạ: Giữ lòng bền chặt.

    Bến khổ đường mê: Sông mê biển khổ, chỉ cõi trần.

    Bước tục hỡi chần chờ: Bước chân của người trần hãy còn chần chờ, chưa chịu bước vào nẻo đạo.

    Ác xế trăng tà: Mặt trời xế bóng, mặt trăng sắp lặn, chỉ tuổi già sắp chết.

    Nước dời cạn bực: Nước ròng xuống gần cạn, thuyền không đi được.

    Giọt từ bi: Giọt nước Cam lồ được rải bằng cành cây dương liễu để cứu tử huờn sanh hay rửa sạch các oan khiên nghiệp chướng.

  • 76. Bến mê

    76. Bến mê

    76. Chợ Lớn, 10-1-1927 (âl 7-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Chư môn đệ và chư nhu nghe:

    Chim về cội, nước tách nguồn, từ xưa kiếp con người giữa thế chẳng qua là khách đi đường. Phận sự muốn cho hoàn toàn cần phải có bền chí và khổ tâm. Có bền chí mới đạt phẩm vị thanh cao, có khổ tâm mới rõ tuồng đời ấm lạnh.

    Lăng xăng xạo xự mùi chung đỉnh, vẻ cân đai, rốt cuộc cũng chẳng khác chi một giấc huỳnh lương mộng.

    Mỗi bậc phẩm đều đặng một vai tuồng của Ðấng cầm quyền thế giới ban cho, dầu thanh cao, dầu hèn hạ, cũng phải gắng làm cho rồi trách nhậm, hầu buổi chung cuộc, hồn lìa cõi trần, đặng đến nơi khởi hành mà phục hồi công cán.

    Ai giữ trọn bực phẩm thì đặng Tòa Nghiệt Cảnh tương công chiết tội, để vào địa vị cao hơn chốn Ðịa cầu 68 nầy; ai chẳng vẹn trách nhậm nhơn sanh phải bị đọa vào nơi U Minh Ðịa, để trả cho xong tội tình căn quả cho đến lúc trở về nẻo chánh đường ngay mà phục hồi ngôi cũ, bằng chẳng biết sửa mình thì luật Thiên điều chồng chập, khổ A Tỳ phải vướng muôn muôn đời đời mà đền tội ác.

    Bậc nhơn sanh vì đó mà phải chịu thiên niên chìm đắm vào số luân hồi, vay trả trả vay, căn quả chẳng bao giờ tiêu đặng.

    Các bậc Thần, Thánh, nếu chẳng biết mối đạo là phương châm tìm nguồn trong rửa bợn tục, thì biển trần khổ nầy cũng khó mong thoát đặng.

    Trời Nam may đặng một yếng sáng của Ðấng Ðại Từ Ðại Bi dẫn khách trần bước lần ra con đường hắc ám, để tránh khỏi bến mê, dụng nâu sồng thế cân đai, mượn khổ tâm thay chung đỉnh, lấy hạnh đức làm nấc thang bước lên tột lừng Trời, vẹt ngút mây xanh, trông vào cảnh thiên nhiên, biết rõ cơ mầu nhiệm mà làm khách u nhàn thanh nhã, núi thẳm rừng xanh.

    Phủi hết muôn sự ở cõi trần vô vị nầy, ấy là một sự khó thi hành của khách phàm tục. Mấy ai nong nả tìm đến cảnh thiêng liêng, mà nhiều kẻ lại tìm vào vực thẳm.

    Ðạo Trời qua bến tục, đường Thánh dẫn khách trần, nếu chẳng biết thế thời, giọt nhành dương hết chờ khi rưới khổ đặng.

    CHÚ THÍCH:

    Phục hồi công cán: Phục hồi là khôi phục cái đã mất. Công cán là công lao khó nhọc.

    Tòa Nghiệt Cảnh: tức là Nghiệt Cảnh Ðài, là Tòa Án nơi cõi thiêng liêng, nơi đây có đặt một tấm kiếng lớn rất huyền diệu, ai đứng trước tấm kính nầy thì trong tấm kính sẽ hiện ra tất cả việc làm thiện ác trong suốt kiếp sanh nơi cõi trần, một lời nói cũng không sót. Ðứng nhìn vào kính như đứng coi chiếu phim vậy, mà cuốn phim nầy là cuốn phim của đời mình. Bao nhiêu thiện ác thì có cây Cân Công bình thiêng liêng cân, phước nhiều thì thăng, tội nhiều thì đọa, không thể chối cãi được.

    Tương công chiết tội: Lấy công trừ tội.

    U Minh Ðịa: Trong Thất thập nhị Ðịa, Ðịa cầu của nhơn loại số 68. Như vậy, bên dưới Ðịa cầu 68 còn bốn quả Ðịa cầu nữa là: 69, 70, 71, 72. Bốn Ðịa cầu nầy rất trọng trược, chìm dưới sâu của vũ trụ, chịu cảnh tăm tối nên gọi là U Minh Ðiạ, mà các tôn giáo khác gọi là Ðịa Ngục. Ðây là nơi thảm sầu tăm tối để đọa đày kẻ gây ra nhiều tội ác.

    Ðấng Ðại Từ Ðại Bi: Ðức Chí Tôn.

    Khách phàm tục chính là khách trần.

    Bến mê: Sông mê thì có Bến mê, chữ Hán là Mê tân. Cho nên Bến mê là chỉ cõi trần. Bởi vì con người nơi cõi trần bị màn vô minh che khuất trí huệ, nên con người bị mê lầm.

  • 77. Ðức Lý dạy cách dâng Tân Luật

    77. Ðức Lý dạy cách dâng Tân Luật

    77. Thánh Thất Tây Ninh (Từ Lâm Tự Gò Kén)
    Ngày 16-1-1927 (âl 13-12-Bính Dần)

    THÁI BẠCH

    Lão khen chư đạo hữu.

    Ðại hỉ . . . Ðại hỉ . . .

    Thượng Tương Thanh, coi Lão hành sự mà bắt chước.

    Mời Chưởng Pháp phái Nho.

    Thơ, chư hiền hữu bình thân.

    Ðứng dậy, phân hai hàng.

    Chưởng Pháp, Ðầu Sư tọa vị.

    Phối Sư tam phái tới trước. Thái Thơ Thanh phải ôm Bộ Luật chú giải các luật, Tân Luật của các hiền hữu, đến dưng cho 3 vị Ðầu Sư.

    Ba vị Ðầu Sư đồng đứng dậy, bái và tiếp luật một lượt, thế nào 6 bàn tay đều có trong mấy Bộ Luật, ngay giữa, dạy cả 3 tiếp dưng lên.

    Chưởng Pháp cũng phải bái mà tiếp một lượt, đội dưng lên Ðại điện, day vô, đưa lên chí trán.

    Nghe dạy: Lão giao luật nầy cho Nhị vị Chưởng Pháp xem xét lại nữa, trong một tháng phải rồi mà giao lại cho Hộ Pháp cầu Lão sửa Luật.

    Phải làm một phòng thanh tịnh mà giả làm Hiệp Thiên Ðài. Thập nhị Thời Quân phải có mặt, Thượng Sanh, Thượng Phẩm phải có mặt.

    Phải tái cầu nghe dạy:

    Nhị vị Chưởng Pháp đem Luật để ngay tượng Lão một đêm nay.

    Dương phải đội mão Hiệp Chưởng như Luật, đắp khậu như Luật.

    Nương phải sắm Thiên phục như Thơ vậy nghe.

    Ðem Luật để lên rồi xuống tọa vị, lên điện để xuống. Chư Thiên phong đồng lạy Thầy.

    TÁI CẦU:

    THÁI BẠCH

    Thiên điều mầu nhiệm của Ðạo còn thiếu sót lắm. Cười . . .

    Nhưng điều ấy, chư hiền hữu biết đâu mà lập cho đặng.

    Hại thay! Nếu chẳng có cơ mầu nhiệm bí mật ấy thì chẳng thành Luật. Nếu chẳng thành Luật. Thế nào thành Ðạo? Cười . . .

    Lão tâu cùng Ðại Từ Ðại Bi, xin thêm vào Luật những điều bí mật yếu trọng ấy. Vậy chư hiền hữu cũng phải cầu khẩn với Lão, nội hạ tuần tháng nầy thì khởi nguyện, dặn các Thánh Thất, các đạo hữu phải để lòng thành khẩn, hiệp sức làm một với Lão mà nài xin Thánh luật, nghe à!

    Hễ Ðạo trọng thì tức nhiên chư hiền hữu trọng. Vậy thì chư hiền hữu biết mình trọng mà lo sửa vẹn người đời.

    Từ đây, Lão hằng gìn giữ chư hiền hữu hơn nữa. Nếu Lão ép lòng cầm quyền thưởng phạt phân minh là có ý muốn giá trị của chư hiền hữu thêm cao trọng nữa. Vậy Lão xin đừng để dạ phiền hà nghe!

    CHÚ THÍCH:

    Thượng Tương Thanh: Ngài Chánh Phối Sư Nguyễn Ngọc Tương.

    Chưởng Pháp Phái Nho: Ngài Ngọc Chưởng Pháp Trần Văn Thụ.

    Chưởng Pháp Phái Thượng: Ngài Quyền Thượng Chưởng Pháp Trần Ðạo Quang. (Ngài Thượng Chưởng Pháp Nguyễn Văn Tương đã đăng Tiên).

    Phối Sư tam phái: Ba Chánh Phối Sư của ba phái: Thái, Thượng, Ngọc là: Thái Thơ Thanh, Thượng Tương Thanh, Ngọc Trang Thanh.

    Ba vị Ðầu Sư: Thượng Trung Nhựt, Ngọc Lịch Nguyệt, Thái Nương Tinh (Dương văn Nương).

    Dương: Giáo Sư Thái Dương Thanh.

    Luật: Giáo Sư Thái Luật Thanh (Yết Ma Nguyễn Văn Luật).

    Mão Hiệp Chưởng: Mão của Giáo Sư phái Thái.

    Ðức Ðại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, được Ðức Chí Tôn giao kiêm nhiệm chức Giáo Tông, dạy chư vị Chức sắc Ðại Thiên phong cách dâng Tân Luật. Chúng ta thấy cách dâng Tân Luật rất long trọng, vì Tân Luật làm xong thì trở thành Thiên điều tại thế.

  • 78. Phải tin tưởng một Thầy

    78. Phải tin tưởng một Thầy

    78.Ngày 17-1-1927 (âl 14-12-Bính Dần)

    THẦY

    Các con,

    Thượng Trung Nhựt, con là anh phải dạy lại các em một lần nầy là chót.

    Thầy vẫn đã thường nói rằng: Thầy đến lập cho các con một nền Chơn đạo, tức là mỗi sự chi dối trá là chẳng phải của Thầy. Thầy đến là chủ ý để dạy cả nhơn sanh đặng hòa bình, chớ chẳng phải đến đặng giục thêm nghịch lẫn nhau.

    Thầy lại thường nói rằng, sự sang trọng vinh hiển của các con chẳng phải nơi thế giới nầy. Thầy lại đến lập trong nước các con một nền Chánh đạo đủ tư cách độ rỗi chúng sanh.

    Các con và cả dân tộc các con, vì nơi Ðạo mà đặng đoạt đến phẩm vị cao thượng. Cái phẩm vị ấy do nơi đâu mà có? Là bởi đạo đức của các con. Ðạo đức thắng hung bạo là thường tình. Các con hằng thấy sự đời thường vậy.

    Thầy là Ðấng Chí Tôn cầm quyền thưởng phạt, há lại không quyền hành mà làm mọi việc một mình Thầy đặng sao, lại phải sở cậy tay phàm, chẳng qua là đạo đức thiếu kém các con đó, nó làm cho các con bị phạt.

    Từ đây phải tin tưởng một Thầy và nghe lời Thầy dặn, giữ đạo đức cho bền, còn ngoại trừ sự chi nghịch với Chơn đạo thì là mưu chước Tà quái.

    Thầy ban ơn cho các con.

    CHÚ THÍCH:

    Chơn đạo: Nền Ðạo chơn thật, tức là toàn cả Giáo lý của nền Ðạo nầy hoàn toàn chơn thật, không điều chi giả dối, như thế mới đưa người tu đến bờ giải thoát, đắc đạo thành Tiên, Phật.

    Nền tôn giáo nào có dạy điều chi không chơn thật thì nó không phải là Chơn đạo. Nó đưa người tu đến chỗ lầm lạc. Mà hễ là Chơn đạo thì nền tôn giáo ấy mới có thể đem lại cho nhơn loại một nền hòa bình trường cửu.

    Nền Chơn đạo của Ðức Chí Tôn lập cho dân tộc Việt Nam đây, gọi là Quốc Ðạo, sẽ đưa nước Việt Nam từ chỗ thấp hèn lên địa vị cao thượng trên thế giới.

    Chánh đạo: Trái với Tà đạo. Chánh đạo hay Chánh giáo là nền Ðạo ngay thẳng, đúng đắn dẫn dắt người tu vào đường đạo đức, thoát kiếp luân hồi, đạt được phẩm vị cao trọng nơi cõi Thiêng liêng Hằng sống.

    Ðức Chí Tôn phải sở cậy tay phàm lập Ðạo là vì Ðạo lập ra là để độ người phàm, chớ không phải để độ các ông Thánh, Ông Tiên, và nhứt là có sự hợp nhứt giữa Trời và Người, gọi là Thiên - Nhơn hợp nhứt thì mới thấu đáo Càn khôn, trường tồn đến thất ức niên.

  • 79. Thần Hoàng Mỹ Lộc

    79. Thần Hoàng Mỹ Lộc

    79. Ðàn tại Ðình Mỹ Lộc

    Ngày 18-1-1927 (âl 15-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ,

    Hỉ các đẳng chúng sanh nam nữ.

    Tịnh, tịnh.

    Chúng sanh chưa rõ nền Ðạo quí trọng là dường nào. Ðạo cũng do nơi phàm mà phát ra và tiếp lấy cái thiêng liêng của Thầy mà hiệp đồng, mới sanh sanh hóa hóa, thấu đáo Càn khôn.

    Người mà biết Ðạo, ấy kẻ hữu phần, còn người chưa thấu đáo nền Ðạo, ấy là kẻ vô duyên.

    Hiểu há! Thầy cho phép cầu đạo, góp sớ.

    Thầy từ bi toàn thâu chư chúng sanh, đặng Thầy cho phép Thần Hoàng Bổn Cảnh giáng cơ mà dạy dân trong phần trách nhiệm của nó. Thăng.

    THẦN HOÀNG BỔN CẢNH

    Chào chư Thiên phong,

    Chào cả thảy các đạo hữu và các đẳng chúng sanh nam nữ trong thôn lân.

    Thần ân tứ hải thủ châu danh,
    Hoàng hữu ấn phong tải độ thành.
    Mỹ thới dân khương bình thái trị,
    Lộc cao hà nễ thọ thời sanh.
    . . . . . . . . . . . . . . . . . .
    Mỹ có công thành khẩn vái,
    Lọc lừa tại thế phước tùng lai.
    Nhơn dân lê thứ đồng bình trị,
    An nhủ an cư thấu Ðạo tài.

    Từ thuở ta vâng chiếu chỉ đến trấn nhậm nơi đây, ta một tấm lòng lo cho lê thứ đặng an cư lạc nghiệp, thạnh vượng mùa màng, mỗi mỗi đều hằng lo lắng cho chúng sanh nơi phần trách nhậm.

    Nay có lịnh Ngọc Hoàng chiếu chỉ cho phép ta giáng cơ mầu nhiệm mà tỏ nền Ðạo là quí trọng cho lê thứ hiểu. Lê thứ đâu rõ thấu việc Trời đã định hơn mấy chục ngàn năm nay. Lê thứ nghe:

    Kỳ Hạ nguơn hầu mãn, nhơn vật vì tai nạn mà phải tiêu tận, mười phần còn đoái lại có một mà thôi.

    Than ôi! Buồn thôi! Nghĩ vì Thiên cơ đã định vậy, thế nào mà cải cho đặng, duy có mở tấm lòng từ thiện ăn năn sám hối, lo việc tu hành, đồng với nhau cả quốc dân mà quì lụy khẩn cầu coi Trời đoái tưởng đến chăng.

    Bởi thế nên Ngọc Ðế và chư Phật, chư Tiên, chư Thánh mới lập Hội Tam Kỳ Phổ Ðộ đặng có cứu vớt chúng sanh đương linh đinh nơi biển khổ.

    Nếu gặp thuyền Bát Nhã mà không xuống không theo thì chắc thế nào cũng chơi vơi nơi mé biển.

    Còn phần viên chức sắc cúng tế, bảo lên quì trước đại điện cho ta tỏ lòng thi ân cho chúng nó.

    Vui thay! Mừng thay! Cả nhơn dân đều biết Ðạo, duy còn một chút ít mà thôi. Từ đây ta hết dạ hết lòng mà lo lắng, săn sóc chăm nom hơn khi trước nữa. Ta tỏ cho chức sắc hiểu, tại sao mà ta lo hết bổn phận? Ấy là từ đây Ngọc Ðế truyền lịnh cho ta phải theo phò chư Cao đạo hữu, nên ta lo lắng bội phần hơn khi trước. Mỗi khi có việc chi tai biến hay là có những bịnh truyền nhiễm thì đến đây, ta sẽ dạy cho mà lánh những điều hại.

    Còn việc tế lễ cúng, ta muốn dùng đồ chay hay là cây trái, chớ sát sanh.

    Ta cũng tỏ cho chư chức sắc hiểu rằng: Tế tự là tại sao? Phàm có lòng tin mới cúng chớ. Cúng là lấy có lễ đó, gọi là kỉnh trọng, chớ Thần Thánh, nào ăn của ai. Bởi thế nên ai dùng vật thực mà cúng, tốt hơn nên dùng trái cây. Ai có lòng thì tế lễ chi chi ta cũng chẳng trách đặng, vì cựu lệ bày đến ngày nay. Nay ta muốn theo Thánh ý của Ngọc Ðế. Vậy chức sắc liệu làm sao? Trả lời thử. Cười . . .

    Thôi ta chào chư Thiên phong và các đạo hữu, các đẳng chúng sanh nơi bổn thôn. Ta lui.

    CHÚ THÍCH:

    Ðình Mỹ Lộc: Ðình thờ Thần ở làng Mỹ Lộc, quận Cần Giuộc, quê của Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương.

    Tịnh, tịnh: Giữ cho trong sạch và yên lặng.

    Thần Hoàng Bổn Cảnh: Vị Thần được bổ nhiệm đến trấn nhậm cai quản một làng, hay một thành thị.

    Bài thi bốn câu khoán thủ: Thần Hoàng Mỹ Lộc, viết ra chữ Hán như sau:

    Thần ân tứ hải thủ châu danh, 神恩四海守朱名
    Hoàng hữu ấn phong tải độ thành. 隍有印封載度成
    Mỹ thới dân khương bình thái trị, 美泰民康平太治
    Lộc cao hà nễ thọ thời sanh. 祿高何你受時生

    GIẢI NGHĨA:

    Cái ơn của Thần khắp nơi giữ cái tiếng tốt,
    Thần nơi làng nầy có ấn phong, độ cho thành.
    Ðẹp thịnh, dân an, thời thái bình thạnh trị,
    Lộc cao, sao các người thọ lãnh lúc sanh thời?

    Hạ nguơn hầu mãn: Nhơn loại hiện nay đang ở thời kỳ Hạ Nguơn Tam Chuyển, sắp bước qua Thượng Nguơn Tứ Chuyển lập đời Thánh đức. Tam Chuyển là Chuyển thứ ba. Mỗi Chuyển chia ba Nguơn: Thượng Nguơn, Trung Nguơn, Hạ Nguơn. Hạ Nguơn hầu mãn là thời kỳ Hạ Nguơn gần dứt.

    Mười phần còn lại có một mà thôi: Ðúng với câu tiên tri: 10 phần mất 7 còn 3, mất 2 còn 1 mới ra thái bình.

    Viên Chức sắc cúng tế: Những vị có trách nhiệm trong việc cúng tế tại Ðình Thờ Thần, không phải là Chức sắc của Ðạo.

    Cao đạo hữu: Những vị theo Ðạo Cao Ðài, môn đệ của Ðức Chí Tôn.

    Cựu lệ: Lệ xưa nơi làng xã.

  • 80. Kiếp phù sinh

    80. Kiếp phù sinh

    80. Ngày 21-1-1927 (âl 18-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, hỉ chư ái nữ, chư nhu.

    Chư nhu nghe:

    Nguồn Tiên, nẻo Phật, từ trước đến giờ, vẫn chờ kẻ hữu phần hữu đức hữu công, tu thân dưỡng tánh, mà lánh khỏi thói đời mê muội nầy.

    Biển khổ lắm chơi vơi mà khách phàm hằng đeo đuổi.

    Ðài Nghiệt Cảnh rọi chẳng biết bao nhiêu tội tình, mà chốn tội tình lắm người đưa chân tìm đến.

    Kiếp phù sinh không mấy chốc, đời mộng ảo chẳng là bao, sanh đứng nên người chen vai vào vòng thế cuộc, có khác chi kẻ bị đày vào biển khổ, để làm xong nhân sự đặng chuộc thửa tội tiền khiên.

    Bao nhiêu tiếng khóc câu cười, thế lộ bước đã mòn mà giấc mộng trần chưa thức tỉnh.

    Cang thường điên đảo, phong hóa suy vi, những mảng ghét lẫn nhau, giành xé nhau, mối tôn giáo phân chia, đạo nước nhà chẳng đoái, chánh tà tà chánh nan phân, còn chút hơi thở ở cõi trần mà tính tình dọc ngang chưa chịu dứt, một mai hồn xuống Diêm Ðài, khổ A Tỳ bảo sao không buộc trói.

    Ðạo Trời khai dẫn bước lỗi lầm, đem kẻ hữu căn lánh vòng phiền não. Nếu chẳng bả bươn nhặt thúc bóng thiều, kiếp phù sinh qua dường nháy mắt.

    Hãy biết lấy. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Khách phàm: Khách trần.

    Ðài Nghiệt Cảnh:

    Kiếp phù sinh: Ý nói kiếp sống ngắn ngủi như cái bọt nổi trên mặt nước, rất mau tan vỡ. Phù là nổi.

    Thửa: Tiếng thế cho người và vật. Thửa tội tiền khiên: Cái tội lỗi ấy trong kiếp trước.

    Cang thường: Ý nói Tam cang và Ngũ thường. Tam cang là 3 giềng mối trong cách đối xử giữa: Vua tôi, Cha con, Chồng vợ. Ngũ thường gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

    Phong hóa: Phong tục và tập quán tốt đẹp có từ lâu đời của một dân tộc.

    Suy vi: Sút kém trở nên thấp hèn.

    Diêm Ðài: Lầu đài của Thập Ðiện Diêm Vương.

    Nhặt thúc bóng thiều: Ngày giờ giục thúc qua mau. Bóng thiều là bóng thiều quang, chỉ ngày giờ.

  • 81. Nhứt thời đạo hạnh thoát oan khiên

    81. Nhứt thời đạo hạnh thoát oan khiên

    81. Ðàn tại An Hóa, 22-1-1927 (âl 19-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, hỉ các đẳng chúng sanh.

    Xứ nầy mới tiếp Thầy lần đầu nên có nhiều đứa còn để lòng nghi hoặc.

    Các con cùng Thầy, vì lòng bác ái, chẳng nài khó nhọc đến truyền Chánh đạo, mặc tình những đứa vô lương, các con cứ một đường đi tới, sự phải quấy sau nầy chúng nó sẽ rõ.

    Vậy Thầy sẽ vui lòng cùng các con toàn thâu Nam, Nữ.

    Tương, con phải nói những điều cần yếu cho chúng nó nghe.

    Thầy cho một bài thi chung:

    Thế đại Càn khôn cộng nhứt Thiên,
    Nhơn như sa mạc tại thâm uyên.
    Hạnh phùng bình thủy thân an tại,
    Nhược ngộ phong ba phận đảo huyền.
    Kỷ tải phàm trần cam nghiệt chướng,
    Nhứt thời đạo hạnh thoát oan khiên.
    Thùy tri Nam địa sanh phong nhựt,
    Ðại Ðạo hoằng khai thế cuộc tuyên.

    Cho Nữ phái vô Thầy dạy.

    Chư ái nữ, Thầy vì Tam Kỳ Phổ Ðộ, chẳng phân cao thấp, sang hèn. Thầy chỉ khuyên một điều là đạo hạnh các con phải giữ hằng ngày cho nhằm phương pháp Nhơn đạo, tức là Tứ Ðức đó vậy. Các con hiểu à!

    Nền nhơn luân của con nhà Nam Việt chẳng lầm, mà tại các con hay nhiễm thường tình mà hư hoại, nên chi Thầy phải nhắc lại cho các con đừng lầm nữa, nghe các con!

    Nam phái vào.

    Các con nghe cho rõ, thường ngày các con trông thấy những điều trái tai gai mắt, các con có biết vì tại sao chăng?

    Như kẻ làm quan ỷ quyền hiếp bức dân lành, đứa ngu nghịch cha phản bạn, làm rối luân thường, các con có biết vì tại sao chăng? . . . Tại vô đạo.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tương: Ngài Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh.

    Bài thi đường luật của Ðức Chí Tôn viết ra chữ Hán:

    Thế đại Càn khôn cộng nhứt Thiên, 世代乾坤共一天
    Nhơn như sa mạc tại thâm uyên. 人如沙漠在深淵
    Hạnh phùng bình thủy thân an tại, 幸逢平水身安在
    Nhược ngộ phong ba phận đảo huyền. 若遇風波分倒懸
    Kỷ tải phàm trần cam nghiệt chướng, 幾載凡塵甘孽障
    Nhứt thời đạo hạnh thoát oan khiên. 一時道行脫冤愆
    Thùy tri Nam địa sanh phong nhựt, 誰知南地生豐日
    Ðại Ðạo hoằng khai thế cuộc tuyên. 大道弘開世局宣

    GIẢI NGHĨA:

    - Ðời đời Càn khôn Thế giới đều cùng chung một Trời.
    - Con người như hạt cát trong sa mạc tại chỗ sâu thẳm.
    - May mắn gặp nước yên thì thân được an nhàn tự tại.
    - Nếu như gặp phong ba thì thân phận bị đảo ngược.
    - Bao năm ở cõi trần đành chịu nhiều nghiệt chướng,
    - Một thời tu hành thì thoát khỏi các oan khiên.
    - Ai biết đất Nam sanh ra thời kỳ thịnh vượng,
    - Ðại Ðạo hoằng khai, tuyên bố ra cho người đời biết.

    Tam Kỳ Phổ Ðộ chẳng phân cao thấp, sang hèn: Trước Ðức Chí Tôn, mọi người đều bình đẳng. Ðức Chí Tôn không phân biệt người có địa vị cao hay thấp, người giàu sang hay nghèo hèn, tất cả đều là con cái yêu mến của Ðức Chí Tôn, mà không chừng Ðức Chí Tôn lại còn thương yêu các đứa con nghèo nàn, dốt nát, thua thiệt, hơn là những đứa con giàu có, khôn ngoan. Chúng ta nghĩ ông cha phàm thế nào thì Ðức Chí Tôn cũng thế đó, nhưng siêu đẳng hơn gấp bội.

    Nhơn đạo: Ðạo làm người. Không có tôn giáo nào dạy Nhơn đạo đầy đủ và kỹ bằng Nho giáo. Nói một cách tổng quát, Nhơn đạo của người đàn ông là: Tam Cang và Ngũ Thường; Nhơn đạo của người đàn bà là Tứ Ðức và Tam Tùng.

    Tứ Ðức: Bốn đức tánh căn bản của người phụ nữ để làm tăng giá trị của phụ nữ, thời nào cũng vậy, xưa cũng như nay. Tứ Ðức gồm: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

  • 82. Bến mê, Bờ giác

    82. Bến mê, Bờ giác

    82. Ngày 22-1-1927 (âl 19-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Tr . . . Hiền đồ, trương Thiên phục Thầy trấn Thần, con đặng phép mặc hầu Thầy.

    Còn N . . . đợi y phục rồi, sẽ trấn Thần luôn.

    Th . . . nghe Thầy:

    Gội nhuần đức trước rạng thôn lân,
    Ðạo Thánh dìu chơn bước khởi lần.
    Cội bá chờ khi về Cực Lạc,
    Màu thiền ấy buổi nhuộm đai cân.
    Tranh khoe nguyệt rọi làu sông Vị,
    Mây tỏa sương phơi bạc đảnh Tần.
    Thành dạ trau gương sanh chúng độ,
    Thuyền kề gió lướt thoát mê tân.

    Tr . . . , Thầy rất đẹp lòng đặng môn đệ ái kính như các con yêu dấu nơi Thánh địa nầy. Ðường tân khổ lắm vày vò, buổi an nhàn đâu kẻ hưởng, tuồng thế cũng gay go, mà bước trần càng khốn đốn.

    Sanh ra phận làm người, đã mang vào mình một trách nhậm đặc biệt, phải gắng sức làm cho hoàn toàn, hầu chờ buổi chung qui tương công chiết tội, tiêu quả tiền khiên, mà nâng mình vào địa vị cao thượng hơn phẩm vô vị chốn sông mê nầy.

    Thấm thoát ngày tháng thoi đưa, bóng thiều quang nhặt thúc, sen tàn cúc rũ, đông mãn xuân về, bước sanh ly đã lắm nhuộm màu sầu, mà con đường dục vọng chẳng còn biết đâu là nơi cùng tận.

    Lợi danh xạo xự, chung đỉnh mơ màng, cuộc vui vẻ chẳng là bao, mà chốn đọa đày chen chẳng mãn. Nỗi đau thương bề ấm lạnh, nào tiếng khóc đến câu cười, co duỗi duỗi co, dở bước đến cảnh sầu, thì thấy chẳng lạ chi hơn là mồ hoang cỏ loán, đồng trống sương gieo,thỏ lặn ác tà, khách trần nào ai lánh khỏi.

    Ðạo mầu tìm đến, lấy hạnh đức giồi tâm, mượn nâu sồng lánh thế, càng dìu sanh chúng, càng bước bước càng cao, lên tột mây xanh, vẹt ngút trông vào cảnh cực lạc an nhàn, non chiều hạc gáy, động tối qui chầu, ấy là khách Tiên gia lánh khỏi đọa luân hồi nơi cõi thế vậy.

    Mau bước gắng tìm đường kẻo rừng chiều bóng xế. Chúng sanh khá biết cho. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tr . .: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung).

    N . .: Ngài Ðầu Sư Thái Nương Tinh (Dương Văn Nương)

    Th .: Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ)

    Trương: Giương rộng ra, mở lớn ra rồi đưa lên.

    Trấn Thần: Dùng phép huyền diệu của Ðức Chí Tôn để đưa một vị Thần đến trấn giữ, ban rải thanh điển vào vật đó, và gìn giữ vật ấy cho tinh khiết, không cho Tà quái xâm nhập khuấy phá. Thuở đầu tiên mới Khai Ðạo, Ðức Chí Tôn trấn Thần áo và mão của Chức sắc. Nhưng về sau nầy, mỗi khi Chức sắc được thăng phẩm và lập thệ thì áo mão mới sẽ được một vị Thời Quân Hiệp Thiên Đài trấn Thần.

    Mê tân: Bến mê. Tân là cái bến sông. Sông mê thì có bến mê. Bên nây Biển khổ thì có Bến mê (Mê tân), bên kia Biển khổ là Bờ giác (Giác ngạn). Bến mê là cõi trần, Bờ giác là cõi của người đắc đạo.

    Tân khổ: Cay đắng. Tân là cay, khổ là đắng. Tân khổ là chỉ những nỗi vất vả khổ cực ở đời.

    Tiêu quả tiền khiên: Tiền khiên là tội lỗi đã gây ra trong kiếp sống trước. Tội lỗi nầy tạo thành cái nghiệp xấu ảnh hưởng lên các kết quả của kiếp sống hiện tại. Muốn làm cho tiêu quả tiền khiên nầy thì phải lập công quả để lấy công trừ tội, gọi là Tương công chiết quả.

    Phẩm vô vị: Bực phẩm không giá trị.

    Dục vọng: Lòng ham muốn mong ước. Cái dục vọng của con người thì không bờ bến, không giới hạn.

    Sen tàn cúc rũ: Mùa hạ đã qua, mùa thu cũng đã qua. Bông sen tượng trưng mùa hạ, bông cúc tương trưng mùa thu.

    Thỏ lặn ác tà: Trăng lặn và mặt trời chiều. Thỏ là chỉ mặt trăng, ác là con quạ chỉ mặt trời.

    Rừng chiều bóng xế: Ý nói lúc tuổi già, gần hết kiếp.

  • 83. Gương soi hậu thế rạng nam trung

    83. Gương soi hậu thế rạng nam trung

    83. Ngày 23-1-1927 (âl 20-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.

    Ch . . . nghe Thầy:

    Hương bay rừng trước nực mùi thung,
    Ðạo đức đem về một nẻo chung.
    Cõi thế chờ qua đường mấy dặm,
    Non Thần đợi lóng nhạc năm cung.
    Ngày về thức tỉnh trời trưa sớm,
    Non rạng an vui cảnh bá tùng.
    Chước lánh tìm Tiên đời để dấu,
    Gương soi hậu thế rạng nam trung.

    Thầy để lời cho con rõ, cảnh vui vẻ về sau của gia quyến con, đạo đức soi gương, đem về chung một nẻo. Dầu cho sang vinh trăm mối, tiền của muôn chung, mấy kẻ đặng tìm đến địa vị an nhàn, xủ áo phồn hoa, để gương soi hậu thế.

    Một nhà sau gặp gỡ, ngàn trước vẫn an vui. Ấy là nhứt môn hạnh phúc vậy. Thầy ban ơn các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Ch . . .: (?)

    Nam trung: Trong giới đàn ông con trai.

    Phồn hoa: Nơi dân cư đông đúc, đua chen danh lợi.

    Xủ áo phồn hoa: Bỏ chốn danh lợi, lo việc tu hành.

  • 84. Thuyền nương lánh bến trần

    84. Thuyền nương lánh bến trần

    84. Ngày 23-1-1927 (âl 20-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.

    Rừng thiền ác xế khuất non Tần,
    Vày vã từ đây khỏi nhọc thân.
    Bền dạ tua thìn trau đạo Thánh,
    Ra công khá gắng đắp nền nhân.
    Gặp chiều nhạn trở về rừng trước,
    Ðợi lúc thuyền nương lánh bến trần.
    Mái tóc sương pha thiều nhặt thúc,
    Sanh linh độ dẫn hưởng Thiên ân.

    Chiều thu nguyệt xế, non nhạn ngày thâu, lẩn thẩn ngày tháng qua mau, buổi xuân ngoảnh lại đà xa lắc. Nếu chẳng bền lòng theo nẻo chánh mà thoát lối sông mê thì căn quả trả vay, chẳng biết ngày nào tiêu tận đặng.

    Non cao suối lặng, tìm đến rửa bụi hồng. Ðạo đức làm thang để lên địa vị thanh cao, lánh khỏi đường tội lỗi, thưởng phạt hai đường, gắng công trình sẽ rõ.

    Thầy ban đầy ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tua thìn: Tua là phải, ý buộc. Thìn là gìn giữ cho bền.

    Nền nhân: Nhân là lòng thương người mến vật, thương cả chúng sanh. Nền nhân, ý nói nền Ðạo của Ðức Chí Tôn mở ra cho nhơn sanh tu hành.

    Thuyền nương lánh bến trần: Nương theo chiếc thuyền Bát Nhã để rời khỏi cõi trần, đi lên cõi thiêng liêng hằng sống.

    Thiều nhặt thúc: Thiều quang nhặt thúc, ý nói ngày giờ qua mau. Thiều quang là ánh sáng đẹp, chỉ ngày giờ, thờigian.

    Sông mê: Ðồng nghĩa: Biển khổ (Khổ hải), Bến mê (Mê tân) chỉ cõi trần.

    Tiêu tận: Mất hết. Tiêu là mất, tận là hết.

    Công trình: Việc quyết tâm lập hạnh gìn giữ giới luật tu hành. Con người thường tự dễ dãi với bản thân mình, cho nên việc giữ đúng giới luật rất khó, phải có lòng dũng cảm, ý chí cương quyết mới thực hiện được. Thường nói: Công phu, Công quả, Công trình, gọi chung là Tam Công.

  • 85. Ðức Chí Tôn dạy Ngài Ðầu Sư Thái Nương Tinh

    85. Ðức Chí Tôn dạy Ngài Ðầu Sư Thái Nương Tinh

    85. Ngày 23-1-1927 (âl 20-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.

    N . . . nghe Thầy:

    Ðộng đình trở gót lại ngôi xưa,
    Tuổi ấy qui y nhắm đã vừa.
    Sân hoạn cùng đường gương ngọc rạng,
    Nguồn đào để bước mảnh xuân thưa.
    Nhàn chiều nhặt thúc đời vay trả,
    Non xế quanh co nẻo lọc lừa.
    Khổ hạnh để lòng công quả gắng,
    Lánh trần chi nệ nỗi cay chua.

    Thầy trước đã sai chư Tiên, Phật dùng huyền diệu mà cho con lòng tín ngưỡng. Ấy là muốn dìu bước đường đạo đức, bắc thang mây để độ con trở hồi ngôi cũ.

    Thiên cơ Thầy đã thố lộ nơi Th . . , ráng xem lấy đó mà liệu trong lúc sau nầy.

    Hiếm chi bậc Thánh bị đày vào chốn trần ai khổ nhọc, chìm đắm nơi bến khổ sông mê, dan díu lấy sự say vui mùi thế tục, bước đến cảnh kim mã ngọc đàng mà phủi hết lòng đạo đức, khiến cho ngôi cựu vị phải chịu trôi phủi dòng sông, mà vì đó, thuyền Bát Nhã khó nương cứu vớt đặng.

    Vậy gắng khổ tâm giữ lòng đạo đức mà vẽ bước cho đời sau, lập công quả đặng chờ ngày chung cuộc, phủi nợ trần ai, đem tấm lòng thiện niệm đến Tam Giáo Ðài mà phục hồi cảnh cũ, rừng vắng non nhàn, suối chảy tòng đưa, lánh chốn đọa đày đã bấy lâu ràng buộc.

    Cảnh gia đình phải tiên liệu. Thầy để lời con tua gắng chí, chừng sửa luật phải có mặt nơi Thánh Thất.

    Sau nầy con đặng cầm quyền trong bước Ðạo mà dẫn độ sanh chúng nơi đây, là nơi Thầy đã đặng nhiều môn đệ yêu dấu.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    N . . .: Ngài Ðầu Sư Thái Nương Tinh, thế danh Dương Văn Nương (1870-1929), Tri Huyện Hàm tại Sađec.

    Th .: Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ), sau được thăng lên Thái Ðầu Sư.

    Bài Thánh Ngôn nầy Ðức Chí Tôn dạy Ngài Ðầu Sư Thái Nương Tinh. Ðức Chí Tôn nói: "- Thiên cơ Thầy đã thố lộ nơi Thơ, rán xem đó mà liệu trong lúc sau nầy."

    Ðó là vì ngày 17-1-1927 (âl 14-12-Bính Dần), tức là trước bài Thánh Ngôn nầy 6 ngày, Ðức Chí Tôn giáng dạy Ngài Thái Thơ Thanh như sau:

    ÐS. II. 177: "- Thơ, con đừng lo lắng về Chơn thần con lắm vậy nghe . . . Nhiều phen Thầy nghe con vái, nhưng mà ngày giờ chưa đến nên Thầy chưa nói. Ngày nay Thầy tỏ thiệt cho con hiểu. Con là một chơn linh cùng Quan Âm Bồ Tát. Con đã hiểu rồi, vậy từ đây phải biết mình trân trọng mà trau giồi tánh hạnh nghe.

    Thầy chẳng nói căn cội của Nương e con giận. Vậy Thầy cũng nói luôn để cho anh em nhìn nhau, thương yêu nhau. Nó là Văn Thù Bồ Tát tái thế, nghe à! Nó lập ngôi vị cho con, nó đi một đường với con mà hành đạo cho tới ngày hai con đến đắc quả đặng trở về cùng Thầy."

    Như vậy, Ngài Thái Thơ Thanh là Chơn linh của Từ Hàng Bồ Tát giáng trần; và Ngài Thái Nương Tinh là Chơn linh của Văn Thù Bồ Tát giáng trần.

    Sân hoạn: Trường quan lại.

    Nhàn chiều: Nhạn bay về núi vào lúc chiều tối.

    Nguồn đào: Ðào nguyên, chỉ cảnh Tiên.

    Thang mây: Cái thang bắc lên Trời, cao tận mây.

    Hiếm chi: Ý nói có nhiều lắm.

    Kim mã ngọc đàng: Chỉ cảnh làm quan vinh hiển.

    Thuyền Bát Nhã: Còn gọi là Thuyền sen, Thuyền từ. Người tu khi đạt được trí huệ, tức là đắc đạo, thì ví cái trí huệ ấy như một chiếc thuyền, đưa người tu đến giác ngạn, vào cõi thiêng liêng hằng sống. Bát Nhã là chữ Phạn phiên âm: Prajnâ, nghĩa là trí huệ, cái trí sáng suốt hiểu biết rõ đạo lý.

    Tam Giáo Ðài: Tòa Tam Giáo.

  • 86. Thuyền khơi gặp gió cánh buồm trương

    86. Thuyền khơi gặp gió cánh buồm trương

    86. Ngày 23-1-1927 (âl 20-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ.

    H . . . nghe Thầy:

    Thuyền khơi gặp gió cánh buồm trương,
    Dìu dắt đạo mầu nẻo chánh nương.
    Mùi thế xưa còn lằn bụi trược,
    Mạch sầu nay rửa bến sông hương.
    Chiều xuân sương tỏa lồng sân hoạn,
    Dặm liễu trăng soi rạng bước đường.
    Trăm hạnh để lần sanh chúng dẫn,
    Non Thần vẹt ngút tới tìm phương.

    Ðời thắm thoát, thế gay go, trăm năm thoát qua điều dâu bể, khách trần, hỏi có bao nhiêu kẻ lấy danh phận đem vào cảnh tuyền đài, để nâng mình lên địa vị cao thượng đặng chăng?

    Ngày xuân gần mòn mỏi, khá sớm biết trau xuân, ấy là phương châm dẫn đàng khách phồn hoa vào nơi Cực Lạc.

    Thầy khen lòng thành kỉnh của con, rán độ dẫn sanh linh, ngôi cựu vị ngày sau chẳng mất. Thầy ban ơn cho gia tộc con.

    Thầy ban ơn cả các con. Thăng.

  • 87. Thuyền khơi đợi gió lướt dòng ngân

    87. Thuyền khơi đợi gió lướt dòng ngân

    87. Ngày 26-1-1927 (âl 23-12-Bính Dần)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư chúng sanh.

    Chư chúng sanh nghe:

    Thuyền khơi đợi gió lướt dòng ngân,
    Dẫn khách Nam qua khỏi bến trần.
    Nhuộm áo nâu sồng về Cực Lạc,
    Trau gươm trí huệ phủi đai cân.
    Cơ Trời đến buổi đời thay đổi,
    Ðạo Thánh nhằm khi khách gội nhuần.
    Khổ hạnh dầu ai thìn một kiếp,
    Rừng tòng thoát tục sớm đưa chân.

    Ðạo Trời khai ba lượt, khách tục lỗi muôn phần. Khách trần ai vẫn lấy sự vui vẻ vô vị chốn sông mê nầy mà quên trọn các điều đạo đức của các Ðấng Thánh trước Hiền xưa.

    Chung đỉnh mảng tranh giành, lợi danh thường chác buộc, kiếp phù sanh không mấy lát, đời giả dối chẳng là bao. Sanh đứng làm người, trót đã mang vào mình một vai tuồng đặc biệt, đã chẳng lo bước hành trình cho xong mà đắp bồi nợ mảnh hình hài, ngọn rau tấc đất, lại chác lắm điều phiền não ưu sầu, lấy Thánh đức gọi là chơi, mượn hành tàng vô nghĩa mà làm cho vừa lòng ái mộ bất lương.

    Cái xuân kia chẳng đợi người mà bước đời càng gay trở, lần qua thỏ lặn ác tà, bóng thiều quang nhặt thúc, con đường hy vọng chẳng biết đâu là tột cùng mà bước đời xem đà mòn mỏi, sự thác vô tình sẽ đến mà vẽ cuộc sanh ly pha màu tử biệt, làm cho sự vui vẻ giàu sang danh vọng đều thành ra một giấc huỳnh lương, rồi đây vĩnh biệt ngàn năm, tội tình muôn kiếp.

    Ðài Nghiệt Cảnh là nơi rọi sáng các việc lỗi lầm, bước luân hồi sẽ dẫn vào nơi u khổ cùng sầu mà đọa đày đời đời kiếp kiếp. Ấy là buổi chung qui của khách trần đó.

    Nguồn Tiên, đạo Thánh dìu bước nhơn sanh tránh tội lỗi, lìa nẻo vạy, bước đường ngay, mà lần vào nơi Cực Lạc an nhàn, rừng tòng suối lặng, động thẳm non xanh, để mình vào bực thanh cao, thoát khỏi chốn luân hồi ràng buộc. Ai mau bước đặng nhờ thân, ai luyến trần cam chịu khổn.

    Ðạo Trời mầu nhiệm, khá biết xét mình, sau khỏi điều tự hối. Chúng sanh khá biết cho.

    CHÚ THÍCH:

    Dòng ngân: Dòng sông Ngân Hà trên cõi thiêng liêng. Ðây là dòng sông đau khổ chia cách tình yêu của vợ chồng Ngưu Lang-Chức Nữ, nên nó cũng là biển khổ. Trên dòng Ngân Hà nầy có chiếc thuyền Bát Nhã đậu ở ngoài khơi (Thuyền khơi) chờ rước khách trần đầy đủ công đức trở về ngôi vị cũ nơi cõi thiêng liêng. Cho nên trong Kinh Giải Oan có câu: "Chèo thuyền Bát Nhã Ngân Hà độ sanh."

    Khách Nam: Khách trần là những người Việt Nam.

    Nhuộm áo nâu sồng về Cực Lạc: Ý nói: Phế việc đời, gắng chí tu hành thì đắc đạo, được về ở nơi cõi CLTG.

    Trau gương trí huệ phủi đai cân: Rời bỏ công danh phú quí, lo việc tu hành để đạt được trí huệ, tức là đắc đạo.

    Trần ai: Trần là bụi, ai cũng là bụi. Trần ai là cõi trần.

    Nợ mảnh hình hài: Các món nợ mà thể xác phàm phải mang là: Nợ cha mẹ nuôi dưỡng, nợ đất nước, nợ xã hội.

    Hành tàng vô nghĩa: Những việc làm lộ rõ ra hay còn ẩn kín không ích lợi gì cho ai hết, chỉ để thỏa lòng ích kỷ.

    Ái mộ bất lương: Lòng ưa thích xấu xa.

    Cái xuân kia chẳng đợi người: Cái tuổi trẻ hăng hái khỏe mạnh chẳng đợi ai hết, cứ đi qua theo định luật tự nhiên.

    Sự thác vô tình: Sự chết không có tình cảm tư vị ai hết, tới số thì chết, không thể dùng tình yêu để năn nỉ cho lâu chết, hay dùng tiền bạc lo lót cho đừng chết.

    Tử biệt sanh ly: Hai nỗi đau khổ: Chết thì vĩnh biệt, còn sống mà xa cách nhau.

    U khổ cùng sầu: Chỗ tối tăm, khổ sở, buồn rầu vô cùng.

  • 88. Một xuân qua tức là Ðạo một lần bước chóng

    88. Một xuân qua tức là Ðạo một lần bước chóng

    88. Chợ Lớn (Nhà của Ngài Lê văn Trung)
    Ngày 31-1-1927 (âl 28-12-Bính Dần)

    THẦY

    Các con,

    Ngày qua thấm thoát, nhặt thúc bóng quang âm, xuân mãn kế xuân về, nước non màu cũng vẫn như xưa mà tâm hạnh nhơn tình biết bao thay đổi.

    Một xuân qua tức là Ðạo một lần bước chóng. Ngày nầy năm ngoái vẫn ra sao mà đến ngày nay, màn Chánh giáo đã diềm dà xủ khuất bóng trần, gương trí huệ rạng ngần soi khách tục.

    Thầy mầng cho các con đã chịu lao tâm tiêu tứ mà vun đắp nền Ðạo, làm cho mối tương thân tương ái càng khắn khít vững bền, ráng công thêm nữa mà đi cho cùng bước đường của các con đã chịu lắm nhọc nhằn, vạch lối chông gai, dìu chơn hậu tấn.

    Môn đệ nơi đây mảng buộc ràng nhơn sự mà hiệp chẳng đủ nghe Thánh ý. Vì vậy mà Lý Thái Bạch định cho làm đại lễ nơi Thánh Thất Cầu Kho cho các môn đệ đó có thế hầu đàn đủ mặt.

    T . . , con cũng nên tới chứng đàn và chung cùng mấy em, chư môn đệ cũng vậy.

  • 89. Chấn hưng mối Ðạo là kế bảo tồn quốc túy

    89. Chấn hưng mối Ðạo là kế bảo tồn quốc túy

    89.Thánh Thất Cầu Kho, 1-2-1927 (âl 29-12-B.Dần)
    [Cuối năm Bính Dần, đêm nay Giao thừa, mai là mùng 1 Tết Ð.Mão]

    THẦY

    Các con,

    Thầy lấy làm không bằng lòng cho mấy đứa vắng mặt hôm nay.

    Ngày giờ thôi thúc mà các con còn dụ dự giữa chừng. Nền Ðạo cao thâm là mấy, chí phàm không thấu lý sâu, nếu các con chẳng ra khỏi vòng trần tục thì các con chẳng là luống công theo Thầy kể đã đầy năm.

    Kiếp trần ai lắm nỗi vày vò, các con ở nhằm thời đại nầy, đặng lắm cuộc tân toan, nên mới để ý vào đường đạo đức. Nếu chẳng vậy thì các con cũng đã như ai, đem thân vùi dập trong chốn lợi quyền, tranh tranh cạnh cạnh, biết ngày nào rồi?

    Ấy vậy, các con phải lưu tâm mà chấn hưng mối Ðạo, ấy là kế bảo tồn quốc túy, lại là phương thoát tục.

    Cơ Trời, Thầy không lẽ tỏ ra đây, song các con nên biết xét mình là đứng vào địa vị tối cao hơn muôn vật, nên các con phải có trí độ phi phàm, thì mới có đủ tư cách làm người.

    Các con nên biết, Thầy sanh ra mỗi chủng tộc đều có đặc biệt một phần linh diệu riêng, mà cũng vì nhơn loại không chịu khó tìm tòi cho ra lẽ thiên nhiên, cứ thấy những điều cận lợi mà quên hẳn lương tâm, chẳng hay thương mà hay chém giết lẫn nhau, sanh phương tiện thông đồng không muốn, lại tìm kế sát hại nhau.

    Nếu các con vì Ðạo Thầy là Ðạo gìn công lý mà biết mấy sự đó tránh đi, và rủ nhau hiệp làm mối Ðại đồng, thì chẳng những thuận lòng Trời mà nhân loại đặng gội nhuần ân huệ. Các con hiểu à!

    CHÚ THÍCH:

    Thánh Thất Cầu Kho: Ông Ðoàn Văn Bản làm Ðốc học (Hiệu trưởng) trường Tiểu Học Cầu Kho (nay là trường Tiểu học Trần Hưng Ðạo). Tư gia của Ông khá rộng, ở cạnh trường, số nhà 42 Général Leman (nay là đường Cao Bá Nhạ), được Ðạo mượn dùng làm Thánh Thất thờ Ðức Chí Tôn, lập đàn cầu cơ, thâu nhận môn đệ. Phò loan tại đây là hai Ngài: Nguyễn Trung Hậu và Trương Hữu Ðức.

    Quốc túy: Cái tinh hoa đặc sắc của một nước.

    Chấn hưng mối Ðạo là kế bảo tồn quốc túy, lại là phương thoát tục: Ðất nước Việt Nam, dân tộc VN, được Ðức Chí Tôn lựa chọn để mở Ðạo, ngoài những mục tiêu cao cả của Ðạo Cao Ðài, dân tộc VN nhờ mối Ðạo nầy mà sẽ đạt được 3 điều sau đây:

    - Bảo tồn được quốc túy.
    - Làm chủ tinh thần của nhơn loại.
    - Nhiều người VN sẽ đắc đạo thành Tiên, Phật.
  • 90. Ðức Chí Tôn phong thưởng dịp Tết Ðinh Mão

    90. Ðức Chí Tôn phong thưởng dịp Tết Ðinh Mão

    90. Tây Ninh, 2-2-1927 (âl 1-1-Ðinh Mão): Tết Ð. Mão

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Các con, . . . Mừng các con.

    Trung, Cư, Tắc, mấy con nhớ đêm nay năm rồi thế nào? Còn nay thế nào chăng?

    Trịnh Thị Ái Nữ, Hiếu, hai con đã thấy Thầy giữ lời hứa thế nào chăng?

    Thầy lập Ðạo năm rồi ngày nầy thì môn đệ của Thầy chỉ có 12 đứa, mà 4 đứa đã rơi vào tay Chúa Quỉ, chỉ còn lại 8. Trong 8 đứa thì lại còn một đôi đứa biếng nhác mà không hành đạo.

    Thầy hỏi nếu chẳng phải quyền hành Thầy, dầu cho một vị Phật thiệt lớn giáng thế đi nữa, cũng chưa có phương chi độ hơn bốn muôn sanh linh nhờ tay có 6 đứa môn đệ trong một năm cho đặng bao giờ.

    Thầy vui mừng, Thầy khen tặng hết thảy bốn muôn môn đệ của Thầy.

    Thơ, con đã ngoan đạo, mà sự ngoan đạo của con đó còn độ lắm kẻ. Thầy khen con.

    Bính, Thầy thưởng công con, cho lên chức Phối Sư. Thầy cám cảnh lòng yêu mến của con, Thầy cám ơn lòng đạo đức của con. Sanh linh còn nhờ công con mà thoát qua khổ hải.

    Bản, Thầy thăng chức Giáo Sư.

    Trò, Thầy cho lên chức Giáo Hữu.

    Nhiều đứa khác nữa, ngày mùng 9, Thầy biểu đòi về cho Thái Bạch phong thưởng.

    Thầy ban ơn trọn cả các con, dầu không có mặt tại đây cũng vậy.

    Thầy giở cơ lên, các con đều chun ngang qua cho Thầy ban Phép Lành.

    Thầy cầu cho các con đặng ngoan đạo như Thơ vậy, sửa mình cho nên Chí Thánh, vì Ðạo năm nay sẽ rõ thấu hoàn cầu, môn đệ tăng thêm hằng hà sa số, phận sự các con lại càng nặng nề hơn nữa, nhưng các con nhớ biết thương Thầy, mà hễ thương Thầy thì ắt thương Ðạo, mà hễ thương Ðạo thì thương hết chúng sanh. Các con biết Thầy là trọng thì biết trọng Ðạo, mà hễ trọng Ðạo thì cũng phải trọng cả chúng sanh.

    Trong tháng Giêng nầy, Thái Bạch sẽ hội Nữ phái đặng lập cho hoàn toàn. Thầy trông công các con lắm đó.

    Thầy ban ơn cho các con một lần nữa. Thầy thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Trung: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    Cư: Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.

    Tắc: Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

    Trịnh Thị Ái nữ: Bà Trịnh thị Huệ, thân mẫu của Ngài Cao Q. Cư, đắc phong Nữ Giáo Sư, Thánh danh Hương Huệ.

    Hiếu: Bà Nguyễn Thị Hiếu, hiền thê của Ngài Cao Quỳnh Cư, đắc phong Nữ Giáo Sư trong kỳ phong Thánh Nữ phái lần I, về sau được thăng lên Nữ Ðầu Sư, Thánh danh Hương Hiếu.

    Thơ: Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ), sau được thăng Thái Ðầu Sư.

    Bính: Ngài Giáo Sư Thái Bính Thanh (Lâm Quang Bính), nay được thăng lên Thái Phối Sư. Ngài là người được Ðức Chí Tôn giao cho làm Quả Càn Khôn để thờ nơi BQÐ.

    Bản: Giáo Hữu Thượng Bản Thanh (Ðốc học Ðoàn Văn Bản) nay được thăng lên phẩm Giáo Sư.

    Trò: Lễ Sanh Nguyễn Văn Trò, nay được Ðức Chí Tôn thăng lên Giáo Hữu.

    - Tết năm trước, tức là Tết Bính Dần, Ðức Chí Tôn điểm danh 12 môn đệ đầu tiên.

    - Tết năm nay là Tết Ðinh Mão, Ðức Chí Tôn nói: Nhờ tay có 6 môn đệ lo hành đạo trong một năm mà phổ độ được hơn 40 000 tín đồ . Xin kể tên 6 vị môn đệ nầy ra sau đây:

    1. Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.
    2. Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.
    3. Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.
    4. Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu.
    5. Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Ðức.
    6. Ngài Giáo Sư Thượng Bản Thanh.

    Trong bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn lần đầu tiên ban Phép Lành cho các môn đệ.

  • 91. Ðức Lý lập Pháp Chánh Truyền Nữ phái Cửu Trùng Đài

    91. Ðức Lý lập Pháp Chánh Truyền Nữ phái Cửu Trùng Đài

    91. Tây Ninh, 2-2-1927 (âl 1-1-Ð. Mão): TẾT Ð. MÃO.

    THÁI BẠCH

    Hội Thánh nghe Lão ban sắc phục cho Nữ phái. Nghe và từ đây xem sắc tốt ấy mà hành lễ theo đẳng cấp.

    Nữ phái phải tùng Ðầu Sư Nữ phái, song tùng quyền của Giáo Tông và Chưởng Pháp.

    Ðầu Sư Nữ phái cũng phải chịu công cử theo luật Hội Thánh ban hành, theo luật Hội Thánh ban xử đường Ðời và đường Ðạo.

    Ðầu Sư Nữ phái mặc một Ðạo phục y như Ðạo phục Ðầu Sư Nam phái, phải đội một Ni Kim Cô như các vãi chùa, toàn hàng trắng, chín dải, áo có thêu bông sen. Cái Kim Cô có choàng từ đầu tới gót, đội mão Phương Thiên, trên chót Phương Thiên ngang đầu tóc có Thiên nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí, đi giày Vô ưu màu trắng, trên chót để chữ Hương, nghe à!

    Phối Sư cũng mặc y như vậy, song không có mão Phương Thiên, áo ba dải, nhưng trước ngực có thêu Thiên nhãn Thầy bao quanh một vòng Minh Khí, nghe à!

    Giáo Sư mặc áo ba dải, đội Kim Cô bằng hàng trắng, không đi giày.

    Giáo Hữu mặc Ðạo phục như Giáo Sư, đầu không đội mão, mà giắt một Bông sen, trên Bông sen có Thiên nhãn Thầy.

    Lễ Sanh Nữ phái mặc như Giáo Hữu, nhưng choàng ngang trên đầu một đoạn vải mỏng, cột ra sau ót, thả một mí dài một mí vắn, ngay đầu tóc có giắt một Bông sen.

    Thầy vì thấy nhiều người vắng mặt nên phải đợi đủ mới phong chức. Lâm Hương Thanh hiền muội phải viết thơ mời đủ mặt ngày rằm nầy, Thầy đến phong chức lập thành Nữ phái, nghe à!

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Lý Thái Bạch, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, lập Pháp Chánh Truyền Nữ phái Cửu Trùng Đài, ngày mùng 1 Tết Ðinh Mão (1927).

    Ðiều đặc biệt là Ðức Chí Tôn không lập Pháp Chánh Truyền Nữ phái Cửu Trùng Đài, mà lại giao cho Ðức Lý Thái Bạch lập.

    Trong Pháp Chánh Truyền Chú Giải, Ðức Phạm Hộ Pháp có viết: "Chẳng hiểu có điều chi huyền bí với Thầy cùng Ngọc Hư Cung nên Thầy mới đành lòng nói ra lời ấy, rồi lại cam lòng để cho Ðức Giáo Tông đứng lập, đặng tránh cho khỏi luật lệ Thiên điều hay chăng?"

    "Xem rõ lại thì Pháp Chánh Truyền truất quyền Nữ phái không cho lên địa vị Chưởng Pháp và Giáo Tông."

    Chức sắc Nữ phái Cửu Trùng Đài chỉ có 1 vị Nữ Ðầu Sư, 1 vị Nữ Chánh Phối Sư, còn số lượng Nữ Phối Sư, Nữ Giáo Sư, Nữ Giáo Hữu, đều không hạn định như Chức sắc Nam phái Cửu Trùng Đài. Ðây là ân huệ lớn lao của Ðức Chí Tôn dành riêng cho Nữ phái.

  • 92. Thượng Chưởng Pháp TƯƠNG

    92. Thượng Chưởng Pháp TƯƠNG

    92. Tây Ninh, TẾT ÐINH MÃO
    Ngày 2-2-1927 (âl 1-1-Ðinh Mão)

    Thượng Chưởng Pháp TƯƠNG

    Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội.

    Mừng ... Mừng ... Mừng ... Vui ... Vui ... Vui ...

    Ðại phước cho cả nhơn sanh, đại hạnh cho Ðịa cầu số 68 nầy, em còn phải công quả phổ độ mới vào đặng Tam thập lục Thiên, nhờ Ðại Từ Phụ cứu độ em, khuyên nhủ cùng chư huynh khá coi Thiên vị mình là trọng, vì là của quí báu vô giá; còn sụt sè đường đạo, xin nhớ lấy danh em, cự chống cùng Tà ma Quỉ mị cám dỗ.

    Tương đây, công cán chẳng chi mà còn đặng địa vị nầy, huống lựa là mấy anh độ rỗi toàn cả Cửu nhị Nguyên nhân, thì phẩm cựu sẽ đặng trổi thêm thế nào! Xét lấy đủ vui lòng mà hành đạo. . . . . . . . .

    CHÚ THÍCH:

    Cửu nhị Nguyên nhân: 92 ức Nguyên nhân. Thời Thái cổ, Ðức Phật Mẫu cho 100 ức Nguyên nhân xuống trần khai hóa nhơn loại. Số 100 ức Nguyên nhân nầy xuống trần nhiễm trược trần nên không trở về thiêng liêng được. Ðức Chí Tôn mở Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, độ được 6 ức; rồi mở Nhị Kỳ Phổ Ðộ độ được 2 ức nữa; còn lại 92 ức đang chìm đắm nơi cõi trần. Mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy, Đức Chí Tôn có ý cứu độ hết 92 ức Nguyên nhân nầy trở về cựu vị. Ðây là lần cứu độ thứ ba và cũng là lần chót.

  • 93. Thảm! Thảm! Thảm!

    93. Thảm! Thảm! Thảm!

    93. Tây Ninh, ngày 5-2-1927 (âl 4-1-Ðinh Mão)

    THÁI BẠCH

    Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh, hảo hội hiệp.

    Thảm cho nhơn loại! Khổ cho nhơn loại!

    Ðời quá dữ, tội tình ấy, hình phạt kia cũng đáng đó chút.

    Lão đã vì thương yêu nhơn sanh, hội mười ngày nơi Bạch Ngọc Kinh, cãi cho qua nạn nhơn loại, nhưng luật Thiên điều chẳng dễ chi sửa đặng.

    Nạn tiêu diệt hầu gần, hết chém giết lẫn nhau tới buổi bịnh chướng sát hại. Lão thấy hình phạt phải châu mày, nhưng ôm lòng ráng chịu, lạy lục khẩn cầu.

    Chư đạo hữu đâu rõ thấu, ngơ ngơ ngáo ngáo như kẻ không hồn, thấy càng thảm thiết!

    Lão tưởng chẳng cần phải nói chi một nước nhỏ nhoi đã đặng danh Thánh Ðịa là nước Nam nầy, mà Lão xin không đặng tội cho thành Sài gòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh, Huế, Hải Phòng, Hà Nội thay!

    Thảm! Thảm! Thảm!

  • 94. Bát Nương giáng sắp đặt buổi Ðại lễ Vía Ðức Chí Tôn

    94. Bát Nương giáng sắp đặt buổi Ðại lễ Vía Ðức Chí Tôn

    BÁT NƯƠNG

    Chào quí anh, quí chị.

    Mời bình thân.

    Năm mới, chùa mới, vạn sự đều mới, vậy em đến cầu chúc cho quí anh quí chị đặng những điều mới mẻ may mắn. Tân Xuân đây, quí anh quí chị coi bộ ráng nông trang hành đạo.

    Em cho biết, phàm mỗi năm, những vị nào trong lúc ngày Xuân, biết lo phụng sự Thần, Thánh, Tiên, Phật thì công đức đặng xấp bằng hai lần ngày thường.

    Còn việc các Ðấng phú thác cho mình, hoặc yêu cầu mình thi hành một vấn đề nào, nếu mình trọn tin mạng pháp thì các Ðấng cũng ghi công cho. Nhược bằng mình không tuân hoặc lười biếng trễ nãi, thì các Ðấng lại ghi tội cho.

    Vậy, xin các anh các chị ráng hiểu giùm.

    Muôn việc chi khởi đầu đều khó, nhưng cái khó mình lướt qua đặng, mới có công, mới anh hùng, mới chí sĩ, mới đáng đạo sĩ.

    Quí anh quí chị đều ăn mặc sung sướng, ngày nay đổi lại chịu phận nâu sồng, cũng khá thương đó, nhưng chưa nghèo phải học nghèo, chưa khổ phải học khổ, kế chí quân tử, cư bất cầu an, thực bất cầu bảo, chỉ cặm cụi quanh năm lo cho xã hội được no ấm thôi, biết người quên mình, đó là phận sự kẻ tu hành, đến bực tối thượng thừa cũng phải như thế, mới tròn nghĩa vụ.

    Luôn dịp, em sắp chương trình hành lễ Ðức Chí Tôn.

    Ðến ngày mùng 8, các anh các chị cũng ráng công quả hai ngày, nhang đèn hành Ðại lễ.

    Quí anh tầm một phương pháp, dùng tạm thời một ngọn đèn có đủ yếng sáng, vì chúng ta không có những đèn có đủ yếng sáng, nên cùng chẳng đã phải tạm đó thôi. Ðèn bảy ngọn, cũng có lẽ đặt tên là Thất Tinh. Quí anh quí chị luận coi. Em xin tạm năm phút đồng hồ cho quí anh quí chị suy nghĩ, rồi trả lời từ anh từ chị. (Ngưng cơ một lúc)

    Xong chưa?

    Bạch rằng: Có cái đèn của anh Phối Sư, tuy cũ nhưng chùi lau có lẽ cũng tốt.

    Em gọi rằng tạm thì vật chi miễn có đủ bảy ngọn đèn thì có thể dùng được.

    Bạch: Ðèn Thất Tinh, Bà định treo ở đâu?

    - Ðể tại đây thế cho ngọn đèn trước hết, để khi nào có cầu đàn mới dùng, còn thường ngày khỏi phải đốt lên, vì một là cho đủ yếng sáng, hai là rọi Chơn thần của quí anh quí chị cho sáng lạn minh mẫn. Ðúng giờ Tý nầy khởi lễ. Khi cầu các Ðấng, phải ráng thủ lễ. Mãn lễ cũng để nhang đèn như kỳ nầy vậy.

    - Bạch: Xin Bà cho biết có tụng Sám Hối hay Kinh chi thêm?

    - Ðức Ðại Tiên Trưởng cho hay rằng: Ngài đã yêu cầu Ðức Chí Tôn bữa Ðại lễ giáng đàn. Vậy ngày kế, quí anh quí chị sẽ đọc kinh cũng như ngày Xuân, song khoản cầu trong Kinh Cứu Khổ, chỗ xưng hô đệ tử, xin quí anh quí chị đổi lại "cầu chung cả cho chúng sanh". Khi Ðức Chí Tôn giáng, chẳng nên mật niệm điều chi và chẳng nên chạy qua chạy lại.

    Ðánh chuông phải sắp đặt cho có một vị đứng Hầu chung cho sẵn, đến khi xưng tên thì mới hầu chung.

    - Bạch: Xin Bà cho biết, lạy rồi mới hầu chung phải chăng?

    - Xưng tên rồi, cơ ngưng, sẽ hầu chung. Khi Chí Tôn thăng, quí anh quí chị cả thảy phải lạy đưa, rồi tái cầu, có Ðức Mẹ giáng đàn. Chư Tiên, chư Phật hầu lễ tại Ðiện tiền, cậy em thay mặt trao lời cầu chúc ngày Xuân cho quí anh quí chị.

    Xin quí anh quí chị ráng nắm gốc cây cho chắc, kẻo gió lớn thổi bay đa! Ví dầu có thổi thế nào thì em xin quí anh quí chị ráng bịn gốc lại nghe.

    Em xin dâng cho quí anh cùng quí chị thêm một tuổi nữa. Em xin kiếu. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy của Bát Nương không có đề ngày và nơi giáng cơ, nhưng theo nội dung của bài nầy, Bát Nương giáng sắp đặt buổi Ðại lễ Vía Ðức Chí Tôn đêm mùng 8 tháng Giêng năm Ðinh Mão tại Thánh Thất mới là Từ Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh, nên có lẽ giáng vào đêm mùng 6 hoặc mùng 7 tháng Giêng năm Ðinh Mão, tại Từ Lâm Tự, Gò Kén.

    Nông trang: Nôn nóng thúc giục làm việc.

    Mạng pháp: Mạng lịnh và phép tắc.

    Chí sĩ: Người có chí khí lớn, quyết tâm đấu tranh cho chánh nghĩa.

    Ðạo sĩ: Người phế bỏ việc đời, chuyên tâm tu hành.

    Cư bất cầu an, thực bất cầu bão: Ở không mong được yên, ăn không mong được no, ý nói: Không cần phải có những tiện nghi vật chất đầy đủ cho đời sống. Sách Luận Ngữ có viết: Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học giả dĩ. Nghĩa là: Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu yên, làm việc thì cần mẫn, nói điều gì thì thận trọng, tìm người có đạo mà theo học, để làm cho chánh đáng ngôn ngữ và hành vi của mình. Ðược như thế mới có thể gọi là người hiếu học.

    Sáng lạn: Rực rỡ, sáng sủa. (Xán lạn: Rực rỡ).

    Hầu chung: Người đứng kế bên cái chuông giữ phận sự đánh chuông cho mọi người làm lễ đồng một lượt.

    Cuối bài Thánh Ngôn, Bát Nương tiên tri: Chức sắc sẽ bị thử thách, và dặn giữ vững đức tin nơi Ðức Chí Tôn.

  • 95. Hễ Ðạo còn thì Hiệp Thiên Ðài vẫn còn

    95. Hễ Ðạo còn thì Hiệp Thiên Ðài vẫn còn

    95. Ngày 13-2-1927 (âl 12-1-Ðinh Mão)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Các con.

    Cả chư môn đệ khá tuân mạng.

    Hiệp Thiên Ðài là nơi Thầy ngự cầm quyền thiêng liêng mối Ðạo. Hễ Ðạo còn thì Hiệp Thiên Ðài vẫn còn.

    Thầy đã nói Ngũ Chi Ðại Ðạo bị qui phàm là vì khi trước Thầy giao Chánh giáo cho tay phàm, càng ngày càng xa Thánh giáo mà lập ra Phàm giáo, nên Thầy nhứt định đến chính mình Thầy đặng dạy dỗ các con mà thôi, chớ không chịu giao Chánh giáo cho tay phàm nữa.

    Lại nữa, Hiệp Thiên Ðài là nơi của Giáo Tông đến thông công cùng Tam thập lục Thiên, Tam thiên Thế giới, Lục thập bát Ðịa cầu, Thập Ðiện Diêm Cung, mà cầu siêu cho cả nhơn loại.

    Thầy đã nói sở dụng thiêng liêng, Thầy cũng nên nói sở dụng phàm trần của nó nữa.

    Hiệp Thiên Ðài dưới quyền Hộ Pháp chưởng quản, tả có Thượng Sanh, hữu có Thượng Phẩm.

    Thầy lại chọn Thập nhị Thời Quân chia làm ba:

    1. Phần của Hộ Pháp chưởng quản về PHÁP thì:

    - Hậu là Bảo Pháp, (1)
    - Ðức là Hiến Pháp,
    - Nghĩa là Khai Pháp,
    - Tràng là Tiếp Pháp,

    Lo bảo hộ Luật đời và Luật Ðạo, chẳng ai qua Luật mà Hiệp Thiên Ðài chẳng biết.

    2. Thượng Phẩm thì quyền về phần ÐẠO, dưới quyền:

    - Chương là Bảo Ðạo,
    - Tươi là Hiến Ðạo,
    - Ðãi là Khai Ðạo,
    - Trọng là Tiếp Ðạo, (2)

    Lo về phần Ðạo nơi Tịnh Thất, mấy Thánh Thất, đều xem sóc chư môn đệ Thầy, binh vực chẳng cho ai phạm Luật đến khổ khắc cho đặng.

    3. Thượng Sanh thì lo về phần ÐỜI:

    - Bảo Thế thì Phước,
    - Hiến Thế: Mạnh,
    - Khai Thế: Thâu,
    - Tiếp Thế: Vĩnh.

    Thầy khuyên các con lấy tánh vô tư mà hành đạo.

    Thầy cho các con biết trước rằng: Hễ trọng quyền ắt trọng phạt. Thầy ban ơn cho các con.


    (1) Bảo là giữ gìn; Hiến là dâng; Khai là mở, bày ra; Tiếp là rước.

    (2) Ông Cao Ðức Trọng đắc phong Tiếp Ðạo sau hết.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Ðài, ngày 12-1-Ðinh Mão, và phong chức chánh thức cho Thập nhị Thời Quân, mà trước đây, Ðức Chí Tôn chỉ tạm phong là: Tiên Ðạo Phò Cơ Ðạo Sĩ.

    Chức sắc cầm quyền Hiệp Thiên Ðài gồm:

    * Chưởng quản Hiệp Thiên Đài và chưởng quyền chi Pháp: Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, phụ tá Hộ Pháp có Thượng Phẩm và Thượng Sanh.
    * Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư chưởng quyền chi Ðạo.
    * Ðức Thượng Sanh Cao Hoài Sang chưởng quyền chi Thế.

    Dưới Hộ Pháp, Thượng Phẩm và Thượng Sanh có Thập nhị Thời Quân, chia ra ba Chi: Pháp, Ðạo, Thế.

    * Chi Pháp gồm bốn vị Thời Quân:

    . Bảo Pháp: Nguyễn Trung Hậu.
    . Hiến Pháp: Trương Hữu Ðức.
    . Khai Pháp: Trần Duy Nghĩa.
    . Tiếp Pháp: Trương Văn Tràng.

    * Chi Ðạo gồm bốn vị Thời Quân:

    . Bảo Ðạo: Ca Minh Chương.
    . Hiến Ðạo: Phạm Văn Tươi,
    . Khai Ðạo: Phạm Tấn Ðãi.
    . Tiếp Ðạo: Cao Ðức Trọng.

    * Chi Thế gồm bốn vị Thời Quân:

    . Bảo Thế: Lê Thiện Phước.
    . Hiến Thế: Nguyễn Văn Mạnh.
    . Khai Thế: Thái Văn Thâu.
    . Tiếp Thế: Lê Thế Vĩnh.

    Theo ÐS.II. 11-12, để dự bị Thập nhị Thời Quân, Đức Chí Tôn lập 6 cặp Phò loan, phong là Tiên Ðạo Phò Cơ Ðạo sĩ, gồm:

    . Trương Hữu Ðức - Nguyễn Trung Hậu: Phò loan tại đàn Cầu Kho (nhà của Ông Ðoàn Văn Bản).
    . Trần Duy Nghĩa - Trương Văn Tràng: Phò loan tại đàn Lộc Giang (Phuớc Long Tự Chợ Ðệm, sư trụ trì:Yết Ma Giống)
    . Phạm Văn Tươi - Ca Minh Chương: Phò loan tại đàn Tân Kim (nhà Hội Ðồng Nguyễn Văn Lai, xã Tân Kim, Cần Giuộc)
    . Nguyễn Thiêng Kim - Phạm Tấn Ðãi: Phò loan tại đàn Long Thành Tự ở gần Chợ Rạch Kiến, Cần Ðước).
    . Huỳnh Văn Mai - Võ Văn Nguyên: Phò loan tại đàn Thủ Ðức (nhà của Ông Ngô Văn Ðiều, gần Chợ Thủ Ðức).
    . Nguyễn Văn Mạnh - Lê Thiện Phước.

    Khi lập Pháp Chánh Truyền Hiệp Thiên Đài, ba vị Phò loan: Nguyễn Thiêng Kim, Huỳnh Văn Mai, Võ Văn Nguyên không đến dự, nên ba vị nầy không được vào Thập nhị Thời Quân Hiệp Thiên Đài. Ðức Chí Tôn phong cho ba vị khác là: Thái Văn Thâu, Lê Thế Vĩnh, Cao Ðức Trọng.

    Ngài Cao Ðức Trọng được Ðức Chí Tôn phong sau cùng khi Ðức Chí Tôn bảo Ðức Phạm Hộ Pháp lên Nam Vang mở đạo. Tại Nam vang, Ðức Phạm Hộ Pháp phò loan cùng Ngài Cao Ðức Trọng, để Ðức Chí Tôn giáng thâu môn đệ.

    Ngài Cao Ðức Trọng được Ðức Chí Tôn ân phong Tiếp Ðạo ngày 27-7-1927 (âl 29-6-Ðinh Mão).

    Thông công: Liên lạc với các Ðấng thiêng liêng qua cơ bút của Hiệp Thiên Đài để tham khảo ý kiến hay nhận mệnh lệnh.

    Lục thập bát Ðịa cầu: 68 Ðịa cầu, tính từ Ðịa cầu số 68 của nhơn loại đi lên, trong dãy Thất thập nhị Ðịa. Dưới Ðịa cầu số 68 còn 4 quả nữa, gọi là U Minh Ðịa.

    Thập Ðiện Diêm Cung: 10 Cung Ðiện của 10 vua Diêm Vương (Thập Ðiện Diêm Vương).

    Sở dụng: Cái công dụng quan trọng của nó.

  • 96. Ðức Chí Tôn dạy Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh

    96. Ðức Chí Tôn dạy Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh

    96. Tây Ninh (Chùa Gò Kén)
    Ngày 13-2-1927 (âl 12-1-Ðinh Mão)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Thầy đã lập Ðạo nơi cõi Nam nầy là cốt để ban thưởng một nước từ thuở đến giờ hằng bị lắm cơn thạnh nộ của Thầy. Thầy lại tha thứ, lại còn đến ban thưởng một cách vinh diệu.

    Từ tạo Thiên lập Ðịa, chưa nước nào dưới quả Ðịa cầu 68 nầy đặng vậy. Cốt để ban thưởng các con, thì các con hưởng phần hơn đã đáng, lẽ nào Thầy đã để phần nhiều cho các nước khác sao!

    Ôi! mà hại thay! thảm thay! đau đớn thay! Hòn ngọc đẹp đẽ quí báu dường nầy, Thầy đến cho các con, các con lại học kiêu căng trề nhún.

    Thầy đã chán mắt thấy phái Nữ hành đạo thế nào, biết bao phen Thầy buồn, mà buồn rồi lại giận, muốn chẳng lập Nữ phái mà làm gì, nhưng trai gái cũng đồng con, Thầy không nỡ đành lòng từ bỏ.

    Thầy lại thương con (1) nên đã lắm phen lấy khảo trừ công cho con trở lại phẩm cũ, bởi một lời đã hứa với Quan Âm, Thầy mới nhứt định dành phần công quả ấy cho con.

    Con ôi! Thầy thấy con đau thảm bấy nhiêu, một phen lầm lỗi lẽ nào bỏ nghiệp muôn năm. Con coi đó mà coi, Thầy thương con là bao nhiêu?

    Thầy giữ Nữ phái lại cũng vì con. Thầy kêu nó không đến, Thầy dạy nó không nghe, muốn phạt cho đáng kiếp mà bụng cũng chẳng đành. Con là chị, Thầy đến lập Tam Kỳ Phổ Ðộ chỉ vụ một chữ HÒA, con liệu đứa nên dùng đẹp lòng con, kêu tên cho Thầy phán đoán.

    Tr . . . , con giúp em nghe! Thăng.


    Ghi chú: (1) Con: là Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn 96 trên đây có trong ÐS.I.115 và ÐS.II.215. Phò loan: Hộ Pháp - Thượng Phẩm.

    Cuối bài, Bà Nữ Giáo Sư Nguyễn Hương Hiếu (về sau đắc phong Nữ Ðầu Sư) có dẫn giải, xin chép ra sau đây:

    "XIN PHÉP DẪN GIẢI:

    Hồi mở Ðạo, chư vị Nữ phái Sài Gòn chưa hiểu Ðạo cho lắm, cũng vì có bổn phận tề gia nội trợ nên sự hành đạo bê trễ, vắng mặt mấy kỳ đàn, nên bị Thầy quở.

    Bài Thánh giáo trước đây, Ðức Chí Tôn nói với Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh, do bài trường thiên của Ðức Phật Bà cho biết Chơn linh Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh.

    Chơn linh Bà Nữ Ðầu Sư Hương Thanh là Long Nữ hầu Ðức Quan Âm Bồ Tát, lúc Bà Long Nữ tình nguyện lãnh lịnh nơi Ngọc Hư Cung, Bà Long Nữ có hứa với Phật Bà xuống thế độ Nữ phái, nên Thầy mới nhứt định dành phần công quả lại cho Bà Nữ Ðầu Sư Lâm Hương Thanh.

    Xin xem kỹ câu văn Thầy nói: Một phen lầm lỗi, lẽ nào bỏ nghiệp muôn năm. Nghĩa là: Thầy định lập Tam Kỳ Phổ Ðộ mười ngàn năm nay, không vì sự lỗi của Nữ phái mà bỏ cho đành.

    Nhận xét lòng bác ái của Thầy vô tận vô biên. Thầy quở mà Thầy thương, rồi lại ban thưởng nữa, nên Thầy kêu Bà Nữ Ðầu Sư lập thông qui kêu tên Nữ phái cho Thầy chấm phong.

    Tóm lại, nhờ Bà Nữ Ðầu Sư, tất cả Nữ phái có hầu đàn đêm 14 tháng Giêng năm Ðinh Mão ( dl 13-2-1927) đặng thọ phẩm tước hết."

    (Người giải: Nữ Giáo Sư Hương Hiếu)

    Tr . .: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    Cõi Nam: Ý nói nước Việt Nam.

    Hòn ngọc đẹp đẽ quí báu dường nầy: Ý nói nền Ðạo quí báu và cao thượng mà Ðức Chí Tôn đem đến cứu độ dân tộc VN và toàn cả nhơn loại trên mặt Ðịa cầu nầy.

    Lấy khảo trừ công: Vì có tội, cho nên thay vì bị khảo đảo cho đau đớn khổ sở, thì vì lòng thương, Ðức Chí Tôn không nỡ, chỉ lấy bớt công quả để trừ tội mà thôi. Lấy khảo trừ công đồng nghĩa: Lấy công chuộc tội, Tương công chiết tội.

    Phẩm vị Nữ Ðầu Sư là phẩm cao nhứt của Nữ phái Cửu Trùng Đài, nên được xem là Chị lớn của Nữ phái.

  • 97. Các con biết tự lập thì Thầy mới vui lòng

    97. Các con biết tự lập thì Thầy mới vui lòng

    97. Thánh Thất Cầu Kho

    Ngày 19-2-1927 (âl 18-1-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Thầy vì lẽ công mà phong chức sắc cho mỗi đứa cũng là do Tòa Tam Giáo xin, chớ xem lại trong hàng môn đệ đã thọ tước cũng chưa đặng thấy mấy đứa cho xứng đáng.

    Vậy các con đứa nào đã được thưởng phong cũng chẳng nên vội mừng mà quên phận sự, còn mấy đứa chưa đặng phong thưởng cũng không nên vội buồn mà thất đạo tâm. Các con hiểu à!

    Thầy ước sao các con biết tự lập thì Thầy mới vui lòng, chớ các con nhập môn cho đông, lãnh Thiên phong cho nhiều mà không đủ tư cách thì các con phải tự hỏi mình coi có bổ ích vào đâu chăng?

    Hiểu à!

  • 98. Tam Trấn giáng Thi

    98. Tam Trấn giáng Thi

    98. Ngày 19-2-1927 (âl 18-1-Ðinh Mão)

    QUAN THÁNH ÐẾ QUÂN

    Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh.

    Quang minh huệ nhãn chiếu càn khôn,
    Thánh đức lưu tâm quốc bảo tồn.
    Ðế Việt san hà chung hạnh đạt,
    Quân tranh thế giới Ðạo khai môn.

    QUAN ÂM giáng cơ

    Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai.

    Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh.

    Nam thành Chánh giáo cứu sanh linh,
    Hải đức dương chi cải thế tình.
    Quan niệm Thiên ân tai ách giải,
    Âm phong nhựt tản chiếu đơn đình.

    LÝ THÁI BẠCH giáng cơ

    Lý Bạch.

    Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh.

    Thái hòa dương thạnh Ðạo nam khai,
    Bạch tú Thiên đăng đắc cảm hoài.
    Kim tác liên tâm cơ hậu thế,
    Tinh thành lộ dẫn chiếu Vân đài.

    Chư chúng sanh khá đại tịnh đặng tiếp giá Ðức Từ Bi.

    CHÚ THÍCH:

    * Bài Thi của Ðức Quan Thánh viết ra chữ Hán:

    Quang minh huệ nhãn chiếu càn khôn, 光明慧眼照乾坤
    Thánh đức lưu tâm quốc bảo tồn. 聖德留心國保存
    Ðế Việt san hà chung hạnh đạt, 帝越山河終幸達
    Quân tranh thế giới Ðạo khai môn. 君爭世界道開門

    GIẢI NGHĨA:

    - Con mắt trí huệ chiếu sáng Càn khôn thế giới,
    - Thánh đức lưu tâm bảo tồn quốc gia.
    - Non nước Việt Nam cuối cùng đạt được hạnh phúc,
    - Các vua trên thế giới chiến tranh với nhau thì Ðạo mở ra (để cứu nhơn sanh).

    * Bài Thi của Ðức Quan Âm viết ra chữ Hán:

    Nam thành Chánh giáo cứu sanh linh, 南城正敎救生靈
    Hải đức dương chi cải thế tình. 海德楊枝改世情
    Quan niệm Thiên ân tai ách giải, 觀念天恩災厄解
    Âm phong nhựt tản chiếu đơn đình. 音風日散照丹庭

    GIẢI NGHĨA:

    - Nền Chánh giáo tại nước Việt Nam cứu độ sanh linh,
    - Ðức lớn, cành dương rải nước Cam lồ sửa đổi tình đời.
    - Quan niệm rằng ơn Trời giải được tai ách,
    - Tiếng gió, ánh sáng mặt trời tỏa ra chiếu sáng sân chầu vua.

    * Bài Thi của Ðức Lý Thái Bạch viết ra chữ Hán:

    Thái hòa dương thạnh Ðạo nam khai, 太和陽盛道南開
    Bạch tú Thiên đăng đắc cảm hoài. 白宿天燈得感懷
    Kim tác liên tâm cơ hậu thế, 金作蓮心機後世
    Tinh thành lộ dẫn chiếu Vân Ðài 星成路引照雲臺

    GIẢI NGHĨA:

    - Rất hiệp hòa, khí dương thạnh, Ðạo mở ở VN,
    - Sao Thái Bạch sáng như đèn Trời được mọi người cảm nhớ.
    - Sao Kim làm cái tâm thành tòa sen cho hậu thế,
    - Tinh tú thành dẫn đường đến đài vinh quang.

    Ðại tịnh:Giữ cái tâm cho hoàn toàn trong sạch.

    Tiếp giá:Nghinh tiếp Ðức Chí Tôn.

    Ðức Từ Bi:Ý nói Ðức Chí Tôn.

  • 99. Thầy muốn cho các con thương yêu như con một nhà.

    99. Thầy muốn cho các con thương yêu như con một nhà.

    99. Ngày 19-2-1927 (âl 18-1-Ðinh Mão)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.

    Thầy để lời mừng các môn đệ nơi đây có dạ kính thành và lo phận sự mà dìu dắt sanh linh bước vào nẻo chánh.

    Ðạo phát trễ một ngày thì nhơn sanh tội lỗi cả muôn ngàn. Vì vậy mà Thầy muốn cho mỗi đứa đều để lòng lo liệu chấn hưng nền Thánh giáo.

    Ðiều Thầy vui hơn hết là muốn cho các con thương yêu giúp lẫn nhau như con một nhà, phải đồng tâm hiệp chí chia vui sớt nhọc cho nhau, nương đỡ dìu dắt nhau, đem lên con đường đạo đức, tránh khỏi bến trần ai khốn đốn nầy, mà cả muôn triệu sanh linh đã chìm đắm vì mồi phú quí, bả vinh hoa.

    Thầy trông mong nơi các con, chớ nên vì chuyện nhỏ mọn phàm tục mà bứt hẳn mối tương thân tương ái, thì chẳng phải là đức tánh của tu hành đó. Thăng.

  • 100. Lập công chiết quả

    100. Lập công chiết quả

    100. Ngày 20-2-1927 (âl 19-1-Ðinh Mão)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư chúng sanh.

    Chư chúng sanh nghe:

    Ðạo Trời khai ba lượt, nguồn Thánh độ muôn người. Thìn lòng để bước vào nẻo thẳng đường ngay mà kiếm cho thấu đáo mối huyền vi Tạo hóa đã sắp bày độ dẫn, nhuần gội ơn huệ cho sanh linh đương buổi Hạ nguơn nầy.

    Ai là khách hữu phần, ai là người vô quả, tánh thiêng liêng đã vì công lý mà ra tay tế độ, vớt kẻ giữa bến trần, khá biết thời thế lần vào nương dựa bóng thái dương, để bước vào con đường minh huệ, tìm suối lặng non Thần, rửa chút bợn nhơ đã vì phong trào mê muội mà cam chịu lấp kín gót trần.

    Ta, vì lấy đức háo sanh, mượn giọt từ bi, hội Tam Giáo, mà rưới khắp Càn khôn, để độ rước những bậc Chí Thánh đọa trần trước kỳ Thiên điều hành phạt.

    Họa Âu tai Á sẽ vì nơi Thiên thơ mà sát phạt, gieo sầu để thảm cho những giống dân nào đã vì hung bạo mà gây nên điều thán oán khắp cả Càn khôn nầy.

    Ai mau bước đặng gặp mối chánh dẫn truyền mà lần lập công chiết quả, để lánh cả muôn điều phiền não về sau. Chúng sanh khá biết cho! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Huyền vi: Huyền là sâu kín, vi là phần tử rất nhỏ. Huyền vi đồng nghĩa huyền diệu. Mối huyền vi: Ðạo Trời.

    Vô quả: Không có quả, tức nhiên không có nhân. Vô quả là không có nhân quả. Người vô quả là người không có nhân quả nơi cõi trần nầy, tức là không do luân hồi, mà là người lãnh nhiệm vụ của các Ðấng thiêng liêng xuống trần để cứu độ nhơn sanh.

    Thái dương: Mặt Trời. Nương dựa bóng thái dương: Ý nói nương dựa dưới bóng của Ðức Chí Tôn, tức là đem thân vào cửa Ðạo.

    Minh huệ: Trí huệ sáng suốt. Con đường minh huệ: Con đường tu hành để đạt được trí huệ, đắc đạo.

    Lấp kín gót trần: Sự mê muội, tấm màn vô minh đã phủ kín con người nơi cõi trần, khiến con người càng thêm mê muội. Muốn thoát khỏi vô minh thì chỉ có một con đường duy nhứt là tu hành.

    Lập công chiết quả: Làm công quả để lấy công ấy mà trừ nghiệp chướng. Chiết là trừ bớt. Quả là cái kết quả của cái Nhân, Nhân xấu thì gây Nghiệp xấu và tạo Quả xấu.

  • 101. Thầy dạy nơi cất Tòa Thánh tại Tây Ninh

    101. Thầy dạy nơi cất Tòa Thánh tại Tây Ninh

    101.Chùa Gò Kén (Từ Lâm Tự)
    Ngày 21-2-1927 (âl 20-1-Ðinh Mão)

    THÁI BẠCH

    Chư hiền hữu chỉnh tề đợi kiến giá Chí Tôn.

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Con nghe:

    Nơi nào Thầy ngự thì nơi ấy là Thánh Ðịa.

    Thầy đã ban sắc cho Thần Hoàng Long Thành thăng lên chức Văn Xương, vào trấn nhậm làng Hiệp Ninh, dạy dỗ dân về Ðạo, Thầy ban trọn quyền thưởng phạt đặng răn làng ấy cho đến ngày biết ăn năn cải quá. . .

    Vậy thì làng Long Thành, các con khá an lòng.

    Còn Tòa Thánh thì Thầy muốn cho có nhơn lực hiệp cùng Thiên ý, ấy là hạnh của Thầy, các con nên xem gương mà bắt chước.

    Từ Thầy đến lập Ðạo cho các con đến giờ, Thầy chưa hề một mình chuyên quyền bao giờ. Các con lựa chọn nơi nào mà Hội Thánh vừa lòng thì đẹp lòng Thầy.

    Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh. Chi Chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.

    Các con đã hiểu Thánh ý Thầy, phải cần kiệm, mỗi sự chi vì phương tiện mà thôi.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn 101 nầy có trong ÐS. II. 244. Sau bài nầy còn một đọan nữa, xin chép bổ sung ra đây:

    "Thơ! Thầy giao cho con góp tư bổn trong một tháng cho rồi, dặn các em con rằng: Danh thể của Ðạo nơi Tòa Thánh, nghe à! Sau Thái Bạch sẽ dạy con kiểu vở.

    Cẩm Giang thì các con phải chịu khổ về phần ăn uống.

    Bến Kéo thì địa thế hẹp hòi.

    Chớ chi các con khôn ngoan lấy cớ rằng: Vì lợi ích lương sanh, vì đạo đức mà ký chánh phủ cho các con mé rừng cấm bên kia đường thì là đẹp lắm! Các con liệu thử.

    Thơ! Suối Vàng thì đặng, phương chở chuyên không thuận tiện, song phong thổ tốt đẹp, con cũng yêu cầu Hội Thánh xét nét, nghe à! Thầy ban ơn cho các con."

    Trước đây, Hòa Thượng Như Nhãn hiến chùa Từ Lâm cho Ðạo Cao Ðài làm Thánh Thất để tổ chức Lễ Khai Ðạo. Sau đó Hòa Thượng Như Nhãn bị thử thách nên mất đức tin, không theo Ðạo Cao Ðài nữa và đòi chùa lại. Hội Thánh đồng ý trả chùa. Ðức Chí Tôn và Ðức Lý Thái Bạch dạy Hội Thánh đi kiếm mua đất để cất Tòa Thánh.

    Ðức Chí Tôn dặn: Chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi.

    Ðức Chí Tôn lại gợi ý: Cẩm Giang, Bến Kéo, Suối Vàng đều không hoàn toàn thuận tiện, nên mua miếng rừng cấm phía bên kia đường thì đẹp lắm!

  • 102. Nhơn sanh là con quí của Thầy

    102. Nhơn sanh là con quí của Thầy

    102. Ngày 21-2-1927 (âl 20-1-Ðinh Mão)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư chúng sanh.

    Thầy mừng cho các con có phúc hạnh mà biết để ý vào đường Chánh giáo. Thầy khuyên các con phải chung lưng đâu cật mà bước đến cảnh nhàn. Cảnh ấy, tuy các con không thể thấy đặng, nhưng mà các con có thể đến đặng, là ngày nào các con rõ đặng lẽ Ðạo mà Thầy đã đem chỉ cho tận nơi, nếu các con phấn chí về Ðạo thì ngày đạt mục đích ấy cũng chẳng xa chi.

    Cảnh nhàn chẳng phải đâu xa, chỉ ở nơi địa đàng đây, mà vì nhơn loại không để ý tìm ra, cứ theo một lối thấp hèn mà quên đàng cao thượng.

    Các con phải biết trong Trời Ðất, nhơn sanh là con quí của Thầy, nên Thầy hằng để ý lo lường cho chúng con biết hối ngộ, hầu chung hưởng phước lành.

    Thầy hỏi: Chủ ý các con có phải vậy chăng?

    Tr . . . , con nói cho các em con nghe. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tr . .: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    Phấn chí: Ý chí hăng hái phấn khởi.

    Ðịa đàng: Cõi trên mặt đất.

  • 103. Ðức Lý định khuôn viên Tòa Thánh

    103. Ðức Lý định khuôn viên Tòa Thánh

    103. Tây Ninh (Chùa Gò Kén)

    Ngày 28-2-1927 (âl 27-1-Ðinh Mão)

    THÁI BẠCH

    Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội.

    Bính Thanh, hình Phật Thích Ca trước Hiệp Thiên Ðài đó phải làm thế nào cho đừng hư gãy, vì Chí Tôn đã trấn Thần chính nơi tay Người, nghe!

    Quả Càn Khôn cũng vậy, khi tháo rời ra rồi ráp lại y như vậy. Khi tháo ra phải cầu Lão đưa Thần một đỗi, rồi mới đặt tay người vào, nghe à!

    Dặn đến Thánh Thất mới, phải cầu Chí Tôn trấn Thần lại nữa. Thánh Thất tạm phải cất ngay miếng đất trống, còn Hiệp Thiên Ðài tạm phải cất trước Thánh Thất tạm.

    Ðạo hữu phải khai phá đám rừng trước miếng đất ấy. Như vậy, ngay trung tim rừng, cách miếng đất trống chừng 3 thước rưỡi, đóng một cây nọc, đo Hiệp Thiên Ðài như vầy: Ngoài Bàu Cà Na đo chừng 50 thước, đóng một cây nọc, ấy là khuôn viên Toà Thánh.

    Lão lại dặn, từ cây nọc bên phía miếng đất, phải đo vô Bàu Cà Na 27 thước Lang sa, nghe à! Tư vuông 27 thước mỗi góc của Ðài Bát Quái, nghĩa là hình nhà tròn có 8 nóc, cao từ đất lên thềm 9 thước Lang sa, làm 8 nóc rộng bao nhiêu tùy, trên Ðiện Bát Quái bề cao 9 thước, hình nóc tròn mô lên, chỉ có 8 nóc cho phân minh, trên đầu Ðài phải để cây đèn xanh.

    Kế nữa là Chánh Ðiện, bề dài 81 thước, bề ngang 27 thước. Lão phải vẽ mới đặng.

    Hai bên Hiệp Thiên Ðài, bên mặt thì có Lôi Âm Cổ Ðài, bên tả thì Bạch Ngọc Chung Ðài. Lão phải vẽ mới đặng.

    Hộ Pháp, Thượng Phẩm, nội trưa nầy phải cắm một cây viết vào đầu cơ, lấy một miếng giấy lớn vào Ðiện phò loan cho Lão vẽ.

    Bính Thanh phải có mặt, còn kỳ dư không cho ai vào Ðiện hết, nghe à!

    Phải mua khoảnh đất Bàu Cà Na làm Ðộng Ðình Hồ, nghe à! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài nầy có trong ÐS. II. 226.

    Hội Thánh vâng lời Ðức Lý đi xem đất để mua, thì mua được miếng đất của Ông Aspar. Ðức Lý khen miếng đất ấy làm Thánh Ðịa rất tốt vì có Lục long phò ấn. Nay Ðức Lý dạy dời tượng của Thái Tử Sĩ Ðạt Ta (tức là Ðức Phật Thích Ca, thường gọi là Phật Tổ) và Quả Càn Khôn về đất mới mua. Nơi đây, Ðức Lý dạy cắm nọc định khuôn viên Tòa Thánh, dạy cất Thánh Thất tạm, gồm 3 Ðài: BQÐ, CTÐ, Hiệp Thiên Đài, và kích thước gồm bề ngang, bề dài, bề cao. Sau đó, Ðức Lý dạy cắm cây viết vào đầu cơ, rồi Ðức Hộ Pháp và Thượng Phẩm phò loan cho Ðức Lý vẽ kiểu cất Tòa Thánh trên một tờ giấy lớn.

    Bính Thanh: Phối Sư Thái Bính Thanh (Lâm Quang Bính)

  • 104. Hễ Nhơn đạo thành thì là phù hạp Thiên đạo

    104. Hễ Nhơn đạo thành thì là phù hạp Thiên đạo

    104. Khai đàn tại Phước Long Tự, Chợ Ðệm.
    Ngày 1-3-1927 (âl 28-1-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Cái tình cảm hóa của con người là tình thường ứng hiệp Trời Ðất. Cho nên khi tâm tịnh thường cảm hoài, hằng tìm nơi u huyền mà nghĩ nghị trong trí khôn, ấy là kẻ có sẵn tình ý thiên nhiên Tạo hóa.

    Còn có một hạng người cũng có tánh thiêng liêng ấy, nhưng lại không để trí khôn vào lối cao thượng, mà cứ quen thói hung hăng, nghĩ những việc bạo tàn, làm điều tội lỗi, ấy là những kẻ nghịch Thiên, không biết luân hồi là chi cả. Chúng nó lại tưởng rằng, kiếp người là kiếp sống chỉ có giây giờ rồi tiêu mất, nên tìm những chước sâu kế độc cho đặng của nhiều, no lòng sướng dạ, trối kệ luân hồi.

    Thầy hỏi: Vậy chớ cái trí khôn của con người biết thương ghét, vui buồn, mà toàn trong nhơn loại đều có, khi rốt cuộc thì trí khôn ấy đi đâu? Không lẽ cái trí khôn ngoan dường ấy mà cũng mất đi đặng sao các con?

    Thầy hỏi như vậy đặng cho các con mỗi đứa về suy nghĩ mà trả lời cho mình. Hễ trả lời phù hạp thì dễ biết Ðạo, còn ngu xuẩn cũng huờn ngu xuẩn.

    Thầy dạy Nữ phái biết trọng Tam Tùng, Tứ Ðức; Nam phái Tam Cang, Ngũ Thường. Hễ Nhơn đạo thành thì là phù hạp Thiên đạo, nghe à!

    CHÚ THÍCH:

    Phước Long Tự: Ở tại xã Tân Nhựt, Chợ Ðệm, Chủ chùa là Yết Ma Giống, được Ðức Chí Tôn độ nên qui hiệp vào Ðạo Cao Ðài. Nơi đây thường xuyên tổ chức đàn cơ để thâu nhơn sanh cầu đạo, phò loan là: Trần Duy Nghĩa và Trương Văn Tràng. Chùa trở thành Thánh Thất Lộc Giang, nên gọi là Ðàn Lộc Giang. Khi Chủ chùa Yết Ma Giống qui liễu ngày 24-4-Canh Ngọ (1930), Thánh Thất Lộc Giang lại trở thành ngôi chùa Phật. (Tài liệu của Huệ Nhẫn)

    Cảm hóa: Nhờ cảm động mà thay đổi.

    Cảm hoài: Nhớ tới điều gì mà cảm động.

    Tâm tịnh: Giữ tâm trong sạch và không vọng động.

    Ứng hiệp: Ðáp lại một cách hòa hợp.

    Nơi u huyền: Nơi vắng vẻ sâu kín.

    Cái trí khôn ngoan là của Chơn thần. Khi thể xác con người chết đi, cái trí khôn ngoan theo Chơn thần mà xuất khỏi thể xác, để cùng với Chơn linh bay trở về cõi thiêng liêng.

    Nhơn đạo: là nấc thang tiến hóa khởi đầu của con người. Nấc tiếp theo là Thần đạo, rồi Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo, rồi sau cùng tiến lên nấc cao nhất là Thiên đạo.

    . Nhơn đạo của người Nam là Tam Cang, Ngũ Thường.
    . Nhơn đạo của người Nữ là Tứ Ðức và Tam Tùng.
  • 105. Phải gắng xem đạo đức là trọng

    105. Phải gắng xem đạo đức là trọng

    105. Ngày 2-3-1927 (âl 29-1-Ðinh Mão)

    LÝ BẠCH

    Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội.

    Chư đạo hữu, lúc nầy đã đến buổi người hành khách phải trải qua một lối chông gai. Muốn bước khỏi cần phải có bền chí tận tâm, và phải gắng xem đạo đức là trọng hơn muôn việc vui thích ở cõi trần nầy.

    Ðạo tuy gần thành, nhưng còn phải chịu nhiều việc trắc trở nữa. Ấy là lúc các đạo hữu gặp một trường thi rất khó trong buổi rốt.

    Sự phổ độ, Thiên cơ đã định, sức người cũng khó lướt qua. Bần đạo chỉn để lời cho các đạo hữu rõ đặng lưu tâm mà hành sự, chớ con đường tuy chớn chở, triền núi vẫn khó qua, song ngọn đèn Trời đã chiếu tỏ mà dìu dắt các đạo hữu, thì nhiều ít gì rồi sau cũng đến chốn được.

    Hội Tam Giáo đương chầu Ðức Từ Bi định khai đạo cho khắp nơi đặng hiệp theo lẽ Trời cuối kỳ Hạ nguơn nầy. Thăng.

  • 106. Khách trí nhàn đời

    106. Khách trí nhàn đời

    106. Ngày 3-3-1927 (âl 30-1-Ðinh Mão)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.

    Nguồn đạo đã gội khắp sanh linh mà nơi đây vẫn còn mơ màng trong mộng điệp.

    Nhân sanh chưa dễ thoát được cảnh trụy lạc ở cõi trần mê muội nầy, lành ít dữ nhiều, phước nhỏ tội thêm. Ấy chẳng qua ách nạn Thiên cơ đã sắp bày hành phạt. Con cũng đồng thương, nhưng khí số phải mang lấy về buổi sau nầy.

    Thầy cũng đau lòng mà nắm cơ huyền vi Tạo hóa. Thầy hằng rõ chí hành tàng chơn đạo của các con, nhưng nhơn lực khó lướt qua Thiên cơ, các con cứ đường ngay bước tới, đợi ngày sẽ lập chút công trình để lướt khỏi lối gai chông, vẹt ngút mây xanh, tìm vào cảnh thiêng liêng mà rửa sạch bụi hồng. Khách trí nhàn đời ấy là buổi chung qui của bậc Chí Thánh vậy.

    Xôn xao gió bụi, mờ mệt tuồng đời, mồi phú quí bả công khanh, mấy kẻ biết nhuộm nét nâu sồng, lánh cả muôn sự não phiền mà khách trần đều gọi là vinh diệu.

    Thảm thay! mà cũng tiếc thay! Gió khuất thuyền đưa, nhạn về rừng cũ. Con đường đạo hạnh đợi buổi khuất dấu, mờ mệt nét rêu phong, mới sửa soạn lần chơn, âu dễ biết vô phần hay hữu phúc. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Mộng điệp: Giấc mộng thấy mình hóa thành bướm. Ðiệp là con bươm bướm. Ðó là giấc mộng của Ông Trang Tử. Trang Tử tên là Trang Chu, lúc trẻ nằm ngủ thường thấy mình hóa thành bướm, bay liệng đi chơi. Khi giựt mình thức giấc thì vẫn thấy mình là Trang Chu, không biết Trang Chu hóa bướm hay bướm hóa Trang Chu. Mộng điệp là ý nói giấc ngủ say.

    Khí số: Khí là có tính cách huyền bí, số là vận mạng. Khí số là vận mạng của con người do Trời sắp đặt.

    Chí hành tàng chơn đạo: Cái ý chí hành động (bộc lộ hay ẩn tàng) trong nền chơn đạo.

    Chung qui: Cuối cùng thì trở về, ý nói chết, linh hồn trở về cõi thiêng liêng.

    Khách trí nhàn đời: Trí là thôi việc làm quan hay nghỉ việc đời. Khách trí nhàn đời là người từ bỏ việc đời, lui về sống an nhàn với thiên nhiên, tu tâm dưỡng tánh.

    Âu dễ biết: Có lẽ đâu dễ biết. Âu là có lẽ đâu.

  • 107. Nơi trần nầy, thiếu chi bực giả dối

    107. Nơi trần nầy, thiếu chi bực giả dối

    107.Ngày 3-3-1927 (âl 30-1-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Thầy để lời cho các con rõ rằng: Ðường đạo ngày hôm nay, các con đã tiến nhiều. Trách nhậm muốn cho hoàn toàn, cần phải bước qua mấy sự trắc trở mà đạt mục đích cao thượng.

    Phần nhiều trong các con đã chịu lao tâm tiêu tứ vì lòng kính mến Thầy và vì chúng sanh mà toan độ rỗi, nhưng cũng có nhiều đứa dụng tà tâm mà làm cho có sự thán oán trong nền Ðạo của Thầy.

    Thầy đã lấy lòng từ bi và đức háo sanh mà dìu dắt các con của Thầy, chẳng dụng sự khinh trọng mà làm cho chinh lòng các con, chẳng lấy hành tàng bất chánh mà làm cho mất điều hòa nhã. Con một nhà, đãi đồng một bực, đứa thua sút yếu thế, lại đỡ nâng dìu dắt nhiều hơn đứa thế trọng sức nhiều.

    Thầy cũng ghe phen muốn phạt những kẻ lấy bực phẩm của phàm mà gây nên rối rấm trong Ðạo, nhưng chẳng nỡ. Chúng nó đã bị Thần Thánh biên chép, ngày chung cuộc sẽ liệu tội phát lạc mà thôi.

    Nơi trần nầy, thiếu chi bực giả dối. Các con có tin ai cho bằng tin cậy nơi các con? Nhiều kẻ dụng thế để cầu Thầy, chớ kỳ thật là chúng nó muốn tìm cách dòm hành mong các con lầm mà bại lộ cơ quan mật yếu mà thôi.

    Cơ mầu nhiệm đã định nơi Thiên thơ. Ðạo mở chủ ý dìu dắt những kẻ hữu phần, đặng ráng cùng nhau dắt lên khỏi con đường trắc trở, vẹt nẻo chông gai, bước tận đến thang Trời hội hiệp cùng Thầy trong buổi chung qui.

    Ðặng cùng không do nơi tâm chí của các con. Thầy chẳng lẽ tỏ việc Thiên cơ cho cùng tận đặng.

    Tr . . T . . H . . . trách nhậm gần xong, công quả hầu mãn nên mới xảy ra việc buộc ràng ấy. Nếu chẳng phải vậy thì chúng nó chẳng khỏi một họa to đến bên mình. Ấy là Thầy cải cơ Trời mà cứu chúng nó đó.

    Sự yên tịnh và sự hòa bình là hai điều Thầy dụng mà gieo mối Ðạo. Biết bao lần sanh linh đã đổ máu vì Ðạo! Thế mà có thành được không?

    Thầy vì đó mà phải để cho các con chịu phiền não mà hành đạo cho vẹn toàn.

    M . N . . . S . . . Từ đây có đàn như mấy kỳ rồi đây, Thầy cho phép chẳng vụ tất đến, vì đã thất công mà chẳng bổ ích chi. Các đường nẻo mà các con sẽ đi đến, Thầy đã liệu biện. Có mau lắm cũng chẳng tới trước, mà chậm lắm cũng không trễ bước đường. Hành tàng do nơi Thầy mà thôi. Sự trắc trở chẳng qua là làm cho các con chịu nhọc thêm một thí mà thôi.

    Nhưng nếu trong môn đệ đồng tâm chí như mấy con đây thì đường đi của các con sẽ vui vẻ tươi cười, chẳng chi chinh lòng nhau đặng. Các con nên suy nghĩ.

    S . . . bạch Thầy sự T. M. . .

    Cười! Thầy chẳng khi nào dụng những kẻ ấy vào nền Ðạo bao giờ. Than ôi! Tiền lớn bạc nhiều, món ngon vật quí, hay xiêu lòng phàm phu. Của bất nghĩa kẻ trần còn chẳng chịu dùng thay!

    Người Hàn Tín xưa, nếu chẳng trở lòng nạp bạn thì chẳng bị thác vô cớ. Còn ngươi Trương Tử Phòng, nếu chẳng Phạm Tăng cải Trời làm lếu thì ân oán đền trả chẳng mấy hồi.

    Thầy đã nói các con phải chịu nhọc hơn một thí mà lướt mấy sự ấy có lạ chi. Các con nên hiểu. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tà tâm: Lòng dạ không ngay thẳng, trái với chánh tâm, công tâm. Thán oán: Giận hờn than thở.

    Chinh lòng: Làm cho lòng người bất bình với nhau.

    Ghe phen: Nhiều phen, lắm phen. Ghe là nhiều, lắm.

    Phát lạc: Ðày đi xa.

    Cơ quan mật yếu: Cơ quan bí mật trọng yếu.

    Chẳng vụ tất đến: Ý nói không có công việc thì không cần phải đến.

    Hàn Tín xưa chẳng trở lòng nạp bạn thì chẳng bị thác vô cớ: Bạn của Hàn Tín là Chung Ly Muội, tướng giỏi của Sở Bá Vương Hạng Võ. Khi Hán Vương diệt Sở Bá Vương xong, Hán Vương lên ngôi Hoàng đế, xưng là Hán Cao Tổ, phong Hàn Tín làm Tề Vương. Có người vu cáo Hàn Tín chứa Chung Ly Muội, có ý làm phản. Hàn Tín nghe được, nói cho Chung Ly Muội biết, có ý như buộc Muội tự sát để Hàn Tín đem đầu Muội dâng cho Hán Cao Tổ để tỏ lòng trung. Nhưng Hán Cao Tổ vẫn lập kế bắt Hàn Tín đem về kinh đô, tước hết binh quyền, cho làm Hoài Âm Hầu. Sau, Lữ Hậu mưu với Tiêu Hà, bắt Hàn Tín giết chết.

    Theo Trọng Tương vấn Hớn thì vụ Hàn Tín phản bạn, cắt đầu Chung Ly Muội đem nạp cho Hán Cao Tổ, làm Hàn Tín giảm tuổi thọ 1 kỷ = 10 năm.

    Trương Tử Phòng: Trương Lương, làm Quân Sư cho Hán Lưu Bang trong suốt thời kỳ Hán Sở tranh hùng. Khi Lưu Bang dẹp xong Sở Bá Vương Hạng Võ, lên ngôi hoàng đế là Hán Cao Tổ, Trương Lương xin từ quan, lui về ẩn cư nơi thôn dã, học Ðạo tu Tiên.

    Phạm Tăng cải Trời làm lếu: Phạm Tăng làm Quân Sư cho Hạng Võ, biết được Lưu Bang và Hàn Tín sau nầy sẽ diệt Hạng Võ, nên trong lúc Hạng Võ còn quyền thế mạnh, xúi Hạng Võ giết chết Hàn Tín và Lưu Bang để trừ hậu họa, nhưng Trời khiến Hạng Võ không làm.

  • 108. Muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh

    108. Muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh

    108.Ðại Ðàn Cầu Kho
    Ngày 5-3-1927 (âl 2-2-Ðinh Mão)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Trong các con có nhiều đứa lầm tưởng, hễ vào Ðạo thì phải phế hết nhơn sự, nên chúng nó ngày đêm mơ tưởng có một điều rất thấp thỏi là vào một chỗ u nhàn mà ẩn thân luyện đạo.

    Thầy nói cho các con biết, nếu công quả chưa đủ, nhơn sự chưa xong, thì không thế nào các con luyện thành đặng đâu mà mong.

    Vậy muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh mà thôi. Như không làm đặng thế nầy thì tìm cách khác mà làm âm chất, thì cái công tu luyện chẳng bao nhiêu cũng có thể đạt địa vị tối cao.

    Các con phải hiểu Thánh ý Thầy mà trau giồi chí lớn. Dầu đi lối nào cũng phải cần cái đèn thiêng liêng chiếu rõ mới đặng vững bước. Làm vua, làm thầy, làm công nghệ, làm đạo sĩ, cũng cần phải có cái chí lớn mới mong thành tựu đặng. Các nghề dưới thế không có nghề nào là vô dụng, mà vô dụng là tại người không chuyên vậy.

    Chư ái nữ ôi! Các con thường để mắt dòm lên, thấy kẻ cao sang thì các con cho rằng các con vô phước, còn nhìn xuống thấy đồng chủng thấp hèn thì các con lại đem lòng khi bạc. Ấy là một điều vô đạo. Thầy khuyên các con phải mở rộng trí ra mà thương nhơn loại thì mới hạp ý Thầy. Các con phải giữ gìn đức hạnh, đối với kẻ trên bằng chữ khiêm hòa, đối với kẻ dưới bằng chữ khoan dung. Nghe các con!

    Nam phái! Chư môn đệ mới, các con nghe:

    Bấy lâu vì lẽ công bình Thiên đạo, nên các con chịu lắm điều đau đớn, mà cũng vì không biết tu luyện cái chí cao thượng của Thầy ban cho, cứ một lối thấp hèn quanh quẩn, chẳng cho trí não ra khỏi vòng mờ tối, cho nên bước đường hóa nên trở ngại mà lâu tấn bộ. Vậy từ đây, các con đã nhập môn thì phải để ý vào đường Chánh giáo mà cùng nhau bước tới cho khỏi lối chông gai. Các con đừng vì tư lợi mà làm mất nhân cách thì rất uổng cái điểm linh quang của Thầy để vào xác thân của các con lắm.

    Các con nghe à!

    CHÚ THÍCH:

    Muốn đắc quả thì chỉ có một điều phổ độ chúng sanh: Trước đây, nhiều lần Ðức Chí Tôn đã nói: "Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo." "Một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi Cực Lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi."

    Cho nên trong thời kỳ Ðại Ân Xá, Ðức Chí Tôn miễn cho các môn đệ phần Luyện đạo. Các môn đệ chỉ cần lập công quả cho nhiều trong việc phổ độ chúng sanh thì đủ đắc đạo.

    Chúng ta nhận thấy các bậc tiền bối của chúng ta đã đắc đạo đều do nơi công quả, chớ đâu phải do Luyện đạo.

    Nếu chúng ta chỉ lo luyện đạo mà không lo công quả thì trái với Thánh ý của Ðức Chí Tôn, có mong chi đắc đạo. Chúng ta chỉ nên xem việc luyện đạo là phần phụ nối tiếp theo sau, khi công quả đã đầy đủ rồi.

    Ðức Phạm Hộ Pháp có nói, muốn vào Tịnh Thất luyện đạo thì hành giả phải có đủ Tam Lập: Lập đức, Lập công và Lập ngôn. Muốn biết có đủ hay thiếu thì Ðức Hộ Pháp phải cân thần, chớ ai cũng xưng đủ hết thì làm sao chọn lựa.

    Nhân sự chưa xong: Ý nói nhơn đạo chưa rồi.

    Làm vua, làm thầy, làm đạo sĩ, cũng cần phải có chí lớn mới mong thành tựu được: Cái chí lớn (Ðại chí) hướng dẫn các hoạt động của con người. Người có chí lớn mới mong làm nên đại sự. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, 3 người đều có chí lớn, kết nghĩa anh em làm nên đại sự, danh tiếng hiển hách để lại đời sau. Tuy Lưu Bị có tài vũ dũng không bằng Quan Công và Trương Phi, nhưng cái chí của Lưu Bị là chí làm vua, an bang tế thế, nên Lưu Bị làm vua; còn cái chí của Quan Công và Trương Phi là cái chí làm bề tôi, nên tuy tài giỏi nhưng chịu phận làm bề tôi, phò Lưu Bị.

    Cái điểm linh quang của Thầy để vào xác thân của các con: Câu nói nầy của Ðức Chí Tôn cho chúng ta biết rằng, cái điểm linh quang tức là chơn linh của mỗi người, Ðức Chí Tôn đặt vào trong xác thân của con người. Ðiểm linh quang nầy ngự tại trái tim, gìn giữ sự sống cho con người. Cho nên hễ tim ngừng đập thì chết. Chúng ta cần lưu ý điều nầy, bởi vì có người cho rằng chơn linh ở ngoài thân thể con người. Nếu ở ngoài thân thể thì ở tại đâu? Làm sao điều khiển Chơn thần và thể xác? Câu chót của bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn đã nói rất rõ điều đó.

  • 109. Đức Quan Âm dạy Nữ phái

    109. Đức Quan Âm dạy Nữ phái

    109. Ngày 5-3-1927 (âl 2-2-Ðinh Mão)

    THƯỜNG CƯ NAM HẢI QUAN ÂM NHƯ LAI

    Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội, chư chúng sanh.

    Thiên phong bình thân. Chư đạo muội nghe:

    Thiếp lấy làm hân hạnh được trông thấy lòng thành kỉnh của chư đạo muội. Từ đây khá chung hiệp nhau mà lo dìu dắt đàng sau bước tới. Nhiều đạo muội chẳng để trọn lòng về nền Ðạo. Phải rán công thêm nữa đặng làm cho đáng nét yêu dấu của Ðấng Chí Tôn cho nở mày khách quần thoa cõi Việt.

    Ðiều thăng thưởng chẳng mất phần, ngày giờ nhặt thúc, nếu diên trì thì bước đường sau khó theo dấu.

    Thiếp để lời mừng chư đạo muội khá chịu nhọc mà làm cho trách nhậm hoàn toàn, ấy là điều Thiếp trông mong nơi các đạo muội vậy.

    Làu soi gương hạnh rạng Nam hoa,
    Sau trước rồi đây cũng một nhà.
    Liễu yếu đem đường dìu liễu yếu,
    Tranh xưa thêm rỡ cảnh liên tòa.

    Chư đạo hữu, chư đạo muội khá lưu tâm. Thăng

    CHÚ THÍCH:

    Nở mày khách quần thoa: Làm vinh dự cho phụ nữ.

    Diên trì: Làm chậm chạp kéo dài thời gian.

    Nam hoa: Gái nước Việt Nam.

    Liễu yếu: Chỉ phái nữ.

  • 110. Khá biết tỉnh mộng hồn

    110. Khá biết tỉnh mộng hồn

    110. Ngày 5-3-1927 (âl 2-2-Ðinh Mão)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, Hỉ chư ái nữ, chư nhu.

    K . . . khá nghe Thầy:

    Rừng thiền nhặt thúc tiếng chuông trưa,
    Phước gặp về Ta buổi đã vừa.
    Nẻo hạnh làu soi gương nguyệt thắm,
    Sân ngô rạng vẻ cảnh thu đưa.
    Mai tàn tuyết xủ đời thay đổi,
    Dữ tận hiền thăng khách lọc lừa.
    Mùi đạo gắng giồi lòng thiện niệm,
    Duyên may tìm lại phẩm ngôi xưa.

    Màn Trời che lấp dấu trần, đạo Thánh dắt dìu bước tục. Cuối Hạ nguơn biết bao đời thay đổi.

    Trái cầu 68 nầy bỗng nhiên có một lằn yếng sáng để thức tỉnh khách phàm, chiếu dẫn người hữu căn hầu cứu khỏi họa Thiên điều, sẽ vì hung bạo của sanh linh mà diệt tận.

    Chới với biết bao người giữa lượn sóng trầm luân, mà con đường xô đẩy khách trần vào chốn đắm chìm, hằng vẽ cảnh cùng sầu cho nhơn loại.

    Ðường tội phước chẳng biết cân, gương dữ lành không để ý. Triền cao vực thẳm, rừng trước non xưa, cảnh vẫn đợi kẻ tìm về, nhưng giọng ai oán của khách lạc đường chẳng thế vạch Trời xanh soi thấu.

    Nào nhân xưa, nào đức trước, nào sách Thánh, nào lời Hiền, trải qua chưa trăm năm mà cuộc cờ đời đã rửa phai hạnh đạo. Thế thì nhơn loại, nếu chẳng có mối huyền vi để nhắc chừng tâm tánh, sẽ vì mồi danh lợi, miếng đỉnh chung mà cắn xé giựt giành, giết hại lẫn nhau cho đến buổi cùng đường, rồi vì hung bạo ấy mà cõi dinh hoàn nầy chẳng còn sót dấu chi của nhân vật cả.

    Ðạo Trời soi gương rạng, khá biết tỉnh mộng hồn, kiếp sanh chẳng bao lâu, đừng đợi đến ngày cùng tận. Nơi trường thi công quả, nên cân lấy phước phần, chẳng sớm trau thân, rừng chiều ác xế.

    Chúng sanh ráng biết lấy.

    Thầy hằng muốn cho các con hiệp chung nhau mở đường Chánh giáo, phải biết tương thân tương ái, chia vui sớt nhọc cho nhau mà dìu dắt chúng sanh.

    Nếu vì chút phàm tâm mà chia đường phân nẻo, ghét nghịch lẫn nhau, các con sẽ treo gương bất chánh cho kẻ sau, lại nền Ðạo cũng vì đó mà khó mau thành đặng.

    Các con khá để ý đến, ấy là các con hiến cho Thầy một sự thành kính trọng hậu đó.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    K . . .: (?)

    Nẻo hạnh: Con đường đi giữa các hàng cây hạnh, nghĩa bóng là con đường đức hạnh, hay con đường đạo đức.

    Sân ngô: Sân trường có trồng cây ngô đồng, để chỉ rằng trường nầy đào tạo được nhiều người tài giỏi. Cây ngô đồng là chỉ người học thức tài giỏi, thi đậu Trạng nguyên.

    Dữ tận hiền thăng: Người hung dữ thì bị tiêu diệt hết, kẻ hiền lành thì được siêu thăng.

    Cùng sầu: Sầu thảm đến mức tận cùng.

    Ai oán: Buồn thương và oán giận.

    Mối huyền vi: Mối đạo Trời huyền diệu.

    Dinh hoàn: Dinh là biển lớn, hoàn là vùng đất rộng. Dinh hoàn hay Doanh hoàn là chỉ chung đất liền và biển cả trên quả địa cầu nầy.

    Nhân vật: Người và vật, nhơn loại và vật loại.

    Tỉnh mộng hồn: Linh hồn thức tỉnh, đừng mơ mộng.

    Phước phần: Có phước có phần, chỉ người có vận mạng tốt, hưởng được nhiều điều may mắn tốt đẹp.

    Rừng chiều ác xế: Cảnh rừng lúc chiều tà, ý nói con người lúc về già.

    Chẳng sớm trau thân, rừng chiều ác xế: Ðức Chí Tôn dặn sớm lo tu hành kẻo tuổi già đến thì tu không kịp.

    Ðức Phật Thích Ca cũng có nói: "Mạc đãi lão lai phương học đạo, Cô phần tận thị thiếu niên nhơn."

    Nghĩa là: Ðừng chờ tới lúc tuổi già mới lo học đạo, những nấm mồ hoang kia thấy rõ đều là kẻ còn trẻ tuổi.

  • 111. Dữ tận hiền thăng

    111. Dữ tận hiền thăng

    111. Ngày 7-3-1927 (âl 4-2-Ðinh Mão)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Hỉ chư môn đệ, chư ái nữ, chư nhu.

    Chư môn đệ! Nghe Thầy:

    Trót hơn năm trường, các con đã lắm nhọc nhằn vì đạo đức độ rỗi sanh linh, phần nhiều đã lao tâm tiêu tứ gắng làm cho chấn hưng nền Ðạo của Thầy, đã vì đức háo sanh mà gieo truyền để cứu vớt những kẻ hữu phần, mà vì tiền căn hậu quả, phải bị đắm chìm nơi bến khổ sông mê nầy.

    Thầy nắm máy huyền vi, hằng lấy cân thiêng liêng mà day trở máy Càn khôn, vì vậy thế cuộc phải tuần hoàn, bầu nhơn sự phải luân chuyển vần xây phiêu linh cho đến buổi nhơn loại được vẹn toàn, thế giới cũng vì đó mà phải đổi thay, gạn đục lóng trong mà tạo thành miền Cực Lạc.

    Dữ tận hiền thăng, mạnh tàn yếu được, nếu chẳng có mối Ðạo Trời thì sanh linh, vì hung bạo phải trả trả vay vay, biết chừng nào cho cảnh dinh hoàn nầy được trọn hưởng ân huệ, nấc thang thiêng liêng kịp dẫn độ người phàm tục.

    Trường công quả đã hầu mãn, các con lại phải đến cảnh gay go, vó ký ướm ngập ngừng mà cánh hồng toan lướt gió. Phần nhiều hữu công mà chưa tận chí, không vì sanh chúng giữ phẩm hạnh hoàn toàn, cho đáng nét yêu đương của Thầy đã vì các con mà bố hóa.

    Thầy đã nói, Thiên cơ phải do nơi tâm hạnh của các con mà xây đổi máy huyền vi. Vì vậy, Thầy phải đổi cơ mầu, dụng sự hòa bình yên tịnh để dẫn các con cho vẹn bước đường đạo đức. Xưa đã lắm phen nhơn sanh phải khổ tâm hy sinh vì nền Ðạo, nhưng mà tàn lối ngưỡng trông rồi thì phân vân dời đổi, tang biến thương dồn, rốt cuộc lại mối thân ái của sanh linh chưa vầy hiệp đặng.

    Thế thì kẻ hung bạo luống mượn thế lực phàm phu để khuấy rối, làm cho bước đường êm thấm phải hóa ra gay trở. Biển đương lặng, Trời đương thanh, dễ chi sóng khỏa nước nhăn, mây ùn non bạc. Lằn tang thương gần khởi, đường đạo đức chớ dần dà, công vẹt ngút mây xanh của các con sẽ làm cho sáng sủa bạch minh, cho bước đàng sau nầy do theo dấu ấy mà lần đến cõi vô ưu, để bước khỏi lối nhọc nhằn ban sơ khai dẫn.

    Thầy vì đó mà cải dẫn bước đường của các con, não phiền thành vui vẻ, đường gai gốc hóa ra nẻo êm đềm, lo lắng phải ra tươi cười, mỏi mòn thành phấn chấn.

    Công trình của các con bớt nhọc, bậc phẩm các con tuy bớt cao nhưng sự yên tịnh ấy sẽ làm cho khắp cả nhơn sanh đều được hưởng.

    Cơ Tạo hóa như thế, các con có hiểu chăng?

    Tr . . . , con ráng kiếm hiểu ý Thầy, chư môn đệ cũng vậy. Ðiều cần nhứt là mỗi đứa đều lưu tâm ráng lo việc Thánh Thất cho hoàn toàn, mỗi đứa để chút ít gan tấc vào đó. Ấy là nơi bia tạc tên tuổi của các con về sau, để soi gương dìu đàng hậu tấn.

    Các con khá biết cho!

    Tr . . . Chư nhu cầu đạo đều đặng thâu nhập. Con cũng cho các đạo hữu rõ rằng: Tân Luật đã lập thành, Hội Thánh cứ đó mà ban hành. Ðó là hay về đạo đức và nhân sự của các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tr . .: Trung, Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    Tiền căn hậu quả: Những việc làm thiện ác trong kiếp trước sẽ được báo đáp lại và có kết quả trong kiếp sau.

    Phiêu linh: Trôi nổi rơi rụng.

    Vó ký ướm ngập ngừng, mà cánh hồng toan lướt gió: Ý nói còn chần chờ, chưa quyết tâm xông lướt. Vó ký là bước chân của con ngựa Ký. Ngựa Ký là loại tuấn mã, ngày chạy được ngàn dặm đường. Ướm là sắp sửa. Ngập ngừng là do dự, nửa muốn bước tới nửa muốn không. Cánh hồng là cánh của con chim hồng. Chim hồng thuộc loài nhạn, cánh khỏe, bay cao và bay xa, chịu nổi cuồng phong.

    Tận chí: Với tất cả ý chí của mình.

    Tàn lối ngưỡng trông rồi: Hết đường trông mong rồi.

    Tang biến thương dồn: Cuộc tang thương biến đổi dồn dập.

    Vô ưu: Không lo. Cõi vô ưu là cõi CLTG.

    Cải dẫn: Sửa đổi và dìu dẫn.

    Gan tấc: hay Tấc gan, chỉ lòng dạ.

  • 112. Mỗi Giáo Hữu phải thông cội rễ nền Ðạo

    112. Mỗi Giáo Hữu phải thông cội rễ nền Ðạo

    112. Ngày 5-4-1927 (âl 4-3-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Trung, con vì có nhiều trách nhậm cần yếu nên Thầy đã có sai T . . . thế mặt đặng phổ độ và tư dạy các môn đệ nơi mấy tỉnh trên.

    Con đã tới một lối đàng trở gay, vì nỗi ấy mà công quả sau nầy mới vẹn toàn đặng.

    Thầy đã cho phép con và các môn đệ có trách nhậm xứng đáng đặng tự liệu chung lo mà làm cho hoàn toàn nền Ðạo của Thầy đã vun đắp từ bấy nay. Có phần lo lắng của các con mới có thể lập nên công quả xứng đáng.Vậy, dầu việc chi cũng tới chốn được.

    Thầy đã lấy từ bi mà dìu dắt từ bước đường, hôm nay các con đặng lấy chí thành của Thầy đã un đúc mà dìu dắt lại sanh linh, lớn nhỏ phải cần tương thân tương ái nhau, kỉnh yêu chỉ dẫn nhau, đem tấc lòng thanh bạch để làm mảnh gương soi sáng bước đường hậu tấn. Ðường đi cũng còn dài, bước Ðạo còn nhiều nỗi trắc trở, nếu chẳng để dạ nương nhờ lấy nhau. Một mai các con phải xa vắng lời Thầy truyền nhủ thì các con phải trở ra thế nào nữa?

    Mấy chuyện con tính đều được. Tâm chí các con lay động ưu tư tất là Thần, Thánh dẫn đường để chỉ cho con ra khỏi lối mịt mờ, nhưng đặng cùngkhông, nên hay hư, đều tại nơi tấc thành của mỗi đứa nữa.

    Cứ đường ngay để bước thì thế nào các con cũng dìu nhau mà xong bổn phận đặng. Nếu cứ than khó, dừng bước thì dầu sự dễ cũng không trông thành tựu. Mạng Trời đã định, nhưng có sức của các con mới đặng cuộc kết quả hoàn toàn.

    Thầy để lời cho các con biết rằng, phần nhiều các Giáo Hữu không xét biết trách nhậm của mình. Con phải nhắc cho chúng nó hiểu. Mỗi Giáo Hữu ít nữa phải thông cội rễ nền Ðạo, chúng nó phải năng tìm biết Thánh Ngôn của Thầy đã dạy, và thay phiên nhau mà nói đạo cho chư thiện nam tín nữ hiểu. Nhiều Giáo Hữu không biết một nét chi về việc đạo, chư tín đồ không trông học hỏi đến đặng, thì Chức sắc còn có bổ ích chi.

    Con phải nhắc cho chúng nó và Hội Thánh phải hội một tháng một kỳ mà chỉ dẫn cho nhau về việc thuyết đạo trong mỗi đàn, nghe!

    Thầy ban ơn cho các con.

    CHÚ THÍCH:

    T . . .: Trang, Ngài Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh.

    Tư dạy: Dạy riêng.

    Tấc lòng: Tấm lòng. Dùng chữ tấc để tỏ ý khiêm nhượng.

    Tấc thành: Tấm lòng thành thật.

    Ưu tư: Lo lắng suy nghĩ.

  • 113. Thương hại cho lũ vô tâm mà chẳng nên cưu hờn

    113. Thương hại cho lũ vô tâm mà chẳng nên cưu hờn

    113. Ngày 12-4-1927 (âl 11-3-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Thầy cũng đã thấy rõ lòng của các con khắn khít về nền Ðạo là dường nào.

    Trong các con, nhiều đứa muốn chư Thần, Thánh hành phạt những tánh bất lương của bọn vô đạo kia đặng làm cho đường đạo vững bền, nền Ðạo mau thành tựu. Nhưng Thiên cơ há vị phàm phu tục tánh mà để các con toại kỳ sở nguyện sao?

    Các con khá thương hại cho lũ vô tâm ấy mà chẳng nên cưu hờn. Thầy vì lấy từ bi mà dìu dắt các con, nên tạm sửa chút máy huyền vi, là để cho các con lấy chí thành của Thầy un đúc bấy lâu mà đối đãi với kẻ nghịch cho đến ngày mãn công quả.

    Ðường đạo vững bền, chớ nên bạo tính mà cũng chẳng nên giải đãi bần dùn, gắng công trì chí, liệu chừng với nhau mà vẹt cho sạch mấy lối chông gai để cho dễ bước đường sau tấn bộ.

    Thiên thơ đã có đủ các máy hành tàng, nhưng Thầy vì thương các con mà phải sửa nét tân khổ ra đường lo liệu. Các con đặng tự do mà hành biến cho xong việc. Kẻ lo lắng bao nhiêu thì đường về chung hiệp cùng Thầy bước đặng bấy nhiêu. Kẻ vô tâm trở lòng phá nền Ðạo bao nhiêu thì hành phạt sẽ chất đầy bấy nhiêu.

    Tòa Tam Giáo đã xin ngưng phổ độ nơi đây nhiều lần, song vì Thầy thấy lòng chí đức của các con mà chẳng nỡ. Lý Bạch và Quan Thánh cũng xin hành phạt lũ vô đạo, Thầy chẳng khứng là vì muốn để các con chịu dày thêm chút ít hạnh khổ đó. . . . .

    Trong các con, mỗi đứa đều lưu tâm tưởng cho nền Ðạo sẽ đặng vững bền đồ sộ là biết vì Thầy đó.

    Xưa các Thánh làm cho nên mối Ðạo biết bao là công trình ngày tháng!

    Ðạo của Thầy gieo có mấy lâu, mà tình hình thế sự thể nào? Bao nhiêu cũng đủ cho các con vui lòng mà bước tới.

    CHÚ THÍCH:

    Hành phạt: Ðem ra trừng trị cho đáng tội.

    Toại kỳ sở nguyện: Thoả cái ước nguyện ấy của mình.

    Cưu hờn: Mang lấy sự hờn giận.

    Chí thành: Lòng hết sức thành thật.

    Trì chí: Giữ ý chí bền vững không đổi.

    Tân khổ: Cay đắng, chỉ nỗi gian nan vất vả.

    Hành biến: Làm việc một cách linh động, thay đổi phương pháp cho thích hợp để đạt được thành công.

  • 114. Tự lập là vấn đề các con phải lo đó

    114. Tự lập là vấn đề các con phải lo đó

    114. Phú Nhuận, 15-4-1927 (âl 14-3-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Máy Thiên cơ, các con chưa rõ, các con cứ tưởng lầm rằng Thầy không kềm chế kẻ vô lương đặng. Các con hằng muốn thấy kẻ ấy bị hành phạt nhãn tiền thì mới vừa lòng các con, nhưng Thánh ý Thầy không phải vậy đâu.

    Thầy đã nói cho các con hay trước rằng, nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy, là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng.

    Ấy vậy, cái vấn đề tự lập là vấn đề các con phải lo đó. Thầy vì công lý mà khai đạo cho các con, cũng là một phúc hạnh lớn cho các con. Nếu Thầy còn đưa tay bồng ẵm thì các con chẳng còn để ý chịu nhọc vì Ðạo.

    Thầy lại còn nói rằng, ngày nào các con còn trông thấy một điều bất bình ở đời nầy thì Ðạo chưa thành vậy.

    Mối Ðạo Thầy đưa cho các con phăng đầu hết, thì các con phải biết trách nhậm các con lớn lao, cao thượng là chừng nào! Nếu các con không biết nghĩa vụ của Ðạo thì sao cho xứng đáng?

    Vậy Thầy khuyên các con cứ thìn lòng thìn nết cho có trật tự trong Ðạo, thì tức nhiên muôn điều khó nhọc cũng tan như giá.

    Các con vì Ðạo là việc công lý, mà công lý đánh đổ cường quyền, thì Ðạo mới phải Ðạo.

    Các con hiểu à!

    CHÚ THÍCH:

    Vô lương: Bất lương, không tốt, không lành.

    Nhãn tiền: Trước mắt. Ý nói xảy ra liền, trước mắt mọi người. Hành phạt nhãn tiền là bị trừng phạt liền, không phải chờ đợi lâu. Báo ứng nhãn tiền là báo ứng liền, xảy ra ngay trước mắt, không đợi thời gian sau hay kiếp sau.

    Phăng: Thâu rút, nắm kéo sợi dây lần lần vào mình.

    Mối Ðạo Thầy đưa cho các con phăng đầu hết: Nền Ðạo ví như một sợi dây. Ðức Chí Tôn đưa mối dây cho chúng ta nắm phăng sợi dây trước tiên hơn ai hết. Khi phăng hết sợi dây thì đắc đạo. Ðức Chí Tôn dành ưu tiên cho chúng ta.

    Nghĩa vụ của Ðạo: Nghĩa vụ là nhiệm vụ bắt buộc phải làm vì nó là công lý, lẽ phải. Nghĩa vụ của Ðạo là nhiệm vụ bắt buộc của một tôn giáo phải làm tròn.

    Thìn lòng thìn nết: Giữ bền chặt lòng dạ và tánh nết.

    Tan như giá: Tan mất như cục nước đá gặp sức nóng.

  • 115. Chư đạo hữu phải biết tương thân tương ái

    115. Chư đạo hữu phải biết tương thân tương ái

    115. Ngày 20-4-1927 (âl 19-3-Ðinh Mão)

    LÝ BẠCH

    Trung, hiền hữu, Lão để lời cho hiền hữu biết rằng, trong môn đệ của Ðức Từ Bi phần nhiều đã chẳng giữ lời Thầy mà xử cho tròn phần Nhơn đạo, giao tiếp cùng nhau cho có nét yêu dấu, tạc thù trong niềm đạo hữu, lại có dạ ghét lẫn tương phân.

    Lão hằng để ý về việc ấy. Ước sao cho hiền hữu chăm nom, phân rành cho các đạo hữu đồng biết về việc sẽ xảy ra nơi đó trong lúc sau nầy.

    Ðức Từ Bi hằng dạy chư đạo hữu biết tương thân tương ái, chia vui sớt nhọc cho nhau mà hành sự cho rạng vẻ mối Ðạo quí trọng. Chưa đặng bao lâu mà lời dạy bảo chẳng còn chút nét kính tuân, thế thì sau nầy có ngày phải khuất hết dấu Thánh truyền, thì cách giao tiếp của chư đạo hữu phải ra sao nữa?

    Lão muốn cho hiền hữu phải chịu nhọc mà phân rành về việc ấy cho chư đạo hữu. Lão để ý nghe!

    Sự ghét lẫn và sự vô tình, nếu đem vào nền Ðạo mà gieo truyền cho nhau, thay vì làm cho sanh linh thương mến dìu dắt nhau, lại làm cho chúng sanh càng hềm thù nhau, rồi rốt cuộc lại thì một trường náo nhiệt phải làm cho tánh mạng của chúng nó vì đó mà phải bỏ liều, đem giọt máu vô tâm nhuộm cả tinh thần, bị đày vào biển khổ đời đời kiếp kiếp đó.

    Ðức Từ Bi hằng nói, đạo lập thành là do nơi tâm chí của các đạo hữu, nhứt là các Chức sắc Thiên phong. Phàm một việc chi muốn thuận lòng trong Ðạo, cần phải hiệp các Thánh luận bàn, đoạn sẽ thi hành thì bước Ðạo tự nhiên vững vàng. Nếu có điều trắc trở, đó là phần trách nhậm của chư hiền hữu đã chịu lời cùng Ðức Từ Bi mà dẫn bước cho cả môn đệ Thầy.

    Chư hiền hữu đã đặng phép tự biến tự liệu mà hành đạo, thế thì hiệp vầy chung lo, thảo thuận cùng nhau, còn chi hơn nữa đặng?

    Chư hiền hữu khá để lòng về việc Nhơn đạo, chớ bỏ qua mà phụ Thánh ý của Ðức Từ Bi, nghe!

    CHÚ THÍCH:

    Tạc thù: Tạc là khách mời chủ nhà uống rượu, thù là chủ nhà rót rượu mời khách. Tạc thù là ý nói phải có sự qua lại trong giao tiếp xã hội, mới có sự tốt đẹp lâu dài.

    Ghét lẫn tương phân: Thù ghét nhau và chia rẽ nhau.

    Khuất hết dấu Thánh truyền: Ý nói: Thất Chơn truyền.

    Trường náo nhiệt: Nơi tranh giành sôi nổi về danh lợi, mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất.

    Vô tâm: Không có lương tâm, ý nói lòng dạ bất lương.

    Hiệp các Thánh: Hội chư Chức sắc của Hội Thánh.

    Tự biến tự liệu: đồng với Tự do hành biến, nghĩa là tự mình lo liệu và quyền biến cho công việc kết quả.

  • 116. Thầy chưa hề biết hành phạt các con bao giờ.

    116. Thầy chưa hề biết hành phạt các con bao giờ.

    116. Ngày 27-5-1927 (âl 27-4-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Hội Thánh là vầy các con há?

    Áo não! Thảm thay!

    Thầy tưởng khi chẳng lẽ phải cần nói ra, đợi cho Thánh chất các con tăng thêm đặng chút nào, lại càng thấy đặng khổ não của Thầy vì các con mà đeo đuổi từ ngày khởi lập nhơn loại đến chừ, chẳng dè phàm chất các con nó mạnh mẽ thế nào đè khuất trọn vẹn chút mảy mún Thánh chất Thầy để vào lòng các con, nên nay Thầy buộc mình phải nói rõ.

    Các con ôi! Thầy hỏi vậy chớ mỗi phen độ rỗi cho đặng các con, các con có biết Thầy chịu khổ não dường nào chăng?

    Quyền hành Chí Tôn của Thầy, các con nếu hiểu thấu thì các con sẽ thấy nó là một hình phạt rất nặng nề, chẳng khác nào như gông với tróng.

    Thầy lập nhơn loại là dòng giống các con, chỉ tưởng rằng ban đặng phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật nơi cõi thế giới càn khôn, đặng làm cho rõ Thánh chất mạnh mẽ hơn phàm chất, nào dè còn lại đặng chẳng đủ một phần triệu Ðấng, thì thế nào Thầy không đau lòng cho đặng.

    Thầy chưa hề biết hành phạt các con bao giờ. Từ khai Thiên, Thầy đã sanh ra các con, sự yêu mến của một Ông Cha nhân từ thế quá lẽ, làm cho đến đỗi con cái khinh khi, phản nghịch lại, cũng như Kim Quang Sứ là A-Tu-La, Thánh giáo gọi là Lucifer phản nghịch náo động Thiên cung.

    Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật còn phàn nàn trách cứ Thầy thay! Các con ôi! Ðã gọi là Ðấng cầm cân, lẽ công bình thiêng liêng đâu mà Thầy đặng phép tư vị. Thầy lấy lẽ công bình thì tức phải chiếu theo Thiên điều; mà chiếu theo Thiên điều thì con cái Thầy, tức là các con, phải đọa trầm luân đời đời kiếp kiếp. Các con phải ngồi nơi địa vị Thầy thì các con thế nào?

    Mỗi phen Thầy đau thảm khóc lóc các con, phải lén hạ trần, quyết bỏ ngôi Chí Tôn xuống lập Ðạo, lại bị các con bạc đãi, biếm nhẻ, xua đuổi, bắt buộc đến đỗi phải chịu cho các con giết chết!

    Ôi! Thảm thay! Thảm thay! Các mối Ðạo Thầy đã liều thân lập thành đều vào tay Chúa Quỉ hết, nó mê hoặc các con. Nhiều bậc Thiên Tiên còn đọa, huống lựa là các Chơn thần khác của Thầy đương nắn đúc, thế nào thoát khỏi. Thầy đã chẳng trách phạt Kim Quang Sứ, lẽ nào lại trách phạt các con. Song hình phạt của Thiên điều, dầu chính mình Thầy cũng khó tránh. Các con tự lập hình phạt cho các con , cũng như Thiên điều vì Thần, Thánh, Tiên, Phật lập thành đó vậy.

    Thầy đã cho kẻ thù Thầy đặng hưởng ân điển của Thầy, lẽ nào truất bỏ phần của các con, song tại các con từ chối, đáng thương mà cũng đáng ghét!

    Mỗi phen Thầy đến lập Ðạo thì là phải cam đoan và lãnh các con, chẳng khác nào kẻ nghèo lãnh nợ. Các con làm tội lỗi bao nhiêu, oan nghiệt bấy nhiêu, Thầy đều lãnh hết. Các con đã đặng thong dong rồi, rảnh chẳng lo tu đức mà sửa mình, lại còn cả gan trước mặt Thần, Thánh, Tiên, Phật, gây thêm tội lỗi nữa, thiệt là đáng giận!

    Thầy chẳng biết bây giờ đây, Thầy phải bỏ Ðạo, liều đọa với các con, hay là đợi cho Ðạo bỏ Thầy đó các con?

    Cắt ruột, ai lại không đau, nếu Thầy không cầu khẩn Thái Bạch đình hình phạt lại cho tới ngày lập thành Tòa Thánh, các con lấy công mà chuộc tội, thì trong các con chẳng đặng còn lại một phần mười, các con nên lấy lời răn Thầy đây làm vị thuốc khử tội của các con.

    Phải sợ mạng lịnh Thái Bạch. Thầy nhắc các con một phen nữa.

    Thầy ban ơn cho các con. Thầy thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Thánh chất: Phẩm chất thiêng liêng tốt đẹp do Ðức Chí Tôn ban cho mỗi người. Thánh chất nầy chính là cái tánh bổn thiện, cái lương tri lương năng của con người, Phật giáo gọi là Phật tánh. Cái Thánh chất nầy không bao giờ mất đi, chỉ có điều là hiển lộ ra hay bị che khuất bởi vật dục mà thôi.

    Phàm chất: Phẩm chất tầm thường thấp kém do ảnh hưởng của vật chất phàm trần. Con người có Thất tình, trước sự hấp dẫn của Lục trần, con người sanh ra Lục dục, tạo nên Phàm chất. Phàm chất rất mạnh mẽ, có thể che khuất Thánh chất, đưa con người đi đến tội lỗi và mãi mãi bị luân hồi.

    Gông với tróng: Gông là cái cùm tròng vào cổ tội nhân, Tróng là cái cùm tròng vào chân để giam chân tội nhân vào một chỗ.

    Kim Quang Sứ: Quỉ Vương, Chúa Quỉ. Ðây là lực lượng đối kháng với Tiên Phật, tạo thành thế cân bằng, thúc đẩy sự tiến hóa của Càn khôn. Thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Ðức Chí Tôn cho Quỉ Vương làm Giám khảo thử thách người tu, ai xứng đáng thì được Ngọc Hư Cung rước, ai chưa xứng đáng thì luân hồi để tu hành và lập công bồi đức thêm.

    Thánh giáo gọi là Lucifer: Thiên Chúa giáo gọi Kim Quang Sứ là A-Tu-La hay Lucifer phản nghịch, và cũng gọi đó là Quỉ Satan.

    Các con tự lập hình phạt cho các con: Ðó là Tân Luật do Hội Thánh và nhơn sanh lập ra để tu hành cho vừa sức của nhơn sanh. Khi Tân Luật được Ðức Chí Tôn chấp thuận thì nó trở thành Thiên điều tại thế. Ai tu đúng theo Tân Luật thì nhứt định đắc đạo, được Ðức Chí Tôn điểm danh ban thưởng.

  • 117. Ma Ma, Phật Phật, hai chốn riêng phần

    117. Ma Ma, Phật Phật, hai chốn riêng phần

    117. Ðàn cơ ngày 29-5-1927 (âl 29-4-Ðinh Mão)

    LÝ BẠCH

    Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội.

    Bình thân.

    Nền Ðạo lập nên là nhờ có lòng đạo đức và tánh khiêm cung của mỗi môn đệ của Ðức Từ Bi. Nếu đạp vào nẻo Ðạo mà còn bôn chôn tranh lướt theo thói thường tình thì dầu có bao nhiêu đạo hữu, bao nhiêu công quả đi nữa, mối Ðạo chẳng qua là một trường ngôn luận của thế gian đó thôi, chớ công quả đạo đức mong chi thấy sự kết quả xứng đáng đặng.

    Phần nhiều đạo hữu vì tánh tình tục phàm mà làm cho gay trở bước Ðạo, lại e chẳng khỏi sanh ra một trường náo nhiệt trong Ðạo về buổi sau nầy.

    Ðức Từ Bi đã lấy lòng quảng đại mà gieo giọt nhành dương để rửa lỗi phàm gian, hầu đem mình trong giá trắng gương vào nơi Cực Lạc.

    Ðã chẳng biết tự cải lại bợn thêm tánh tối tục mà để cho cả muôn người phải chịu khổ tâm, thế thì hành đạo như vậy có giúp đặng ai chăng?

    Chư đạo hữu mựa luận bàn, để phải quấy Lão cũng ra tay sửa trị được vậy, miễn là làm xong phận sự là đủ, còn nét vạy tà của ai để mặc ai.

    Lão cũng hết lòng chiều theo tánh từ bi của Ðức Thượng Ðế, bằng chẳng thì Lão xuống tay bôi xóa hết trường công quả Ðại Ðạo, thì chúng sanh hết trông mong, mà kẻ chác tội lỗi cũng khó bề lấy sức phàm phu để gây nên rối rấm nữa.

    Ðen trắng hai màu, chánh tà đôi nẻo, mạnh sức trì chí thì nhờ, yếu tâm lơi bước thì chịu.

    Ma Ma, Phật Phật, hai chốn riêng phần, thưởng phạt rồi đây cũng tới.

    CHÚ THÍCH:

    Trường ngôn luận: Nơi mà người ta bàn luận, đưa ra nhiều ý kiến, kẻ nói vầy người nói khác, khen chê đủ lẽ.

    Trường náo nhiệt: Nơi có đông người đang sôi nổi tranh đua danh lợi, mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất.

    Trường công quả: Nơi có nhiều người đang đem hết tài năng, sức lực và của cải để phụng sự đạo pháp và phụng sự nhơn sanh.

    Bình thân: Ðứng dậy.

    Lối phàm gian: Con đường trần.

    Trong giá trắng gương: Giá trắng gương trong, ý nói phẩm chất tốt đẹp trong sạch.

    Lại bợn thêm tánh tối tục: Lại còn làm cho nhơ bợn thêm cái tánh đã vô cùng phàm tục rồi.

    Mựa: Chớ nên, đừng.

    Yếu tâm lơi bước: Lòng dạ yếu ớt không đủ quyết tâm, không muốn bước tới trên con đường tu hành, có ý muốn thối lui trở lại đường đời.

  • 118. Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Ðạo

    118. Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Ðạo

    118. Ðàn tại Phước Thọ
    Ngày 1-6-1927 (âl 2-5-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    T . . .! Từ nền Ðạo khai sáng đặng gieo truyền mối Chánh giáo đến nay, thì phần nhiều môn đệ đã có trọn tấc thành mà dìu dắt sanh linh và đắp vun mối Ðạo Trời, ấy là những đứa Thầy đã tin cậy đặng gia công dọn lối chông gai để mở trống nẻo thiêng liêng, dẫn lần dân sanh khỏi sông mê bến khổ, tất là cõi trần vô vị nầy.

    Ðạo đã lập thành, gót trần của phần nhiều môn đệ hầu rửa sạch bợn, nhưng các con phải chịu lắm nỗi gay go mà gieo mối Chánh truyền cho đoàn hậu tấn.

    Gương sáng đã giồi nên, mà con thuyền Bát Nhã phải tùy máy Thiên cơ lắm phen lắc lở, đắm chìm biết bao khách. Ấy là những môn đệ vô phần, đã chẳng giữ nét thanh cao lại mượn thói vạy tà để làm cho bợn nhơ mối Ðạo quí báu của Thầy đã lấy đức háo sanh mà khai hóa.

    Con đã để dạ ưu tư về mối Ðạo, đã lắm lần trưu cay ngậm đắng mà nhuộm nét nâu sồng, mong trau rạng mảnh gương để soi chung bước đàng sau mà lần đến cảnh tự tại thung dung, tránh bớt muôn điều phiền não.

    Ấy là môn đệ yêu dấu, khá gìn mực ấy mà đi cho cùng nẻo quanh co. Cân công quả sẽ vì phần phước mà định buổi chung qui cho mỗi đứa.

    Còn cuối kỳ tháng 6 đây, thì Thầy phải ngưng hết cơ bút truyền Ðạo.

    Các con sẽ lấy hết chí thành đã un đúc bấy lâu mà lần hồi lập cho hoàn toàn mối Ðạo.

    Nầy là mấy lời đinh ninh sau rốt, khá lưu tâm. Ai vạy tà nấy có phần riêng, cứ giữ nẻo thẳng đường ngay bước đến thang thiêng liêng, chờ ngày hội hiệp cùng Thầy. Ấy là điều quí báu đó.

    Thầy ban ơn cho các con.

    CHÚ THÍCH:

    Phước Thọ: Ở Bà Rịa, nơi Ngài Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh đang được nhà cầm quyền Pháp bổ làm Chủ Quận.

    T . . .: Tương, Ngài Thượng Tương Thanh.

    Tự tại thung dung: Tự do thoải mái, không chi ràng buộc, hay phiền não. Ðó là trạng thái của người đắc đạo.

    Ngưng hết cơ bút truyền Ðạo: Ðức Chí Tôn ra lịnh: Cuối tháng 6 âl năm Ðinh Mão, ngưng tất cả cơ bút truyền đạo. Cơ bút truyền đạo là các đàn cơ phổ độ tổ chức ở các nơi để thâu nhận tín đồ. Bởi vì Ðức Chí Tôn sợ để lâu, Quỉ Vương xâm nhập các đàn cơ nầy khuấy phá làm mất đức tin của bổn đạo. Chỉ ngưng cơ bút phổ độ ở các địa phương, còn cơ bút tại Tòa Thánh thì vẫn duy trì để Ðức Lý Giáo Tông và các Ðấng điều hành nền Ðạo.

  • 119. Nhiều nhánh nhiều chi

    119. Nhiều nhánh nhiều chi

    119. Minh Lý Ðàn
    Tháng 7 năm 1927 (âl tháng 6 năm Ðinh Mão)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI
    giáo đạo Nam phương

    Ta chào các con.

    Ta cho phép lên hết. Ta chào chung các con.

    Cười . . . Ta mừng cho con đó, Trung.

    Thầy có hội chư Tiên, Phật lại mà thương nghị về sự lập Ðạo tại Ðại Nam Việt quốc.

    Các con khá nghe lời Thầy dặn, chớ khá nghịch lẫn nhau, phải đồng một lòng một dạ mà lo chấn hưng đạo đức. Tuy bây giờ phân chia nhiều nhánh, nhiều chi, chớ ngày sau cũng có một mà thôi.

    Các con, dầu bên nào cũng thương nhau như con một nhà, chớ khá ganh gổ chê bai nhau.

    Thầy xin lập Tiểu đàn nầy là Thầy biết con đến đó, Trung. Con khá nhớ những lời Thầy đã dạy: Con phải nên trợ giúp Minh Lý cho nên việc, nghe há.

    Có nhiều đạo, cũng như cái nhà, phải có nhờ nào là cột cái, nào là cột con, đòn tay, kèo, rui. Rui là nhỏ, mỏng mảnh hơn hết, mà cũng phải nhờ nó. Tuy kể cho nhiều tên, chớ cất rồi thì có một chủ mà thôi.

    Con Trung, nên về ráng tập các đạo hữu của con cho có lễ phép . Ðạo thành là nhờ Lễ.

    Bên Minh Lý đây là Séminaire, là chỗ các thầy tu, ngày sau độ về phần linh hồn đó con.

    Thôi Thầy về, chút nữa có Thái Ất giáng. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Trung: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt .

    Thương nghị: Cùng nhau bàn bạc để sắp đặt công việc.

    Ðại Nam: Tên cũ của nước VN.

    Nhiều nhánh nhiều chi: Nhiều nhánh là chỉ Tam giáo: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo. Nhiều chi là chỉ Ngũ chi Minh đạo hay Ngũ chi Ðại Ðạo. Ngũ chi Minh đạo gồm: Minh Sư, Minh Ðường, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Tân. Ngũ chi Ðại Ðạo: Phật đạo, Tiên đạo, Thánh đạo, Thần đạo, Nhơn đạo.

    Tuy bây giờ phân chia nhiều nhánh nhiều chi, chớ ngày sau cũng có một mà thôi.: Ðây là tôn chỉ của Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn lập ra là: Tam giáo qui nguyên, Ngũ chi phục nhứt. Bây giờ thì các đạo còn phân chia khác nhau, nhưng qua Hội Long Hoa rồi, các đạo đều gom về một mối là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Séminaire: Tu viện đào tạo các tu sĩ.

    Minh Lý: Một chi trong Ngũ Chi Minh đạo, trụ sở chánh hiện nay đặt tại Tam Tông Miếu ở đường Cao Thắng, Sàigòn. Thuở mới khai đạo, Ðức Chí Tôn dạy Hội Thánh đến Tam Tông Miếu thỉnh các bài kinh: Niệm Hương, Khai Kinh, Kinh Sám Hối, Kinh Cầu Siêu, Kinh Tán Tụng Công Ðức Thần, Thánh, Tiên, Phật về làm kinh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

    Thái Ất: Trong Kinh Cầu Siêu có câu: Cứu khổ nàn Thái Ất Thiên Tôn. Thái Ất là vị Ðại Tiên, học trò của Ðức Nguơn Thủy Thiên Tôn thời Phong Trần ở Trung Hoa.

  • 120. Đức Lý dạy Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt

    120. Đức Lý dạy Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt

    120. Ngày 12-9-1927 (âl 17-8-Ðinh Mão)

    LÝ BẠCH

    Thượng Trung Nhựt, hiền hữu có mang trách nhiệm lớn lao của Ðại Từ Bi đặng phổ thông điều đình mối Ðạo, hiệp với Hội Thánh mà trù nghĩ suy tính cách thức hành động về bước đường của chư Thiên phong và đạo hữu trong buổi nầy.

    Phải lấy nét thẳng đường ngay do nơi tâm thành mà hành sự tạc thù, sợ chinh lòng mà để nét bất bình cho cả chư đạo hữu. Mỗi việc hành động đều do nơi Ðức Từ Bi sắp đặt sẵn rồi, duy có để cho chư hiền hữu bước lần mà đi tới.

    Những đạo hữu nào không vì hạnh đức mà chung hiệp nhau lo hành Chánh giáo, thì đã có Thần, Thánh lãnh lịnh biên ghi vào Sổ Công Quả, đợi ngày chung qui đặng đem vào cân Thiên điều mà phán đoán.

    Hiền hữu cũng nên giữ lời Thánh giáo của Ðức Từ Bi, hễ ai biết phục theo luật định của Hội Thánh Công Ðồng thì đặng phép dâng sớ cho Lão định đoạt. Nhiều kẻ lại tư lịnh, muốn mở riêng đường khác, đặng dìu nhơn sanh vào lối quanh co. Hại thay! mà cũng tiếc thay! Căn xưa quả trước chẳng chịu lo đền bồi, lại tự dẫn mình vào nơi hang thẳm, sau kết cuộc ra thế nào sẽ thấy.

    Hiền hữu tua lo về phần thuyết đạo cho chóng.

    Bàn Trị Sự đã có sắp đặt đủ tư cách và mỗi đạo hữu đều có tư cách riêng, mỗi tháng nhóm một lần, là đêm rằm mà bàn tính việc đạo, xem xét coi sự nào trong đạo nên hủy vì sái nhơn tâm, sự nào nên thi hành thì hiệp lòng sanh chúng, gắng lo chung nhau mà làm cho Ðạo đặng có phẩm giá tối cao tối trọng, thì thế nào chư hiền hữu chẳng vui lòng bước tới.

    Mỗi lần nhóm Bàn Trị Sự, ba vị Ðầu Sư phải có mặt, ba vị Chức sắc Hiệp Thiên Ðài chứng sự, mỗi việc nghị định đều biên chép để lại đành rành, sau khỏi điều dị nghị.

    Trong cả chư đạo hữu, Lão cho hiền hữu biết rằng Nữ phái phần nhiều chưa thông hiểu về Ðạo cho lắm.

    Hiền hữu, mỗi đàn lệ, cần phải buộc Nữ phái tới mà nghe thuyết đạo chung với Nam phái. Sau nầy, chừng Lão liệu có đạo muội nào đáng công tìm học đạo lý, thì sẽ cho thuyết đạo riêng về Nữ phái.

    Tr . . . bạch: Xin nhóm đàn tại Chợ Lớn mỗi tháng.

    Hiền hữu đặng tự liệu.

    Từ đây để H . . . vào Hiệp Thiên Ðài nghe.

    Lão để lời khuyên chung và gắng vì Ðạo mà tỏ nét kính thành Ðấng Chi Tôn. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tr . . .: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    H . . .: Bác sĩ Lê văn Hoạch, sau đắc phong Bảo Sanh Quân trong Thập nhị Bảo Quân.

    Phổ thông điều đình mối Ðạo: Phổ thông là truyền bá giáo lý của Ðạo ra khắp nơi. Ðiều đình là dàn xếp cho đạt được sự hòa hợp mà làm việc cho kết quả.

    Sổ Công Quả: Cuốn sổ ghi chép công quả của mỗi người, để Ngọc Hư Cung định vị cho người ấy sau khi qui liễu.

    Luật định của Hội Thánh Công Ðồng: Các luật lệ lập ra bởi toàn cả Hội Thánh cùng chung quyết định.

    Nhiều kẻ lại tư lịnh muốn mở riêng đường khác: Ý nói nhiều vị Chức sắc có ý riêng, muốn tách ra, dẫn tín đồ đặng lập Chi Phái, không tùng phục Hội Thánh.

    Lối quanh co: Ý nói: Con đường tà vạy, Tà đạo.

    Căn xưa quả trước: Nguồn gốc của mỗi người và kết quả những việc làm thiện ác trong kiếp sống trước.

    Bàn Trị Sự: Cơ quan tạm thời do Hội Thánh bầu cử lập ra để điều hành việc phổ thông nền Ðạo đến khắp mọi nơi. Ðây không phải là Bàn Trị Sự nơi Hương đạo.

    Chứng sự: Nhìn nhận sự việc diễn tiến một cách hợp pháp theo Luật Ðạo.

    Nghị định: Hội lại với nhau bàn bạc mà đồng ý qui định một việc gì.

    Ðàn lệ: Ðàn cúng thường lệ, tức là Ðàn cúng vào ngày mùng 1 và ngày 15 hằng tháng.

  • 121. Chức sắc nếu vì áo mão hơn đạo đức thì tội chất bằng hai

    121. Chức sắc nếu vì áo mão hơn đạo đức thì tội chất bằng hai

    121. Ngày 17-9-1927 (âl 22-8-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Thầy đã nói dụng hòa bình êm tịnh mà dẫn các con trong đường Ðạo. Các con cũng nên lưu tâm để hết công trình trí não lo lắng thì bước đường càng bữa càng tốt, chẳng điều chi cản đặng, duy có một điều là chư môn đệ và tín đồ xa khuất lời Thánh giáo, nên phần nhiều để thì giờ mà chăm nom về nhơn sự.

    Các Giáo Hữu phải lo lắng về phần thuyết đạo cho kịp mỗi đàn lệ, phải trích ra một bài Thánh Ngôn dạy về đạo đức và đọc cho chúng sanh nghe. Như vậy thì lời Thánh giáo như còn vẳng bên tai các môn đệ, để giục bước đường của chúng nó chẳng sụt sè vậy.

    Th . . và L . . T . . . ái nữ cũng do theo đó mà hành sự, nghe!

    Tr . . . bạch: Con có ra đề hồi hôm nơi Ðàn Cầu Kho cho các Giáo Hữu làm bài thuyết đạo.

    - Phải, như các Giáo Hữu nào bê trễ về phận sự và không quản đến lời Thầy thì con hội chư Thánh dâng sớ lên cho Lý Bạch phán đoán, nghe!

    Th . . . bạch: Về việc in Thánh Ngôn.

    - Ðược, nhưng Thánh Ngôn và Văn Thi đều phải trích lục cho kỹ càng, phải có Hội Thánh phê nhận rồi sẽ in thì khỏi điều sơ sót quan hệ.

    Các con, phần nhiều chư môn đệ ham muốn phong tịch, nhưng chưa hiểu Thiên phong là gì?

    Thầy để lời cho các con biết rằng: Nhiều Thánh, Tiên, Phật, xuống phàm, nếu căn quả tiền khiên không mấy trọng hệ, nghĩa là kiếp trần duyên không chi phải nhơ bợn nhiều thì dầu không Thiên phong, hễ gắng tâm thiện niệm thì địa vị cũng đạt hồi đặng.

    Thiên phong là để cho bậc Thánh, Tiên, Phật, lìa trần phải lắm dày công cùng sanh chúng mới trông mong hồi cựu phẩm đặng.

    Các con nên nhớ, Thầy lấy từ bi phong tịch, nhưng Chức sắc nếu vì áo mão hơn đạo đức thì tội chất bằng hai.

    Tr . . . , Th . . , L . .T . . . ái nữ, ba con,

    Thầy vì lòng từ bi thương môn đệ phong tịch lần nầy là lần chót, vì Tân Luật đã hoàn toàn, nếu chẳng do theo đó thì Lý Bạch hằng kêu nài, Quan Thánh và Quan Âm cũng hiệp sức mà dâng sớ kêu về sự ấy. Vậy sau nầy có ai đáng thì do Tân Luật mà công cử, còn về phong tịch thì có Lý Giáo Tông tiến cử, Thầy mới nhậm phong, nghe!

    Tr . . . , con gắng công thêm và liệu cách đối đãi với chánh phủ, có chư Thần giúp sức, khá an tâm.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong Thánh Ngôn chép tay của Ngài Ðầu Sư Thái Thơ Thanh, trang 657.

    Th . . và L . . T . . . ái nữ: Thơ và Lâm Thị ái nữ, tức là Ngài Nguyễn Ngọc Thơ và Bà Lâm Thị Thanh.

    Tr . . .: Trung, Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    Th . . .: Thơ, Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh.

    Tr . . . , Th . . . , L . . T . . . ái nữ: Trung, Thơ, Lâm Thị ái nữ.

    Phong tịch: Ðức Chí Tôn phong phẩm tước Chức sắc và ghi vào Bộ Chức sắc của Ðạo. Tịch là Bộ sổ.

    Căn quả tiền khiên: Căn quả là kết quả của những việc làm thiện ác của kiếp trước hiện ra trong kiếp sống hiện tại. Tiền khiên là những tội lỗi đã gây ra trong kiếp trước.

    Ðạt hồi: Ðạt đến được và trở về cõi thiêng liêng.

    Cựu phẩm: Phẩm vị cũ nơi cõi thiêng liêng.

    Chức sắc nếu vì áo mão hơn đạo đức thì tội chất bằng hai: Cùng một tội danh, nếu người tín đồ vi phạm thì bị hình phạt có 1; còn nếu Chức sắc vi phạm thì bị hình phạt gấp 2. Bởi vì Chức sắc thì hiểu rõ Luật đạo và Giáo lý hơn tín đồ, và là người hướng đạo làm gương cho tín đồ.

    Nhậm phong: Chấp thuận phong phẩm tước Chức sắc.

  • 122. Thầy đã định và nói trước Trường náo nhiệt

    122. Thầy đã định và nói trước Trường náo nhiệt

    122. Ngày 26-10-1927 (âl 1-10-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Kỳ ngưng cơ Phổ Ðộ đến nay chưa được bao lâu mà nền Ðạo xảy ra lắm điều trắc trở. Thầy đã un đúc chí Thánh cho mỗi đứa, Thánh ý đã giao trọn quyền cho các con chung lo hiệp trí nhau mà dìu dắt, phổ thông mối Ðạo cho đến tận cùng bước đường.

    Thiên cơ dĩ định cho nền Ðạo sáng lập đặng cứu vớt sanh linh.

    Ngày nay tháng nầy, mà nền Ðạo chưa trọn thành thì năm nào và tháng nào?

    Các con có đặng thành công quả cùng chăng mà đến hội hiệp cùng Thầy nhiều hay ít? Thầy đã có lộ một ít về việc ấy. Khá kiếm hiểu cho đích xác, chớ tưởng lầm rằng dầu hạnh chất của các con dường bao, Ðạo cũng thạnh hành mà dìu dắt các con đến tận chốn được.

    Thành cùng không, đặng hay thất, Thầy cũng chỉ ngưng cân thiêng liêng mà đợi cuộc hành tàng của mỗi đứa trong các con mà thôi.

    Trường náo nhiệt Thầy đã định và nói trước, nay đã khởi đầu loán lần ra. Nếu trí các con chẳng lanh lẹ, hạnh các con chẳng hoàn toàn, cách cư xử các con chưa hòa hiệp, đường Ðạo các con chưa liệu chung, nét khiêm cung các con chưa trọn vẹn, cách đối đãi các con chưa ôn hòa, thì nền Ðạo sau nầy e khi phải vì đó mà để một trò cười, dầu đức từ bi của Thầy cũng khó gỡ rối rấm được.

    Các con trước đã vì Thiên mạng phải bỏ các ngôi cao đặng đem mình vào nơi khổ não, Thầy chỉ đường vẽ bước, dạy từ nét, dẫn từ dặm đường mà đem các con về chốn Cực Lạc xưa, các con chẳng chịu vầy hiệp nhau cho đặng bền, cho thân ái, đặng tiến bước đường, thì Thầy cũng lắm nỗi thương đau mà nắm cân công bình ngó xem một phần trong các con sa nơi u hiểm.

    Vậy thì các con nên hiểu lấy mà làm bổn phận. Nếu Thầy quá thương dìu dẫn cho các con khỏi chốn khó khăn ấy, thì các con phải đem mình trở xuống mấy lần như vầy nữa mới được công quả hoàn toàn, hầu trở về ngôi vị đặng.

    Thói vạy tà của nhiều đứa, ấy chẳng qua là những bẫy của Tòa Tam Giáo để cho các con hơ hỏng mà phải vướng chơn lúc hành trình đó. Liệu mà bước, lo mà ngừa, thế nào cho vuông tròn đặng. Thà bỏ một hai đứa mà vớt cả muôn triệu, các con nên biết.

    Tr . . . , phận sự của con nơi đó chẳng ít, phải chăm nom mà liệu chừng với các đạo hữu, nghe!

    Tr . . . , con có biết, nội môn đệ, Thầy tin cậy ai hơn chăng?

    (Bạch: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . )

    Còn đứa nào nghe Thánh giáo trước chăng?

    Trừ H.T.Ð, con là môn đệ của Thầy, đã sai chư Thần, Tiên độ trước và năng gần Thầy trong lúc phổ độ. Con có lẽ hiểu cách thức của Thầy dùng mà lập Ðại Ðạo Tam Kỳ, sao con lại sai lầm mà chẳng hiểu sự cám dỗ của Tà quái?

    Thầy chẳng dùng sự chi mà thế gian gọi là Tà quái dị đoan, mà nếu xảy ra có một ít dị đoan trong Ðạo đã dùng lỡ thì ấy là tại nơi tâm của vài môn đệ đó. Nếu chẳng giữ theo lẽ chánh mà hành đạo và bày biện nhiều sự vô lối thì trong ít năm sau đây, sẽ trở nên một mối Tả đạo, mà các con đã từng thấy. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tr . . .: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    Kỳ ngưng Cơ Phổ Ðộ đến nay: Các đàn cơ phổ độ mà Ðức Chí Tôn cho lập ở nhiều nơi để phổ độ nhơn sanh và thâu nhận tín đồ, được Ðức Chí Tôn ra lịnh ngưng lại hết kể từ cuối tháng 6 năm Ðinh Mão (1927), chỉ còn cơ bút tại Tòa Thánh mà thôi, để Ðức Chí Tôn và các Ðấng thiêng liêng giáng cơ dạy Ðạo và điều hành các việc trong Ðạo.

    Chí Thánh: Cái ý chí của bực Thánh nhân, tức là cái ý chí cao thượng và tốt đẹp mà bực Thánh mới có được.

    Thánh ý: Ý kiến của Ðức Chí Tôn. Ðức Chí Tôn dùng chữ Thánh để chỉ về mình là biểu lộ sự khiêm nhường, cho môn đệ của Ðức Chí Tôn bắt chước hạnh khiêm nhượng ấy.

    Thiên cơ dĩ định: Máy Trời đã định như vậy.

    Hạnh chất: Ðức hạnh và phẩm chất đạo đức.

    Loán dần ra: Lan tràn ra chung quanh như vết dầu.

    Các con trước đã vì Thiên mạng, phải bỏ các ngôi cao đặng đem mình vào nơi khổ não: Các bậc tiền khai của nền Ðại Ðạo đều là những Ðấng Tiên, Phật nơi cõi thiêng liêng, lãnh lịnh Ngọc Hư Cung, giáng trần làm tướng soái cho Ðức Chí Tôn khai đạo. Ngài Lê Văn Trung là Chơn linh của Lý Thiết Quả giáng trần, Ngài Cao Quỳnh Cư là Chơn linh của Hớn Chung Ly, Ngài Cao Hoài Sang là Chơn linh của Lữ Ðồng Tân giáng trần, Ngài Phạm Công Tắc là Chơn linh của Ðức Phật Vi Hộ Pháp giáng trần, Bà Lâm Hương Thanh là Chơn linh của Long Nữ giáng trần, vv . . .

    U hiểm: Tối tăm nguy hiểm, ý nói U Minh Ðịa phủ.

    Trừ Hiệp Thiên Đài, con là môn đệ của Thầy đã sai chư Thần, Tiên độ trước: Câu nầy nói về Ngài Lê Văn Trung. Thuở đầu tiên khi Ðức Chí Tôn độ được nhóm phò loan (sau nầy trở thành Chức sắc Hiệp Thiên Đài) gồm: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang, Cao Quỳnh Diêu, Ðức Chí Tôn liền ra lịnh cho hai Ngài: Cư và Tắc đem ngọc cơ vào nhà Ngài Trung ở đường Quai Testard, Chợ Lớn, để Ðức Chí Tôn độ Ngài Trung theo Ðạo. Nhưng trước đó, Ngài Trung đã có đi hầu đàn ở Chợ Gạo Bến Phú Lâm, được Ðức Lý Thái Bạch giáng cơ độ dẫn rồi, ban điển lành cho Ngài hết bệnh lòa mắt. Nhờ vậy, khi Ðức Chí Tôn đến, Ngài liền phế hết việc đời, theo Ðức Chí Tôn hành Ðạo.

  • 123. Sư thương yêu là chìa khóa mở Bạch Ngọc Kinh

    123. Sư thương yêu là chìa khóa mở Bạch Ngọc Kinh

    123. Ngày 27-10-1927 (âl 2-10 Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Xưa sanh linh lắm lần hi sinh vì Ðạo, song chẳng đặng ân tứ cho bằng các môn đệ Thầy ngày nay, các con còn chi hơn nữa mà ngán lòng dừng bước.

    Càng khổ hạnh, càng thương tâm thì lòng càng nôn nóng. Khổ hạnh vì mấy chục triệu sanh linh thì cái khổ ấy có nên tiếc chăng?

    Thầy đã dạy, Thầy chỉ một lòng mơ ước cho các con biết thương yêu nhau trong Thánh đức của Thầy. Sư thương yêu là chìa khóa mở Tam thập lục Thiên, Cực Lạc Thế Giới và Bạch Ngọc Kinh.

    Kẻ nào ghét sự thương yêu thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi.

    Có câu nầy nữa: Mọi sự khó khăn Thầy gánh vác, chỉ cậy các con thương yêu, gắng công độ rỗi.

    CHÚ THÍCH:

    Ân tứ: Ðức Chí Tôn ban ơn huệ cho các môn đệ.

    Mấy chục triệu sanh linh: Chỉ dân Việt Nam, vì năm đó, dân số VN toàn ba miền có khoảng 20 triệu đồng bào.

  • 124. Những sự tranh tụng là những nét của phàm tâm

    124. Những sự tranh tụng là những nét của phàm tâm

    124. Chợ Lớn, ngày 29-11-1927 (âl 6-11-Ðinh Mão)

    THẦY

    Các con,

    Tr . . . , Thầy đã nhiều phen để lời khuyên nhủ các môn đệ về việc dùng công tâm, hòa thuận mà hành đạo cho vuông tròn phận sự, mà Thầy những buồn trông thấy các con chưa gì mà vội phân tay chia nẻo! Mỗi đứa đều lấy sự háo danh cầu tiến mà quên cả nghĩa vụ xứng đáng của Thầy đã lắm phen phú thác.

    Thầy dẫn các con đến khỏi mấy nơi khốn cùng rồi, mà các con chưa để hết tấc lòng chung lo đặng ngăn ngừa những sự gay trở sẽ đến sau nầy nữa, thì nền Ðạo lo thế nào lập thành cho kịp ngày giờ mà vớt muôn ngàn sanh chúng.

    Một đứa vun quén, mười đứa cản ngăn, lớn nhỏ chẳng phân minh, xem Thiên tước của Thầy ban dường như một chức vô vị ở cõi trần, lấy thế lớn lực to mà ép đè hạnh nhiều đứa.

    Than ôi! Các con xa Thầy chưa mấy ngày, thì mối Ðạo lớn lao đã thành một bàn hội vô giá trị ở cõi trần thế nầy. Mấy đứa mong chác sự phá hoại ấy lại là mấy ngọn đèn của Tòa Tam Giáo khêu lên để dìu đường cho cả chúng sanh, thì con phải nghĩ đến hành trình của Ðạo phải đến thế nào?

    Công chỉ dẫn của Thầy phải lửng đửng theo giọt thủy triều, mà rồi rốt cuộc lại, bến khổ cũng chưa xa, ngôi xưa còn lánh mãi. Thảm thay! Tiếc thay!

    Thầy đã nói, bầy hổ lang, lũ quỉ mị đã sẵn bên mình của mỗi đứa, mà con lớn nhỏ gì cũng chẳng để ý đến. Thầy nắm cân thiêng liêng, há dễ để tay sửa nét công bình sao?

    Nhiều đứa lại chẳng kể đến lời Thầy là gì? Ôi! Con ngỗ nghịch, trách sao chẳng vướng Thiên điều khổ nạn. Chúng nó đã gieo ác cảm lừng đến Tam Giáo Ðài, thế thì bước đường sau nầy Thầy khó cứu rỗi được.

    Con đã để hết tấc thành vào Ðạo, thế mà cũng khó gỡ sự rối rấm ấy được, buộc Thầy phú rủi may của chúng nó cho Tòa Tam Giáo định liệu. Còn sự tự hối của mỗi đứa, sau nầy ra sao, thì tăng tội phước cũng vì đó mà châm chế.

    Trước khi ngưng cơ, Thầy đã cho lịnh dùng cơ bút thế nào? Thầy tưởng mỗi Thiên phong đều đặng Thánh Ngôn của con đã ban hành, sao còn có ra việc bất minh ấy, là con chẳng nói tất cho mỗi Thiên phong rõ và ban hành Thánh ý, để cho chúng nó chác lấy vào mình, thì con cũng không khỏi chia một phần trong ấy.

    Còn Nữ phái, chưa có vẻ gì gọi là Ðạo, một hai đứa hành đạo, cả trăm đứa cầu vui, thế nào Ðạo thành, con? Thầy đã nói, giao hết chúng nó nơi đây cho con, thì mỗi mỗi đều ghé mắt đến mà cải sửa cho kịp giờ mới khỏi sơ thất lớn lao.

    Từ đây, mỗi lần nhóm Bàn Chủ Sự đặng liệu tính việc chi thì con phải có mặt và y theo lời Thầy dạy, phải có ba Chức sắc Hiệp Thiên Ðài có trách nhậm xứng đáng, thì những việc bàn tính mới tiện thi hành.

    N . . . , nó ở xa không thể giúp con mà đi hội thường đặng. Còn L . . . thì chẳng dứt nét phàm.

    Ôi! Con phải cam lòng gánh vác sự khó khăn, nhứt là trong lúc nầy.

    Con nên biểu C . . . nó lấy lời Thầy dạy làm trọng, những sự tranh tụng là những nét của phàm tâm, chẳng đủ chi lay động chí của các đấng chân thành vì Ðạo.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tr . . .: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    N . . .: Ngài Ðầu Sư Thái Nương Tinh (Dương Văn Nương) ở Sa Ðéc.

    L . . .: Ngài Ðầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (Lê Văn Lịch)

    C . . .: Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.

    Háo danh cầu tiến: Ham danh, mong cầu tiến nhanh lên những phẩm tước cao hơn nữa.

    Phú thác: Phú tức là Phó, nghĩa là giao cho; thác là gởi gấm. Phú thác hay Phó thác là giao công việc cho người tin cậy để họ trọn quyền làm giúp.

    Thiên tước: Phẩm tước do Ðức Chí Tôn ban cho.

    Vô vị: Không có ý nghĩa hay ho gì hết.

    Bàn hội: tức là Ban Hội, là một nhóm tập hợp nhiều người, có tổ chức, hoạt động với mục đích rõ rệt.

    Tam Giáo Ðài: Tòa Tam Giáo, là Tòa Án nơi cõi thiêng liêng để xử đoán các Chức sắc trong ba phái phạm tội.

    Quỉ mị: Quỉ là loài yêu quái, mị là nịnh hót để mê hoặc người. Quỉ mị là loài yêu quái luôn tìm cách nịnh hót và hãm hại người tu.

    Gieo ác cảm lừng đến Tam Giáo Ðài: Tư tưởng độc ác mạnh đến nỗi bốc lên không trung, khiến cho Tòa Tam Giáo thiêng liêng biết được.

    Sơ thất: Không cẩn thận để cho thất bại.

    Bàn Chủ Sự: Ban Trị Sự làm chủ cai quản các việc. Ðây là Bàn Trị Sự do Hội Thánh lập ra ở Trung ương để điều hành toàn bộ các việc trong Ðạo.

    Lay động chí của các đấng chân thành vì Ðạo: Làm xao xuyến ý chí vững chắc của các Chức sắc đang phụng sự Ðạo pháp một cách chân thành.

  • 125. Ðạo tại lòng Bác ái và Chí thành

    125. Ðạo tại lòng Bác ái và Chí thành

    125. Tây Ninh,
    Ðầu năm 1928, cuối năm Ðinh Mão.

    THẦY

    Các con,

    Thầy đã lắm công trình dìu dắt các con vào đường đạo đức, mà mỗi ngày Thầy hằng thấy những việc bất bình, thì biết ngày nào các con làm nên đặng? Thầy đã lắm phen để lời khuyên dỗ, các con chẳng kể ra chi nên mới có điều trở ngại như lúc nầy.

    Các con có thấy có nghe chăng? Nếu Thầy không vì Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy thì Thầy đã y tấu lời xin của Giáo Tông mà hủy trường công quả của các con hết thảy. Vậy nay Thầy cũng lấy lòng nhơn mà để vào trí não các con ít lời thêm cho rõ việc thi hành chánh sách của Ðạo.

    Các con phải biết, Ðạo tại lòng Bác ái và Chí thành.

    Bác ái là hay thương xót sanh linh hơn thân mình. Cho nên kẻ có lòng bác ái coi mình nhẹ hơn mảy lông, mà coi thiên hạ trọng bằng Trời Ðất.

    Còn Chí thành, là mỗi việc lấy lòng thành thật mà đối đãi trong đời và trong đạo.

    Dù kẻ phú quí đến bậc nào đi nữa mà không có lòng bác ái và chí thành thì không làm chi nên việc.

    Vậy nên, Thầy khuyên các con trước hết phải ở sao cho ra vẻ Ðạo, đừng để ý gì về việc công quả mà nêu danh nơi cõi tạm nầy. Các con phải mở rộng tâm chí ra mà hành đạo mới nên cho, chớ đừng mờ hồ rằng, Ðạo thành thì mình được làm đặng một vị xứng đáng và đại ích trong Ðạo. Ðiều đó lẽ thì các con không cần Thầy nhắc đến mới phải, nhưng vì còn nhiều đứa háo danh và ham làm một vị chủ tướng trong Ðạo, nên cần phải nói cho mà xét mình. Nếu các con thật lòng vì Ðạo thì đâu có chậm trễ như vầy.

    Ngày Thầy khai Ðạo, Thầy cũng có lời để lại cho các con hiểu rằng, lũ ma hồn quỉ xác nó cứ theo phá khuấy các con là nó muốn phá Ðạo đó, lại cũng vì các con không thoát tục đó chớ. Các con mà có sức chống chỏi thì lũ ấy phải xa và Tòa Thánh hôm nay đã thành một nơi đô hội, mà các con cũng đặng sum vầy một cửa, anh lớn em nhỏ một lòng một dạ, lấy Ðạo làm gốc mà lập nên một Tiểu Thiên Ðịa, há chẳng hơn giàu sang bốn biển sao? Há chẳng phải một điều phước hạnh lớn lao hơn mọi sự sao? Há chẳng phải là một nơi giải thoát chung cho nhơn quần xã hội sao? Các con hiểu chăng?

    Nếu các con hiểu đặng ý Thầy thì rất may cho Ðạo đó.

    Thầy hỏi các con, vậy chớ Chức sắc của Thầy ban cho các con để làm gì?

    Nếu các con phủi trần thế mà lo cho Ðạo thì sao Tòa Thánh còn thiếu tay giúp Ðạo, để cho đến đỗi càng ngày càng tiều tụy mà ra một cảnh điêu tàn.

    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

    Nếu các con biết Ðạo thì hiệp nhau về Tòa Thánh mà chung lo cho xong, đừng quyến luyến hồng trần nữa. Nghe à! . . . . . . . . . . . . . . . . . Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong tập Thánh Giáo chép tay của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, trang 18, Phò loan: Bảo Pháp - Hiến Pháp. Hai chỗ nhiều chấm ở cuối bài, xin chép bổ sung vào đây:

    "Thái Thơ Thanh, con hay làm nhiều việc không đúng hơn hết. Mỗi việc con làm đều tự ý mà làm ra, không chung trí với ai hết. Con tưởng rằng như vậy là phù hạp với Ðạo, nhưng lại là việc trái hẳn với tôn chỉ của Ðạo. Thầy cũng biết rằng con vì Ðạo nên không nỡ trách cứ, nhưng nếu con cứ làm như thế mãi thì các đạo hữu của con vì tình anh em mà không dám nói, để lâu ngày sanh ra một điều rối cho Ðạo, nên Thầy phải buộc mình nói cho con biết mà ngăn ngừa các việc, đừng tự ý mà làm điều chi hết. Con có phần trách nhậm rất quan hệ trong Ðạo là nắm giữ huyết mạch của Ðạo. Nếu con làm không đúng thì các đạo hữu của con không phục đặng mà lại còn lắm điều trở ngại cho bước Ðạo nữa. Con hiểu à!"

    "Phổ độ nơi Tòa Thánh còn hơn là đi nói lảm nhảm cho người ta kích bác. Nếu trong không xong mà tính việc ngoài sao đặng?

    Thầy không phải biểu làm Tòa Thánh trước việc phổ độ. Thầy muốn cho các con hiệp nhau lại mà làm cho rỡ ràng danh Ðạo, tức nhiên đâu đâu cũng đến mà cầu Ðạo, nghe à!

    Trung, Thầy lại nhắc cho con nhớ rằng, trong Thập nhị Thời Quân đó đều có sắp đặt. Nếu không phải mấy đứa phò loan của Thầy đã định thì cơ bút do nơi khác mà ra đều là không phải lời của Thầy nói. Con phải đề phòng, cẩn thận, nghe à!

    Thầy hằng nói cho các con biết, cơ bút là việc trọng. Nếu không có chơn linh quí trọng thì thường có Tà quái xung nhập mà khuấy rối làm cho thất nhơn tâm, lại còn một điều đáng quan phòng nữa là trong mấy đứa phò loan cũng có đứa không dè dặt, tưởng cơ bút là việc khinh thường, làm thế nào cũng đặng, rồi lấy đó mà cầu hỏi những điều vô vị, nên cũng có nhiều khi vì đó mà sanh biến trong Ðạo.

    Thầy nói cho các con hiểu, bực Chơn Thánh mà phải đọa trần,nếu không đủ tánh chất để dìu dẫn nhơn sanh thì cũng chưa xứng đáng cầm bút cho Thầy truyền Ðạo.

    Các con nghe à! Thơ hỏi chi? . . . . . . . .

    - Vì tại con không chịu chung trí mà hỏi nhau rồi sẽ thi hành thì mới khỏi sai lầm đặng, nghe à!

    Các con cũng phải để ý lo xong việc rồi thì phải lo đi phổ độ tha phương.

    Thơ, Thầy đã có lời dặn con về việc phổ độ tha phương thì con cứ đó mà làm. Nhưng trước hết phải hiệp nhau mà bàn tính. Theo ý Thầy thì mỗi khi đi phổ thông Chơn đạo xứ khác, cần phải có một đứa cho đủ tư cách, biết Ðạo cùng lịch lãm nhơn tình thế sự đi thì mới mau thành tựu. Con nghĩ đây có đứa nào nên đi? . . . . . . . . .

    Còn bên Hội Thánh thì đứa nào? . . . . . . . . . .

    Giáo Hữu bất thông, Thầy muốn một vị Ðầu Sư . Trung, con nghĩ sao? . . . . . . Bởi vậy nên Thầy biểu sắp đặt cho yên việc trong, rồi sẽ lo việc ngoài. Hiểu à!"

    Y tấu: Ban cho theo đúng lời cầu xin.

    Cõi tạm: Cõi trần, nơi nhơn loại đang sanh sống. Gọi là Tạm vì cõi nầy không phải là quê hương thật sự của các nguyên nhân. Nguyên nhân chỉ xuống ở tạm nơi đây một thời gian để hướng dẫn nhơn sanh vào đường đạo đức, xong phận sự thì trở về quê cũ là cõi TLHS.

    Ðại ích: Việc ích lợi lớn lao.

    Ma hồn quỉ xác: Thể xác là người nhưng linh hồn là ma quỉ, nên chuyên tìm cách hãm hại người tu.

    Tiểu Thiên Ðịa: Thiên Ðịa là Trời Ðất, chỉ Càn khôn Vũ Trụ. Tiểu Thiên Ðịa là một vũ trụ nhỏ. Ở đây, Tiểu Thiên Ðịa là có ý chỉ một vùng đất trù phú, dân chúng sống lương thiện trong vòng đạo đức, như một Thiên đàng tại thế.

    Giàu sang bốn biển: Chữ Hán là Phú hữu tứ hải, ý nói giàu có tột bực, có đủ các thứ của cải quí báu trong thiên hạ.

    Quyến luyến hồng trần: Thương mến cõi trần, không muốn từ bỏ cõi trần, vì còn ham thích những thú vui vật chất và danh lợi nơi cõi trần.

  • 126. Thầy khuyên nhủ về chuyện ngừa Cơ Bút

    126. Thầy khuyên nhủ về chuyện ngừa Cơ Bút

    126. Ngày 3-2-1928 (âl 12-1-Mậu Thìn)

    THẦY

    Các con,

    Thầy lấy làm đẹp lòng mà trông thấy bước đường các con đã sớm cải sửa để chung lo vun đắp nền Ðạo. Các con cũng tự biết rằng, sự hành tàng nào về Ðạo mà vừa lòng trong cả Chức sắc và chư tín đồ, ấy là hiệp Thiên ý, còn điều nào mà phần nhiều môn đệ của Thầy chẳng khứng chịu theo, ấy là bất hiệp Thiên ý đó.

    Ðạo một ngày một nên, bước đường của các con một ngày một thêm trở gay khó nhọc, nhưng nếu các con chẳng dụng quyền hơn dụng đức, biết thương sanh chúng hơn thân mình, vì Ðạo hơn vì danh vọng theo thói đời, thì các con thế nào cũng được vững con đường mà đi cho cùng bước Ðạo.

    Ðời cũng vậy, mà Ðạo cũng vậy. Hễ chác danh cao quyền lớn, bực quí phẩm Tiên thì phải dày chịu gian nguy, nặng đeo sầu thảm. Các con hãy suy đó mà gìn trọn phẩm hạnh, vẹn giữ bước đường, chậm rãi từ năm từ hồi thì tự nhiên được lương tâm yên tịnh. Còn những đứa choán phẩm ham quyền, cũng có lúc gặp điều hành phạt thiêng liêng mà nêu gương cho đoàn sau soi lấy.

    Các con đã từng nghe lời Thầy khuyên nhủ về chuyện ngừa Cơ Bút, thế mà một phần chẳng chịu sửa cải đường ngay cho khỏi lâm vào nẻo tà mị, đã vi lịnh Thầy mà dìu dắt các con lạc bước.

    Thầy cũng đại lụy mà ngó xem một phần môn đệ xứng đáng của Thầy phải sa vào vực thẳm. Các con nên ghi nhớ mà coi chừng đường lối sau nầy.

    Thầy đã chỉ rõ nẻo quanh co, thì khá liệu chừng mà bước tới, tâm bền dạ vững, kính mến Thầy là yêu dấu Thầy đó, nên nghe à!

    T . . . , T . . . , C . . . , từ đây nên liệu chừng nhau mà điều đình gánh Ðạo, điều nào mà theo Tân Luật do Thánh ý, hiệp lòng chư đạo hữu, bổ ích cho nền Ðạo thì các con nên thung dung liệu nhau mà thi hành, chẳng cần phải đợi cầu hỏi.

    Các con được tin cậy nhau, dìu dắt nhau, nâng đỡ nhau, mà phủi hết sự hềm nghi nhau theo thế tình, ấy là các con hiến cho Thầy một sự vui vẻ lớn lao hơn hết đó. Còn kẻ phản bạn trở lòng, luật Thiên điều cũng có buổi trừng răn cách xứng đáng vậy.

    C . . , Thầy cấm từ đây chẳng nên lấp lửng cầu cơ hay chấp bút chi, vì là một sự hại lớn lao cho Ðạo. Ðã phá đức tín ngưỡng của chúng sanh, lại làm cho nhơn sanh bị nhơ trược.

    T . . , Thầy cũng lấy từ bi dung cho, bằng tái phạm sẽ bị Tòa Tam Giáo trục xuất. Con nên biết, cứ ai lo phần nấy, đừng lỗi phận sự thì được thanh lặng yên vui. Các con khá lưu tâm.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Hành tàng: Những việc làm lộ rõ ra mà mọi người đều nhìn thấy và những việc làm ẩn kín không ai biết.

    Dụng quyền hơn dụng đức: Dùng quyền hành thì người ta sợ mà không phục, chỉ khi nào dùng đức thì người ta mới tâm phục. Trong việc Ðạo thì nên dụng đức hơn dụng quyền.

    Choán phẩm ham quyền: Ham mê quyền hành và lấn chiếm sang quyền hành của người khác; cũng có nghĩa là: Tham quyền cố vị.

    Vi lịnh: Làm trái mệnh lệnh của cấp trên.

    Ðại lụy: Nỗi đau đớn buồn rầu lớn.

    Thanh lặng: Trong sạch và yên lặng.

  • 127. Đức Lý cắt nghĩa phẩm vị của chư chức sắc

    127. Đức Lý cắt nghĩa phẩm vị của chư chức sắc

    127. Ngày 19-3-1928 (âl 28-1-Mậu Thìn)

    THÁI BẠCH

    Ðại hỉ! Ðại hỉ! Cười . . . .

    Lão cũng nên cắt nghĩa phẩm vị của chư hiền hữu.

    Tỷ như ngôi của Thượng Ðầu Sư, Ngọc Ðầu Sư, Thái Ðầu Sư, Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh, hay là Giáo Tông của Lão đi nữa, dầu ngày sau có nhượng cho ai thì họ ngồi địa vị của mình, chớ chẳng hề ở thế nầy có hai Thái Bạch, hai Thượng Trung Nhựt, hai Ngọc Lịch Nguyệt, hai Thái Nương Tinh, hai Hộ Pháp, hai Thượng Phẩm, hai Thượng Sanh bao giờ. Hiểu à! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Ðại hỉ: Ðiều vui mừng lớn.

    Từ khi Ðức Chí Tôn mở ÐÐTKPÐ tới nay, trong Tịch Ðạo Thanh Hương, chỉ có 1 Giáo Tông là Ðức Lý Thái Bạch, không thể có những vị Giáo Tông nào khác gọi là Ðệ nhứt Giáo Tông hay Ðệ nhị Giáo Tông, vv . . . và chỉ có Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt được Ðức Lý Giáo Tông nhượng cho quyền Giáo Tông tại thế theo Ðạo Nghị Ðịnh thứ hai, nên gọi Ngài là Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung. Cũng tương tự như thế, bên Hiệp Thiên Đài, chỉ có 1 Hộ Pháp Phạm Công Tắc, 1 Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, 1 Thượng Sanh Cao Hoài Sang, mà thôi. Ai mạo nhận là phạm pháp, và không là Chánh đạo.

  • 128. Biết chánh tà thì nên vì Thầy, vì chúng sanh

    128. Biết chánh tà thì nên vì Thầy, vì chúng sanh

    128. Ngày 2-4-1928 (âl 12-2-Mậu Thìn)

    THẦY

    Các con,

    Thầy cho L . . . vào hầu, phải giữ chừng theo lời hứa với Hiệp Thiên Ðài nghe các con.

    Thầy đã cho chư Tiên lộ một hai điều cần yếu của Ðạo cho các con rõ trước. Thế thì việc bất bình đương ở trong Ðạo đã có định, mà các con cũng chẳng thể chi ngăn ngừa.

    Các con phải hiểu rằng, mỗi đứa có trách nhậm lớn lao về Ðạo. Trước khi lãnh mạng Tam Giáo Tòa xuống chịu mình với chúng sanh lúc Tam Kỳ Phổ Ðộ nầy, đều có cam đoan hứa làm tròn phận sự.

    Thầy là Ðấng Chí Tôn chủ trương khai sáng nền Ðạo, cũng buộc mình cam đoan mà lãnh các con. Thế thì mỗi đứa đều mang nặng nơi mình một phần trách cứ chẳng nhỏ. Nếu Ðạo chẳng thành thì phần phạt thiêng liêng vì cân tội phước mà định đoạt.

    Quỉ Vương lại thừa dịp hành tàng bất chánh của nhiều đứa trong Ðạo mà giựt giành, chia xẻ các con với Thầy. Nó lại tùy theo hạnh đức của mỗi đứa mà dắt lần ra khỏi đường Chánh giáo.

    Thầy bảo lãnh các con, un đúc chí Thánh của các con, đã mãn kỳ, phải giao lại cho Tòa Tam Giáo được phép lấy mực công bình mà chuẩn phê các cử chỉ của mỗi đứa.

    Than ôi! Xa Thầy chưa bao lâu mà vì lợi lộc ham muốn của thế tình, nhiều đứa phải chịu để xác cho Tà quái xung nhập. Thầy cũng thương hại mà khó thể cứu rỗi được.

    Ðứa nào chánh thì được nghe lời của Thầy dạy dỗ, đứa nào tà phải bị lời quỉ mị dẫn đường. Các con nếu biết chánh tà thì nên vì Thầy, vì chúng sanh mà dìu dắt cho nhau, chớ phế hết mà trễ ngày giờ, chẳng thế chi trì lại với sự lầm lạc cám dỗ. Các con hiểu à!

    C . . , T . . , S . . . , ba con đã lãnh mạng lịnh lớn lao vẹt đường tăm tối trong buổi ban sơ, Thầy lại khiến cả ba đứa phải liên hiệp nhau mới có thể xây đắp nền Ðạo cho đến cùng. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Quỉ vương lại tùy theo hạnh đức của mỗi đứa mà dắt lần ra khỏi đường Chánh giáo: Quỉ vương biết hạnh đức của từng người, ai thích danh thì nó dùng danh dẫn dắt, ai thích lợi thì dùng lợi dẫn dắt, vv. . . , nếu nghe theo thì tất nhiên ra khỏi Chánh giáo. Cần luôn luôn cảnh giác đề phòng.

    Chuẩn phê: Phê chuẩn, chấp thuận và cho phép làm.

    Xung nhập: Xông vào trong.

    C . . , T . . , S . . .: Cư, Tắc, Sang, tức là Ðức Hộ Pháp, Ðức Thượng Phẩm và Ðức Thượng Sanh của Hiệp Thiên Đài.

  • 129. Nếu Ðạo còn thì Thầy cũng theo gìn các con

    129. Nếu Ðạo còn thì Thầy cũng theo gìn các con

    129. Ngày 15-4-1928 (âl 25-2-Mậu Thìn)

    THẦY

    Các con,

    Cười . . . Ứ hự! Con đứa thì vầy, đứa thì khác. Thảm! Thảm! Thảm!

    T . . . con ôi! Thầy biết bao phen săn sóc các con mà chịu đau thảm. Thầy chỉn có lòng mơ ước cho các con biết yêu thương trong Thánh đức của Thầy. Chẳng lẽ ngôi Tiên phẩm Phật là địa vị tối trọng của các chơn linh mà Thầy lại đành bất công, tự nhiên đem các con mà để trên đó. Thầy lại hằng gánh vác sự khó khăn, chỉ cậy các con là một lòng yêu thương sanh chúng, gắng công phổ độ.

    Thầy đã gầy phương thế cho các con đủ quyền hành lập Ðạo, chờ các con nên thể thống. Chi chi từ thử cũng một tay Thầy. Thầy để rộng quyền cho các con thay mặt Thầy mà dìu dắt lấy nguyên nhơn, đã chịu nạn luân hồi nơi khổ cảnh. Thầy đã định thì dầu cho ai cũng chưa qua phép đặng.

    Con coi cái vinh diệu có chi bằng chăng? Thầy đã giao cho mỗi đứa một quyền hành, thì Thầy cũng tưởng rằng các con biết trọng phẩm giá thiêng liêng mà bớt tánh phàm chút ít, nào dè nhiều đứa lại coi thế trọng hơn Thầy, coi Thầy dường như kẻ vô hình vô ảnh. Cái mạng lịnh tom góp các con Thầy lại một nhà đã xa như lời nói phỏng. Nhơn sanh phàn nàn thì Ðạo nào nên đặng đó con?

    Sự Thầy đã dạy đều sái hết. Thầy tưởng chẳng còn nói, nếu ai là đạo đức, đọc đến cách lập pháp của Thầy mà chẳng mừng giùm cho nhơn loại.

    Thầy buộc mình hứa cùng Ngọc Hư Cung rằng: Nếu Ðạo còn thì Thầy cũng theo gìn các con.

    Các con coi lời Thầy trọng hệ là dường nào. Như biết coi Ðạo trọng thì cả tinh thần các con cũng nên tom góp vào mỗi điều đó mà trông cậy nơi Thầy lập pháp.

    Hiệp Thiên Ðài còn chưa muốn nhìn thì Ðạo một ngày kia cũng sẽ bị chối.

    Thầy tìm phương sửa cải cũng đáng đó chút. Nhưng cũng bởi chư Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho rõ cơ Ðạo của thế gian nầy, nên Thầy không giáng cơ mà phân giải lại nữa.

    Các con đã chịu một trách nhậm nơi mình, nếu Thầy chẳng để cho các con học tập mà lập nên địa vị mình trước mặt chúng sanh cho xứng đáng thì Ðạo cũng chưa ra vẻ Ðạo.

    Vì vậy mà Thầy chịu ép lòng để cho các con hằng nhớ rằng, chẳng giờ phút nào Thầy xa các con hết. Nghe à!

    Cậy kẻ dạy con cũng lẽ thường,
    Cho roi cho vọt mới là thương.
    Nhơn tình ví chẳng mưu thâu phục,
    Thế giới mong chi phép độ lường.
    Nhỏ dại Thầy nuôi mùi Ðạo hạnh,
    Lớn khôn bây xứng mặt hiền lương.
    Vinh hoa phẩm cũ ngôi xưa đó,
    Khổ cực các con chớ bỏ trường.

    Thầy ban ân cho các con. T . . , chi chi cũng ẩn nhẫn đợi lịnh Thầy, nghe con! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Nguyên nhơn: Những Chơn linh được sanh ra từ lúc Khai Thiên, đã có ngôi vị nơi cõi thiêng liêng, nay đầu kiếp xuống trần, gọi là Nguyên nhơn. Thuở mới có nhơn loại nơi cõi trần, Ðức Phật Mẫu cho 100 ức Nguyên nhân giáng trần để khai hóa nhơn loại, nhưng các Nguyên nhân nhiễm trược trần, không trở về được cõi thiêng liêng. Ðức Chí Tôn cho mở Nhứt Kỳ và Nhị Kỳ Phổ Ðộ chỉ độ được 8 ức Nguyên nhơn trở về cựu vị, còn lại 92 ức đang trầm luân nơi cõi trần.

    Lập pháp: Ðức Chí Tôn lập Pháp Chánh Truyền là Hiến pháp tổ chức Ðạo Cao Ðài, có đủ tư cách và đủ sức cứu độ nhơn sanh.

    Nếu ai là đạo đức, đọc đến cách Lập pháp của Thầy mà chẳng mừng giùm cho nhơn loại: Xem Pháp Chánh Truyền, chúng ta thấy cách tổ chức nền Ðạo Cao Ðài rất đặc biệt. Nó là tinh hoa của ba thể chế: Quân chủ, Quân chủ lập hiến và Dân chủ, tùng Thiên mệnh mà thực thi Bác Ái - Công Bình, cứu độ nhơn sanh.

  • 130. Con nên để ý nhiều vào lời Thầy dạy dỗ

    130. Con nên để ý nhiều vào lời Thầy dạy dỗ

    130. Ngày 16-4-1928 (âl 26-2-Mậu Thìn)

    THẦY

    Các con,

    Thầy đã nói, đãi cả môn đệ Thầy đồng một mực, bất luận bậc phẩm. Kẻ nào căn nhiều quả nặng thì Thầy giao trách nhậm lớn lao; kẻ nào căn ít quả thiệt thòi thì lãnh phần trách nhậm nhỏ nhen.

    Cả thảy đều con của Thầy, trừ ra tôn ti thượng hạ nơi việc hành chánh, thì đồng một bậc cả, chẳng ai đặng vì quyền mà lấn lướt, chẳng ai đặng vì mạng lịnh mà đè ép xua đuổi ai. Ấy là tôn chỉ bề ngoài của Ðạo, chẳng giữ cho trọn, phương chi khỏi gây rối được?

    Thầy là bậc Chí Tôn và các địa vị Chơn Phật xưa, nhiều lúc phải xuất Chơn linh để mình vào trần thế, đặng dìu dắt chúng sanh. Nếu chẳng nhờ lấy công ấy thì ngày nay đâu có tên tuổi của nhiều tôn giáo mà cả nhơn sanh chia ra sùng bái?

    Con nên để ý nhiều vào lời Thầy dạy dỗ, và cũng có nhiều Thánh Ngôn của chư Tiên vì thương con chỉ vẽ mà con chẳng để ý vào đó. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Căn nhiều quả nặng: Ý nói có phẩm vị cao trọng nơi cõi thiêng liêng.

    Tôn ti thượng hạ: Thứ bậc cao thấp trên dưới.

    Chơn Phật: Vị Phật lớn, vị Phật cao siêu.

  • 131. Lộ vô nhơn hành, Ðiền vô nhơn canh

    131. Lộ vô nhơn hành, Ðiền vô nhơn canh

    131. Ngày 23-4-1928 (âl 4-3-Mậu Thìn)

    THANH TÂM

    Mừng mấy anh.

    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

    Ðạo mở rộng, giống Ðạo gieo đã trót hai thu, mà người thiệt vì Ðạo chẳng có bao nhiêu. Thế nên hồi chưa mở rộng nền Ðạo, Ðức Thích Ca dòm vào thế cuộc mà than rằng:

    "Lộ vô nhơn hành,
    Ðiền vô nhơn canh,
    Ðạo vô nhơn thức,
    Ta hồ tận chúng sanh!"

    Ba anh có hiểu chăng?

    Sao gọi là: Lộ vô nhơn hành? Anh M. . N . .?

    Ðường có người đi nhiều mà không ai là người phải, đường đi dập dìu thiên hạ mà toàn là ma hồn quỉ xác, tâm giả dối, hạnh hung bạo, mật chứa đầy tà khí, thế nào gọi là người!

    Còn Ðiền vô nhơn canh là sao? Anh N. . Ð . .?

    Ruộng đây là tỷ với Tâm, Tâm không ai giồi trau. Ðạo nơi Tâm, thì Tâm ví như Ðiền, có Ðiền mà chẳng cày bừa đặng đem hột lúa gieo vào cho đặng trổ bông đơm hột thì ruộng tất phải bỏ hoang, bỏ hoang thì sâu bọ rắn rít xen vào ẩn trú.

    Người mà có Tâm như vậy ra thế nào? Ruộng sẵn, giống sẵn, cày bừa sẵn, duy có ra công làm cho đất phì nhiêu đặng cho buổi gặt hưởng nhờ mà không chịu làm, thế thì phải diệt tận chơn linh.

    Hai câu sau là kết cuộc. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài thi bốn câu ở trên viết ra chữ Hán sau đây:

    Lộ vô nhơn hành, 路無人行
    Ðiền vô nhơn canh, 田無人耕
    Ðạo vô nhơn thức, 道無人識
    Ta hồ tận chúng sanh! 嗟乎盡眾生!

    GIẢI NGHĨA:

    - Ðường không người đi,
    - Ruộng không người cày.
    - Ðạo không người biết,
    - Than ôi! Tiêu hết nhơn sanh!

    Ta hồ: Từ đôi, có nghĩa là: Than ôi! (tiếng than).

    Tận: Tiêu diệt hết.

    THANH TÂM: Ðây là vị Nữ Tiên thuộc Diêu Trì Cung, thường gọi là Thanh Tâm Tài Nữ.

    Theo lời thuật lại của Chức sắc tiền bối thì vị Nữ Tiên nầy có đầu kiếp tại Việt Nam, nhưng Cô mất sớm lúc 18 tuổi do chết đuối nơi bãi biển Vũng Tàu. Cô được lịnh Ðức Phật Mẫu, hiệp cùng Cửu Nương, giáng cơ dạy Ðạo.

    Cô có mấy lần giáng cơ dạy đạo. Sau đó Cô đi tái kiếp nơi nước Anh, có đến báo tin và từ giã Ðức Phạm Hộ Pháp.

    Xin chép ra sau đây bài giáng cơ nầy:

    Ðàn cơ lúc 21 giờ đêm 12-1-Quí Dậu (dl 6-2-1933)

    THANH TÂM TÀI NỮ

    Mừng mấy anh, mấy chị,

    Em sẽ tái kiếp Hồng mao, nên đến từ tạ.

    Ðức Phạm Hộ Pháp hỏi: Sao em đầu kiếp xa vậy?

    - Vì em có nhơn duyên nơi nước Anh. Em đầu kiếp xuống đây để đứng ngả ba đường đón Ðức Chí Tôn. Nếu có quên, nhờ quí anh nhắc, thức tỉnh em nhớ.

    Em đã nói trước với quí anh rồi, có lạ chi dòng luân luân chuyển chuyển mà da díu bận lòng. Em đến giúp nên cơ Ðạo đặng báo nghĩa cho Chí Tôn.

    Em nghe Chí Tôn nơi nầy, chạy theo nơi nầy không gặp. Em nghe nói nơi khác, chạy nơi khác, cũng không gặp.

    Hỏi ra thì em khiếm khổ hạnh nên khó phép thấy NGƯỜI, nên quyết luân hồi chịu khổ hạnh hầu gặp cho đặng, kẻo ức. Thương quá đỗi thương mà chưa từng thấy mặt.

    Thưa mấy chị,

    Ðã may duyên gần gũi hình bóng của NGƯỜI, ráng đặng gặp NGƯỜI, kẻo sau ăn năn uổng lắm!

    Cái oan nghiệt kiếp sanh đáng ghê sợ chưa bằng không gặp mặt Chí Tôn, vì lẽ ấy mà biết bao nhiêu Tiên, Phật hạ trần chịu khổ. Xin mấy chị nghe:

    THI:
    Phải đủ căn sanh mới thấy Trời,
    Ai ai đừng tưởng dễ như chơi.
    Nghe danh như chất chồng bên gối,
    Cổ Phật không duyên khó gặp NGƯỜI.

    Xin kiếu. Thăng.

  • 132. Các con chịu khổ hạnh là Thầy muốn vậy

    132. Các con chịu khổ hạnh là Thầy muốn vậy

    132. Tòa Thánh,

    Ngày 29-4-1928 (âl 10-3-Mậu Thìn)

    THẦY

    Các con,

    C . . H . . . , Thầy thấy hai con chịu nhiều điều sầu thảm, Thầy mừng, mà cái mừng ấy đổ ra chứa chan giọt lụy.

    Ðường đời khúc mắc chông gai là lẽ Thiên cơ đã định vậy, cái nơi để cho cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đến kiến công lập vị.

    Người đời chẳng khác con buôn trong buổi chợ, cả sức lực, trí não, tinh thần đều bị tiêu tán nơi ấy, vì vậy mới hoại chơn linh, thất ngôi diệt vị.

    Bởi vậy cho nên, nhiều bậc Thần, Thánh, Tiên, Phật cam lòng thủ phận, chẳng dám vọng cầu đem thân vào cảnh đọa, nhưng mà chẳng tái kiếp thì như nhu sĩ trốn thi, thế nào giữ vững địa vị cao thượng?

    Cuộc đời khó khăn tỷ như bài thi, nếu dễ thì ai thi cũng đặng, cuộc thi có ý vị gì đâu? Hễ bài càng khó thì đậu càng cao, đậu cao mới ra có giá.

    Thầy tưởng như nơi thế gian nầy, có đứa con nào Thầy cưng trọng hơn hết thì là các con, nhưng mà chẳng lẽ Thầy làm Giám khảo lại cấp nấp bài thi lén cho mỗi đứa, thì cái đậu của các con có ra chi?

    Lại nữa, Thầy biết trước rằng, không cần giúp các con cũng dư sức đậu đặng, thì dường ấy, nếu Thầy giúp tức là hại thể diện các con, chớ không giờ phút nào Thầy xa các con.

    Các con chịu khổ hạnh là Thầy muốn vậy.

    Nhà nghèo, hạnh tốt, ấy là gương treo dạy đời, các con khá bền lòng son sắt, cái hạnh tốt là thang vạch ngút mây xanh, tâm thành là để giồi trau tánh tục, lòng đạo đức quí hơn là miếng đỉnh chung, tố bần hàn tùy mình mà hành đạo thì công quả ấy trổi hơn hạng thượng lưu đó các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS. I. 120, Phò loan: Hộ Pháp - Thượng Phẩm.

    C . . H . . .: Cư, Hiếu, đó là Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư và Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu.

    Kiến công lập vị: Gây dựng công quả để lập phẩm vị.

    Thất ngôi diệt vị: Mất hết ngôi vị.

    Nhu sĩ trốn thi: Ngươi đi học chữ nghĩa mà không dám đi thi để lấy cấp bằng.

    Tố bần hàn: Tố là vốn thường, bần là nghèo, hàn là lạnh. Tố bần hàn là người tu vốn nghèo khó.

  • 133. Nên nhớ mấy lời Thầy

    133. Nên nhớ mấy lời Thầy

    133. Tòa Thánh Tây Ninh,
    Ngày 22-6-1928 (âl 5-5-Mậu Thìn)

    THẦY

    Các con,

    Mỗi đứa đã tự mở một con đường, thì Thầy vẫn không vui được trong sự phân chia. Nên hay là hư, phải hay là quấy, Thầy chỉn để cho tâm các con liệu lấy. Tâm cứng cỏi, Ðạo điều hòa thì cứ bước tới Thầy; tâm trí bất định, đạo hạnh không hoàn toàn thì con đường hám lợi xu danh tới hang sâu vực thẳm đó, vì sức các con đã rã rời thì tài nào níu kéo đỡ nâng khuyên nhủ nhau được.

    Con đường vô tư để tìm cứu khổ cho chúng sanh là con đường đạo đức, ngọn đèn thiêng liêng sẽ chực soi tỏ bước của các con, khác với con đường ấy là đường của Quỉ Vương đem lối.

    Vậy nên nhớ mấy lời Thầy, chẳng phải đọc sơ qua mà coi làm chơi, cần chiêm nghiệm kỹ lưỡng mà hiểu, nghe!

    Hại thay! Ðã nhiều lần các con chẳng hiểu ý, Thầy cũng đau lòng mà thấy các con đi sái bước. Nhưng than ôi! Cơ thử thách chỉ dùng với những đứa tâm phàm lẫn chất Thánh. Thăng.

  • 134. Thầy nói chuyện làm đường cát trắng

    134. Thầy nói chuyện làm đường cát trắng

    134. Tòa Thánh,
    Ngày 28-6-1928 (âl 11-5-Mậu Thìn)

    THẦY

    Các con,

    H . . .! Con nghe Thầy nói chuyện làm đường cát trắng. Thầy đố con biết làm sao cho đường đen ra trắng? (H. .H . . . bạch: Bạch Thầy, con không biết.)

    Nghe con, đây làm theo:

    Ðổ đường đen vào một cái hũ, thọc lủng đít, rồi định chừng cho vừa hai phần hũ đường, còn một phần hũ thì đổ bùn non cho tới miệng, đem phơi nắng chừng một tuần thì đường trở nên trắng, gạt lớp bùn đi thì con đặng một thứ đường trắng phau phau rất ngon, rất đẹp đó con.

    Cái khổ hạnh của con giống như đường đó, con à! Con có biết Thầy khóc như con vậy chăng con?

    Nếu con không vậy, làm sao đáng con cái của Thầy. Con chỉ nhớ rằng Thầy thương con là đủ. Ðặng thế gian yêu mến ắt Thầy phải ghét, mà Thầy ghét con thì còn chi con. Con khá nhớ!

    C . . , Ch . . . lo Tịnh Thất với em nghe!

    T . . đổ biếng ra rồi đa nghe!

    C . . kêu hai anh lớn vào chầu Thầy, phò đại ngọc cơ kẻo nó nghi ngờ nữa, nghe con! Thăng.

    CHÚ THÍCH:Bài Thánh Ngôn 134 nầy có in trong ÐS. I. 121 và ÐS. II. 257.

    H . . .: Hiếu, Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu.

    H . . . H . . .: Hương Hiếu.

    C . .: Cư, Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư.

    Ch . . .: Chương, Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương. Trong số Thập nhị Thời Quân, Ngài Bảo Ðạo Ca Minh Chương lớn tuổi nhất và đăng Tiên sớm nhất. Ngày đăng Tiên chính xác của Ngài là: 19-10-Mậu Thìn (dl 30-11-1928).

    T . . .: Tắc, Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

    Ðặng thế gian yêu mến: Ý nói: Thế gian là cõi trần, mà cõi trần thì nhiều ô trược, lây nhiễm tâm tánh con người, khiến con người đắm say vật chất, phế bỏ tinh thần, quên mất cội nguồn. Ðặng thế gian yêu mến, tức nhiên còn yêu mến vật chất nơi cõi trần, thì không thể về được với Ðức Chí Tôn.

  • 135. Chơn Cực Lão Sư

    135. Chơn Cực Lão Sư

    135.Ngày 18-7-1928 (âl 2-6-Mậu Thìn)

    CHƠN CỰC LÃO SƯ

    Hỉ chư đạo hữu.

    Chư đạo hữu đã có nghe lời Thánh giáo về vận mạng nên hư của nền Ðạo. Vậy có hiểu rõ tôn chỉ chánh đáng của Ðạo là sao chưa?

    M. N. . . nói thử.

    Ấy là hành chánh, còn tôn chỉ là sao? Hiệp đặng chi? Kết dây thân ái đặng chi? Hiểu nhưng chưa cạn đó.

    Chư đạo hữu phải biết rằng, Ðạo trước khi gieo truyền cho ngoại quốc, phải dìu dắt kết chặt dân sanh nơi vùng Nam nầy, đặng cùng nhau chung hợp trên con đường hòa bình, chậm rãi lần ra khỏi lối khốn khổ lao lung nơi cõi trần nầy, rồi tự tại ngâm câu thái bình. Chừng ấy, chim về cội, cá về sông, hớn hở trau lòng thiện niệm mà bước lên nấc thang thiêng liêng mới đặng.

    Ngày nào Ðạo nơi đây chưa hòa, người nơi đây chưa đủ sức kềm chế lấy nhau, và chưa đủ tinh thần ngay chánh, chỉ nẻo dẫn đàng, người Ðạo chưa phế được tham danh chác lợi, thì ngày ấy Ðạo nơi đây chưa gọi là trọn thành, thì cũng chưa một ai mong khởi công mà tầm địa vị thiêng liêng được.

    Chư đạo hữu phải lọc lừa lại, tìm người có tâm chí kết liên thân ái, chung hiệp nhau, bỏ sự lãng phí, dụng đồng tài nơi giọt mồ hôi, được tích thiểu thành đa, gầy dựng một cái nhà chung, để ngày phong võ nương dựa được thung dung, ngồi ngắm thế sự và chấn hưng mối Ðạo quí hóa. Ấy là không làm mà no, không đắp mà ấm cúng đó. Phương chi ràng buộc hình hài, thần hao trí mệt cả ngày, rốt lại còn chi tráng kiện mà xa lo rộng nghĩ?

    Ðạo chẳng phải là một hội chôn thây, cũng chẳng phải mối hàng để nhóng giá, mà chư đạo hữu hiện thời đã thấy Ðạo có ích về hai sự ấy mà thôi.

    Buồn! Người Ðạo đã bơ thờ như gái mới về nhà chồng ban sơ, ruột trống lổng như thùng không, trí não chưa thấy xa hơn gối. Nhóm lại nghịch lẫn nhau, gièm siểm nhau, lo đứng trên người khác nhưng lại không tài liệu biện cho có ích chi cả.

    Ðấng Chí Tôn, vì thương dân tình nơi đây, đã khổ tâm gieo Ðạo, đem chiếc thuyền cận bến để dìu dắt vào chỗ bình địa đặng tự tại thung dung, mà vì chưa hiểu thấu căn nguyên, khổ bao giờ trông thoát?

    Ðạo sắp tàn, nỗi Ðạo phân chia, chư đạo hữu phải lo níu kéo lại một mớ, người nào hay người nấy, rồi đây, mỗi chỗ mỗi dựng riêng ra, chư đạo hữu mới tùy thế đó mà tom góp lại. . . .

    M . N . . . , hành lễ do Thánh giáo lúc nơi đàn Cầu Kho, chẳng nên bày vẽ nhiều.

    (Văn Pháp bạch: . . . . . . . . . . . . . . . . . )

    Ðược, nhưng còn sơ sót, món nào liệu chẳng có ích thì nên chế giảm, trừ ra Nhạc phải giữ cho toàn, đi lễ cho có vẻ nghiêm nghị. Ấy là 2 món đại khái đó.

    Nhạc còn chưa đủ thể cách, đờn để rước chư Tiên, Thánh, không phải vậy là đủ. Người nhạc công phải ăn mặc tinh khiết, sắp đặt vào khởi Nhạc phải có thứ lớp phân minh, chớ chẳng phải muốn đờn bài chi cũng đặng. Ấy là trái Thánh ý đó. Phải sắp đặt lại, nghe à! Nơi đàn nào mà khác hơn Thánh giáo và bày biện nhiều trái cách thì đạo hữu không phép tham dự. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Chơn Cực Lão Sư: Một danh hiệu của Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ dùng giáng cơ dạy đạo.

    M. N. . .: Mỹ Ngọc, hiệu của Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu.

    Văn Pháp: Bảo Văn Pháp Quân

    Ðồng tài: Ðồng tiền, chỉ về tiền bạc.

    Phong võ: Gió mưa, chỉ những nỗi khó khăn nguy hiểm trong cuộc sống hay những tai họa xảy đến.

    Quí hóa: Quí báu.

    Phương chi: Huống chi, có cách chi.

    Hội chôn thây: Hội chôn xác người chết, tức là một cái hội chuyên lo việc đám tang.

    Bình địa: Ðất bằng, ý nói chỗ an lạc không còn phiền não, đau khổ.

    Nhạc công: Người chuyên về đờn, người chuyên về tấu nhạc. Nhạc công đứng dưới Nhạc sĩ một bực.

  • 136. Tiêu Sơn Đạo Sĩ

    136. Tiêu Sơn Đạo Sĩ

    136. Ngày 20-7-1928 (âl 4-6-Mậu Thìn)

    TIÊU SƠN ÐẠO SĨ

    Ðầu giang phong ngộ đả thuyền trì,
    Tự khổn tàng cơ tự mạng tri.
    Khải tịch nhược hoài thiên tứ cổ,
    Chung minh bán điểm khẩn Từ Bi.

    Nền Ðạo vừa khỏi lối chông gai, lại phải còn gặp nỗi u hiểm, ráng cẩn thận và biết dìu bước theo thế thời thì công trình khỏi phải trôi theo dòng bích.

    Biết mình, biết Ðạo, biết thế thời thì cũng gắng biết nên hư ; biết người, biết phải chẳng, biết chánh tà mà day trở trong đường đạo đức.

    Ðạo chưa yên là tại người hành đạo kém bề hạnh đức; kẻ được hạnh mất phần minh mẫn; người thông hiểu Ðạo kém đức, thiếu khiêm cung; kẻ trọn tâm thành, mạnh phần ham danh lợi. Lao nhao, lố nhố, cũng thì một con đường, cũng thì về một chỗ, mà kẻ đi xe ép người đi bộ, người thông hiểu nẻo lộ gạt gẫm đứa khạo khờ, kẻ côi thế chịu bơ vơ, người quá ham đi mà sa hố, rốt lại cũng quạnh quẽ con đường. Mấy ai hiểu thấu?

    Những kẻ nào đã vì tà tâm mà để cho nhơ bợn chơn linh, cho lũ tà khuấy rối, thì chẳng khi nào được trọn tinh thần ngay thật như xưa mà dìu dắt ai cho chánh đáng. Phải kể như không có những kẻ ấy trong nền Ðạo, và coi đó mà gìn bước đường của mình.

    Chư đạo hữu đã thấy phần nhiều chư Chức sắc cũng vì phàm tâm mà chẳng chịu chung kết liên hiệp nhau.

    Hiệp Thiên Ðài là cơ mầu nhiệm quí hóa mà đã vì lỗi của một hai kẻ mà đã ra như một phần vô dụng, bảo sao Ðạo chẳng rối được.

    Hiệp Thiên Ðài là gốc Ðạo mà chẳng trọn phần cho chư chúng sanh tin cậy thì Ðạo một ngày kia thế cũng chẳng bền ở nơi tâm trí của cả người hành đạo, mạnh được yếu thua, khác nào một trò đời vô vị. Nên khéo tính cho lắm.

    Hiệp Thiên Ðài có Ðức Chí Tôn là chủ quản. Quyền thưởng phạt nơi Ngài mà thôi. Tân Luật lập còn thiếu sót nhiều, bởi Chức sắc Hiệp Thiên Ðài chẳng để mắt đến, quyền hành thưởng phạt lộn xộn, nên phải chịu dưới quyền Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Ðài. Sau sẽ có Thánh Lịnh dạy lại, còn chưa phân minh nhiều chỗ.

    Nếu chư đạo hữu biết quyền phận mình, nên giữ đừng cho phạm đến danh dự chung, ấy là giữ cơ mầu nhiệm của Ðạo cho ngày sau đó.

    Lỗi ai nấy mang, công ai nấy hưởng, địa vị khá biết gìn. Nên kiếm hiểu rõ lời Bần đạo. Thăng.

    CHÚ THÍCH:Bài thi của Ðức Tiêu Sơn Ðạo Sĩ viết ra chữ Hán:

    Ðầu giang phong ngộ đả thuyền trì, 頭江風遇打船遲
    Tự khổn tàng cơ tự mạng tri. 自困藏機自命知
    Khải tịch nhược hoài thiên tứ cổ, 啟籍若懷千思古
    Chung minh bán điểm khẩn Từ Bi. 鐘鳴半點懇慈悲

    GIẢI NGHĨA:

    - Ðầu sông gặp gió đánh bạt thuyền đi chậm lại.
    - Tự mình làm khốn đốn mình, cơ Trời kín nhiệm, tự mình biết vận mạng của mình.
    - Mở cuốn sách ra, nếu như nhớ đến những ý tứ xưa,
    - Chuông kêu nửa hồi, cầu khẩn Ðức Chí Tôn.

    Biết phải chẳng: Biết việc phải và biết việc chẳng phải, tức là biết việc phải quấy.

    Dòng bích: Dòng nước của Bích hải, mà Bích hải là biển khổ. (Theo Thuyết đạo của Ðức Phạm Hộ Pháp về Con đường TLHS.)

    Kẻ được hạnh mất phần minh mẫn: Người có đức hạnh hiền lương thì lại kém tài năng và sự sáng suốt để gánh vác công việc Ðạo.

    Người thông hiểu đạo kém đức, thiếu khiêm cung: Người có tài năng học thức, thông hiểu giáo lý của Ðạo thì lại kém bề đức hạnh, cậy tài tự mãn, thiếu sự cung kính đối với bề trên, thiếu sự khiêm nhường đối với cấp dưới.

    Muốn chấn hưng nền Ðạo, Chức sắc lãnh đạo phải là những người vừa có hạnh đức cao, vừa có tài năng vượt trội, mới có đủ uy tín đối với nhơn sanh, mới giải quyết được các bất đồng trong đạo.

  • 137. Ðời vui tạm sống thừa, Ðạo thiêng liêng bất tận

    137. Ðời vui tạm sống thừa, Ðạo thiêng liêng bất tận

    137. Chợ Lớn,
    Ngày 28-7-1928 (âl 12-6-Mậu Thìn)

    THẦY

    Các con,

    Các con xa Thánh giáo của Thầy đã lâu, tưởng lòng hằng ước mơ hoài vọng, mà Thầy lâu đến để lời tâm huyết chỉ giáo cho các con, Thầy cũng buồn lòng mà thấy bầy con lao nhao lố nhố lặn hụp chìm đắm giữa cõi hư sanh nầy.

    Các con ôi! Thầy lấy đức háo sanh mà dìu dắt các con chẳng khác nào như kẻ làm cha nưng niu dạy dỗ một trẻ bé, trông nom cho nó mau trưởng thành, hầu lưu danh truyền nghiệp, cho có tên tuổi với đời.

    Sự nên hư của tôn chỉ nền Ðạo có một phần ảnh hưởng rất lớn lao với quyền thế của Thầy, danh vọng của Thầy và luôn đến ngôi vị của Thầy nữa. Con nên thì Thầy vui, con buồn thì Thầy buồn, mà con đau đớn tất Thầy đau đớn.

    Vậy trong đời nầy, sự buồn vui, vinh nhục, phước họa, cũng chẳng khác nào mấy ngọn sông, mấy hòn núi của Thầy lấy luật thiêng liêng mà tạo. Sông có thể thành ruộng, núi có thể diệt tiêu mà làm biển cả, cũng như sự buồn lắm lúc hóa ra vui, sự vinh thành nên nhục, cái phước đổi cái họa vậy.

    Thầy thương phần nhiều các con dám xả diệt thế trần, trông mong noi chí của Thầy mà dìu dắt đoàn em dại. Nhưng than ôi! Bầy quỉ rất hung hăng, một con sâu làm rầu cả mùa màng, vì vậy mà con đường của các con bị linh chinh vì nơi hành động của một hai kẻ có trách nhậm xứng đáng. Cái họa lây vạ tràn kia, nhiều khi phải bôi xóa đến công trình xứng đáng của mỗi con và nhận chìm luôn đến con thuyền Bát Nhã. Có lẽ mỗi con cũng hiểu thấu.

    Các con ôi! Thầy thương đến tâm thành chánh trực đạo đức khiêm cung, cũng như Thầy xóa kẻ xảo trá gian tà cầu danh chác lợi.

    Ôi! Thầy cực nhọc bao phen, mà nay con đường ngó lại còn dài thăm thẳm. Thầy chỉ mong mỗi con tỉnh hồn thức trí, ngó lại bước đường sái trước kia mà lập tâm làm việc chánh đáng, theo lần Thầy, thì sự may mắn ấy không còn chi cho Thầy vui hơn nữa.

    Tr . . . , con chớ phiền muộn lo buồn chi, địa vị mỗi con Thầy đã lập thành, cái tai nạn kia vừa qua thì có lẽ một ngày Thầy sẽ thấy các con thung dung mà hiến cho Thầy một sự trông cậy chắc chắn. Quyền thiêng liêng của Thầy nơi tay, nếu chẳng phải để dắt các con, chớ cho ai được?

    Khá trông cậy chí cao thượng anh phong mà nhìn sự đau đớn, chính mình Thầy đây không tránh khỏi.

    Ðời vui tạm sống thừa,
    Ðạo thiêng liêng bất tận.

    Nên cân nặng nhẹ trọng khinh mà chiều theo thời thế và tin tưởng trông cậy nơi Thầy, thì kiếp phù sanh của mỗi con và duyên tiền định của mỗi đứa đều nắm trong tay Thầy hết. Tr . . . , con hiểu há?

    Tr . . . , con ráng khuyên can bạn con và ráng mà tuân lời Lý Bạch. Ấy là hai chuyện Thầy cậy con.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS. II. 261.

    Tr. . . , con chớ phiền . . .: Trang, Ngài Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh (Lê Bá Trang).

    Tr . . . , hiểu há?: Trang, Ngài Ngọc Trang Thanh.

    Tr . . . , con rán khuyên: Trung, Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt (Lê Văn Trung).

    Hư sanh: Cuộc sống không có gì là thiệt, chỉ cõi trần, nhà Phật cho là huyễn, là Tứ đại giả hợp, không thật.

    Lưu danh truyền nghiệp: Lưu lại cho đời sau cái tiếng tăm tốt, truyền lại sự nghiệp cho con cháu.

    Xả diệt thế trần: Vứt bỏ và tiêu diệt mọi thứ ham muốn vật chất nơi cõi trần. Thế là đời, trần là cõi trần.

    Kiếp phù sinh: Kiếp sống như cái bọt nổi trên mặt nước, ý nói kiếp sống rất ngắn ngủi và lênh đênh vô định.

    Anh phong: Phẩm cách cao quí.

  • 138. Chánh sách cộng hòa yên tịnh

    138. Chánh sách cộng hòa yên tịnh

    138.Cầu Nhiếm, ngày 5-8-1928 (âl 20-6-Mậu Thìn)

    THẦY

    Các con,

    Tr . . . , Th . . , hai con đã để công trình đi đến nhiều chỗ đặng gieo truyền mối Ðạo của Thầy, nhưng hai con chưa rõ tình thế của mối Ðạo lúc nầy là sao?

    Ðạo hiện giờ cũng chẳng khác chi người bịnh mà lương y coi chưa ra chứng. Bề ngoài coi chẳng có vẻ chi trầm trọng, nhưng một ngày kia nếu chẳng rõ mà chế cải thì xuất tại trong mà loán ra ngoài, thế mạnh như núi đè cây, biển tràn bờ, chẳng thế chi ngăn chống nổi. Ấy là lúc bịnh xung trong ngũ tạng lục phủ, nhập đến cao hoang, thì người bịnh dầu số Trời cứu cũng không qua đặng.

    Các con, nền Ðạo bề ngoài coi diềm dà sung túc, mà chẳng thấy rõ cái mạch bịnh trong tâm, chẳng khác chi thế Sở chế bạo Tần, ham cái mạnh bề ngoài, biết sợ cái mặt chớ chẳng rõ lòng người ra sao, mà không độ cái mạnh cấp thời đó sẽ dần dần tan như giá mà đổi ra yếu hèn thấp nhược. Mỗi chỗ đều mong độc lập riêng. Người trong Ðạo phần nhiều mong hiệp thế riêng cho mình mà kình chống trở mặt với mỗi con.

    Ðạo thế chẳng kíp thì chầy sẽ thành ra một mối hàng mà mỗi người trong Ðạo, sau khi giành giựt cấu xé nhau, thì sẽ phân chia tan tành manh mún, để trò cười về sau đó. Ấy tại nơi đâu?

    Người hành đạo chẳng đủ quyền chế cải, kẻ tự cao muốn chiếm vị cầu danh, nghịch tư cách đối đãi với thế tình, gây ác cảm mà tạo thù oán.

    Hai con phải biết chỗ nhược của Ðạo nơi đó mà kiếm phương tìm chước, lấy cộng hòa hiệp nhơn ý mà điều đình sửa cải cho chóng, làm sao cho mỗi đạo hữu các con đều ngó về Tòa Thánh mà xưng tụng ân huệ của mỗi con có trách nhiệm xứng đáng, và làm sao cho dứt mối hiềm thù riêng của mỗi đứa, hiệp đồng trí thức mà làm cho người ngoài dòm vào, nhìn nhận mối Ðạo quí hóa và thảy đều sùng bái cử chỉ cao thượng của các con. Chừng ấy các con dầu không mạnh cũng ra mạnh, không đông cũng nên đông, mà việc phổ độ nhơn sanh chẳng còn điều chi trắc trở.

    Ðạo trễ một ngày thì hại cho chúng sanh một ngày, mà mỗi đứa đều gây ác cảm, làm cho mối Ðạo thành ra bánh vẽ, thì chừng nào Ðạo trọn thành nơi đây? Chừng nào cho Ðạo truyền ra ngoại quốc?

    Trong còn mơ màng như người say chưa tỉnh, thì ngoài thế nào được đầm ấm mà gieo lần ra. Các con biết, xưa những chi chi mà trái cả nhơn tâm thì khó bền khó vững. Chánh sách cộng hòa yên tịnh là chánh sách của các con đặng dùng lập Ðạo mà thôi.

    Kiêu hãnh thái thậm, vào muốn có người trình, ra muốn có kẻ cúi, khoát nạt, đè ép, biết mình mà chẳng màng biết đến người, hay ỷ sức mà chẳng dòm xem thời thế chẳng thâu phục nhân tâm, chẳng biết dùng khiêm từ mà đãi khách, là những nét của các bậc Vương Bá xưa dùng mà phải tan tành vũ trụ đó.

    Nay các con lập một Ðạo, cũng chẳng khác chi lập một nước, phận sự lại càng khó khăn hơn, liệu mà sửa cải, liệu mà điều đình, mới có thể chống ngăn sự tàn hại mà làm cho nền Ðạo được vững. Người được hòa, tâm được hiệp, ngoài được mạnh, trong được thung dung, gieo giống quí mầu thì công ấy chẳng chi sánh được.

    Thầy vì thương chúng sanh, tưởng công lao của mỗi đứa nên chẳng nỡ để cho mối Ðạo điêu tàn, nhưng nếu trong các con chẳng có đứa nào lãnh phần chế biến làm cho hòa thuận chung vui, để cho đến đỗi hiềm thù oán ghét nhau, mà để trò cười muôn thuở, uổng công dìu dắt của Thầy bấy lâu, thì biển khổ sông mê là nơi các con chịu đời đời kiếp kiếp đó.

    Thương chẳng đặng thấy nên, thì dầu cho các con càng đông lại càng thêm nhiều người làm rối, thêm mối hận để chờ dịp cắn xé nhau chớ chẳng ích chi. Nên biết nghe! Thầy ban ơn cho các con. Thăng

    CHÚ THÍCH:

    Tr . . .: Trung, Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    Th . . .: Thơ, Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh.

    Loán ra ngoài: Lan dần ra ngoài.

    Ngũ tạng: 5 cơ quan quan trọng trong vùng ngực và bụng của con người, gồm: Tâm (Tim), Can (Gan), Tỳ (Lá lách), Phế (Phổi), Thận (2 trái thận).

    Lục phủ: 6 bộ phận trong vùng bụng của cơ thể con người, gồm: Vị (Bao tử), Ðảm (Mật), Tam Tiêu (Thượng tiêu là miệng bao tử, Trung tiêu là phần giữa bao tử, Hạ tiêu là miệng trên của bàng quang), Bàng quang (Bọng đái), Tiểu trường (Ruột non), Ðại trường (Ruột già).

    Cao hoang: Bộ phận ở dưới tim, phía trên hoành cách mô, giữa hai lá phổi. Theo Ðông y, chỗ nầy thuốc không thấm đến, châm chích không tới, nên dùng để nói những chứng bịnh đến lúc không còn cách chữa trị được, nhứt định phải chết.

    Thế Sở chế bạo Tần: Thế mạnh của Sở Bá Vương Hạng Võ đè nén được vua Tần Nhị Thế (con của Tần Thủy Hoàng) bạo ngược. Ðây là trường hợp bạo ngược giết bạo ngược.

    Chế cải: Sửa đổi cái cũ và làm ra cái mới.

    Bánh vẽ: Cái bánh vẽ trên giấy chớ không phải cái bánh thật, thấy bánh mà ăn không được.

    Cộng hòa yên tịnh: Cùng chung hòa thuận với nhau, trong ấm ngoài êm, tương thân tương ái.

  • 139. Ðạo đức cần trau nơi Tâm

    139. Ðạo đức cần trau nơi Tâm

    139.Năm 1928 (Mậu Thìn)

    NHÀN ÂM ÐẠO TRƯỞNG

    Chư đạo hữu biết trước, muốn rèn lòng đạo đức phải khởi nơi đâu cho chắc bước đường chăng?

    Ðạo đức cần trau nơi Tâm là chỗ chẳng ai thấy được. Rèn trau cho thuần tâm mỹ tánh, rồi mới lần đến bề ngoài, trọn hết cả ngoài trong, thì chừng ấy thân hình tâm trí chắc khư, nào ai chuyển lay cho được.

    Lo ngoài quên trong, che bề trong trau bề ngoài, ấy là cách thức của Hớn Lưu Bang đối đãi với tướng sĩ đó, cũng như có xác không hồn, chuộng hữu hình mà quên các huyền bí chơn truyền.

    Than ôi! Có hình thể xương thịt mà chơn hồn phưởng phất nơi xa, thì cái thân vô dụng ấy trơ trơ như khối đá dựa đường, như khúc cây bên trũng.

    Có đèn dầu đầy mà thiếu hơi lửa nhen lên, thì cũng phải mờ mịt thâm u, trông chi soi sáng.

    Ấy vậy, nên biết mà răn mình. Cái Tâm là vật người không thấy được, khá giồi trau nó trước. Nếu bỏ Tâm kia ra ngoài mà rèn hình thể thì chẳng khác chi quì đọc kinh, đèn đốt đỏ hừng, mà thiếu bức Thiên Nhãn trên điện vậy. Hồn ma bóng quế cũng lên ngồi, mà ngạ quỉ vô thường cũng xẩn bẩn, đó là phương đem đường cho Quỉ vương, chẳng một ai tránh được, nghe!

    Nên hiểu kỹ lời, bằng chẳng thấu thì tu có ích chi! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Nhàn Âm Ðạo Trưởng là một danh hiệu của Ðức Thái Thượng Ðạo Tổ, dùng giáng cơ dạy đạo cho nhơn sanh.

    Tâm là gì? Tâm là phần vô hình của con người, nó khiến con người làm điều lành sự phải, nên gọi là Lương tâm. Cái Lương tâm ấy do Trời ban cho mỗi người, cũng được gọi là Chơn linh, linh hồn, hay điểm Linh quang chiết ra từ khối Ðại Linh quang của Ðức Chí Tôn, nên nó vốn lành. Con người sở dĩ làm điều ác là vì các vật dục che khuất cái Tâm, không cho nó tỏ lộ ra để điều khiển con người.

    Thuần tâm mỹ tánh: Cái tâm thật thà và cái tánh tốt đẹp. Thuần là thật thà mộc mạc, không trau chuốt.

    Hớn Lưu Bang: Ông họ Lưu tên Bang, đánh diệt Hạng Võ, thống nhứt nước Tàu, lên ngôi vua xưng là Hớn Cao Tổ.

    Huyền bí chơn truyền: đồng nghĩa Bí pháp Chơn truyền, là Giáo lý chơn thật huyền diệu bí mật truyền lại cho đệ tử được chọn lựa và thử thách rất kỹ.

    Hồn ma bóng quế: Chỉ các thứ ma quỉ thường hiện hình giữa đêm khuya lúc có trăng ở những nơi vắng vẻ âm u.

    Ngạ quỉ vô thường: Ngạ quỉ là quỉ đói, hình thù kỳ dị, cái bụng phình ra rất lớn mà cái miệng thì rất nhỏ, luôn luôn đói khát, miệng nhỏ ăn hoài mà không bao giờ no. Vô thường là thay đổi hình dáng luôn luôn.

  • 140. Bất sát sanh

    140. Bất sát sanh

    140.Năm 1928 (Mậu Thìn)
    Bất sát sanh

    THẦY

    Các con,

    Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong Càn khôn Thế giới thì Khí Hư Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực.

    Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn khôn Thế giới.

    Thầy lại phân Tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, Thảo mộc, Côn trùng, Thú cầm, gọi là Chúng sanh.

    Các con đủ hiểu rằng: Chi chi hữu sanh cũng do bởi Chơn Linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là Cha của sự sống. Vì vậy mà lòng háo sanh của Thầy không cùng tận.

    Cái sống của cả chúng sanh, Thầy phân phát khắp Càn khôn Thế giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm. Nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh không cho biến hóa.

    Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu Nguyên sanh hay Hóa sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu mau đều định trước. Nếu ai giết mạng sống, đều chịu quả báo không sai, biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân hồi mà ra đến đỗi ấy. Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ. Các con gắng dạy nhơn sanh điều ấy.

    Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Phần đầu của bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Chí Tôn dạy cho biết chút ít về Vũ Trụ Quan và Nhân Sinh Quan của Ðạo Cao Ðài: Sự hình thành của Vũ trụ hữu hình và sự hóa sanh vạn vật.

    Vạn vật gồm:

    . Vật chất Kim thạch
    . Thảo mộc
    . Côn trùng và Thú cầm.

    Lúc ấy chưa có loài người, phải chờ sự tiến hóa của loài Thú cầm lên thành Nhơn loại.

    Chi chi hữu sanh: Mọi vật chi có sự sống.

    Hữu căn hữu kiếp: Có nguồn gốc và có kiếp sống.

    Nguyên sanh: Người mà chơn linh được sanh ra từ lúc Khai Thiên, nay đầu kiếp xuống trần, được gọi là Nguyên nhơn. Hiện nay số Nguyên nhân còn trầm luân nơi cõi trần là 92 ức = 9.200.000 người.

    Hóa sanh: Người do loài Thú cầm cao cấp tiến hóa lên mà thành, được gọi là Hóa nhơn. Hầu hết nhơn loại đều là Hóa nhơn. Thuở mới tiến hóa lên phẩm người, Hóa nhơn còn ngu khờ, nhưng sau nhiều kiếp học hỏi và luân hồi, Hóa nhơn tiến hóa lần lần khôn ngoan và văn minh tiến bộ.

  • 141. Bất du đạo

    141. Bất du đạo

    141. Năm 1928 (âl năm Mậu Thìn)

    Bất du đạo

    THẦY

    Các con,

    Ôi! Thầy sanh ra các con thì phải yêu trọng các con chẳng cùng, mà Thầy cho các con đến thế giới nầy với một Thánh thể thiêng liêng, y như hình ảnh của Thầy, không ăn mà sống, không mặc mà lành, các con lại không chịu, nghe điều cám dỗ, mê luyến hồng trần, ăn cho phải bị đọa, dâm cho phải bị đày, nên chịu nạn áo cơm, dục quyền cầu lợi.

    Lợi, Thầy cũng đã dành cho các con chung hưởng cùng nhau, mà cũng vì tham, đứa chứa nhiều, đứa chịu đói.

    Quyền, Thầy cũng ban cho các con in như Thầy đã ban cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, hầu cho đủ thế kềm thúc lấy nhau đặng giữ vẹn Thánh chất yêu sanh của Thầy, mà quyền ấy trở nên một cơ thể buộc trói nhơn sanh trong vòng tôi mọi. Ôi! Thảm thay! Cái thất vọng của Thầy nên ghê gớm!

    Các con có hiểu vì sao mà cả nhơn sanh gian tham chăng?

    - Thì cũng muốn cho nhiều sanh mạng chịu phục dưới quyền thế lợi lộc đó. Vậy sự yếu trọng của con người là nạn cơm áo. Nắm chặt quyền phân phát cơm áo thì chưa ai đã chịu thọ sanh nơi thế nầy lánh khỏi.

    Muốn cho đặng quyền hành ấy thì làm thế nào?

    - Dùng hết mưu chước quỉ quyệt thâu đoạt cho đặng lợi lộc quyền thế cho nhiều, vì vậy mà đời trở nên trường hỗn độn, tranh tranh đấu đấu, giựt giựt giành giành, gây nên mối loạn, nhơn loại nghịch lẫn nhau, giúp cho phép Tà quyền, mạnh hơn, yếu thiệt, mất phép công bình thiêng liêng Tạo hóa. Cái trường thảm khổ của thế gian cũng do nơi đó mà ra. Vậy:

    Gian tham đã thâm nhập vào lòng thì lòng hết đạo đức.
    Tham gian nhập vào nhà thì nhà không chánh giáo.
    Tham gian đã nhập vào nước thì nước hết chơn trị.
    Tham gian đã lộng toàn thế giới thì thế giới hết Thánh, Thần.

    Thầy không cần nói, sự gian tham có thể giục các con lỗi đạo cùng Thầy mà bị lắm điều tội lỗi.

    Ấy vậy, gian tham là trọng tội. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Du đạo: Du là ăn cắp, đạo là trộm cướp. Du đạo là chỉ chung về sự trộm cướp. Bất Du đạo là không được trộm cướp.

    Ðây là giới cấm thứ hai trong Ngũ Giới Cấm, mà người tín đồ Cao Ðài cần phải thận trọng giữ gìn không cho vi phạm.

    Nhị bất du đạo: Ðiều cấm thứ nhì là cấm trộm cướp, lấy ngang hay lường gạt của người, hoặc mượn vay không trả, hoặc chứa đồ gian, hoặc lượm lấy của rơi, hoặc sanh lòng tham của quấy, để ý hại người mà lợi cho mình, cờ gian bạc lận.

    Thánh thể thiêng liêng: Ðây là xác thân thiêng liêng của mỗi người nơi cõi thiêng liêng, thường gọi là Chơn thần.

    Mê luyến hồng trần: Mê say luyến ái những thú vui vật chất nơi cõi trần. Hồng trần là bụi đỏ, chỉ cõi trần.

    Ðoạn Thánh Ngôn từ chữ "Ôi! Thầy sanh các con" đến chữ "dục quyền cầu lợi", cho thấy Triết lý của Ðạo Cao Ðài tương đồng với Nhân Sinh Quan của Thiên Chúa giáo.

    Xin trích ra sau đây vài đoạn trong Thánh Kinh:

    "Ðức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình Ta và theo tượng Ta đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất và khắp cả đất." "Giêhôva Ðức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi thì người trở nên một loài sanh linh." Người ấy là nam được gọi là Ađam.

    "Giêhôva Ðức Chúa Trời đem người vào ở cảnh Vườn Êđen để trồng và giữ vườn, phán dạy rằng: Ngươi được ăn hoa quả các thứ cây trong vườn, nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết."

    "Nhưng về phần Ađam thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết. Giêhôva Ðức Chúa Trời làm cho Ađam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giêhôva Ðức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi Ađam, làm nên một người nữ, đưa đến cùng Ađam." Ađam gọi vợ là Êva, vì là me của cả loài người." "Vả Ađam và vợ, cả hai đều trần truồng mà chẳng biết hổ thẹn."

    "Vả trong các loài thú đồng mà Giêhôva Ðức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Ðức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?

    Người nữ đáp rằng: Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Ðức Chúa Trời có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng.

    Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu, nhưng Ðức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Ðức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.

    Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí, vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Ðoạn mắt của hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.

    Lối chiều, nghe tiếng Giêhôva Ðức Chúa Trời đi ngang qua vườn, Ađam và vợ ẩn mình giữa bụi cây để tránh mặt Giêhôva Ðức Chúa Trời.

    Giêhôva Ðức Chúa Trời kêu Ađam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu? Ađam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ nên đi ẩn mình.

    Ðức Chúa Trời phán hỏi: Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình lõa lồ? Ngươi có ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn đó chăng? Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi.

    Ngài phán cùng người nữ rằng: Ta sẽ thêm điều cực khổ bội phần trong cơn thai nghén, ngươi sẽ chịu đau đớn mỗi khi sanh con, sự dục vọng ngươi phải xu hướng về chồng, và chồng sẽ cai trị ngươi. Ngài lại phán cùng Ađam rằng: Vì ngươi nghe theo lời vợ mà ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn, vậy đất sẽ bị rủa sả vì ngươi, trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn. Ðất sẽ sanh chông gai và cây tật lê và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng, ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra, vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.

    Giêhôva Ðức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi Vườn Êđen, đặng cày cấy đất là nơi có người ra."

    Thánh chất yêu sanh của Thầy: Tánh chất háo sanh của Ðức Chí Tôn. Yêu sanh tức là Háo sanh.

    Nắm chặt quyền phân phát cơm áo: Kẻ bạo chúa muốn dân phải làm tôi mọi cho mình nên dùng quyền lực nắm chặt việc phân phát cơm ăn và áo mặc cho dân. Ai chịu phục tùng thì được phát cho cơm áo, ai chống cự thì không cho ăn và mặc, buộc vì sự sống mà phải quị lụy phục tùng.

    Thọ sanh: Nhận lãnh mạng sống nơi cõi trần, tức là chịu nhận đầu kiếp làm một con người sống nơi cõi trần.

    Trường hỗn độn: Một nơi đông đảo nhiều người rất lộn xộn, tranh đấu giành giựt quyền lợi, không đạo đức và trật tự chi cả, mạnh được yếu thua, khôn còn dại mất. Ðó là tình trạng của cõi trần trong thời Hạ nguơn Mạt kiếp.

    Trường: Nơi đông người đua chen danh lợi.

    Thâm nhập: Thấm sâu vào, đi vào sâu bên trong.

    Chơn trị: Dùng sự chơn thật mà cai trị dân chúng.

    Thế giới hết Thánh Thần trở thành thế giới của ma quỉ.

  • 142. Bất tà dâm

    142. Bất tà dâm

    142. Năm 1928 (âl Mậu Thìn)

    Bất tà dâm

    Vì sao tội Tà Dâm là trọng tội?

    Phàm xác thân con người, tuy mắt phàm coi thân hình như một, chớ kỳ trung nơi bổn thân vốn một khối chất chứa vàn vàn muôn muôn sanh vật.

    Những sanh vật ấy cấu kết nhau mà thành khối vật chất có tánh linh, vì vật chất nuôi nấng nó cũng đều là sanh vật, tỷ như: rau cỏ, cây trái, lúa gạo, mọi lương vật đều cũng có chất sanh.

    Nếu không có chất sanh thì thế nào tươi tắn đặng mà chứa sự sống. Như nó khô rủ thì là nó chết, mà các con nào ăn vật khô héo bao giờ; còn như nhờ lửa mà nấu thì là phương pháp tẩy trược đó thôi, chớ sanh vật bị nấu chưa hề phải chết.

    Các vật thực vào tỳ vị, lại biến ra khí, khí mới biến ra huyết. Chẳng cần nói, các con cũng biết cái chơn linh khí huyết là thế nào? Nó có thể huờn ra nhơn hình, mới có sanh sanh tử tử của kiếp nhơn loại.

    Vì vậy, một giọt máu là một khối chơn linh. Như các con dâm quá độ thì sát mạng chơn linh ấy.

    Khi các con thoát xác, thì nó đến tại Nghiệt Cảnh Ðài mà kiện các con. Các con chẳng hề chối tội đặng. Phải giữ gìn Giới Cấm ấy cho lắm! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tà dâm: Sự quan hệ xác thịt giữa nam và nữ một cách bậy bạ, bất chánh. Bất Tà dâm là không được Tà dâm. Ðây là giới cấm thứ ba trong Ngũ Giới Cấm.

    Tam Bất Tà dâm: là cấm lấy vợ chồng người, thả theo đàng điếm, xúi giục người làm loạn luân thường, hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặclấy lời gieo tình huê nguyệt (Vợ chồng không gọi là Tà dâm).

    Kỳ trung: Trong ấy.

    Vàn vàn: Vạn vạn, muôn muôn.

    Khối vật chất có tánh linh: Con người là một khối vật chất có tánh linh. Tánh linh là cái tánh thiêng liêng do Trời ban cho mỗi người, cái tánh ấy vốn lành.

    Lương vật: Vật dùng làm lương thực nuôi sống con người.

    Tỳ vị: Tỳ là lá lách, Vị là bao tử.

    Khí: Chất bổ dưỡng do các vật thực biến hóa ra trong bao tử và ruột non, theo máu huyết đi châu lưu nuôi sống các tế bào trong cơ thể, nên được gọi là Khí huyết.

    Cái chơn linh khí huyết có thể huờn ra nhơn hình: Khí huyết biến ra Tinh, nên gọi là Tinh khí. Người ta thường nói rằng, ba giọt máu biến ra một giọt Tinh. Trong Tinh có rất nhiều sinh vật nhỏ, gọi là Tinh trùng. Tinh trùng nầy kết hợp với noãn châu của phụ nữ để tạo thành bào thai một hài nhi. Cho nên một giọt máu là một khối chơn linh.

    Nghiệt Cảnh Ðài: tức là Minh Cảnh Ðài, Tòa Nghiệt Cảnh.

  • 143. Bất ẩm tửu

    143. Bất ẩm tửu

    143. Năm 1928 (âl Mậu Thìn)

    Bất ẩm tửu

    Vì sao phải Giới Tửu?

    Thầy đã dạy rằng: Thân thể con người là một khối chơn linh cấu kết. Những chơn linh ấy đều là hằng sống.

    Phải hiểu rằng: Ngũ tạng, lục phủ cũng là khối sanh vật mà thành ra, nhưng phận sự chúng nó làm, thảng hiểu biết hay không hiểu biết, đều do nơi mạng lịnh Thầy đã phán dạy.

    Vậy Thầy lấy hình chất xác phàm của các con mà giảng dạy.

    * Trước Thầy nói vì cớ nào rượu làm hại cho thân thể con người về phần xác.

    Hình chất con người vẫn là thú, phải ăn uống mới nuôi sự sống. Như rượu vào tỳ vị, nó chạy vào ngũ tạng lục phủ hết, thì trái tim con người chẳng khác nào như cái máy chánh để trữ sự sống, cũng phải bị thâm nhập vào làm cho sự lao động quá chừng đỗi thiên nhiên đã định, thôi thúc huyết mạch phải vận động một cách vô chừng, mà làm cho sanh khí nơi phổi chẳng đủ ngày giờ nhuận huyết tinh sạch cho đặng. Trược huyết ấy thối lại cùng trong thân thể, để vật chất ô trược vào trong sanh vật, mỗi khối ăn nhằm phải bịnh, một ngày thêm một chút, hết cường tráng, cốt tủy lần lần phải chết thì thân thể các con bị chết theo.

    Nhiều kẻ phải bị chết nửa thân mình vì rượu, nên ra đến đỗi.

    * Thầy dạy về cái hại phần hồn các con.

    Thầy nói cái chơn thần là nhị xác thân các con, là khí chất (le sperme évaporé). Nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy. Nơi trung tim của nó là óc; nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là vi hộ, nơi ấy Hộ Pháp hằng đứng mà gìn giữ chơn linh các con, khi luyện thành đạo, đặng hiệp một với Khí, rồi mới đưa thấu đến chơn thần hiệp một mà siêu phàm nhập Thánh.

    Vậy thì óc là nguồn cội của Khí, mà óc cũng bị huyết vận động vô chừng làm cho đến đỗi loạn tán đi, thì chơn thần thế nào đặng an tịnh điều khiển, thân thể phải ra ngây dại, trở lại chất thú hình, mất phẩm nhơn loại rồi, còn mong chi đặng phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật.

    Lại nữa, buổi loạn thần ấy, để cửa trống cho Tà mị xung đột vào, giục các con làm việc tội tình mà phải chịu phận luân hồi muôn kiếp.

    Vậy, Thầy cấm các con uống rượu, nghe à! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Giới Tửu: Cấm uống rượu. Ðây là điều răn cấm thứ tư trong Ngũ Giới Cấm, gọi là Tứ Bất tửu nhục: Cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ, rối loạn tâm thần, làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon, bụng mơ đồ mỹ vị.

    Sanh khí nơi phổi: Ðó là dưỡng khí, tiếng Pháp là Oxygène. Dưỡng khí hít vào phổi, được máu trong phổi hấp thụ, và thải chất trược ra, máu trở nên tươi nhuận, máu trở về tim, được tim bơm đi châu lưu trong cơ thể để đem dưỡng khí đến nuôi sống từng tế bào của cơ thể.

    Nhuận huyết tinh sạch: Làm cho máu ô trược (có màu đỏ bầm) thành máu trong sạch (có màu đỏ tươi).

    Cửa xuất nhập: Cái cửa để đi ra và đi vào. Cửa xuất nhập của Chơn thần là mỏ ác, gọi tiếng chữ là vi hộ, cũng thường gọi là nê huờn cung.

    Siêu phàm nhập Thánh: Vượt lên khỏi cõi phàm trần, đi vào cõi Thánh, đắc đạo thành bực Thánh, Tiên.

    Khi luyện thành đạo đặng hiệp một với Khí, rồi mới đưa thấu đến Chơn thần hiệp một mà siêu phàm nhập Thánh: Ðây là phép Luyện đạo: luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hiệp Thần, luyện Thần huờn Hư thì đắc đạo; tức là luyện Tam bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt.

    Loạn tán: Tán loạn, phân tán rất nhanh một cách hỗn loạn rồi tiêu mất hết.

    An tịnh: An ổn và trong sạch.

    Xung đột vào: Ðột nhập vào, xông bừa vào.

  • 144. Bất vọng ngữ

    144. Bất vọng ngữ

    144. Năm 1928 (âl năm Mậu Thìn)

    Bất vọng ngữ

    Tại sao cấm Vọng Ngữ?

    Thầy đã nói rằng, nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sanh tồn.

    Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng, đấng chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và các Ðấng Trọn lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa Phán Xét. Bởi vậy nên một mảy không qua, dữ lành đều có trả. Lại nữa, các chơn linh ấy, tánh Thánh nơi mình, đã chẳng phải gìn giữ các con mà thôi, mà còn dạy dỗ các con, thường nghe đời gọi lộn Lương tâm là đó.

    Bởi vậy chư Hiền, chư Thánh Nho nói rằng:

    "Khi nhơn tức khi tâm."
    "Hoạch tội ư Thiên vô sở đảo dã."

    Như các con nói dối, trước chưa dối với người thì các con đã nói dối với Lương tâm, tức là Chơn linh.

    Thầy đã nói, chơn linh ấy đem nạp vào Tòa Phán Xét từ lời nói của các con, dầu những lời ấy không thiệt hành mặc dầu, chớ tội tình cũng đồng một thể.

    Nơi Tòa Phán Xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ, nên Thầy dạy các con phải cẩn ngôn cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể.

    Các con khá nhớ. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS. II. 271.

    Vọng ngữ: Nói lời càn bậy, nói dối. Ðây là Giới Cấm thứ năm trong Ngũ Giới Cấm: Cấm xảo trá láo xược, gạt gẫm người, khoe mình bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách, nói năng lỗ mãng thô tục, chửi rủa người, phỉ báng tôn giáo, không giữ lời hứa.

    Ðấng chơn linh: Chơn linh tức linh hồn, là điểm linh quang của Ðức Chí Tôn ban cho mỗi người. Gọi là Ðấng để nhấn mạnh sự quan trọng của điểm linh quang ấy.

    Ðời gọi lộn Lương tâm là đó: Người đời không biết Chơn linh, chỉ biết Lương tâm, nên lầm lộn gọi Chơn linh là Lương tâm đó vậy.

    Khi nhơn tức khi tâm. Hoạch tội ư Thiên vô sở đảo dã: Chỗ nầy, trong ÐS.II.272 chép là:

    "Khi nhơn tức khi tâm, Khi tâm tức khi Thiên.
    Khi Thiên đắc tội. Hoạch tội ư Thiên vô sở đảo dã."

    Nghĩa là:

    Dối người tức là dối với tâm của mình, dối tâm của mình tức là dối Trời.
    Dối Trời thì mang tội. Mắc tội với Trời thì không cúng tế cầu xin nơi nào được vậy.
    (Khi là lừa dối).
  • 145. Biết đổ lụy cho kẻ vui cười

    145. Biết đổ lụy cho kẻ vui cười

    145. Ngày 10-2-1929 (âl 1-1-Kỷ Tỵ) [TẾT KỶ TỴ]

    THẦY

    Các con,

    Ngày tháng vẫn mỏi mòn, mà đường Ðạo nhắm còn dài đăng đẳng. Một xuân qua là một dặm đường phải bước tới, mà Thầy ngảnh lại bước đường của môn đệ, Thầy vẫn thấy sụt sè chớ chưa thấy chi có mòi tấn phát.

    Dần qua Mẹo lại, Thìn đến Tỵ về, xuân đổi lại xuân thay, năm kề rồi năm mãn. Ôi! Tấc bóng quang âm nhặt thúc, mà xem lại tâm hạnh của mỗi con của Thầy thì nét Ðạo vẫn kém hơn, đức chưa thêm được, tâm chí mòn mỏi lối đường ngay mà nấu nung về nẻo vạy, e cho nền tảng thiêng liêng đồ sộ phải nghiêng ngửa. Rồi đây, các con cũng chưa chắc hết tranh cạnh giành xé nhau mà làm cho nền Ðạo phải chia tan tành.

    Ðạo còn chứa tà vạy, người còn say mối lợi danh, thì phương chi cứu chữa bịnh Ðạo cho hết. Thầy cũng lắm đau thương, nhưng cũng chẳng cải sửa chi đặng. Thầy đã giao trách nhiệm lớn lao cho mỗi đứa đáng tin cậy, chúng nó chẳng biết điều đình thì phú mặc Tà quái xâm phạm mà thôi.

    Ôi! Xuân tàn xuân đến, cái xuân của người đã sắp lụn hao, mà rồi cái xuân của Trời Ðất nước non cũng chưa chắc là vô cùng vô tận.

    Các con nếu biết đời khổ tâm, biết vày vò tình thế, biết chịu kém sút trong nẻo lợi đường danh, biết thiệt mình mà đặng cho kẻ khác, biết đổ lụy cho kẻ vui cười, biết nhọc nhằn trong kế sinh nhai, biết giữ tâm chí cho thanh bạch, đừng nhơ bợn của chẳng nên dùng, biết động mối thương tâm, thương người hơn kể mình, thì là các con được tắm gội hồn trong mà về cùng Thầy đó.

    Nét nào chưa vẹn, khá biết sửa lần, chớ nên trì huỡn. Ðạo suy đức kém, Tà quái lừng hơi, các con gắng chung tâm xua trục hết lũ vạy tà thì hiến công lớn cho Thầy đó. Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bóng quang âm: Chỉ ngày và đêm. Quang là sáng, âm là tối. Bóng quang âm nhặt thúc: Ngày đêm thay đổi qua mau.

    Tâm chí mòn mỏi lối đường ngay: Tâm và ý chí đã mòn mỏi trên con đường chánh đạo, không muốn bước tới nữa.

    Nấu nung về nẻo vạy: Bị thôi thúc đi vào đường tà vạy.

    Biết đổ lụy cho kẻ vui cười: Phải có lòng vị tha, quên mình mà lo cho người.

    Tắm gội hồn trong: Như được tắm gội trong nước Cam lồ cho linh hồn và chơn thần được trong sạch.

    Xua trục: Bắt buộc xuất ra và đuổi đi chỗ khác.

  • 146. Ðức Chí Tôn nói về việc đăng Tiên của Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư

    146. Ðức Chí Tôn nói về việc đăng Tiên của Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư

    146. Tòa Thánh Tây Ninh
    Ngày 16-4-1929 (âl 7-3-Kỷ Tỵ), Giờ Tý.

    THẦY

    Các con,

    M . Ng . . kêu mấy anh con, kêu nữ phái, vì chúng nó vái ở dưới tội nghiệp.

    Thầy đã nói rõ ràng: Thượng Phẩm phải về Thầy trước các con, nhưng mà hại thay vì biếng nhác, các con không đọc Thánh Ngôn của Thầy mà kiếm hiểu.

    T . .! Con có nhớ lời Thầy nói với các con rằng: Ðạo vốn vô vi, nếu Thượng Phẩm không trở lại thiêng liêng chi vị thì ai đem các chơn hồn vào cửa Thiên giùm cho các con, lại nữa các con vốn là kẻ dẫn đường cho cả chúng sanh, thay mặt Thầy nơi thế nầy về phần Ðời, còn phần Ðạo cũng phải có đôi đứa mới đặng cho. Cười . . . . . . . . . . . . . .

    Th .! Con phải xây cái tháp của Thượng Phẩm phía trước cây ba nhánh, phải day về hướng đông, giống như ngó vào điện mà hầu Thầy vậy, song ba từng phải lợp ngói như nóc chùa của các Ðường nhơn vậy, nghe!

    Ðừng làm như cái tháp của Bảo Ðạo vì hai đứa phẩm vị khác nhau. Chung quanh Bát quái đài phải làm như hình có cột, tại chính giữa tháp phải có một lỗ cho nhựt quang rọi tới liên đài.

    Các con sẽ bị Thái Bạch quở phạt, liệu lấy mà sửa mình, phải tùy theo lịnh dạy của nó, đặng nó giảm nộ chút ít, nghe! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    M. Ng . .: Mỹ Ngọc, hiệu của Ngài Bảo Văn Pháp Quân.

    T . .: Tắc, Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

    Th .: Thơ, Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh.

    Bài Thánh Ngôn nầy Ðức Chí Tôn nói về việc đăng Tiên của Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư, và dạy vị trí và cách xây tháp. (Ðức Cao Thượng Phẩm đăng Tiên ngày 1-3-Kỷ Tỵ)

    Chỗ nhiều chấm, có trong ÐS. I. 76, xin chép bổ sung:

    "Con (Tắc) đừng phiền mà trách mấy anh con, nhứt là đừng nói rằng chúng nó giết Thượng Phẩm, nghe! Vì Thiên cơ đã định, các con biết chi mà hờn trách lẫn nhau."

    Thiêng liêng chi vị: Ngôi vị nơi cõi thiêng liêng.

    Nóc chùa của các Ðường nhơn: Nóc chùa của người Tàu, có mái ngói cong lên.

    Nhựt quang rọi tới liên đài: Ánh sáng mặt trời rọi xuống tới liên đài của Ðức Cao Thượng Phẩm đặt trong tháp.

    Tháp xây có hình 8 cạnh như là Ðài Bát quái, có 3 từng mái ngói cong lên. "Chính giữa tháp, trên nóc có làm mặt kiếng, nghĩa là làm cái bầu có để mặt kiếng đặng cho nhựt quang giọi tới liên đài, phải làm cái bầu cho lớn đặng để mặt kiếng lớn mới được."

  • 147. Nếu không đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau

    147. Nếu không đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau

    147. Ngày 11-1-1930 (âl 12-12- Kỷ Tỵ)

    THẦY

    Các con,

    Thầy thường nói với các con rằng, các con là cơ thể của sự thương yêu, mà các con không còn hiểu sự thương yêu là gì, bởi nơi nào đó? T. . kiếm coi.

    (T . . bạch: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . )

    - Không, con. Sự thương yêu là giềng bảo sanh của Càn khôn Thế giới. Có thương yêu, nhơn loại mới hòa bình, Càn khôn mới an tịnh. Ðặng an tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau, mới giữ bền cơ sanh hóa.

    Còn nghịch cơ sanh hóa là ai? Các con có biết không? T . . kiếm coi.

    (T . . bạch: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . )

    - Không, con. Con nói đó là nói dối cho Tà quái, chớ thiệt là cho Quỉ vương. Quỉ vương là tay diệt hóa. Cũng như có sống của Thầy ắt có chết của Quỉ vương vậy. Vậy thì các con coi Quỉ vương lấy cơ thể nào mà toan hại các con?

    (T . . bạch: Quỉ vương xúi giục người không đem lòng bác ái mà gây rối lương sanh.)

    - Sao con không dùng tiếng chết mà tỏ lý cao sâu? Vì có ghét nhau, vạn loại mới khi nhau, khi lẫn nhau mới tàn hại hại nhau, mà tàn hại lẫn nhau là cơ diệt thế.

    Vậy Thầy cấm các con từ đây, nếu không đủ sức thương yêu nhau thì cũng chẳng đặng ghét nhau, nghe à! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    T . .: Tắc, Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

    Các con là cơ thể của sự thương yêu: Ðứa con được sanh ra là do tình thương yêu thắm thiết của một cặp vợ chồng, và nó được nuôi dưỡng khôn lớn trong tình thương yêu của cha mẹ. Ngoài ra, nó còn được Ðức Chí Tôn và Phật Mẫu ban cho linh hồn và chơn thần, nên nó cũng được hai Ðấng Cha Mẹ thiêng liêng thương yêu y như cha mẹ phàm trần của nó vậy. Cho nên, con người là cơ thể của sự thương yêu của cha mẹ phàm trần và của cả 2 Ðấng Cha Mẹ thiêng liêng nữa.

    Giềng bảo sanh: Cái đầu mối chánh bảo vệ sự sống.

    Cơ Sanh hóa: Bộ máy sanh hóa. Sanh hóa là sự biến hóa sanh ra, hay sự sanh ra và nuôi dưỡng cho lớn lên. Cơ sanh hóa là của Ðức Chí Tôn.

    Diệt hóa: Tiêu diệt sự sanh hóa. Cơ diệt hóa là của Quỉ vương. Nó chỉ biết làm chết chớ không biết cứu sống.

    Lương sanh: Người tốt, người có căn lành.

    Khi nhau: Dối trá với nhau. Khi là dối trá.

    Tàn hại: Hại nhau một cách tàn ác.

  • 148. Xu trần chớ luyến lợi cùng danh

    148. Xu trần chớ luyến lợi cùng danh

    148. Tây Ninh, [ VÍA ÐỨC CHÍ TÔN ]
    Ngày 7-2-1930 (âl 9-1-Canh Ngọ)

    THẦY

    Các con,

    Thầy quyết lấy đức háo sanh mở Ðạo, cứu rỗi sanh linh cho kịp trước kỳ Hạ nguơn nầy, nhưng Ðạo chẳng hoàn toàn, con đường đi chưa cùng bước, là vì tại nơi lòng nhiều đứa chưa để hết tín ngưỡng mà nghe lời Thánh giáo, cho nên lần hồi, nền Ðạo phải ra tan tành manh mún.

    Kẻ hữu đức buồn lòng thối bước, đứa chơn thành không vui nắm tay theo. Ma hồn quỉ xác loán vào, kẻ đức thiếu níu đứa không nhân, thành ra nhân kém đức suy, cứ thẳng một đường tà dung ruổi.

    Cơ lập Ðạo là nhiệm mầu vô giá. Biết Ðạo, biết ta biết người, biết thế biết thời, biết dinh hư, biết tồn vong ưu liệt, rồi mới có biết hổ mặt thẹn lòng, biết sự thế là trò chơi, biết tuồng đời là bể khổ, biết thân nô lệ dẫn kiếp sống thừa, biết nhục vinh mà day trở trên con đường tấn thối. Có đâu đường đời còn lắm giành xé, hại lẫn nhau, mong chi đặng tầm Tiên noi Phật.

    Công Thầy bố hóa bị lũ học trò tham lam ngu xuẩn dục lợi cầu danh, làm cho Tà quái lẫn vào, dìu dắt vào chốn hang sâu vực thẳm. Thế là hồn Ðạo phải chịu ngàn năm phưởng phất.

    Thầy thấy nhiều đứa xả thân cầu Ðạo, diệt tục xủ phàm, để mình làm hướng đạo. Hỏi vậy có ai xứng đáng chưa? M. Ng. .? (M. Ng . . bạch: . . . . . . . )

    - Ôi! Thầy vì mấy chục ức nguyên nhân, không nỡ để cho ngôi phẩm tan tành, chớ lấy luật Thiên thơ thì không một ai dự vào kim bảng.

    Tu hành vẫn trái với thế tục, mà trái với thế tục mới đặng gần ánh thiêng liêng. Thầy thấy nhiều đứa, tu cũng muốn tu mà thế tục cũng không muốn chừa bỏ. Thế tục là nét dìu dắt cho mất tánh thiêng liêng, phải lấy nghị lực cang tâm mà kềm chế thì cái lối diệt vong, mới chẳng làm uổng công phu hành đạo cho.

    Áo dà cũng muốn mặc, giày đạo cũng muốn mang, muốn đứng trước cả nhơn sanh để cho họ biết mình là hướng đạo. Ðường Tiên cũng lấp lửng, nguồn Thánh cũng toan vào, mà thấy bạc rơi cũng chẳng bỏ, lợi mún chẳng từ, mượn danh Ðạo mà tạo danh mình, vô Thánh điện mà hơi tà còn phưởng phất. Muốn cho nhà thiệt cao, áo thiệt tốt, mượn lốt cọp dọa cáo bầy, bụng trống lổng, túi thâu đầy toan làm thầy lũ dại.

    Ôi! Lốt Ðạo, lốt Ðạo! Thầy buồn cho trẻ ngây, chẳng còn biết làm sao đem Thánh giáo vào tai chúng nó được.

    Thầy nhớ xưa, kẻ mộ Ðạo chịu ngàn cay muôn đắng, biết có người mà chẳng biết nhọc mình, giày gai áo bã, đội nguyệt mang sao, gió trước lọt chòi tranh, mưa sau hư giậu lá, bần hàn chẳng quản, tay trắng dìu người, một mảy không bợn nhơ, mới có thể lập ngôi cho mình đặng; có đâu lấy của lấn nhân, mượn quyền xua đức, kẻ chân thành lánh mặt, đứa tà mị áp vào, rồi cúm núm mang hơi tà, lại đua nói rằng thờ Chánh giáo. Thầy hỏi: Ai chứng cho?

    Lễ Nhạc chẳng hoàn toàn, nhiều đứa cậy tài học giỏi, lượm lặt sách xả rác hủ nho, mong bài bác đặng vinh mặt. Thầy bây giờ chỉn để phú Thiên điều hành luật. Ai biết nguồn cội, vội sửa mình, mới mong tránh khỏi lũ Tà ma mà đi cho cùng bước Ðạo.

    Uổng thay! Nền Ðạo chẳng phải hư, ngày nay không phương tái lập. Thầy giao cho mấy đứa, vì Ðạo vì Ðời khá hiệp trí chung lo, họa may mới vớt người đặng muôn một.

    M. Ng . . , con được phép cho mấy anh Tr . . . , Tr . . . coi Thánh giáo của Thầy.

    Thầy cho các con hay rằng, Ðại lễ Tòa Thánh chẳng hoàn toàn theo cách thức dạy trước đây thì khá biết rằng có Tà quái chứng mà thôi, nghe!

    Thầy khuyên các con:

    Bước Ðạo lần chơn một dạ thành,
    Xu trần chớ luyến lợi cùng danh.
    Nâu sồng nhuộm áo pha màu khổ,
    Tránh mối oan khiên chớ buộc mình.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    M. Ng. .: Mỹ Ngọc, hiệu của Ngài Bảo Văn Ph. Quân.

    Tr . . . , Tr . . .: Trung, Trang. Ðó là Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Chánh Phối Sư Ngọc Trang Thanh.

    Dinh hư: Doanh hư. Doanh là đầy tràn, hư là trống không. Dinh hư là khi đầy khi vơi, khi đầy đủ khi trống không.

    Tồn vong ưu liệt: Còn, mất, tốt, xấu (thắng, bại).

    Kiếp sống thừa: Kiếp sống không làm gì hữu ích cho ai hết, lại ăn bám vào người khác, tạo gánh nặng cho xã hội.

    Bố hóa: Dạy dỗ cho hiểu biết để sửa đổi từ xấu ra tốt.

    Diệt tục xủ phàm: Tiêu diệt và trút bỏ những cái tầm thường thấp kém của mình để trở nên cao thượng.

    Mấy chục ức nguyên nhân: Ý nói 92 ức nguyên nhân đang còn chìm đắm cõi trần.

    Kim bảng: Bảng vàng ghi tên người thi đậu.

    Nghị lực cang tâm: Nghị lực là sức bền vững làm việc. Cang tâm tức cương tâm là lòng dạ cứng cỏi.

    Vô Thánh điện mà hơi tà còn phưởng phất: Ði vào Ðền thờ Ðức Chí Tôn mà vẫn còn giữ nét vạy tà bất chánh. Cho nên, trước khi vào Tòa Thánh, chúng ta đến Tịnh Tâm Ðiện, là nơi để chúng ta loại bỏ những tư tưởng xấu, giữ tâm trong sạch, tư tưởng không không, sau đó mới vào làm lễ Chí Tôn.

    Lốt Ðạo: Mang áo mão đạo chớ không biết Ðạo.

    Giày gai áo bã: Giày làm bằng cỏ không êm chân, áo được may bằng vải vụn. Ðó là giày và áo của người tu.

    Mưa sau hư giậu lá: Chỉ cảnh nghèo, nhà cửa hư nát. Giậu là tấm phên.

    Xu trần: Ði vào cõi trần, tức là sống trong cõi trần. Xu là đi rảo bước.

  • 149. Ðường về chớ nệ bước non sông

    149. Ðường về chớ nệ bước non sông

    149. Ngày 12-4-1930 (âl 14-3-Canh Ngọ)

    NHÀN ÂM ÐẠO TRƯỞNG

    Hỉ chư đạo hữu.

    Ðã lâu, Bần đạo không được giáp mặt chư đạo hữu để luận một vài câu chuyện về đạo đức. Hôm nay, Bần đạo cũng để dạ khen một ít hiền hữu đã để hết tâm chí trau giồi Thánh chất, mà cũng buồn nhiều đạo hữu còn chăm nom bước thế hơn đường tu.

    Ðức Chí Tôn đã lấy từ bi mà châm chế, mong ngày Ðạo được hòa bình. Vậy khá chung trí hiệp tâm mà tái dìu mối Ðạo. Ấy là phương chuộc lỗi sửa mình mà trở về ngôi cũ đó. Phải khá lo xa.

    H . . hiền hữu lúc nầy chuyên về văn chương quốc âm nhiều lắm há? Nhiều đạo hữu khác đã từng được Thánh giáo và học hỏi đã thông.

    Vậy Bần đạo xin giải giùm bài thi nôm nầy:

    Ðường về chớ nệ bước non sông,
    Lần đến tìm nơi cảnh bá tòng.
    Bụng trống thảnh thơi con hạc nội, (1)
    Lúa đầy túng tíu phận gà lồng. (2)
    Cô phần ngảnh lại đà bao tuổi, (3)
    Sô diện xem qua khỏi mấy dòng. (4)
    Một điểm quanh co lên một nấc,

    Lần lừa ngày tháng ắt qua đông.

    (Nhiều người giải bốn câu trên, qua đến điển tích và cặp luận thì không ai hiểu hết, nên Ngài giải nghĩa).

    GIẢI:

    (1) (2): Lý Bạch viết:

    Lung kê hữu mễ than oa cận,
    Dã hạc vô lương Thiên Ðịa khoan.

    Thích nôm: Gà lồng có lúa đầy bụng hằng ngày mà nồi nước sôi hằng cận bên, không biết phải bị giết ngày nào.

    Còn con hạc nội, tuy bữa đói bữa no, nhưng Trời Ðất rộng thinh, mặc tình cao bay xa liệng.

    Tóm lại, thà cực mà được thong thả, còn hơn sướng mà phải chịu nguy hiểm.

    Có mối Ðạo dìu mình được tự do thiêng liêng, mà cái tự do thiêng liêng ấy, ta hãy làm con hạc nội mới mong chiếm được.

    (3) Cô phần là mả hoang.

    (4) Sô diện là nhăn mặt.

    Nghĩa giải riêng Luận nhứt và Luận nhì, chớ không phải chung nghĩa.

    GIẢI:

    Ta nhìn mấy cái mồ hoang mả lạnh, nếu tìm mà hỏi cho rõ tông tích thì toàn là những kẻ thiếu niên nằm nơi đó. Thế thì đời người như bọt nước, như mây bay, nếu chẳng lo tu sớm, chừng khuất bóng rồi, té ra mình chưa gặp Ðạo.

    Ðức Thích Ca nói:

    Mạc đãi lão lai phương học Ðạo,
    Cô phần tận thị thiếu niên nhơn.

    Nghĩa là:

    Chớ có đợi lúc già mới học đạo,
    Những mồ hoang ấy toàn là của kẻ còn trai trẻ.

    Chư đạo hữu hiểu rõ chưa?

    (4) Dòng đây là dòng nước, nước mà bị gió thổi, có con sông nào khỏi nhăn mặt.

    Nước bị gió như người bị cường quyền, nếu chẳng thoát ra quyền ấy thì chưa dễ chắc còn thân. Ðạo là phương dìu người khỏi quyền ấy mà thôi.

    Cổ nho có câu:

    Thanh sơn nguyên bất lão, vị tuyết bạch đầu,
    Lục thủy bổn vô sầu, nhơn phong sô diện.

    Nghĩa là:

    Núi kia chẳng phải già mà bị tuyết đóng nên bạc đầu,
    Nước kia chẳng phải sầu mà bị gió thổi nên nhăn mặt.

    Phải tìm cao xa mà hiểu.

    Còn hai câu chót, ai cũng hiểu.

    Vậy chư đạo hữu rán học Ðạo, nghe! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Ðường về chớ nệ bước non sông: Con đường về với Ðức Chí Tôn, chớ nệ hà khó khăn qua sông vượt núi.

    Cảnh bá tòng: Ý nói cảnh chùa, nơi tu hành.

    Túng tíu: Bó buộc, chật hẹp, ngặt nghèo.

    Một điểm quanh co lên một nấc: Ý nói, trên đường tu, vượt qua 1 bước khó khăn thì trình độ đạo đức tăng lên 1 bực.

    Lần lừa ngày tháng ắt qua đông: Ngày tháng qua mau, chớ nên chần chờ, sớm lo tu hành, mùa đông giá rét sắp đến.

  • 150. Ðạo tuy cao, song sức Quỉ cũng chẳng hèn

    150. Ðạo tuy cao, song sức Quỉ cũng chẳng hèn

    150. Ngày 21-4-1930 (âl 23-3-Canh Ngọ), Giờ Sửu.

    THẦY

    Các con,

    Tr. . .! Thầy lập nền Ðạo nầy ra, do nơi Thiên thơ, lại cũng có lòng từ bi, để vớt cả mấy chục triệu nguyên nhân lớn lao trở hồi cựu vị.

    Thầy biết có những chơn linh, vì lãnh mạng tá phàm, mà dìu dắt các con của Thầy, nên chẳng nại công lao khó nhọc, yêu cầu cùng Tam Giáo nới tay cho Thầy cứu rỗi các con.

    Than ôi! Công trình Thầy và các Ðấng Thiêng liêng thì nhiều mà tấc thành của mỗi con thì không đặng mấy. Nhiều phen sóng khổ muốn chìm đắm các con mà Thầy phải sợ cho đến nhăn mày khổ lụy.

    Thấy vậy chẳng đành, Thầy phải sửa cải Thiên thơ mà để cho mỗi đứa được có ngày giờ và thế lực mà dìu dắt nhau cho tròn phận sự, nhưng rốt lại, tà quyền cũng lấn lướt chất Thánh, bước tục dẫn chơn phàm, Thầy rất đau lòng mà dòm thấy con cái líu xíu bị lầm vào đường tà quái.

    Ðứa thì mê tài, đứa thì ham cận sắc, đứa bị biếm vào lối lợi quyền, đứa bị xô vào nơi thất đức. Mỗi đứa mỗi nẻo, đều quăng sạch chất thiêng liêng, lầm lủi đưa tay theo mấy mươi động.

    Hại nữa là các con lại bị nó tàng ẩn, xô cho dang nhau, bứt nghiến tình đoàn thể, chặt lìa dây liên lạc, giành xé cắn rứt nhau như kẻ khác nhà, gà riêng ổ, cho đừng có thế lực chi mà kình chống với chúng nó, rồi rốt cuộc lại thì các con phải lần lần bị manh mún phân chia, sa vào hang sâu vực thẳm.

    Thầy tưởng để cho các con lo liệu, giành giựt, đương cự với chúng nó, nhưng dòm Thiên thơ, thì tám phần mười đã sa ngay vào chơn của Quỉ vương vày đạp, mà lại phần đông các con là bậc phẩm cao, chức trách trọng hậu.

    Thầy phải ép lòng chịu tư vị với các con mà thố lộ chút ít. Vậy nên biết mà kềm sửa bước đường đặng cứu chữa căn bịnh cho nhau và ngăn ngừa bước đường cho những đứa sẽ đến.

    Tà đã thắng Chánh thì con làm thế nào đương cự cho kham. Con là đứa Thầy đã tin cậy hồi mới ban sơ, tuy bước đường cũng lắm lúc sai lầm, nhưng nhờ các Ðấng Thiêng liêng thương mà chỉ dẫn, nên bước vừa trờ tới, kịp lúc trở ra.

    Thương hại thay cho nhiều đứa khác, quyền chưa từng nắm, của chưa đặng cầm, sắc chưa từng gần, lợi chưa từng thấy, bị lũ quái tùy Thiên thơ, đem treo trước mắt mà phải lầm lủi bước đường, chơn linh quí hóa kia mắc lẫn với xác phàm mà phải chịu muôn đời chìm đắm.

    Ðạo tuy cao, song nên biết sức Quỉ cũng chẳng hèn. Nếu không ngăn ngừa, dằn lửa nóng trong tâm thì lửa Tam muội của Quỉ vương đốt cháy.

    Con khá hiểu lời Thầy và nên biết rằng, nếu con chẳng dụng quyền lực của Thầy ban cho con mà đương cự, dìu dắt các em thì một ngày kia, nó dẫn đi lần hồi hết, rồi còn một mình như chim lẻ bạn, như phụng lạc bầy, gặp cơn giông tố kia, cũng chẳng sức gì đởm đương cho khỏi sa nơi hắc ám. Chừng ấy thì thế giới phải tạo lập lại, sụt các con cho đến Ðịa cầu 72, đặng chờ lúc thiên niên đày vào Nghiệt Cảnh.

    Nên biết trách nhậm rất nặng nề, nếu chẳng kham thì con đường thiêng liêng kia đâu an vị được.

    B . . .! Thầy đã lấy ân huệ ban cho con, rất xứng đáng. Cái ân huệ ấy là tấm sắt hộ tâm, sao chẳng giữ gìn trọng trách, làm cho chinh lòng nhau?

    Chưởng Ðạo Kim Biên lãnh mạng Thầy mà dìu dắt. Hễ có một bực trổi hơn thì con đường phải gay trở thêm. Nếu cái nhẫn kia chẳng đặng để đứng đầu, làm cho nó phiền, trả chức lại, cũng như Lý Bạch ngày nọ, thì mong chi đi cho cùng bước.

    Thầy thấy Thiên thơ mà đau lòng, nên mấy lời nầy là lời chót thiết yếu chung.

    Nơi đây cũng vậy, mà Kim Biên cũng vậy, khá chung lo mà gỡ rối, nghe!

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tr. . .: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    Tá phàm: Giúp cõi trần, tức là giáng sanh xuống cõi trần để thực hành sứ mạng cứu giúp người đời. Tá là giúp đỡ.

    Mấy mươi động: Tam thập lục Ðộng (36 Ðộng) của Quỉ vương, giả làm Tam thập lục Thiên của Ðức Chí Tôn để lừa gạt người tu nhiều hám vọng.

    Tàng ẩn: Ẩn kín bên trong.

    Lửa Tam muội của Quỉ Vương: Sự giận dữ trong lòng làm mờ ám lương tri, khiến con người làm nhiều điều xằng bậy, giống như ngọn lửa phép của Quỉ vương, đốt cháy hết công đức của người tu.

    Ðịa cầu 72: Ðịa cầu đứng dưới chót hết trong dãy Thất thập nhị Ðịa, luôn luôn tối tăm lạnh lẽo, thuộc U Minh Ðịa, là nơi để trừng trị và đày đọa các tội hồn.

    B. . .: Ông Lê Văn Bảy, Giáo Sư Thượng Bảy Thanh, làm Chủ trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo tại Kim Biên, Nam Vang, qui vị tại Nam Vang ngày 10-1-Mậu Tý (19-2-1948).

    Chưởng Ðạo Kim Biên: Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn (tức Văn hào Victor Hugo, nước Pháp) được Ðức Chí Tôn phong chức Chưởng Ðạo cầm quyền Hội Thánh Ngoại Giáo, trụ sở đặt tại Kim Biên, Nam Vang. Ngài có quyền phong thưởng Chức sắc của Hội Thánh Ngoại Giáo (HTNG), và điều hành HTNG. Chức Chưởng Ðạo đối phẩm Chưởng Pháp Cửu Trùng Đài.

  • 151. Tóc bạc còn mờ lối nhục vinh.

    151. Tóc bạc còn mờ lối nhục vinh.

    151. Ngày 8-6-1930 (âl 12-5-Canh Ngọ)

    QUAN THÁNH ÐẾ QUÂN

    Hỉ chư đạo hữu,

    Nền Ðạo chưa lập thành mà bên trong thì người biếng trau Thánh chất, nơi ngoài người lại muốn kêu nài so đo với các Ðấng Thiêng liêng, đặng làm cho rõ mình là thấy xa hiểu rộng.

    Thời thế đã đổi dời, họa Thiên điều hầu kế cận. Từ Nam chí Bắc, khắp Ðông qua Tây, thỉnh thoảng trường náo nhiệt khởi động, diệt tàn kẻ vô đạo.

    Xác phàm mắt thịt, nếu đã sẵn ánh thiêng liêng mà không sớm tỉnh hồn thì mảnh tro bụi kia chẳng khỏi chịu hình đòi lúc.

    Than ôi! Trời cao minh soi xét mà người vẫn mê muội ám mờ, đem mảnh trí cỏn con kia chống kình với khuôn linh Tạo hóa.

    Muốn học mùi Ðạo mà lại kèo nài giao kết thì dầu cho bậc phẩm nào đi nữa, cái ân đức từ bi cũng khó chiều theo được.

    Các Ðấng thiêng liêng xưa kia khổ hạnh, công cán thế nào mới được về ngôi cao phẩm quí, há chẳng phải là gương tín thành đáng noi dấu hay sao?

    Ðời mộng ảo nầy, sự còn mất như bọt nước mây bay, khá qui chánh cải tà, nắm giữ lòng thiện niệm thì một mai mới tránh khỏi bẫy vô thường của Quỉ vương đương giành xé.

    Tánh kiêu căng tự đại là hang thẳm chôn lấp trọn thân hình hồn phách đó. Nên ghi nhớ mà lập tâm sửa mình. Khá gắng nhớ bài nầy:

    Khuôn đời chưa dễ tạo nên hình,
    Tóc bạc còn mờ lối nhục vinh.
    Hòn ngọc khó đem trau Thánh chất,
    Cân vàng khôn lấy nện chày kình.
    Phước Trời gieo sẵn còn giao kết,
    Lợi thế chưa nên xúm giựt giành.
    Thời cuộc tuần hoàn tai ách khởi,
    Liệu mà xông lướt, liệu đua tranh.

    Các đạo hữu Thiên phong nên giảng bài nầy cho chúng sanh. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Ánh thiêng liêng: Ý nói mối Ðạo của Ðức Chí Tôn.

    Tỉnh hồn: Linh hồn thức tỉnh. Ðòi lúc: Nhiều lúc.

    Mảnh tro bụi kia: Cái thể xác phàm kia, bởi vì thể xác phàm là do vật chất phàm trần tạo ra, nên nó là cát bụi.

    Bẫy vô thường: Cái bẫy luôn luôn biến hóa để người ta không biết nên dễ bị lừa gạt mắc vào bẫy. Khi bị mắc vào bẫy rồi thì không thể thoát khỏi được.

    Thân hình hồn phách: Thể xác, Linh hồn, Chơn thần.

    Chày kình: Cái chày bằng gỗ có chạm hình con cá kình, dùng để dô?g chuông, chỉ việc tu hành.

    Khôn: Không.

  • 152. Chia tình xẻ nghĩa, máu thịt đoạn ly

    152. Chia tình xẻ nghĩa, máu thịt đoạn ly

    152. Ngày 8-6-1930 (âl 12-5-Canh Ngọ)

    NHÀN ÂM ÐẠO TRƯỞNG

    Hỉ chư đạo hữu, chư đạo muội,

    Bần đạo vâng Ðức Chí Tôn đến tỏ cùng chư đạo hữu yêu dấu ít lời.

    Bần đạo rất buồn cho nhơn sanh chưa kịp nương bóng Ðạo, để đến đỗi ngày nay Thiên điều đã cận, nên biển khổ phải chịu đắm chìm, khó mong siêu rỗi đặng.

    Cũng nơi Thiên tai, ách nước, nhưng rất đau lòng dòm thấy muôn ngàn nhơn loại lặn hụp chới với nơi vực thẳm hang sâu kia, mà con thuyền Bát Nhã cũng còn sóng dập gió dồi, linh đinh trên biển khổ sông mê, khó vớt người bị đắm.

    Nền Ðạo thung dung được đứng sững trên cõi Việt mà đùm bọc che chở những kẻ hữu phước hữu phần, nếu dần dà chẳng tỉnh ngộ mà un đúc cho cứng khối tinh thần, để nay trở bước, mai đổi đường, thì mảnh xác phàm tục kia tránh sao khỏi lối tan tành ra tro bụi.

    Bần đạo khuyên khá hết dạ kỉnh thành mà vọng ngưỡng nơi Ðấng Chí Tôn, thì con đường được thung dung đầm ấm, chí ư đem họa cỏn con biến đổi trong gia đình mà so sánh trành tròn với đức háo sanh của Tạo hóa, thì đường đạo đức minh quang thế nào trông trờ bước tới nữa, mà vẹt ngút mây xanh, trông vào cảnh tự tại.

    Vào nơi đạo đức rồi, dầu cho phải cắt ái ly gia, chia tình xẻ nghĩa, máu thịt đoạn ly, mà làm cho tròn trách nhậm xứng đáng của mình, để hiến thân chuộc sanh mạng cho muôn ngàn kẻ đồng bào, thì cái đau đớn thường tình, sự khổ tâm ở thế kia, đau khổ nào có tiếc.

    Ấy là cử chỉ của các bậc Thánh trước tìm mối Chơn đạo như thế. Chư đạo hữu nên ghi. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Thiên tai ách nước: Thiên tai là tai họa do thiên nhiên gây ra như: Núi lửa, động đất, hạn hán, vv . . . Ách nước là tai họa do nước gây ra như lũ lụt, sóng thần, vv. . .

    Vọng ngưỡng: Ngửa mặt trông chờ Ơn Trên chiếu cố.

    Trờ bước: Bước ngay tới.

    Cắt ái ly gia: Cắt đứt thương yêu và lìa khỏi gia đình.

    Chia tình xẻ nghĩa: Vợ chồng tình nghĩa mặn nồng, giờ đây phải xa cách nhau.

    Máu thịt đoạn ly: Tình cha con hay tình mẹ con phải chịu phân ly xa cách để đi tu.

  • 153. Tòa Thánh là cội nguồn

    153. Tòa Thánh là cội nguồn

    153. Ngày 10-6-1930 (âl 14-5-Canh Ngọ)

    LÝ BẠCH

    Hỉ chư đạo hữu,

    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

    Ðạo chẳng phải một món hàng mà nay đem cầu người nầy, mai đem nài kẻ kia cho họ biết mà nhìn nhận, thật nên nhục thể Ðạo quá!

    Ðấng Chí Tôn đã gieo giống quí hóa rồi, thì cần phải vun trồng cho cội sởn sơ. Cội sởn sơ mới có đâm chồi trổ tược, nhành lá sum sê, hoa đơm sắc sảo, rồi mới đến trái oằn sai mà thành kết quả xứng đáng. Chừng hương nực mùi, hoa đơm trái rồi, ngàn dặm cũng tìm đến hưởng nhờ giống quí, nhọc chi phải hạ mình mà làm cho nhẹ nhàng phẩm giá.

    Các đạo hữu cứ đường ngay thẳng tới, chung lưng đâu cật mà lo việc mình, thì muôn việc đều nơi Chí Tôn sắp đặt, nghe!

    Tr. . . , hiền hữu rõ chưa? Ðã lầm nhiều rồi đó. Danh Ðạo đã bán một lần rồi, ráng mà chuộc lại.

    Tòa Thánh là cội nguồn, ngày nào được sừng sựng đứng vững nêu trên miền Tây Vức nầy, ấy là ngày họ cầu thỉnh các đạo hữu đó.

    Nên biết mà lo. . . . . . . . . . . . . . . . . . .

    Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong Thánh Ngôn chép tay của Bà Nữ Ðầu Sư Hương Hiếu, trang 190. Phò loan: Hộ Pháp và Bảo Văn Pháp Quân. Hai chỗ có nhiều chấm ở đầu bài và ở cuối bài, xin chép bổ sung ra sau đây:

    "Trung, Thơ, nhị vị Ðạo hữu đó há! Lão buồn xem Ðạo còn lắm nỗi khó khăn rối rấm, đường đi nước bước đã sớm chỉ cho hết vài phần mà đi lại cũng chưa gỡ được mối nào, mà con đường sai sót lại lần lần đi tới nữa. Mấy Ðạo hữu hiểu Thánh giáo như người dốt bàn chiêm bao, rồi thì kẻ hiểu một đường, người thông một nẻo, mạnh ai nấy bàn, đường ai nấy đi, chớ chẳng chung trí đồng tâm mà làm trách nhậm.

    Lão đã nói, mình duy biết lấy mình và cậy nơi sức mình mà thôi."

    "Lão kỳ cho hết năm nay, nếu chưa có vẻ gì khởi công mà tạo Tổ Ðình thì nền Ðạo chớ trông gì lập thành thiên niên được. Chừng ấy, cái họa muôn chung sẽ khởi mà hành động cho đến ngày tiêu diệt với Quỉ vương. Một phần người đã mờ ám mê muội với lũ nó, rồi trông cho đến truyền nhiễm hết, rồi nơi đây là động quỉ đó.

    Lão đợi chư Ðạo hữu đặng tái lãnh trách nhậm, nếu chẳng thi hành thì luôn Ðức Chí Tôn cũng phải theo Lão mà ra khỏi kỳ phổ độ nầy.

    Lão cho Trung, Thơ được quyền bàn tính gắp với mấy anh em mà thi hành.

    Thơ, nên gắng công mà ráng sức lo nơi đây trước đã. Hiền hữu chuộc quả nhiều là nơi đó. Còn phần ở Hậu Giang, sau sẽ tính nghe. Lão trông mong. Thăng."

    Lý Bạch: Lý Thái Bạch, gọi tắt là Lý Bạch. Ngài là Ðấng Ðại Tiên Trưởng, Nhứt Trấn Oai Nghiêm, kiêm nhiệm Giáo Tông Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ.

    Cội sởn sơ: Cội cây tươi tắn chứa đầy sức sống nẩy nở.

    Hoa đơm sắc sảo: Bông đơm xinh tốt lộng lẫy.

    Chung lưng đâu cật: Nhiều người nương tựa vào nhau, đoàn kết gắn bó cùng nhau để làm công việc lớn cho được thành công tốt đẹp.

    Tòa Thánh là cội nguồn: Tòa Thánh Tây Ninh là nguồn cội của Ðạo Cao Ðài. Ðức Chí Tôn đã nói: "Các con phải chung hiệp nhau mà lo cho hoàn toàn Tòa Thánh, chi chi cũng tại Tây Ninh đây mà thôi."

    Sừng sựng: Sừng sững, nói về một vật to lớn đứng trơ ra một cách vững chắc như bị chôn chặt xuống đất.

    Tây Vức: Tây là hướng Tây, Vức tức là vực, nghĩa là một vùng đất. Tây Vức là vùng đất hướng Tây, ý nói: Vùng đất Tây Ninh, là Thánh Ðịa, nơi cất Tòa Thánh của Ðạo Cao Ðài.

  • 154. Ðức Lý tái thủ quyền hành

    154. Ðức Lý tái thủ quyền hành

    154. Tòa Thánh Tây Ninh,
    Ngày 24-12-1930 (âl 4-11-Canh Ngọ)

    Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ
    LÝ GIÁO TÔNG

    Hỉ chư hiền hữu, chư hiền muội.

    . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

    Lão đã mang một cảm tình rất nặng cùng chư hiền hữu, hiền muội rồi đó.

    Lão là người đã đứng ngoài vòng thế sự hèn lâu, nên đòi phen bợ ngợ, phải tìm tàng lượng tri lý mỗi người, ôi! nghĩ nên rất khó!

    Vì khi nãy, Lão thấy con cái Chí Tôn đông đảo dường ấy, may là một nước Việt Nam chưa đủ trọn mà dường nầy, ngày nào Ðạo đã truyền bá toàn trong nhơn loại, trọn khắp ngũ châu, mới sao nữa!

    Ngán thay cho cái trách nhậm nặng nề, vì trót đã hứa lời cùng Từ Bi ra tế độ, hễ trách phận đàn anh, tuy nhiên lấy oai quyền khuyến nhủ trừng trị lấy em mặc dầu, chớ cũng nên hiểu tâm của mỗi đứa.

    Lão chỉ sợ một điều là Lão không phương gần kẻ tà tâm toan dạy dỗ; còn như gần kẻ đạo đức chơn thành thì rất dễ, song chẳng cần ích.

    Tâm Thánh là ngôi vị của Ðấng thiêng liêng, không lo trau giồi thì cũng còn tự nhiên vì vẻ đẹp, còn vẻ đẹp thiên nhiên đã mang nặng thi hài nơi khổ cảnh nầy mà không mất thì đoạt vị đã đặng rồi, lại cần ai nâng đỡ.

    Ấy vậy, Lão đến mà gieo hột Thánh cốc nơi lòng kẻ tà tâm, mong cho đơm bông kết quả, đặng liệu thế hồi tâm, chớ chẳng phải đến rước người hiền ngõ.

    Lão đây cũng vậy, mà chư hiền hữu cũng vậy, chúng ta đã đến tạo thế sửa đời, vẫn là phận sự của chúng ta đã hẳn, hãy biết phận mình mới an tâm liệu thế chuyển xây, đã có khó ắt có hay, đã có gay thì có thuận, bền chí xem mảy mún cơ đời.

    Chư hiền hữu, chư hiền muội xem trong năm Khai Ðạo, biết bao khổ não truân chuyên. Lão, vì đã thấy rõ, nên không nỡ ngồi an xem cơ thắng bại. Lão nhứt định đứng chung vai đâu cật cùng chư hiền hữu, chư hiền muội, mà chia bớt khổ tâm.

    Lão chẳng phải sợ, vì chưa có quyền hành hữu vi nào mà phạm đến Lão đặng, chỉ sợ giùm cho chư hiền hữu, chư hiền muội mang nặng thi phàm, mà chịu cường quyền đè nén. Chư hiền hữu, chư hiền muội có đạt được phép tiên tri như vậy đâu mà mong tránh khỏi.

    Lão nghĩ như thế nên nhứt định tái thủ quyền hành, đem cặp nhãn thiêng liêng thay vì cặp nhãn của Thầy, đặng thấy giùm mọi điều cho chư hiền hữu, chư hiền muội, đặng quyết thắng chúng sanh trong kỳ Khai Ðạo nầy, thì Lão tưởng khi Lão chưa phải là người vô dụng vậy.

    Lão mang nặng tình nghĩa cùng một bạn thiêng liêng vì đời lãnh mạng, tạo Ðạo đặng cứu chúng sanh mà phải chịu mông trần vào cảnh đọa.

    Lão nên nói rằng, cơ thưởng phạt của Thiên thơ thì lắm điều trái hẳn với trí người tưởng tượng. Có nhiều khi thưởng hữu hình mà làm hình phạt vô vi, mà cũng có khi lấy hình phạt hữu vi mà thưởng thiêng liêng công nghiệp.

    Vậy, cái thưởng và cái phạt của Lão dùng điều đình Thánh giáo, nhiều khi chư hiền hữu, chư hiền muội không phương thấy lý đặng. Nên khá dè chừng, đừng vội luận nhảm bàn khùng mà mang tội thiêng liêng rất uổng, nghe! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy của Ðức Lý Giáo Tông có trong ÐS.II.289, nói về việc trước đây Ngài xin Chí Tôn cho từ chức, nay Ngài tái nhậm chức Giáo Tông và tái thủ quyền hành.

    Chỗ có nhiều chấm nơi đầu bài là bài thi Hán văn bốn câu của Ðức Lý, xin chép bổ sung ra sau đây:

    Cửu tử kim triêu đắc phục huờn,
    Hạnh phùng Thiên mạng đáo khai nguơn.
    Thế trung kỵ tử hà tri tử?
    Tử giả hà tồn chủ tịch Hương?

    Viết ra chữ Hán bài thi trên của Ðức Lý Giáo Tông:

    久死今朝得復還
    幸逢天命到開元
    世中忌死何知死
    死者何存主籍香

    Bài thi nầy được Ðức Phạm Hộ Pháp giải nghĩa trong bài Thuyết đạo nói về công nghiệp của Ðức Lý Giáo Tông, tại Ðền Thánh trong đêm 18-8-Kỷ Sửu (dl 9-10-1949) sau khi cúng Vía Ðức Lý.

    Xin chép ra sau đây:

    "Ðức Chí Tôn thường nhắc toàn Hội Thánh Hiệp Thiên và Cửu Trùng làm lễ Ðăng điện cho long trọng khi Ngài (Ðức Lý Giáo Tông) tái nhậm phận sự, rồi Ngài lên ngôi vị của Ngài, Ngài cầm cơ viết. Bần đạo tưởng không có vị vua chúa nào viết được bài diễn văn như Ngài.

    Cửu tử kim triêu đắc phục huờn: là cảnh trần ta chết đã lâu rồi, mà hôm nay ta được phục sanh lại trong Thánh Thể của Ðức Chí Tôn.

    Hạnh phùng Thiên mạng đáo khai nguơn: là còn hạnh phúc đặng Thiên mạng đến khai nguơn. Tại sao Ngài nói đến? Bần đạo đã thuyết cuối Hạ Nguơn Tam Chuyển khởi Thượng Nguơn Tứ Chuyển, Ngài đến khai Nguơn là có duyên cớ. Bần đạo dám chắc rằng, Ðấng nào khác hơn Ngài thì không thi hành được. Ngài đến đặng mở Thượng Nguơn Tứ Chuyển.

    Thế trung kỵ tử hà tri tử: Thế gian sợ chết mà không biết cái chết là gì? Chính Ngài hỏi rồi nói:

    Tử giả hà tồn chủ tịch Hương: Hương là tịch đạo của Nữ phái. Nữ phái là nguồn sống của nhơn loại, nếu nói nó chết thì Ngài đến làm chủ của Nữ phái nghĩa gì? Cầm cái giống của thế gian nầy đặng chi?"

    Nguyên do nào, Ðức Lý Giáo Tông xin từ chức?

    Trong ngày Ðại Lễ Khai Ðạo 15-10-Bính Dần (1926) tại Thánh Thất Từ Lâm Tự Gò Kén, Ðức Chí Tôn dự định ban cho Ngài Ngô Văn Chiêu chức Giáo Tông, nhưng Ngài Ngô Văn Chiêu bị Quỉ vương thử thách mà không thắng nổi Quỉ vương, nên Ngài rút về nhà lo tu đơn và sau đó Ngài hợp với những đệ tử do Ngài phổ độ về Cần Thơ lập ra phái Chiếu Minh tại Cần Thơ.

    Ðức Chí Tôn mới giao chức Giáo Tông cho Ðức Nhứt Trấn Oai Nghiêm Lý Thái Bạch kiêm nhiệm.

    Rồi sau đó, lần lượt có một số các Chức sắc khác cũng có ý muốn tách khỏi Tòa Thánh Tây Ninh như quí Ông: Giáo Hữu Ngọc Chính Thanh lập phái Tiên Thiên ở Cai Lậy (1930), Phối Sư Thái Ca Thanh (Nguyễn Văn Ca) lập phái Minh Chơn Lý (1931) ở Cầu Vỹ (Mỹ Tho) với Ngài Chưởng Pháp Trần Ðạo Quang, Giáo Sư Thượng Kỳ Thanh (Vương Quan Kỳ) lập phái Cầu Kho (1930) ở Thánh Thất Cầu Kho Sài gòn, vv . . .

    Ðức Lý Giáo Tông muốn dùng quyền của mình để trục xuất những vị muốn phân chia lập chi phái, nhưng Ðức Chí Tôn cản không cho, bởi vì Ðức Chí Tôn biết rằng nếu đã phân lập chi phái thì sau nầy không thế gì qui tụ trở lại được, nên Ðức Chí Tôn cản Ðức Lý hoài, để Ðức Chí Tôn cố gắng kêu gọi quí Chức sắc ấy trở về Tòa Thánh.

    Do đó Ðức Lý không điều hành nền Ðạo được nên xin từ chức Giáo Tông.

    Lòng thương yêu của Ðức Chí Tôn quả thật vô hạn, nhưng vì phàm tâm lấn lướt Thánh chất nên các Chức sắc lập chi phái không ai chịu trở về Tòa Thánh.

    Ðức Chí Tôn đành triệu Ðức Lý trở lại cầm quyền Giáo Tông để xử trị các Chức sắc ấy, và Ðức Chí Tôn bảo Hội Thánh làm lễ Ðăng điện cho Ðức Lý thật long trọng để Ðức Lý tái thủ quyền hành.

    Hèn lâu: Khá lâu lắm rồi.

    Tìm tàng lượng tri lý: Tìm tòi chỗ còn ẩn kín để đo lường hiểu biết hết các lẽ.

    Thánh cốc: Hột lúa Thánh, tức là hột giống đạo đức.

    Hữu vi: Hữu hình, có hình thể thấy được.

    Vô vi: Vô hình, không có hình thể thấy được.

    Mông trần: Lưu lạc chịu nhiều nỗi vất vả.

    Ðiều đình Thánh giáo: Dàn xếp các sự tranh chấp trong nền Ðạo của Ðức Chí Tôn để trên dưới được thuận hòa, chung lo phát triển nền Ðạo.

  • 155. Ðường tơ đã đứt đừng toan nối, đạo đức thìn lo trở lại ngôi

    155. Ðường tơ đã đứt đừng toan nối, đạo đức thìn lo trở lại ngôi

    155. Ngày 26-4-1931 (âl 9-3-Tân Mùi)

    NGỌC HOÀNG THƯỢNG ÐẾ viết CAO ÐÀI

    Hỉ chư môn đệ,

    Tr . . .! Nền Ðạo chinh nghiêng, ấy cũng nơi Thiên định. Nước có trị loạn, đời có hưng vong, thì Ðạo tất phải có dùn thẳng quanh co, rồi mới đến thẳng rẳng đường ngay mà lập nên thể thống.

    Thầy đã vì chúng sanh mà lập Ðạo, nhưng kẻ phàm tục còn ám muội, tham danh chác lợi, lấn tước cầu quyền, thì ấy là tự chúng nó gieo mình nơi vực thẳm. Cân thiêng liêng thế nào rồi cũng vì tội tình ấy mà để cho các con biết sự khinh trọng lúc kết cuộc ra sao.

    Con khá giữ mực thẳng mà đi cho cùng bước Ðạo. Ấy là tri Thiên mạng đó. Cuộc biến đổi đau đớn ở thế tình, chẳng qua là do Thiên thơ định đoạt. Rủi may, may rủi, khá biết có Thầy, có Ðạo, vui lòng thiện niệm, thì sự lo lắng mảy mún chi của con cũng có nơi thiêng liêng biết đến, nghe!

    Chớ nên xao tâm động trí, ngơ ngẩn theo thường tình, thì não cân được tự minh, mới có thể ngăn cản tà mị độn nhập vào mà khuấy rối. Ấy là lời dặn đinh ninh, nếu chẳng lưu tâm thì chẳng khỏi sự khổ xảy tới. Nên biết nghe!

    Ð . . . đến nghe dạy, nghe và kiếm biết:

    Cái đạo cang thường có thế thôi,
    Thương sanh giữ vẹn chớ nghiêng dời.
    Nhọc đời chưa dễ công đeo đuổi,
    Nâng thế tua trau quả đắp bồi.
    Chích cánh riêng vui con hạc lánh,
    Ngừa thuyền còn đợi nhánh tùng rơi.
    Ðường tơ đã đứt đừng toan nối,
    Ðạo đức thìn lo trở lại ngôi.

    Căn xưa quả cũ đã trả vẹn thì con đường đạo đức tất là nấc thang dìu đến phẩm cũ ngôi xưa.

    Biết Thiên mạng, biết mình, biết chúng sanh, ấy là biết tìm ngọn đuốc sáng sủa, tôn chỉ thanh cao mà nâng mình khỏi nơi biển khổ vậy. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tr. . .: Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt.

    Ð . . .: (?)

    Nước có trị loạn: Quốc gia lúc bình an, lúc loạn lạc.

    Tri Thiên mạng: Biết Mệnh Trời. Có biết mệnh Trời thì mới kềm chế được nhơn dục, theo mệnh Trời mà hành xử.

    Tua: Nên, phải.

    Thìn: Giữ cho bền.

    Ngừa: Ðợi.

    Cặp luận của bài thi: Ðã lẻ bạn rồi thì nên tìm thú vui riêng như con hạc lánh ở đồng nội.

    Chiếc thuyền Bát Nhã còn chờ để rước linh hồn về cõi thiêng liêng khi linh hồn lìa khỏi xác.

  • 156. Chưa có ngôi vị Ðế Vương nào mà sánh với phẩm vị thiêng liêng đặng

    156. Chưa có ngôi vị Ðế Vương nào mà sánh với phẩm vị thiêng liêng đặng

    156. Ngày 1-8-1931 (âl 18-6-Tân Mùi)

    Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ
    LÝ GIÁO TÔNG

    Th . . . Tr . . . Nh . . . , ngày nay Lão đã nhượng nửa quyền hành cho đó là có ý để mắt coi hiền hữu đúng phận cùng chăng?

    Lão hạ mình bỏ quyền Nhứt Trấn lãnh việc Giáo Tông mà lập vị cho đoàn em bước tới. Lão đã lắm phen thấy điều khó khăn mắc mỏ của phần ấy, nên ra tay giục loạn đặng phân rõ Chánh Tà, hầu giúp phương cho Hội Thánh trừ khử.

    Lão để mắt coi cái công bình phàm của chư hiền hữu giữa Tòa Tam Giáo là dường nào. Lão lại còn lấy công bình thiêng liêng mà để phương cho mỗi vị tội nhơn cải lỗi lấy mình. Ấy là thể lòng từ bi của Ðức Chí Tôn, bằng chẳng thì Lão đã hạ cơ trục xuất cả thảy. Chư hiền hữu đừng tưởng lầm rằng vì Ðạo chinh nghiêng mà buộc Lão tùng đời. Ấy là lời tuyên ngôn của Lão đã hứa quyết. Hiền hữu làm thế nào cho vừa trách nhiệm thì làm cho Lão xem thử.

    Ng . . Tr . . . Th . . . , Lão để lời ban khen đó. Nên hư của Ðạo đều nơi tay hiền hữu, hiền hữu khá liệu lấy mà giữ gìn. Lão ở trong thân hiền hữu, hiền hữu ở trong thân của Lão. Lão đủ quyền hành mà xây chuyển Thiên cơ được cùng chăng cũng do hiền hữu. Khá kính lịnh. Chí Tôn để lời mừng cho hiền hữu.

    Th . . . T . . . Th . . . , Lão mừng hiền hữu đó. Lão vì Chí Tôn đã hứa mà lo lập vị cho đáng giá. Vậy hiền hữu cũng phải tận tâm mà chung lo với Lão mới phải.

    Ngày nay đã hành chánh thì cũng nên lập mình cho đủ tư cách của một người cầm sanh mạng của nhơn loại. Chưa có ngôi vị Ðế Vương nào mà sánh với phẩm vị thiêng liêng đặng. Khá phân biệt trượng khinh mà giữ gìn, kẻo bị tà tâm rối loạn. Hiểu à!

    Lão chưa hề thấy ai để trọn tấc lòng mà làm nên danh thể cho Ðạo, mà kẻ phá Ðạo hư rất nhiều. Hiền hữu ráng mà trừ tà diệt mị cùng Lão, kẻo ngày sau tránh không qua lời tiên tri của Lão đa nghe.

    Phải hiệp đồng cùng cả Chức sắc Ðại Thiên phong mà khử loạn, bằng chẳng vậy, thì Lão nhứt định không cho một ai thăng cấp một người.

    Hiền hữu biết rằng trong trận trí binh nầy, nếu không đủ tài tình oai dõng thì chẳng hề thắng đặng.

    Hiền hữu đã lãnh trách nhiệm nặng nề giáo hóa thì khá dạy sanh chúng biết lẽ Chánh Tà mà toan độ rỗi, còn mưu chước của Quỉ quái tinh ma là mưu của Lão để phân biệt chơn giả, vàng thau, cho phẩm giá trọng khinh. Nếu hiền hữu để tai vào lời dối trá thì là làm binh khí cho chúng nó hại Ðạo đa nghe! Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Th . . . Tr . . . Nh . . .: Thượng Trung Nhựt, Ðầu Sư, nay được Ðức Lý Giáo Tông thăng lên là Quyền Giáo Tông vào ngày 3-10- Canh Ngọ (1930) theo Ðạo Nghị Ðịnh thứ hai.

    Ng . . Tr . . . Th . . .: Ngọc Trang Thanh, Chánh Phối Sư phái Ngọc. (Lê Bá Trang)

    Th . . . T . . . Th . . .: Thượng Tương Thanh, Chánh Phối Sư phái Thượng. (Nguyễn Ngọc Tương)

    Câu đầu của bài Thánh Ngôn nầy, Ðức Lý Giáo Tông một lần nữa xác nhận là giao cho Ngài Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt phân nửa quyền Giáo Tông, tức là nắm quyền Giáo Tông tại thế, còn quyền Giáo Tông thiêng liêng thì vẫn do Ðức Lý.

    Tuyên ngôn của Lão: là lời tuyên bố quan trọng nói rõ chủ trương và đường lối của Ðức Lý Giáo Tông giải quyết tình hình khó khăn của Ðạo.

    Chưa có ngôi vị Ðế Vương nào mà sánh với phẩm vị thiêng liêng đặng: Ðây là lời xác định của Ðức Lý Giáo Tông để những vị coi phẩm tước quan chức phàm trần hơn hẳn phẩm vị thiêng liêng là điều sai lầm mà hồi tâm sửa đổi.

    Chức sắc Ðại Thiên phong: Những Chức sắc cầm quyền Hội Thánh điều hành nền Ðạo từ phẩm Chánh Phối Sư hay tương đương đổ lên.

    Trí binh: Bố trí binh sĩ nơi mặt trận đúng theo chiến lược để quyết thắng đối phương.

    Tài tình oai dõng: Tài giỏi, khéo léo, oai hùng, dũng cảm.

  • 157. Quyền Chí Tôn là Thầy, Quyền Vạn linh là sanh chúng

    157. Quyền Chí Tôn là Thầy, Quyền Vạn linh là sanh chúng

    157. Thảo Xá Hiền Cung Tây Ninh,
    Ngày 23-12-1931 (âl 15-11-Tân Mùi)

    THẦY

    Các con,

    Thầy lấy làm vui được gặp các con đủ mặt ngày nay mà hầu Thầy.

    Các con nghe lời dặn cần yếu nầy mà làm phận sự các con cho vẹn vẻ cùng Thái Bạch.

    Các con phải nhớ rằng, toàn Thế giới Càn khôn chỉn có hai quyền: Trên là quyền hành Chí Tôn của Thầy, dưới là quyền hành của sanh chúng.

    Thầy đã lập hình thể hữu vi của Thầy, nghĩa là Hội Thánh của Ðại Ðạo ngày nay, rồi thì Thầy cũng phải ban quyền hành trọn vẹn của Thầy cho hình thể ấy đặng đủ phương tận độ chúng sanh; còn các con cả thảy đều đứng vào hàng sanh chúng, dưới quyền hành chuyển thế của Ðời, nghĩa là toàn nhơn loại đồng quyền cùng Thầy, mà tạo hóa vạn linh vốn là con cái của Thầy. Vậy thì Vạn linh cũng có thể đoạt vị vào hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật đặng.

    Trong quyền hành ấy có nhiều đẳng cấp, nên khởi phải chịu phẩm Người.

    Ấy vậy, Người là chủ quyền của Vạn linh.

    Thầy nói rõ, quyền Chí Tôn là Thầy, quyền Vạn linh là sanh chúng. Ngày nào quyền lực của Chí Tôn đặng hiệp một cùng Vạn linh thì Ðạo mới ra thiệt tướng.

    Thầy đã ban quyền hành Chí Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội Thánh là Giáo Tông cùng Hộ Pháp. Vậy thì quyền hành Chí Tôn của Thầy đặng trọn vẹn khi Giáo Tông cùng Hộ Pháp hiệp một.

    Còn cả nhơn loại thì là quyền lực Vạn linh.

    Quyền hành Chí Tôn của Thầy duy có quyền hành Vạn linh đối phó mà thôi.

    Thái Bạch hằng giận các con rằng, mọi điều chi nó đã hiệp đồng cùng Hộ Pháp mà ban hành thì các con lại còn khi lịnh mà xem rẻ rúng.

    Vậy thì từ đây, hễ có mạng lịnh chi đã đủ hai đứa nó hạ truyền thì các con phải hội đủ Nhơn sanh, Hội Thánh và Thượng Hội mà xét nét cho cặn kẽ phân minh, đặng thi hành phận sự.

    Thái Bạch đã hứa cùng Thầy rằng, qua ngày Tòa Tam Giáo Nữ phái rồi thì nó sẽ phong Thánh thêm nữa. Các con ráng mà chiều theo lòng nó nghe.

    Thầy ban ơn cho các con. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn nầy có trong ÐS.II.286, Phò loan: Hộ Pháp - Bảo Văn P. Quân, Hầu đàn có: Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, hai Ngài Chánh Phối Sư Thái Thơ Thanh và Thượng Tương Thanh, và mấy vị Chức sắc Thiên phong.

    Thảo Xá Hiền Cung: Trong lúc Ðức Cao Thượng Phẩm lo xây dựng các cơ sở Ðạo trong khu Nội Ô Tòa Thánh, Ngài bị người xấu vu cáo Ngài đục tủ hành hương lấy tiền của Ðạo bỏ túi riêng, rồi nhóm côn đồ ở Chợ Lớn dưới quyền của Ông Tư Mắt kéo lên Tòa Thánh, dùng bạo lực xô đuổi Ðức Cao Thượng Phẩm ra khỏi Toà Thánh. Ngài phải trở về đất nhà ở gần chợ Tây Ninh, cất lên một ngôi nhà tranh để an dưỡng và tiếp tục tu hành. Ngày 12-6-Mậu Thìn (dl 28-7-1928), Thất Nương Diêu Trì Cung giáng cơ an ủi, đặt tên cho ngôi nhà tranh là Thảo Xá Hiền Cung và cho đôi liễn:

    Thảo Xá tùy nhơn, ngu muội bần cùng nghinh nhập thất,
    Hiền Cung trạch khách, thông minh phú quí cấm lai môn.

    Phần đất nơi Thảo Xá Hiền Cung sau nầy được hiến cho Hội Thánh làm chủ, phía sau là Thảo Xá Hiền Cung, phía trước cất Thánh Thất của Thị Xã Tây Ninh.

    Hình thể hữu vi của Thầy: Ðó là Thánh Thể của Ðức Chí Tôn, tức là Hội Thánh Cửu Trùng Đài.

    Vạn linh: Tất cả các chơn linh trong Càn Khôn Vũ Trụ do Ðức Chí Tôn và Ðức Phật Mẫu biến hóa sanh ra, nên được gọi là Tạo hóa Vạn linh, gồm đủ Bát hồn:

    . Vật chất Kim thạch hồn,
    . Thảo mộc hồn,
    . Thú cầm hồn,
    . Nhơn hồn,
    . Thần hồn,
    . Thánh hồn,
    . Tiên hồn,
    . Phật hồn.

    Vạn linh đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh, cho nên chúng sanh được xem là Vạn linh hữu hình. Chúng sanh gồm:

    . Vật chất Kim thạch,
    . Thảo mộc,
    . Thú cầm,
    . Nhơn loại.

    Con người là loài Thượng đẳng chúng sanh, nên làm đại diện cho chúng sanh, nắm chủ quyền Vạn linh.

    Quyền Vạn linh: tức là quyền của chúng sanh.

    Quyền Vạn linh được chia ra ba quyền của ba Hội:

    . Hội Nhơn Sanh
    . Hội Thánh
    . Thượng Hội

    * Hội Nhơn Sanh gồm ba thành phần:

    - Phái viên là đại diện của các Ðạo hữu Nam Nữ.
    - Nghị viên là đại diện của Chức việc BTS Nam Nữ.
    - Các Lễ Sanh Nam Nữ đương quyền hành đạo.

    Hội Nhơn Sanh đại diện cho:

    . Kim Thạch hồn
    . Thảo mộc hồn
    . Thú cầm hồn
    . Nhơn hồn
    . Thần hồn

    * Hội Thánh gồm tất cả các Chức sắc Nam Nữ từ phẩm Giáo Hữu đến phẩm Phối Sư và Chánh Phối Sư của Cửu Trùng Đài. Hội Thánh đại diện Thánh hồn.

    * Thượng Hội gồm 11 vị:

    . Ðức Giáo Tông
    . Ðức Hộ Pháp
    . 3 Chưởng Pháp
    . 3 Ðầu Sư Nam
    . 1 Nữ Ðầu Sư
    . Thượng Phẩm
    . Thượng Sanh

    Thượng Hội đại diện Tiên hồn và Phật hồn.

    Những quyết nghị của Hội Nhơn Sanh được dâng lên Hội Thánh. Hội Thánh xem xét rồi quyết nghị dâng lên Thượng Hội. Thượng Hội xem xét và chấp thuận thì quyết nghị đó là của Vạn linh, tức là quyền Vạn Linh.

    Quyền hành Chí Tôn của Thầy duy có quyền hành Vạn linh đối phó mà thôi. Ðức Chí Tôn cho quyền Vạn linh đồng quyền với Ðức Chí Tôn. Cho nên Ðức Chí Tôn cũng đã có nói rằng: "Các con là Thầy, Thầy là các con"

    Ngoài ra, Ðức Chí Tôn còn ban quyền của Chí Tôn cho Ðức Giáo Tông và Ðức Hộ Pháp: "Thầy đã ban quyền hành Chí Tôn của Thầy cho hai đứa làm đầu Hội Thánh là Giáo Tông và Hộ Pháp. Vậy thì quyền hành Chí Tôn của Thầy đặng trọn vẹn khi Giáo Tông cùng Hộ Pháp hiệp một."

    Như thế, khi Ðức Giáo Tông và Ðức Hộ Pháp đồng ký tên ra lịnh điều chi thì đó là lịnh của Ðức Chí Tôn. Cho nên, các Ðạo Nghị Ðịnh do Ðức Lý Giáo Tông và Ðức Phạm Hộ Pháp ký tên ban hành thì không có quyền nào cải sửa đặng, vì đó là quyền của Chí Tôn, là Thiên điều tại thế.

  • 158. Nếu biết lập công thì thành Ðạo.

    158. Nếu biết lập công thì thành Ðạo.

    158. Thánh Thất Kim Biên,
    Ngày 20-3-1932 (âl 14-2-Nhâm Thân)

    NGUYỆT TÂM CHƠN NHƠN

    Bần đạo chào Quyền Giáo Tông, Hộ Pháp, Tiếp Ðạo và Hội Thánh Ngoại Giáo.

    Nam Nữ Thiên phong, xin nghe:

    Nước Thiên đường thì ít kẻ, cửa Ðịa ngục vẫn nhiều người, chưa từng thấy hạng nhơn sanh nào mà tự trọng thân hình, chẳng hữu ích chi cho cả cơ Tạo, mà đoạt vị Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ngôi vị thiêng liêng chẳng phải do nơi sự cầu may mà đoạt đặng.

    Bần đạo khi đắc lịnh làm Chưởng Ðạo lập Hội Thánh giáo đạo tha phương thì tùng lòng bác ái của Chí Tôn, mở rộng thế cho nhơn sanh dâng công đổi vị.

    Bần đạo chẳng kể là Nguyên nhân, Hóa nhân hay là Quỉ nhân, ví biết lập công thì thành Ðạo.

    Bần đạo để cho mỗi người tự do định phận, lại tùy thế khó khăn mà gầy thành công quả. Ấy vậy, nếu lấy phép công bình thì tự nhiên nên thì thâu, hư thì bỏ.

    Bần đạo đã chán thấy kẻ bất lực rất nhiều. Vậy Bần đạo để lịnh cho mỗi vị Thiên phong xét mình, khai tội cùng Giáo Tông và Hộ Pháp, rồi sau mới định rõ điều thưởng phạt. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Hội Thánh Ngoại Giáo: được Ðức Phạm Hộ Pháp thành lập tại Nam Vang vào giữa năm 1927, khi Ðức Hộ Pháp vâng lịnh Ðức Chí Tôn lên Nam Vang mở đạo tại đó.

    Khi lên Nam Vang, Ngài ngụ tại nhà Ông Cao Ðức Trọng, rồi cùng với Ông Cao Ðức Trọng tổ chức đàn cơ cho Ðức Chí Tôn dạy Ðạo và thâu môn đệ.

    Ðàn cơ ngày 27-7-1927 (âl 29-6-Ðinh Mão) tại Nam Vang, Ðức Chí Tôn giáng cơ ân phong các vị sau đây:

    - Lê Văn Bảy, thiên phong Giáo Hữu Thượng Bảy Thanh.
    - Nguyễn Văn Lắm, thiên phong Giáo Hữu Thượng Lắm Thanh.
    - Võ Văn Sự, thiên phong Giáo Hữu Ngọc Sự Thanh.
    - Ðặng Trung Chữ, thiên phong Lễ Sanh Thượng Chữ Thanh.
    - Trần Quang Vinh, thiên phong Lễ Sanh Thượng Vinh Thanh.
    - Phạm Kim Của, thiên phong Lễ Sanh Thái Của Thanh.
    - Ngài Cao Ðức Trọng, thiên phong Tiếp Ðạo Hiệp Thiên Đài.

    Phần Chức Sắc Nữ phái được Thiên phong gồm:

    - Bà Trần Kim Phụng, đắc phong Giáo Hữu Hương Phụng.
    - Bà Ðặng Thị Huê, đắc phong Giáo Hữu Hương Huê.
    - Bà Nguyễn Thị Hạt, đắc phong Giáo Hữu Hương Hạt.
    - Bà Huỳnh Thị Trọng, đắc phong Lễ Sanh Hương Trọng.
    - (GHI CHÚ: Bà Huê là vợ của Ông Bảy, Bà Trọng là vợ của Ông Chữ, và Bà Hạt là thân mẫu của Ông Chữ).

    Với số Chức sắc Nam Nữ đầu tiên nầy, Ðức Phạm Hộ Pháp thành lập Cơ quan Truyền Giáo Ngoại Quốc (Mission Étrangère du Caodaisme), gọi là Hội Thánh Ngoại Giáo (HTNG), trụ sở đặt tại Thánh Thất Kim Biên, Nam Vang.

    Ðức Chí Tôn giao cho Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn tức là Chơn linh của văn hào Victor Hugo nước Pháp làm Chưởng Ðạo, chưởng quản Hội Thánh Ngoại Giáo.

    Phần hữu hình thì Ðức Chưởng Ðạo bổ Ông Giáo Hữu Thượng Bảy Thanh làm Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo. Năm 1930, Ông Bảy được thăng Giáo Sư và năm 1933, Ðức Nguyệt Tâm gọi Ông Bảy về Tòa Thánh. Ông Bảy được bổ làm Quản Lý Lại Viện. Năm 1937, Ông Giáo Sư Thượng Bảy Thanh được bổ nhiệm đi truyền giáo tại Hà Nội. Ngài Tiếp Ðạo Cao Ðức Trọng được Ðức Nguyệt Tâm chỉ định làm Chủ Trưởng Hội Thánh Ngoại Giáo tại Nam Vang.

    Kế tiếp Ngài Tiếp Ðạo Cao Ðức Trọng, những Chức sắc sau đây được tuần tự bổ nhiệm làm Chủ Trưởng HTNG:

    - Bà Giáo Sư Hương Phụng (Trần Kim Phụng)
    - Giáo Sư Thượng Chữ Thanh (Ðặng Trung Chữ)
    - Giáo Sư Thượng Vinh Thanh (Trần Quang Vinh)
    - Giáo Sư Thái Gấm Thanh (Thái Văn Gấm)
    - Giáo Sư Thái Phấn Thanh (Trần Văn Phấn)

    Năm 1951, Hội Thánh lập Bộ Ðạo tại Miên quốc, số tín đồ trong toàn nước Miên là 73.164, gồm tín đồ Việt kiều là 64.954 và số tín đồ người Miên là 8210. (Tài liệu của Ngài Phối Sư Thượng Vinh Thanh, Trần Quang Vinh)

    Giáo đạo tha phương: Tha phương là xứ khác, các nước ngoại quốc. Hội Thánh giáo đạo tha phương là HTNG.

    Nguyên nhân, Hoá nhân, Quỉ nhân:

    Nguyên nhân là những người mà chơn linh được sanh ra từ lúc khai Thiên, nay đầu kiếp xuống trần. Số Nguyên nhân rất ít, hiện nay chỉ còn 92 ức Nguyên nhân nơi cõi trần.

    Hóa nhân là những người do sự tiến hóa từ Thú cầm đi lên. Hầu hết nhơn loại đều là Hóa nhân.

    Quỉ nhân là Quỉ hồn đầu kiếp làm người. Quỉ hồn là Nguyên nhân hay Hóa nhân mà làm điều ác độc, phạm Thiên điều, thì khi chết, bị đày vào Quỉ vị, biến thành Quỉ hồn.

  • 159. Bát Nương giải thích về Âm quang

    159. Bát Nương giải thích về Âm quang

    159. Toà Thánh Tây Ninh,
    Tháng 11 - 1932 (âl tháng 10 - Nhâm Thân)

    BÁT NƯƠNG Diêu Trì Cung

    (Giải thích về Âm quang)

    Âm quang là khí chất hỗn độn sơ khai khi Chí Tôn chưa tạo hóa. Lằn Âm khí ấy là Diêu Trì Cung chứa để tinh vi vạn vật, tỷ như cái Âm quang của phụ nữ có trứng cho loài người.

    Khi Chí Tôn đem Dương quang ấm áp mà làm cho hóa sanh, thì cái khoảnh Âm quang phải thối trầm làm tinh đẩu, là cơ quan sanh hóa vạn linh.

    Song lằn Âm quang ấy có giới hạn, nghĩa là nơi nào ánh linh quang của Chí Tôn chưa chiếu giám đến thì phải còn tối tăm mịt mờ, chẳng sanh chẳng hóa.

    Vậy thì nơi khiếm ánh thiêng liêng là Âm quang, nghĩa là Âm cảnh hay là Ðịa ngục, Diêm đình của chư Thánh lúc xưa đặt hiệu.

    Vậy thì chính lời nhiều tôn giáo, nơi ấy là những chốn phạt tù những hồn vô căn vô kiếp, nhơn quả buộc ràng, luân hồi chuyển thế, nên gọi là Âm quang, đặng sửa chữ Phong Ðô Ðịa phủ của mê tín gieo truyền, chớ kỳ thật là nơi để cho các Chơn hồn giải thân định trí (một nơi trung gian giữa Thiên đường và Ðịa ngục hay là mờ mờ mịt mịt).

    Ấy là một cái quan ải, các Chơn hồn khi qui Thiên, phải đi ngang qua đó.

    Sự khó khăn bước khỏi qua đó là đệ nhứt sợ của các Chơn hồn.

    Nhưng tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người, cũng nhờ cái sợ ấy mà lo tu niệm.

    Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tùy Chơn thần thanh trược. Chí Tôn buộc trường trai cũng vì cái quan ải ấy.

    Em nói thiệt rằng, mấy anh hiểu thấu, thì kinh khủng chẳng cùng. Nếu để cho Chơn thần ô trược thì khó mong trở lại cõi thiêng liêng và về cùng Thầy đặng.

    Em biết đặng nhiều hồn còn ở lại nơi ấy trót ngàn năm chưa thoát qua cho đặng.

    Thất Nương ở đó đặng dạy dỗ, nâng đỡ các Chơn hồn, dầu sa đọa luân hồi, cũng có người giúp đỡ. Nghe lại coi có phải vậy chăng? Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Âm quang - Dương quang: Theo Vũ trụ quan của Ðạo Cao Ðài thì, khởi thủy của Càn Khôn Vũ Trụ là Khí Hồng mông hỗn độn, mờ mờ mịt mịt, lặng lẽ vô vi, thanh trược hỗn hiệp, gọi là Hư Vô chi Khí. Hư Vô chi Khí lần lần ngưng kết, phát ra tiếng nổ lớn, sanh ra Ðức Chí Tôn mà ngôi của Ngài là Thái Cực.

    Ðức Chí Tôn phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi: Dương quang và Âm quang. Ðức Chí Tôn làm chủ Khí Dương quang. Ðức Chí Tôn hóa thân ra Phật Mẫu để làm chủ Khí Âm quang. Do đó, Bát Nương nói rằng: Âm quang là khí chất hỗn độn sơ khai khi Chí Tôn chưa tạo hóa.

    Ðức Phật Mẫu ngự tại Diêu Trì Cung. Khi Ðức Chí Tôn muốn tạo hóa Càn Khôn Vũ Trụ thì Ðức Chí Tôn phát ra Dương quang, Ðức Phật Mẫu thâu khí Dương quang ấm áp ấy phối hiệp với khí Âm quang lạnh lẽo để tạo thành Càn Khôn Vũ Trụ hữu hình gồm: Các tinh đẩu (ngôi sao), các mặt trời, các hành tinh, các vệ tinh (mặt trăng).

    Muốn tạo ra Vạn linh thì Ðức Phật Mẫu thâu lằn Sanh quang của Thái Cực để làm linh hồn, rồi đem Dương quang hiệp Âm quang tạo nên Chơn thần cho Vạn linh trong Càn Khôn Vũ Trụ.

    Khí Âm quang mờ mịt, lạnh lẽo, không có sự sống, tỏa rộng ra khắp nơi, có giới hạn, tạo thành biên giới của Càn Khôn Vũ Trụ, nghĩa là bên ngoài Càn Khôn Vũ Trụ thì không có khí Âm quang.

    Muốn tạo hóa thì Ðức Chí Tôn chiếu Dương quang đến. Dương quang đem sự sống tới rồi phối hiệp với Âm quang mà sanh hóa. Do đó, nơi nào không có Dương quang (tức là ánh linh quang của Ðức Chí Tôn) chiếu tới thì nơi đó chỉ có Âm quang, nên rất tối tăm lạnh lẽo. Chính nơi đây, các tôn giáo xưa lập ra Ðịa Ngục, Diêm đình, Thập Ðiện Diêm Vương, Phong đô Ðịa phủ, để phạt tù, trừng trị các tội hồn.

    Khi Ðức Chí Tôn mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ, cũng là mở Ðại Ân Xá Kỳ Ba, Ðức Chí Tôn ra lịnh đóng cửa các cõi Ðịa ngục, giải phóng tất cả tội hồn, cho đi đầu kiếp hết thảy để trả cho dứt các món nợ oan nghiệt, đồng thời Ðức Chí Tôn mở ra con đường tu hành để độ rỗi tất cả các linh hồn, dầu nguyên sanh, hóa sanh hay quỉ sanh, nếu biết tu hành và lập công quả đầy đủ thì đắc đạo.

    Những linh hồn nào còn tiếp tục phạm tội thì Ðức Chí Tôn cho đến cõi Âm Quang để học đạo, có chư Tiên, Phật đến dạy đạo, để định tỉnh tinh thần mà ăn năn sám hối tội tình. Cõi Âm Quang do Ðức Chí Tôn mới lập ra ở Trung giới, bên trên là Thượng giới tức cõi Trời (Thiên đường, cõi Thiêng liêng Hằng sống), bên dưới là Hạ giới tức là các Ðịa cầu. Nơi cõi Âm Quang nầy, Ðức Ðịa Tạng Bồ Tát giáo hóa các Nam tội hồn, và Thất Nương Diêu Trì Cung giáo hóa các Nữ tội hồn.

    Những hồn nào học đạo tốt và biết giác ngộ thì được đi đầu kiếp nơi cõi trần để trả quả và lo tu hành, hầu được trở về cùng Chí Tôn.

    Em: Bát Nương tự xưng khi nói với Ðức Phạm Hộ Pháp.

    Giải thân định trí: Cởi bỏ thể xác, định tỉnh trí não tinh thần. Giải là cởi bỏ, định là giữ cho yên.

    Quan ải: Cái cửa tại biên giới để qua lại giữa hai nước.

    Ấy là cái quan ải, các chơn hồn qui Thiên phải đi ngang qua đó: Các linh hồn muốn đi lên cõi Trời thì phải đi qua cõi Âm quang, để nơi đây thanh lọc. Chơn hồn nào trong sạch, đạo đức, có đầy đủ công quả thì cho đi lên. Chơn hồn nào ô trược, tội lỗi thì phải ở lại đây để học đạo. Riêng tín đồ Cao Ðài, ai giữ đúng luật Ðạo, thì Ðức Chí Tôn đặc ân cho đi thẳng lên Cửu Trùng Thiên, có Cửu vị Tiên Nương dẫn đường, được từ từng Trời thứ nhứt lên đến từng Trời thứ 10 là Hư Vô Thiên, vào Ngọc Hư Cung, được các Ðấng xem xét công và tội. Công nhiều thì thăng và có phẩm vị tương xứng; tội nhiều thì trở về cõi Âm Quang học đạo.

  • 160. Dĩ hòa vi tiên

    160. Dĩ hòa vi tiên

    160. Ngày 11-4-1933 (âl 17-3-Quí Dậu)

    THƯỜNG CƯ NAM HẢI QUAN ÂM NHƯ LAI

    Thiếp mừng mấy em. Mấy em nghe à:

    Ðạo quí là tại HÒA. Các em nghĩ thử mà coi, tạo Thiên lập Ðịa cũng bởi Âm Dương hòa hiệp sanh hóa muôn loài, cũng bởi một chữ Hòa, đến đỗi như thân của người có tạng có phủ, tạng phủ ấy nếu chẳng hòa thì con người chẳng hề sống bao giờ.

    Kịp đến tâm hồn bất hòa thì thất tình lục dục đều phát khởi tranh ngôi với thần lương tâm, nếu kém lực thì con người ấy duy có sanh hoạt trong vòng vật dục, chớ chẳng hề biết Thiên lý là gì?

    Các em thử nghĩ, cái phẩm giá của kẻ ấy cao hèn là thế nào. Người chẳng có hòa là thế đó.

    Còn gia đình chẳng hòa thì cha con mích nhau, chồng vợ lìa tan, anh em ly tán. Còn trong luân lý chẳng hòa thì dân cư bất mục. Nước chẳng hòa thì sanh ly loạn. Còn cả thế giới bất hòa thì nhơn loại đấu tranh. Vì vậy, Thiếp khuyên các em dĩ hòa vi tiên. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Thần lương tâm: Lương tâm như là vị Thần làm chủ con người.

    Vật dục: Ham muốn về vật chất.

    Bất mục: Không thuận hòa với nhau.

    Dĩ hòa vi tiên: Lấy chữ Hòa làm trước.

  • 161. Con người có nên trái lòng Trời là Ðức Ðại Từ Phụ chăng?

    161. Con người có nên trái lòng Trời là Ðức Ðại Từ Phụ chăng?

    161. Ngày 21-4-1933 (âl 27-3-Quí Dậu)

    THƯỜNG CƯ NAM HẢI QUAN ÂM NHƯ LAI

    Thiếp chào các em.

    Các em có hiểu vì sao mà phải khai rộng lòng thương cho đến bác ái chăng?

    Vì vạn vật do Ðức Từ Bi mà sanh hóa trong cả thế gian. Vậy vạn vật đồng nhứt thể. Tánh háo sanh của Ðức Ðại Từ Bi cũng nhân đó mà vô biên vô giới. Còn chúng ta lại là một loài trong vạn vật, thì chúng ta cũng ở trong luật hóa sanh ấy.

    Vì vậy mà hễ giết một mạng sống thì đau lòng Ðức Ðại Từ Bi, mà hễ đau lòng Ðức Ðại Từ Bi thì Thiên sầu Ðịa thảm.

    Các em thử nghĩ, người tục có dám phạm đến oai Trời chăng?

    Cứ do đó thì ta đủ rõ rằng: Ta phải mở lòng bác ái, thương xuống đến các vật yếu hèn, một là tránh khỏi sa vào luật quả báo, vì luật Thiên điều chẳng hề vị ai. Tuy mắt thịt không bao giờ thấy được, chớ kỳ thiệt, một mảy lành dữ không qua được. Các em có lẽ hiểu câu: "Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu." Ấy là một lẽ, còn một lẽ nữa là người sanh trong cõi trần, Ðức Ðại Từ Bi ban cho một tánh tối linh hơn vạn vật, là có ý thay thế cho Người mà dìu dắt loài yếu hèn hơn.

    Các em thử xét, ở đời nếu cha phàm mà rủi có một đứa con bất hiếu thì có phiền chăng?

    Còn Ðức Ðại Từ Bi mà có con không lòng bác ái thì thế nào? Mà người có nên trái lòng Trời là Ðức Ðại Từ Phụ chăng? Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Ðức Từ Bi: Ðức Ðại Từ Bi: Ðức Chí Tôn.

    Vạn vật đồng nhứt thể: Muôn vật đều có cùng một thể cách như nhau, bởi vì đều có cùng một nguồn gốc sanh ra là Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.

    Mỗi vật đều có hai phần:

    - Phần hình thể hay thể xác là vật chất hữu hình,
    - Phần tinh thần vô hình là hồn.

    Phần tinh thần vô hình điều khiển phần thể xác hữu hình. Vạn vật tuy đồng nhứt thể nhưng chia ra nhiều đẳng cấp tiến hóa cao thấp khác nhau: Loài kim thạch ở cấp tiến hóa thấp nhứt, và nhơn loại ở cấp tiến hóa cao nhất, nên gọi là Thượng đẳng chúng sanh.

    Luật quả báo: tức là Luật Nhân Quả. Nhân nào quả nấy, không bao giờ sai chạy. Trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa (Chưởng đậu đắc đậu, chưởng qua đắc qua).

    Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu: Lưới Trời lộng lộng, thưa mà không lọt.

  • 162. Các em phải lo cúng kiếng thường.

    162. Các em phải lo cúng kiếng thường.

    162. Ngày 8-5-1933 (âl 14-4-Quí Dậu)

    QUANG minh chánh đại lập tâm thành,
    ÂM chất khả tu, Ðạo khả minh.
    BỒ liễu nhứt thân sanh biến hóa,
    TÁC thành kim thể đắc trường sanh.

    Chào các em.

    Các em phải lo cúng kiếng thường.

    1. Một là tập cho Chơn thần được gần gũi các Ðấng thiêng liêng cho đặng sáng lạn.
    2. Hai là cầu khẩn với Ðức Ðại Từ Bi tha thứ tội tình cho các em và cả chúng sanh.
    3. Ba là có tế lễ thì tâm phải có cảm, cảm rồi mới ứng, ứng là lẽ tự nhiên.
    4. Bốn là tâm có cảm thì lòng bác ái mới mở rộng mà nhứt là khiếu lương tri lương năng của các em cũng nhờ đó mà lần hồi thành ra mẫn huệ.

    Các em nhớ à!

    Còn việc phổ độ, các em chớ nên vội quá, mà cũng chẳng nên biếng nhác quá.

    Các em mỗi đứa phải để lòng vào đó thì mới có cảm động đến Ðức Ðại Từ Bi và có để lòng lo thì mới thành. Dầu một việc nhỏ mọn ở thế gian nầy cũng phải vậy. Huống chi Ðại Ðạo là việc cứu vớt cả chúng sanh đương chìm đắm trong biển trầm luân kia.

    Các em rán noi theo lời Thiếp thì có ngày được vinh diệu. Cái vinh hoa ấy ở thế gian chẳng hề có đặng. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài thi Hán văn, Ðức Quan Âm Bồ Tát khoán thủ: Quang Âm Bồ Tác, đồng âm chớ không đồng chữ, viết ra chữ Hán sau đây:

    QUANG minh chánh đại lập tâm thành, 光明正大立心誠
    ÂM chất khả tu, Ðạo khả minh. 陰騭可修道可明
    BỒ liễu nhứt thân sanh biến hóa, 蒲柳一身生變化
    TÁC thành kim thể đắc trường sanh. 作成金體得長生

    GIẢI NGHĨA:

    - Sự quang minh chánh đại lập được cái tâm thành thật,
    - Khá tu âm chất, khá học đạo cho tỏ tường.
    - Người phụ nữ nầy một thân chuyển sanh biến hóa trong nhiều kiếp,
    - Tạo thành Chơn thần huyền diệu được trường sanh (tức là đắc đạo).

    Kim thể: Mình vàng, là Chơn thần của Phật, ý nói Chơn thần huyền diệu của người đắc đạo.

    Sáng lạn: Sáng rực, chữ Hán là Xán lạn: Rực rỡ.

    Khiếu lương tri lương năng: Sự hiểu biết và sự tài giỏi vốn có của mỗi người do Trời phú cho, không cần học tập mà có, để nhận biết và làm điều tốt lành. Sách Nho có câu: "Nhân chi sở bất học nhi năng giả, kỳ lương năng giả, sở bất lự nhi tri giả, kỳ lương tri giả." Nghĩa là: Người không học mà giỏi là Lương năng; không suy nghĩ mà biết là Lương tri.

    Mẫn huệ: Sáng suốt, thông hiểu sự lý.

  • 163. Một cái dấu bỏ ra cũng chẳng đặng.

    163. Một cái dấu bỏ ra cũng chẳng đặng.

    163. Hội Thánh Ngoại Giáo (Kim Biên)
    Ðêm 26-5-1933 (âl 3-5-Quí Dậu), 12 giờ 35.

    CHƯỞNG ÐẠO NGUYỆT TÂM ou
    VICTOR HUGO

    Chào chư Ðại Thiên phong, chư hiền hữu, chư hiền muội.

    Phàm Pháp luật lập thành đều tùy sở dụng, buộc kẻ chung công hiệp trí tác thành một cơ sở vĩ đại, đông tây tương thân tương ái. Bởi cớ mà Luật pháp vẫn nhiều mặt đặc biệt cùng nhau, tùy theo phương dụng, chẳng thế dùng một mặt Luật pháp nào mà thay thế vào một cơ sở khác hành vi cho đặng. Cần thì mới lập, còn vô ích thì bỏ.

    Vậy các Luật pháp của Chí Tôn đã đào tạo đều hữu ích cho cơ quan hành động cho Chánh giáo của Người. Một cái dấu bỏ ra cũng chẳng đặng. Hễ tùng thì Ðạo thành, còn nghịch thì Ðạo diệt.

    Cả thảy Hội Thánh chưa ai đặng quyền ra khỏi ngoại luật. Chúng ta vâng theo mới đắc thành quyền hành Hội Thánh. Thảng có một người nghịch thì làm rối loạn chơn truyền.

    Kẻ nghịch cùng thế đạo thì tội trục ngoại xã hội hay là diệt tàn cho khỏi lưu hại, còn kẻ nghịch cùng Ðạo pháp thì tội trục ngoại Thánh Thể Chí Tôn hay là có ngày quyền thiêng liêng diệt thác.

    Chúng ta từ đây coi kẻ phạm Pháp luật như thù địch của Ðạo, dùng phương trừ khử.

    Bần đạo đã thọ sắc lịnh Ngọc Hư lo chuyển pháp thì không phương tha thứ điều phạm bao giờ.

    Từ đây, Hội Thánh Ngoại Giáo giữ nghiêm Pháp luật.

    Bần đạo xin để lời cầu khẩn cùng Giáo Tông và Hộ Pháp cũng để lòng lo phương thế trừ hại, đừng vì bác ái từ bi vị nể. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Chưởng Ðạo Nguyệt Tâm ou Victor Hugo: Nguyệt Tâm Chơn Nhơn, hay Victor Hugo, Chưởng Ðạo Hội Thánh Ngoại Giáo. Ngài là một vị Thánh trong Tam Thánh đứng đầu Bạch Vân Ðộng, viết tiếng Pháp, công bố Bản Ðệ Tam Thiên Nhơn Hòa Ước giữa Trời và Người trong thời Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Chơn linh Ngài đầu kiếp ở nước Pháp là văn hào Victor Hugo (1802-1885).

    Sở dụng: Cái công dụng quan trọng của nó.

    Diệt tàn: Tiêu diệt cho mất hết.

    Diệt thác: Tiêu diệt cho chết mất.

    Thọ sắc lịnh Ngọc Hư: Nhận lãnh mệnh lệnh của Ngọc Hư Cung nơi cõi thiêng liêng. Ngọc Hư Cung là cơ quan cai trị toàn cả CKTG.

  • 164. Cửu Trùng không kế an thiên hạ, phải để Hiệp Thiên đứng trị vì.

    164. Cửu Trùng không kế an thiên hạ, phải để Hiệp Thiên đứng trị vì.

    164. Tây Ninh (Phạm Môn),
    Ngày 12-2-1934 (âl 29-12-Quí Dậu)

    BÁT NƯƠNG

    Mầng nhau vì thấy giúp nên nhau,
    Mầng Ðạo từ đây đẹp vẻ màu.
    Mầng xác Chí linh thêm mãnh lực,
    Mầng thần Chơn lý đặng danh cao.
    Mầng duyên nhân loại đường tu vững,
    Mầng phước nguyên hồn chẳng chút hao.
    Mầng Ðạo từ nay nâng thế giới,
    Mầng nền Chánh giáo trở thanh cao.

    Em an dạ, từ đây đã quan kiến sự kết cuộc của Chí Tôn đã định trước.

    Em nhớ lại, khi Ngọc Hư định cho Hiệp Thiên Ðài cầm số mạng nhơn sanh, lập thành Chánh giáo thì Ðại Từ Phụ lại trở pháp, giao quyền ấy cho Cửu Trùng Ðài.

    Cả Ngọc Hư chư Thần, Thánh, Tiên, Phật đều ngạc nhiên sự lạ. Ðại Từ Phụ phổ giáo rằng: Hay! Hay! Không lẽ để phận hèn, ngày sau sẽ rõ Thánh ý Người quyết liệu.

    LỤC NƯƠNG Diêu Trì Cung

    Em chào mấy anh. Em đương ở Ngự Quan Cung, Bát Nương đến cho hay rằng mấy anh đương ngưỡng nghĩa, nên vội vã đến hầu.

    Khi mơi nầy, em đặng tin lành: Ngọc Hư lo chuyển pháp. Cả Thiên thơ hủy phá, sửa cải pháp chơn truyền.

    Chư Thần, Thánh, Tiên, Phật vui mừng chẳng xiết. Diêu Trì Từ Mẫu đẹp dạ không cùng, nhưng vì cái mừng ấy mà làm cho Người đổ lụy, ngâm bài than nầy:

    Vú mẹ chưa lìa đám trẻ con,
    Ðộ sanh chưa rõ phận vuông tròn.
    Quyền cao Ngự Mã là vinh bấy,
    Phận mỏng Hiệp Thiên biết giữ còn.
    Lợt điểm Thánh tâm trần tục khảo,
    Vẻ tươi bợn thế nét dò đon.
    Thà xưa ví bẳng nay gìn vậy,
    Lòng Mẹ ngại ngùng, con hỡi con!

    Nhị ca ôi! Bài thi làm cho cả Cung Diêu Trì đổ lụy. Mấy anh nên lấy nó làm phép hằng tâm, thì bước vinh diệu thiêng liêng không lạc nẻo.

    Anh Qu . . . Th . . ., lịnh Quan Âm dạy anh ẩn nhẫn, đợi Người lo giúp. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Phạm Môn: Phạm là Phật, môn là cửa. Phạm môn là Cửa Phật. Phạm môn là cơ quan Tu Chơn (không có phẩm tước Chức sắc như Cửu Trùng Đài hay Hiệp Thiên Đài) do Ðức Hộ Pháp lập ra theo Thánh ý của Ðức Chí Tôn trong bài thi:

    Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm môn,
    Khuyến tu hậu nhựt độ sinh hồn.
    Vô lao bất phục hồi chơn mạng,
    Tỉnh thế kỳ thân đắc chánh tôn.

    Xác Chí linh: Xác thể của Ðức Chí Tôn, chỉ các Hội Thánh Cửu Trùng Đài. Cho nên các Chức sắc Cửu Trùng Đài từ phẩm Giáo Hữu đổ lên gọi là hàng Thánh Thể của Ðức Chí Tôn.

    Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài gồm ba Ðài:

    - Cửu Trùng Đài là phần xác của Ðạo,
    - Hiệp Thiên Đài là phần Chơn thần của Ðạo,
    - Bát Quái Đài là phần linh hồn của Ðạo.

    Ðức Chí Tôn là chủ của Bát Quái Đài.

    Nguyên hồn: Linh hồn của Nguyên nhân.

    Quan kiến: Xem xét thấy. Quan là xem xét, kiến là thấy.

    Trở pháp: Chuyển pháp trở lại. Khi trước, các Ðấng Trọn lành nơi Ngọc Hư Cung định cho Hiệp Thiên Đài lập thành Chánh giáo, cầm quyền nền Ðạo. Nhưng sau đó Ðức Chí Tôn chuyển pháp trở lại, để cho Cửu Trùng Đài đứng ra lập Ðạo và cầm quyền điều khiển nền Ðạo, cứu độ nhơn sanh.

    Phổ giáo: Dạy khắp cả. Phổ ra bày ra khắp nơi.

    Nhị ca: Thuở đầu tiên, lúc mới xây bàn, Thất Nương giáng bàn xướng họa thi văn với quí Ông: Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang. Ông Cư xin kết nghĩa anh em với Cô. Thất Nương bằng lòng và gọi: Ông Cư là Ðại ca (anh cả), Ông Tắc là Nhị ca (anh hai) và Ông Sang là Tam ca (anh ba), còn Cô là Tứ muội (em gái thứ tư). Do đó, Cửu vị Tiên Nương Diêu Trì Cung theo Thất Nương mà gọi ba Ông như thế.

    Ngưỡng nghĩa: Trông chờ với tình nghĩa tốt đẹp.

    Ngọc Hư lo chuyển pháp. Cả Thiên thơ hủy phá, sửa cải chơn truyền. Trước đây, Ðức Chí Tôn đã trở pháp giao quyền cho Cửu Trùng Đài, nhưng Cửu Trùng Đài bất lực, không làm xong nhiệm vụ, nên Ngọc Hư Cung phải chuyển pháp trở lại, giao quyền cho Hiệp Thiên Đài điều đình nền Ðạo. Ðây là Ngọc Hư Cung chuẩn bị giao quyền Chưởng quản Nhị hữu hình Ðài cho Ðức Hộ Pháp, nhưng vì Ðức Quyền Giáo Tông chưa đăng Tiên nên phải chờ.

    Ðến ngày 13-10-Giáp Tuất (dl 19-11-1934), Ðức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung qui Thiên, Ðức Lý Giáo Tông mới giao quyền Giáo Tông tại thế cho Ðức Hộ Pháp, để Ðức Hộ Pháp Chưởng quản Nhị hữu hình Ðài, trọn quyền điều khiển nền Ðạo cho được kết quả tốt đẹp và mau chóng.

    Phần Thi Văn Dạy Ðạo có bài thi:

    Bắt ấn trừ yêu đã tới kỳ,
    Ngọc Hư định sửa mối Thiên thi.
    Cửu Trùng không kế an thiên hạ,
    Phải để Hiệp Thiên đứng trị vì.
    Thành pháp dìu đời qua nẻo khổ,
    Nên công giúp thế lánh cơn nguy.
    Quyền hành từ đấy về tay nắm,
    Phải sửa cho nên đáng thế thì.

    Ngự Mã: Ngự Mã Thiên Quân, là Ðấng Hộ Giá Ðức Chí Tôn mỗi khi Ðức Chí Tôn ngự hành. Ngự Mã Thiên Quân vâng lịnh Ðức Chí Tôn giáng trần là Hộ Pháp Phạm Công Tắc.

    Dò đon: Dò hỏi thăm chừng cho biết.

    Nét dò đon: Những nét còn ngờ, chưa biết.

  • 165. Thất Nương giải nghĩa cõi Âm quang

    165. Thất Nương giải nghĩa cõi Âm quang

    165. Ngày 21-5-1934 (âl 9-4-Giáp Tuất)

    THẤT NƯƠNG Diêu Trì Cung

    Tiếc thay, Em có dặn trước ngày Em đến, đặng hội hiệp đông đủ cùng nhiều chị, nhưng phò loan trễ nãi, nên Em không phương gặp đặng, nhất là việc Diêu Trì Cung bị mượn danh nơi khác mà dối gạt nhơn sanh.

    Cái hại ấy vốn chẳng vừa về phần tín ngưỡng. Chớ chi thất tại Tà quyền thì có mấy em trừ khử, nhưng tại nơi đồng tử, thì mấy em không phương giải nạn cho mấy người mê tín.

    Thưa cùng mấy chị,

    Em xin nhắc nhở điều nầy: Ngày hội Ngọc Hư đặng lo phương tiếp pháp của Tây Phương Cực Lạc qua, Em đã đặng nghe thấy những lời của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát than thở rằng: Ngài là Phật nên khó gần gũi các hồn Nữ phái mà khuyến giáo cơ giải thoát mê đồ. Bởi cớ, nơi Âm quang, Nữ hồn còn bị luyện tội nhiều hơn Nam phái bội phần.

    Em lại nghe Người ước rằng: Chớ chi có một Ðấng Nữ Tiên dám đảm đương đến phổ tế mới mong tận độ chư vong của Phong đô thoát kiếp.

    Em mới để dạ lo lường, cả lòng lân ái đến đó. Em đã chán thấy nhiều tội tình chẳng trọng hệ, song có hồn chịu sầu thảm lạ thường. Em đã liệu nhiều phương thế cho từ đây mấy chơn hồn có bề dễ tránh khỏi cửa Âm quang hãm tội.

    Em nên nói rõ Âm quang là gì trước đã, rồi mấy chị mới hiểu đặng.

    Âm quang là nơi Thần Linh Học gọi là nơi Trường đình của chư hồn giải thể hay nhập thể.

    Ðại Từ Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là Tịnh Tâm Xá, nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm xét mình, coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội.

    Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình. Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm quang.

    Nói cho cùng, nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình, mà phút chót biết ăn năn tự hối, cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi thì cũng lánh xa cửa Âm quang, lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn, là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.

    Ôi! Tuy vân, hồng ân của Ðại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy. Ðó là mấy đạo hữu tín đồ bị thất thệ.

    Em trông thấy bắt đau lòng, phái nữ lại là phần đông hơn hết. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Tiếp pháp: Tiếp nhận pháp luật của CLTG ở phía Tây.

    Cơ giải thoát mê đồ: Cách thức giải thoát khỏi con đường mê muội.

    Luyện tội: Hành tội nhiều lần.

    Tận độ chư vong của Phong đô thoát kiếp: Cứu giúp tất cả chơn hồn, không sót người nào, thoát khỏi cõi Âm quang.

    Lân ái: Thương xót. Lân cũng đọc Liên là thương xót.

    Trường đình: Nơi dừng chân sau khi đi một quãng đường dài. Trên con đường thiên lý, khi đi một đoạn đường ngắn thì người ta dựng ở bên đường một cái trạm nghỉ chân, gọi là Ðoản đình, khi đi một quãng đường dài thì người ta dựng bên đường một cái trạm nghỉ chân gọi là Trường đình.

    Giải thể: Linh hồn cởi bỏ thể xác.

    Nhập thể: Linh hồn nhập vào thể xác.

    Tịnh Tâm Xá: Cái nhà mà linh hồn đến đó để lắng đọng tâm tư tự xét mình, xem trong kiếp sanh của mình nơi cõi trần đã làm được bao nhiêu phước, và gây ra bao nhiêu tội.

    Tuy vân: Tuy rằng, dẫu rằng, dầu là.

    Sa đọa: Rơi xuống chỗ thấp và bị đọa đày.

    Thất thệ: Mất lời thề, tức là không giữ đúng lời thề lúc nhập môn cầu Ðạo. Cho nên việc lập Minh Thệ lúc nhập môn cầu Ðạo rất quan trọng, nếu giữ đúng lời thề thì được hưởng ân huệ của Ðức Chí Tôn cứu giúp, nếu thất thệ thì bị đọa vào cõi Âm quang.

  • 166. Ðồng tử phò cơ của Ðức Chí Tôn

    166. Ðồng tử phò cơ của Ðức Chí Tôn

    166. Ngày 20-7-1934 (âl 9-6-Giáp Tuất)

    THẦY

    Các con, . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

    Hồi trước còn ngu xuẩn, kẻ phò cơ không đủ tinh thần như mấy con. Vậy nên, mỗi khi cầu cơ, lấy làm khó nhọc lắm mới được một vài lời của người khuất mặt. Như đồng thật mê thì ra thi hay, song khi rồi đàn thì Thần của nó phải suy. Nếu dùng đồng mê thì Ðạo biết bao giờ phổ thông đặng.

    (Hỏi về việc nhập xác)

    Chơn thần của các con gặp Tà khí thì khó chịu, nên xin Thầy xuống điển nhiều đặng ngăn Tà mị, một đôi khi phải nhập xác vì điển xuống nhiều. Cũng một lẽ ấy mà mỗi lần lập thệ đều có nhập xác.

    THẦY

    Các con,

    Thầy khen đạo tâm của hai con. Trước Thầy chỉ biểu hai con cứu bịnh trong đạo hữu mà thôi, là vì Thầy có ý để cho hai con liệu mà đối đãi với nhơn quần.

    Lòng nhân của hai con mà Thầy vốn rõ rất hạp với tánh háo sanh của Tạo hóa. Chẳng những phải cứu trợ kẻ ngoại Ðạo mà lại cứu kẻ nghịch cùng mình trong cơn nguy biến. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Bài Thánh Ngôn trên có trong Thánh Ngôn chép tay của Ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu, trang 11 và 15. Phò loan: Bảo Pháp - Hiến Pháp.

    Ðồng thật mê: Ðồng tử thật mê, tức là đồng tử hoàn toàn ở trạng thái không biết gì hết, vì Chơn thần của đồng tử hoàn toàn xuất ra khỏi thể xác để nghe các Ðấng thiêng liêng dạy bảo, rồi điều khiển cánh tay theo điển lực thiêng liêng mà viết ra bài thơ bài văn, nên thơ văn nầy hoàn toàn của Ðấng thiêng liêng, nên tuyệt hay và rất cao siêu.

    Ðồng tử là người làm trung gian để người ở cõi trần có thể thông công được với chư Thần, Thánh, Tiên, Phật; và ngược lại, cũng để cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật truyền ra những tư tưởng đạo đức dạy bảo nhơn sanh.

    Song khi rồi đàn thì Thần của nó phải suy: Thần là Chơn thần của đồng tử. Chơn thần nầy vì xuất ra khỏi thể xác một cách trọn vẹn, nên sau buổi cầu cơ xong thì phải mệt.

    Khi mở Ðạo Cao Ðài, Ðức Chí Tôn không dùng đồng tử mê, mà dùng đồng tử tỉnh, để Chơn thần của đồng tử không mệt, nên có thể ngồi thủ cơ liên tục cho các Ðấng giáng cơ dạy Ðạo.

    Ðức Chí Tôn dùng đồng tỉnh và giáng vào tâm của đồng tử, làm cho tâm của đồng tử hiểu được Thánh ý của Ðức Chí Tôn rồi điều khiển tay viết ra ý đó.

    Cho nên Ðức Chí Tôn lựa đồng tử rất kỹ, phải là những chơn linh cao trọng đầu kiếp xuống trần mới được Ðức Chí Tôn lựa làm đồng tử.

  • 167. Lợi danh thường tình là nhỏ, danh giá Ðạo là trọng.

    167. Lợi danh thường tình là nhỏ, danh giá Ðạo là trọng.

    167. Ngày 24-8-1934 (âl 15-7-Giáp Tuất)

    CAO THƯỢNG PHẨM

    Hồi Em còn ở thế, sức giận của Em đến đỗi, nếu Em được thiêng liêng vị tức cấp, thì có lẽ cây quạt của Em đã đưa họ trụm vào Phong đô không sót một ai.

    Nhưng chừng bỏ xác phàm, được nhãn huệ quang rồi, Em lại thương đau thương đớn, dường như sợ cho họ sái đường lạc nẻo, thì phải mất một bạn thiêng liêng rất quí trọng vậy. Thành thử, phải dìu dắt chiều theo tâm phàm họ cao thấp mà sửa từ bước, độ từ chặng, mà nếu rủi dìu họ không được thì phải tận tụy với trách nhiệm, làm thế nào cho họ đừng sa đọa Phong đô, để cầu với Tam Giáo Tòa cho tái kiếp mà chuộc căn quả.

    Thế, anh có vì việc nhỏ nhen vô vị mà nỡ ngó Ðạo chinh nghiêng à?

    Trách nhậm là trách nhậm, cá nhơn là thứ chi, phải biết nguồn cội là gốc, thì mới tránh khỏi thường tình đặng.

    Các Ðấng thiêng liêng đã thường nói: Lợi danh thường tình là nhỏ, danh giá Ðạo là trọng. Ðãi người một bực, bất kể tên gì, chịu thiệt thòi mà làm phận sự.

    Trễ nãi của bước Ðạo thế nầy thì Thầy có khổ tâm khai Ðạo cho chúng ta độ rỗi sanh linh đâu. Sự trễ nãi là sự phàm tâm của ta, anh cũng cần nên đoạn khổ cho người, chớ nên tạo khổ cho ai.

    Ðường đời là bến sông mê, thoát mê thoát khổ được, ai lại còn mang đeo thằng phược vào mình mà để cho loạn tâm mệt trí về nơi đó, chẳng uổng kiếp sanh lắm ru? Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Em: Ðức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư tự xưng đối với Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, vì Ngài Cao quỳnh Cư là em ruột của Ngài Cao quỳnh Diêu.

    Cây Quạt của Em đã đưa họ trụm vào Phong đô: Cây Quạt của Ðức Cao Thượng Phẩm là Long Tu Phiến, rất huyền diệu, đưa các Chơn thần trong sạch siêu nhập vào CLTG, và đẩy Chơn thần ô trược đi xuống cõi Âm quang. Trụm là đưa hết tất cả trọn một lần. Phong đô là cõi Âm quang.

    Nhãn huệ quang: Cặp mắt trí huệ của người đắc đạo, không còn bị các chướng ngại phàm trần che đậy.

    Cá nhơn là thứ chi: Ý nói: Cái cá nhơn của người tu không đáng kể, cái quan trọng là lo cho danh thể của Ðạo.

    Thằng phược: Thằng là sợi dây, phược là trói buộc. Thằng phược là lấy dây mà trói buộc.

  • 168. Tòa Thánh là gốc cội của Ðạo.

    168. Tòa Thánh là gốc cội của Ðạo.

    168.Ngày 25-8-1934 (âl 16-7-Giáp Tuất)

    THÁI THƯỢNG ÐẠO TỔ

    Hỉ chư đạo hữu. Cười . . . .

    Có lẽ chư đạo hữu vẫn ngạc nhiên vì Bần đạo đến thình lình, mà chư đạo hữu không để tâm trước đó chăng?

    (M. Ng . . bạch: Quả nhiên như lời của Ngài, vì Thượng Phẩm có để lời trước rằng Chí Tôn sẽ giáng dạy.)

    Chí Tôn sở cậy Bần đạo thố lộ chút ít điều mật yếu để dìu bước chư đạo hữu trong buổi loạn lạc trong nền Ðạo buổi nầy.

    M. Ng . . hiền hữu có nhớ những lời Bần đạo đã giãi bày lúc trước bằng nhiều cách và lấy danh từ khác nhau mà dìu dẫn chăng?

    Cơ Trời mầu nhiệm đối với Ðời, mà máy Thiên cơ đối với Ðạo, lại càng huyền vi thâm trọng hơn nữa, có lẽ tâm phàm dầu cao kiến đến đâu cũng chưa đạt thấu được. Những vai tuồng của Chí Tôn sắp đặt trên sân khấu Ðạo, nếu so sánh lại chẳng khác chi những bậc Nguyên nhân lãnh phận sự dìu đời từ xưa đến nay mà thôi.

    Muốn an tâm tỉnh trí và đè nén lửa lòng, cần phải có một nghị lực vô biên, một tâm trung quảng đại, thì mới khỏi bực tức với những trò đã vì mạng lịnh thiêng liêng phô diễn ở nơi thâm hiểm nặng nề nầy.

    Nên biết rằng, mỗi việc chi đều có hạn định, có căn nguyên, dầu các bậc tiền bối cũng vậy. Phải lấy nét đạo đức mà đoán xét thì mới hiểu thấu sự mầu nhiệm vĩ đại của Chí Tôn sắp đặt.

    Xưa Hớn Bái Công chưa phải là chánh đáng một vị minh quân, mà cơ Trời vẫn để cho nghiệp Hớn 300 năm quyền bỉnh. Nào tật đố hiền tài, hữu thỉ vô chung, nghe lời sàm tấu, giết người lao công hạn mã, nếu chẳng phải chí của Trương Lương thì không thế nào khỏi xung tâm oán trách.

    Võ Tắc Thiên hoang dâm thái thậm, Tùy Dương Ðế lỗi đạo muôn phần, khi Sở Hạng bạo ngược vô biên, Tần Thủy Hoàng hôn quân cực điểm, nhưng than ôi! máy Thiên cơ buổi nọ, nếu phải chiều chuộng một ít vị công thần bị khép vào vòng những kẻ đã chịu sở bức, thì phải thay đổi, bôi xóa sự nghiệp non sông của những chúa tể ngu muội ấy chăng?

    Cười . . . Ðời là đời, Ðạo cũng vậy, chi chi cũng có định phân mực thước. Những kẻ chí sĩ lãnh trách nhậm nghiêng vai gánh vác cả non sông đều làm phận sự. Công nghiệp nhiều ít ấy, tính lời vốn với Tòa thiêng liêng, hoặc ghi tên tuổi vào thanh sử thiên niên, chớ chẳng phải để kể công trình với chúa tể ấy.

    Than ôi! Cái nư giận thường làm đổ nát những công sáng tạo đã qua, không biết bao nhiêu vĩ đại.

    Hiền hữu chỉ biết hành động của người mà chưa biết đến Thiên thơ của Ðức Chí Tôn. Có biết thạnh suy mà chưa chịu biết để công linh đào tạo thời thế, đặng dìu dắt chúng sanh cho kịp buổi.

    Bần đạo hỏi bốn hiền hữu có ai đã mang sao đội nguyệt, ăn mật nằm gai, chịu muôn sự khổ hạnh cõi đời để tạo hạnh phúc cho nhơn sanh chưa?

    (T. . . Ð. . . bạch: . . . . . . . . .)

    Cười . . . . Ðối với bực hiền xưa, chưa đặng muôn một. Nếu Chí Tôn không sớm lập Ðại Ðạo, chờ đôi ba chục năm nữa, e khi các bậc Nguyên nhân đang vị hiện thời đều phải chịu luân hồi không biết mấy kiếp.

    Ngày giờ nhặt thúc, sanh chúng đương bơ vơ, chẳng biết đuốc huệ soi về phương nào, mảng nói nói cười cười. M. Ng . . hiền hữu có rõ ngày chung cuộc xây trở về đâu chăng?

    - Chắc hẳn không, nhưng thiêng liêng vị, xin hiền hữu cũng nhớ để công tâm, trí não vào chúng sanh với, hiền hữu chịu chăng? (M. Ng . . bạch: . . . . . )

    Cười . . . Trách nhậm là trách nhậm, muốn làm thì dầu bao nhiêu cũng gọi là thiếu, dầu ngày nào cũng gọi chẳng sớm, sớm là sớm nơi cái tâm bất định mà thôi. Chí Tôn đã vì nỗi con cái của Ngài mà sửa chỉnh bước đường, thì hiền hữu lại há không vì sự yêu đương quí hóa ấy mà sửa đổi tâm trí cho quảng đại sao?

    Tà Chánh, cười . . . . Bần đạo nói thiệt cũng chưa dám định đoạt. Trong cái rủi thường có sự may; trong cái may vẫn khép cầm sự rủi, khó lường được. Ðiều cần là nên làm mà thôi.

    Nếu luận Tà Chánh thì chưa một ai dám còn mang mắt phàm xưng tụng mình là Chánh. Cái Tà vì Thiên thơ xử dụng, Tà vì cơ thử thách của Tam Giáo Tòa, Tà vì những quỉ xác ma hồn lẫn lộn của Quỉ vương để làm cho công phu lỡ dở. Mỗi cái Tà có duyên cớ ấy, ngày sau đều có sự biến đổi thiêng liêng hoặc có một kết quả.

    Ngày chung qui chỉ đem về Thầy một chữ Tâm và những công nghiệp đã gây thành cho sanh chúng.

    Nền Ðại Ðạo đã chia ba, theo lời Bần đạo đã nói, M . Ng . . hiền hữu muốn lập công nơi nào? Tòa Thánh, Trung Ương, Hậu Giang?

    (M. Ng . . bạch: Nơi Tòa Thánh).

    Tòa Thánh là gốc cội của Ðạo. Nếu muốn lập công nơi đó, vì Thầy đã dạy, thì nên làm đi. Cách xây đổi phương lược tùy cơ ứng biến. Ấy là cơ nghiệp riêng của mỗi đạo hữu, Bần đạo không dám dạy. Nếu chờ thì phải trễ chăng?

    Hiền hữu nên xét, Ðời khác, Ðạo khác, những sự lỗi lầm của mình tạo khổ cho mình, mà nguyên nhơn vẫn cứ huyền bí, mắt thịt tâm phàm chưa dễ độ đặng, nên xét cho ra. Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    M. Ng . . .: Mỹ Ngọc, hiệu của Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao quỳnh Diêu.

    T . . . Ð . . .: Tiếp Ðạo, Ngài Tiếp Ðạo Cao Ðức Trọng.

    Sở cậy: Trông cậy vào.

    Quyền bỉnh: Quyền bính, quyền hành nắm trong tay cũng như nắm cái cán của một vật mà vận dụng.

    Tật đố hiền tài: Ghen ghét người có tài năng đạo đức.

    Hữu thỉ vô chung: Có lúc bắt đầu mà không có lúc cuối cùng, ý nói người có lòng dạ đổi thay, không chung thủy.

    Lao công hạn mã: Người có công lớn nơi chiến trường. Hạn mã là ngựa đổ mồ hôi. Hớn Bái Công giết người lao công hạn mã là ý nói giết chết Hàn Tín.

    Xung tâm: Giận lắm, lòng giận hờn dữ dội.

    Tòa thiêng liêng: Tòa Tam Giáo thiêng liêng nơi Ngọc Hư Cung cân phân tội phước để định phận cho mỗi chơn hồn.

    Thanh sử thiên niên: Sử xanh ngàn năm.

    Công linh: Công lênh, công sức vất vả làm việc.

    Mang sao đội nguyệt: Cảnh sống vất vả, dãi gió dầm mưa, màn trời chiếu đất. Ăn mật nằm gai: Ý nói: Chịu đựng mọi gian khổ để mưu việc lớn.

    Ðuốc huệ: Cái trí huệ của người tu đạt được như một ngọn đuốc làm biến mất vô minh, soi đường cho sanh chúng.

    Nền Ðại Ðạo đã chia ba: Giữa năm 1934, nền Ðạo chia làm ba nhóm lớn:

    - Tòa Thánh Tây Ninh là gốc,
    - Phái Minh Chơn Lý của Phối sư Thái Ca Thanh ở tỉnh Mỹ Tho (Trung Ương),
    - Phái Minh Chơn Ðạo của Cao triều Phát ở Bạc Liêu (Hậu giang).
  • 169. Ném thử Giáng Ma đóng Cửu tuyền

    169. Ném thử Giáng Ma đóng Cửu tuyền

    169. Hộ Pháp Ðường,
    Ngày 13-11-1935 (âl 18-10-Ất Hợi)

    LÝ THÁI BẠCH

    Lão chào Hộ Pháp, chư Chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Hội Thánh Ngoại Giáo.

    Ðợi Lão biểu Cao Thượng Phẩm nâng loan. (buông cơ) Lão đến tư đường của Hộ Pháp nên cho miễn lễ, đứng hết.

    Hộ Pháp, hèn lâu Lão không đến chuyện vãn cùng nhau đặng, một là vì không cơ bút, hai là vì Thiên thơ biến chuyển, Lão có đến cũng chẳng ích gì.

    Nay vì Lễ Ðạo Triều, nên đến chúc mừng chư hiền hữu. Lão để lời cám ơn Hộ Pháp đã chịu lắm phen nhọc nhằn khổ não làm cho Ðạo ngày nay đặng ra thiệt tướng. Lão chỉn thẹn có một điều là Lão chưa giúp hay vào đó. Lão đa tạ, đa tạ!

    (Hộ Pháp bạch: . . . . . . . . . . . . . .)

    - Cười . . . Lão chẳng nói rõ, hiền hữu cũng thấy hiển nhiên rằng từ thử, thảng Lão có muốn nên cho Ðạo đi nữa thì cũng không thi thố chi đặng với một Hội Thánh hữu hư vô thiệt, như vậy có phải?

    May thay! Thiên thơ do một mặt chẳng chi dời đổi trở ngăn, nên may ra nữa, từ đây Lão có phương cầm quyền trị thế.

    (Hộ Pháp bạch: Thiên thơ đã đổi, đệ tử xin giao quyền hành của Quyền Giáo Tông lại cho Ngài đặng Ngài đủ oai cầm Thiên thơ vững chặt).

    - Cười . . . Lão e cho, một là Lão đã cho, không lẽ lấy lại, hai là hành pháp thì dễ, hành hình thì khó, không có nửa quyền trị thế của Lão nơi tay Hộ Pháp, có thế nào điều hành Hội Thánh cho đặng. Ấy vậy, cứ để y. Nghe thi nầy và kiếm hiểu:

    Bát Nhã từ đây vững lái thuyền,
    Tuông pha khổ hải độ nhơn duyên.
    Gay chèo thoát khổ đầy linh cảm,
    Rạch nước trừ oan đủ diệu huyền.
    Thổi thẳng cánh buồm thì Lão thủ,
    Nâng an lòng bản cậy Thần, Tiên.
    Phong ba mấy độ đà qua khỏi,
    Ném thử Giáng Ma đóng Cửu tuyền.
    Thăng.

    CHÚ THÍCH:

    Lễ Ðạo Triều: Lễ Kỷ niệm ngày Khai Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ hằng năm vào ngày 15 tháng 10 âm lịch.

    Hữu hư vô thiệt: Có hư mà không có thực, tức là xem như không có gì cả, hoàn toàn không có giá trị.

    Hành pháp: Thi hành pháp luật, tức là chiếu theo pháp luật mà làm. Hành hình: Thi hành hình phạt.

    Ném thử Giáng Ma đóng Cửu tuyền: Câu nầy nói về Ðức Phạm Hộ Pháp, dùng bửu pháp Giáng Ma Xử để đóng cửa Ðịa ngục, theo lịnh của Ðức Chí Tôn trong thời Ðại Ân Xá.